April 26, 2024, 4:33 pm

Khi thi cử chỉ là những “Giải pháp kỹ thuật”

 

Được xem là đã bàn đến “hết nước, hết cái” trước khi đi đến quyết định công bố phương án mới cho kỳ thi hai trong một (xét Tốt nghiệp Phổ thông trung học và Tuyển sinh Đại học), nhưng phương án coi thi và chấm thi của Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa được công bố mới đây đã vấp  phải không ít quan điểm trái chiều, dù cũng có những ghi nhận tích cực trong chống gian lận thi cử được thể hiện qua đề án do Bộ chủ quan đề xuất.

Có thể chia thành hại luống ý kiến. Thứ nhất, cho  rằng Bộ dựa quá nhiều vào công nghệ thông tin và coi đó là đột phá trong chấm thi và coi thi (Lắp đặt hệ thống camera trong phòng thi, chấm thi 24/24h đồng hồ); mã hoá đề thi, tính đến những khả năng thấp nhất có thể có sự can thiệp của con người vào đáp án môn thi trắc nghiệm v.v…), cũng chưa phải là giải pháp tối ưu, bởi máy móc do con người điều khiển, lập trình. Và hơn cả là chất lượng, sự thông suốt trong truyền tải dữ liệu internet có thực sự đảm bảo yêu cầu… Chưa kể, sự phân cấp trong chấm thi và coi thi sẽ làm cho kết quả tổng hợp bài thi phức tạp hơn, tốn kém hơn về mặt chi phí xã hội do phải tổ chức các cụm thi, điểm thi tập trung, nên khâu sao in đề thi, bảo mật và bàn giao về các điểm thi cũng sẽ thiếu àn toàn …

Ở luồng ý kiến thứ hai lại khác, đã có sự đồng tình với Bộ chủ quản trong đổi mới phương án coi thi, chấm thi và sử dụng kết quả thi. Cho rằng đưa máy móc, công nghệ thông tin vào kỳ thi sẽ loại dần yếu tố con người có thể can thiệp một phần hay trong suốt quá trình diễn ra thi cử, từ đó giảm thiểu và đi đến chấm dứt gian lận trong các kỳ như đã từng diễn ra trong năm 2018, khiến dư luận xã hội bức xúc. Không chỉ ủng hộ về phân cấp trong coi thi, chấm thi, ở luồng ý kiến thứ hai này cũng đặc biệt ủng hộ phương án xét học bạ chỉ chiếm 30% số điểm trong tổng điểm xét tốt nghiệp THPT để tránh tình trạng xin - cho điểm ở những năm cuối cấp. Song, cũng đặt ra không ít lo ngại về độ khó của bài thi và độ mở trong xét tuyển đại học sẽ được áp dụng trong mùa tuyển sinh 2019 theo Luật Giáo dục Đại học mới nhằm đảm bảo tính tự chủ đại học.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo khẩn trương báo cáo Thủ tướng việc hoàn thiện quy trình tổ chức thi THPT quốc gia, khắc phục bất cập, không để tái diễn các sai phạm như trong kỳ thi 2018, nên trong một chừng mực nhất định có thể thấy, những nỗ lực đổi mới phương án thi, chấm thi được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố mới đây có thể được xem là những giải pháp cơ học giúp hoàn thiện kỳ thi nói trên.

Nhưng, trong một phát biểu mới đây của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: "Chúng tôi sẽ cải tiến theo hướng đây là kỳ thi THPT quốc gia, do đó nội dung, mức độ, yêu cầu đạt được phải gắn với THPT quốc gia, miễn là phải phản ánh thực chất, minh bạch, công khai. Theo đó, các trường Đại học, Cao đẳng sử dụng kết quả thi là việc của các trường” cũng đang hướng dư luận rẽ sang hướng khác, một hướng mà theo thiển ý của người viết, sẽ có những xáo trộn nhất định trong phương án xét tuyển của các trường. Và đây mới là bài toán đau đầu của các nhà quản lý trong chống “xé rào” tuyển sinh.

Vẫn biết, cuộc sống luôn có sự thay đổi, và sự thay đổi sẽ trở nên cần thiết nếu nó hữu ích cho cộng đồng, xã hội. Và giáo dục cũng vậy,được xem là một mặt trận quan trọng quyết định vận mệnh, tương lai của đất nước, thì sự thay đổi càng cần phải được tiến hành thận trọng hơn, có tính đến những lộ trình cụ thể, nếu không sẽ khó khăn thậm chí thất bại nếu chúng ta vội vàng .

 


Có thể bạn quan tâm