April 26, 2024, 7:05 am

Khơi dậy khát vọng cống hiến, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam

Hội nghị trực tuyến nhằm định hướng, góp ý dự thảo, hướng đến mục tiêu khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam; từng bước xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp và người dân để tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững; từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm thì nhiệm vụ thứ tư là xây dựng văn hóa con người Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ cho ngành VHTTDL phải tập trung cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này. Vì vậy trong thời gian qua, bên cạnh học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng đề cương để tiến hành tổng kết chiến lược văn hóa và xây dựng chiến lược văn hóa mới mà nội hàm trọng tâm chính là phải đảm bảo được mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra là khơi dậy và phát huy khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trong đó văn hóa được xác định là động lực của sự phát triển, là yếu tố nội sinh, đồng thời mục tiêu xây dựng văn hóa phải hướng tới xây dựng con người Việt Nam theo hướng Chân Thiện Mỹ. Đồng thời Bộ đã tiến hành xin ý kiến các đơn vị, địa phương, đến nay trên 50% tỉnh, thành ủy ký công văn góp ý xây dựng Chiến lược. Bộ VHTTDL đang tiếp cận những ý kiến hợp lý nhất để hoàn thiện lại Chiến lược. 

Khơi dậy khát vọng cống hiến, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến. Ảnh internet

Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp, Bộ sẽ tiếp cận theo hướng chọn từ 10-12 đề án trong 5 năm, cân đối nguồn lực để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, cân đối để có nguồn lực để tổ chức thực hiện. Đề án và các chương trình phải trên cơ sở dựa trên kế hoạch tài chính để làm. Đó là nguồn lực quốc gia, xã hội hóa và trên tinh thần phải chủ động, sáng tạo, tiết kiệm, đầu tư ít nhất nhưng hiệu quả cao nhất.

Theo Bà Phạm Thị Thanh Hường, đại diện UNESCO tại Việt Nam, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Các hoạt động văn hóa, du lịch thường không có định lượng rõ ràng gây khó khăn cho nhà quản lý. Trong mục tiêu phát triển bền vững, sự phân tán nguồn dữ liệu, thiếu bằng chứng định lượng khiến ngành văn hóa, du lịch dễ bị đặt ra bên lề trong ưu tiên phát triển của các quốc gia và địa phương, dễ bị gạt ra trong các dự án hợp tác quốc tế… Đây là tình trạng chung của các quốc gia. Để giải quyết vấn đề đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã giao UNESCO xây dựng bộ chỉ số văn hóa phát triển bền vững- là khung chỉ số với các chỉ tiêu đo lường, tăng trưởng đa chiều có sự đóng góp của Văn hóa trong phát triển bền vững.

Từ quan điểm của đại diện UNESCO tại Việt Nam, có thể thấy, Hội nghị Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 chính là cầu nối thông tin, trao đổi thảo luận giữa cơ quan quản lý nhà nước với độc giả trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chiến lược văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, đóng góp ý kiến của các địa phương trong hoạt động quản lý văn hóa, du lịch. Đây chính là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện Chiến lược, Chương trình hành động một cách khoa học, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính thực tiễn, khả thi; xây dựng sự đồng thuận xã hội như một nguồn lực để thực hiện thành công chính sách.

PV


Có thể bạn quan tâm