April 26, 2024, 7:21 am

Khi nhà thơ viết truyện ngắn

 

Ivan Alekseevitr Bunin (1870-1953) là nhà văn, nhà thơ Nga, viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Peterburg (1909), giải Nobel Văn học (1933). Bunin được biết đến trước hết là một nhà thơ, nhưng giải Nobel được trao cho ông vì những sáng tác văn xuôi “kế tục truyền thống vĩ đại của kỷ nguyên rực rỡ thế kỷ XIX” (P. Hallström, Lời vinh danh Nobel văn chương 1933).

Có thể nói người viết văn xuôi mang đậm cốt cách thi sĩ Bunin đã làm rạng danh cho văn học Nga bằng những tác phẩm được cả thế giới ngưỡng mộ: Làng, Sukhodol, Tình yêu của Mittia, Cuộc đời Arseniev và những truyện ngắn tuyệt phẩm Những quả táo Antonov, Say nắng, Hơi thở nhẹ,... Bằng những trang văn của mình, nhà văn đưa người đọc về với thế giới thuần Nga của thế kỷ trước với những khung cảnh cổ kính xa xưa, trầm mặc, với không gian nông thôn ngập tràn hương táo Antonov, những con đường rợp bóng cây xanh hay làn hơi thở nhẹ lan đi “dưới bầu trời đầy mây, trong gió xuân lành lạnh”… Ở Việt Nam, tác phẩm của Bunin được dịch từ cuối thập niên 80 của thế kỉ XX (1987). Cho đến nay các dịch giả Hà Ngọc, Phan Hồng Giang, Nguyễn Thị Kim Hiền… đã giới thiệu đến độc giả Việt 34 truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn.

Bunin trưởng thành trong giai đoạn “Phục Hưng” của văn chương Nga - Thế kỷ Bạc với rất nhiều trường phái mới xuất hiện. Những người đương thời với Bunin đều dấn thân vào các cuộc phiêu lưu với chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa đỉnh cao… Riêng Bunin vẫn kế thừa truyền thống vĩ đại của chủ nghĩa hiện thực Nga, với Lev Tolstoy, Anton Chekhov... đồng thời “âm thầm” đổi mới nó bằng những kỹ thuật và thủ pháp tự sự của “chủ nghĩa hiện đại”, gia thêm cho nó xúc cảm của một nhà thơ, để người đọc thậm chí có ấn tượng văn xuôi Bunin “trữ tình hơn cả thơ trữ tình của chính nhà văn”. Và yếu tố căn bản để làm nên chất trữ tình, làm nên thứ “văn xuôi như thơ” đó là âm nhạc.

Đọc truyện ngắn của Bunin, thậm chí qua bản dịch, người đọc sẽ cảm thấy rất thích thú và ngạc nhiên với những câu văn, đoạn văn, thậm chí có những tác phẩm có âm điệu du dương như lời hát, nhịp nhàng như lời thơ. Đó là bởi nhà văn đã sử dụng phép điệp ngữ âmcú phápiệp âm, từ ngữ, tổ chức câu) tạo ra những câu văn xuôi mượt mà và ngân nga: “Con chim cu từ trong đồng hồ nhảy ra và cúc cu trên đầu ta với giọng vừa buồn vừa giễu cợt trong căn nhà vắng vẻ. Và rồi một nỗi sầu muộn ngọt ngào và kỳ dị thoáng hiện trong lòng ta…” (Những quả táo Antonov). Bức tranh thiên nhiên mùa thu trong Lần gặp gỡ cuối cùng dưới con mắt nhìn của đôi tình nhân sắp chia xa Storesnhev và Vera được chuyển tải bằng thứ ngôn ngữ giàu nhạc điệu: “Trăng đã lặn. Một màn sương mù trắng xốp đã giăng ra trên những cánh đồng dưới chân dốc và đang chuyển sang một màu xanh chết chóc. Xa xa đằng sau màn sương ấy, bình minh đang ửng đỏ. Xa xa, trong khu rừng sẫm tối và lạnh lẽo, một con gà trống đã gáy te te nơi buồng ngoài của người tuần canh”. Trong Chiếc đu cũng xuất hiện rất nhiều câu văn được điệp cấu trúc tạo ra nhịp điệu mượt mà đầy chất thơ: “Đằng kia đã có ngôi sao đầu tiên, vành trăng non, lại có bầu trời xanh ơi là xanh chơi vơi trên mặt hồ nữa kìa! Nhà họa sỹ, hãy nhìn xem, trăng lưỡi liềm mỏng mỏng là! Trăng ơi, trăng hỡi, đôi sừng vàng óng…”. Sự cộng hưởng của cấu trúc điệp kết hợp với những tổ hợp ngôn ngữ cảm thán đầy đáng yêu đã làm nên những trang văn chan chứa chất thơ của niềm hạnh phúc ngất ngây.

Bên cạnh những tác phẩm dài với cốt truyện tự sự là chủ đạo, Bunin có khá nhiều tác phẩm “không có cốt truyện” được viết dưới dạng những bài thơ văn xuôi. Có thể kể đến Sách, Nhà mồ, Bernard, Người mù… Đó là những truyện cực ngắn, cũng có thể coi là những dòng tản văn đầy chất thơ và chất trữ tình. Chất thơ đến từ những câu văn mang kết cấu điệp giàu nhịp điệu, chẳng hạn: “Hãy nhìn sâu vào chính mình, hãy cảm thấy tình yêu và hãy đến với tôi. Tất cả là ruột thịt đối với anh trong buổi sáng tươi đẹp này, trong thế giới này, cũng có nghĩa là chính tôi là ruột thịt đối với anh, mà đã là ruột thịt anh không thể lãnh đạm trước sự đơn độc và yếu ớt của tôi. Bởi vì thân thể tôi giống thân thể mọi người trên trái đất và tương thông với anh. Bởi vì trong đời sống tinh thần của anh có cảm xúc tình yêu. Bởi vì tất cả những nỗi khổ đau của anh có trong nỗi khổ đau của chúng ta. Nếu sự sung sướng làm hỗn loạn đời sống thì tình cảm anh em làm ta chung chịu đau khổ.” (Người mù). Thực tế, trong truyện ngắn của Bunin không khó để tìm ra những câu văn mang âm điệu, đặc biệt là những câu văn miêu tả thiên nhiên: “Ở đây, ở vùng núi hoang vắng này, là một sự yên tĩnh trong suốt của những ngày đầu xuân, vẻ đẹp của bầu trời trong sáng, xanh nhạt, của những thân cây xạm đen trơ trụi, những chiếc lá màu nâu sót lại từ năm ngoái rơi, nằm trong bụi rậm, của những bông hoa tím đầu mùa, những bông uất kim cương dại. Ở đây, những sườn núi vừa mới bắt đầu xanh trở lại còn thấm mệt vì cái lạnh mùa đông và vì tuyết. Ở đây, không khí thật dễ chịu và trong suốt như pha lê, như chỉ vào dịp đầu xuân không khí mới có thể dễ chịu và trong suốt như thế…” (Một truyện tình nhỏ). Rõ ràng, những câu văn giàu nhịp điệu đã cộng hưởng với tiếng nhạc lòng của những nhân vật trong tác phẩm, đưa người đọc thâm nhập sâu hơn vào thế giới nội tâm của họ, cùng đồng cảm với những xúc cảm trữ tình ấy.

Nhạc tính trong tác phẩm của Bunin không chỉ được tạo nên từ thủ pháp điệp, ở nhiều tác phẩm, Bunin chủ động đưa những câu hát, bài thơ vào tác phẩm văn xuôi tạo ra những bản nhạc thấm đậm hương vị trữ tình. “Yêu em, anh mơ tưởng tới những người trăm năm trước/ Đã từng mơ tưởng và yêu nhau ngay tại chốn này/ Và đêm đêm trong khu vườn vắng lặng anh dạo bước/ Dưới ánh những ngôi sao trăm năm trước vẫn còn đây” (Lần gặp gỡ cuối cùng). Cũng là hồi ức, cũng là những kỷ niệm đẹp đã qua, trong lòng nhân vật tôi trong Ở một phố thân quen đã vang lên những câu thơ dịu dàng khi đang dạo bước trên đường phố Paris một tối mùa xuân: “Ở một phố thân quen,/ Tôi nhớ ngôi nhà cổ,/ Có cầu thang tối đen,/ Và mành che cửa sổ…/ Ở đấy ngọn đèn mờ/ Tận đêm khuya chưa tắt…”. Khung cảnh thiên nhiên nơi xứ xa, những kỷ niệm tình yêu êm đềm vọng về khiến tôi như trẻ lại, và có lẽ vì thế mà tâm hồn cũng cất lên tiếng nhạc lòng. Sung sướng thay, đó là tiếng nhạc của những rung cảm yêu đương: “Chao, cô gái dịu hiền/ Giữa đêm khuya yên ả/ Chờ gặp tôi ngoài hiên,/ Mái tóc dài để xõa” (…) “Rồi nàng ôm hôn tôi/ Ngây thơ như đứa trẻ/ Nàng khẽ nói và cười:/ ‘Ta trốn đi đâu nhé?’”. Trong tác phẩm, những câu thơ như làn điệu trữ tình ấy cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí của chàng trai, xé tan màn đêm giá lạnh, đem lại hơi ấm và xúc cảm mùa xuân – xúc cảm tình yêu. Còn nhân vật nữ trong Mùa thu lạnh chắc chắn sẽ không bao giờ có thể quên được những vần thơ của Fet – những vần thơ nồng ấm tình cảm nhưng chan chứa nỗi buồn chia ly được vị hôn phu của cô bất chợt đọc lên trong ngày cuối cùng họ được ở bên nhau trước khi chàng trai ra trận và hi sinh: “Ôi mùa thu lạnh quá!/ Hãy quàng khăn và khoác áo đi em…”.

Không chỉ thi ca, âm nhạc cũng cất lên giai điệu trữ tình của nó trong truyện ngắn Bunin, hòa thêm sắc màu ngọt ngào quyến rũ cho vẻ đẹp tâm hồn các nhân vật. Đây là những câu hát đầy tình tứ mà chàng trai trong Chiếc đu đã tự biên khi nghe thấy tiếng bước chân người yêu ngoài bao lơn: “Thần tiên nào bằng ta/ Vua chúa nào bằng ta/ Mỗi khi ta được thấy đôi mắt thẫn thờ/ Tấm thân thon thả và những bím tóc đen nhánh của nàng”. Khúc aria ấy đâu chỉ được chàng dạo một lần trên phím piano, nó vang lên khắp không gian căn phòng khi nàng bước vào, nó biến thành những lời tình tứ đầy thi vị khi họ cùng dạo bước trong vườn chiều. Những lời ca tình yêu trong truyện ngắn Bunin dường như luôn được ưu ái. Tanhia – cô hầu gái thơm hương táo chốn làng quê cũng cất lên những lời hát yêu đời, tươi vui, sung sướng sau phút ân ái vụng trộm đầy hạnh phúc với cậu chủ: “Em đi ra vườn/ Ra vườn tươi xanh/ Ra vườn tươi xanh dạo chơi/ Đón người em yêu mến…”. Cô bé Katya trong Bình cà phê thứ hai cũng cất tiếng hát vang những lời thơ của Lermontov đã được phổ nhạc với tâm trạng hạnh phúc ngất ngây: “Một đám mây nhỏ xinh đã ngủ, đám mây màu vàng…/ Trên ngực của vách đá khổng lồ…

Không chỉ có những lời hát yêu đương, ở nhiều tác phẩm những lời hát còn như một niềm mơ ước, một khát khao, một lời tâm sự những mong vơi bớt nỗi buồn. Đặc biệt, những lời hát này thường mang âm hưởng dân ca Nga. Lời ca bình minh của ông già Pavel Antonych bên cô bé Tanhia hòa cùng tiếng đàn ghi ta nhẹ nhàng đã mang lại niềm vui thơ trẻ cho cả hai, cái niềm vui giúp Pavel bớt cô đơn, và giúp cô bé Tanhia quên đi cái đói: “Bình minh là của tôi, bình minh yêu dấu/ Bình minh là ánh sáng rực rỡ của tôi!” (Tanka). Những câu hát của cậu bé Nikanor Matveits què quặt ốm đau quanh năm trong Cuộc đời tươi đẹp với nhịp điệu vui tươi của điệu nhảy polka là niềm mơ ước không tưởng của cậu: “Nhanh lên em hỡi nhanh chân lên/ Điệu polka anh sẽ nhảy cùng em/ Dễ dàng khi bước theo nhịp vũ/ Thổ lộ mối tình chứa trong tim”… Giai điệu tươi vui hòa theo tiếng đàn gió du dương của cậu bé dường như lại càng khắc sâu thêm nỗi đau của một con người tàn tật khát khao được nhảy múa, khát khao được yêu đương – thứ tình yêu lứa đôi thực sự, dù đó chỉ là thứ tình yêu cậu buộc phải cầu xin ở một người hầu gái. Trong Những quả táo Antonov, những lời ca ở cuối tác phẩm lại là những lời ca buồn, được cất lên bằng một giọng vừa ngang tàng vừa ủ dột và tuyệt vọng hòa trong tiếng đàn ghi ta: “Hoàng hôn xuống, gió chiều lộng thổi/ Cánh cổng kia ta mở toang hoang” - “Cánh cổng ta mở toang hoang/ Để cho tuyết trắng phủ đường ta đi…”  

Vậy là, nhờ những giai điệu của thi ca và âm nhạc được các nhân vật ngân nga trong tác phẩm mà những truyện ngắn của Bunin như càng trở nên trữ tình hơn, thi vị hơn, hấp dẫn hơn đối với bạn đọc. Ở mỗi truyện ngắn, với những cung bậc cảm xúc khác nhau, thơ ca và âm nhạc được trích dẫn cũng rất phong phú và đa dạng, cho thấy tâm hồn nhạy cảm và tinh tế ở một nhà thơ viết truyện ngắn. Và người đọc cũng thấy được nét riêng trong những sáng tác truyện ngắn của một nhà thơ.


Nguồn Văn nghệ số 52/2019


Có thể bạn quan tâm