April 27, 2024, 7:34 am

Khi cuộc tìm kiếm trở thành cổ điển

 

1.


Nếu mượn cách Thái Bá Vân nói về mỹ thuật Lý và Nguyễn Phan Chánh thì với tiểu thuyết mới nhất của mình, Một ví dụ xoàng, Nguyễn Bình Phương đã đi trọn vẹn một hành trình nghệ thuật, từ những tìm tòi và tìm cách tự xác định đến cái mẫu mực của chính mô hình thẩm mỹ do anh sáng tạo nên. Nếu coi giai đoạn của Bả giời, Thoạt kỳ thủy, Ngồi, là chặng thứ nhất, là cuộc tìm kiếm để định hình một mô hình thẩm mỹ, thì bắt đầu từ Mình và họ, anh đã bước sang chặng thứ hai, “hoàn toàn làm chủ” cái mô hình thẩm mỹ ấy, dần đạt đến sự “ổn định, thẳng bằng, hoàn thiện” và trong đó có cả cái “điều độ, bình tĩnh”. Một ví dụ xoàng chính là điểm cuối cùng của cuộc hành trình ấy. Ở một phối cảnh rộng lớn hơn, cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương cũng có thể coi như điểm tổng kết của một giai đoạn văn chương Đổi mới.

2.

Văn bản của Nguyễn Bình Phương trước hết là một văn bản của Đổi mới bởi lẽ chứa đựng trong đó trầm tích của không ít những giá trị văn chương qua những quan hệ liên văn bản. Từ Mình và họ, qua Kể xong rồi đi đến Một ví dụ xoàng đều có thể nhận thấy những cấu trúc đã  từng  làm nên diện mạo của văn chương Đổi mới trong mười năm đầu tiên, từ những tác giả quan trọng Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu, nhất là Nguyễn Huy Thiệp cho đến cái bóng của những tác giả lớn của văn chương nước ngoài chỉ có thể xuất hiện trong đời sống văn chương sau 1986 như F. Kafka hay A. Camus. Những nhân vật như Hiếu trong Mình và họ hay tiến sĩ Sang trong Một ví dụ xoàng mang dáng dấp của một Mersault đương đại, tất nhiên với rất nhiều lớp nghĩa khác. Kể xong rồi đi giống như một tái tạo mô hình của Tướng về hưu với những cấu trúc nhân vật phức tạp hơn rất nhiều và khai mở những chiều sâu chưa hề hiện diện trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Cũng có thể nhận ra những mối quan hệ liên văn bản như vậy trong Một ví dụ xoàng: cấu trúc hai phần kiểu Người xa lạ; sự tương phản của những diễn ngôn của chính nhân vật và về nhân vật; một hình ảnh gia đình kiểu Không có vua và sự tái sinh của Thủy, vợ người con trai trong Tướng về hưu trong hình ảnh vợ của người con trai của tiến sĩ Sang hay cái chết của Joseph K. trong những câu chuyện về cuộc thi hành án người tử tù Sang. Có điều, đến Nguyễn Bình Phương, văn chương đã vượt qua thời thơ ngây của những mô hình còn tương đối đơn giản của những cổ mẫu hiện đại để đạt đến một độ phức tạp và hoàn thiện mới.

3.

Như đã nói, trong cuốn tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương đã làm sống lại hàng loạt những sơ đồ và motif của truyện kể hiện đại và đương đại. Không những thế, rất nhiều yếu tố đã định hình tạo nên thế giới nghệ thuật riêng của anh cũng hiện diện trong tiểu thuyết, từ cấp độ những motif, những chất liệu đến cấp độ những sơ đồ truyện kể. Vẫn là một Nguyễn Bình Phương ấy, nơi sự huyền hoặc của folklore gặp gỡ với cái tầm thường hiện tại, nơi cái trữ tình tha thiết hòa trộn với cái dung tục trần trụi; vẫn cái mô hình hai thế giới, nơi cái siêu nhiên tồn tại song hành với cái trần tục; vẫn những con người pha trộn giữa những ám ảnh và mộng mị với sự cô độc không thể nào hóa giải. Vẫn cái thế giới nơi cái ác hiện lên với tất cả vẻ tầm thường của nó. Vẫn là Nguyễn Bình Phương ấy nhưng trong cuốn sách này, anh đứng trước một thử thách mới của lối viết: quay trở về với truyện kể ở dạng thức sơ khai của nó, một chuỗi hành động và biến cố, gắn bó chặt chẽ trong những quan hệ nhân quả và hiện lên hoàn toàn sáng rõ về nghĩa. Một ví dụ xoàng là tiểu thuyết mạch lạc nhất về nghĩa trong số những tiểu thuyết gần đây của anh, một tiểu thuyết mà anh đã đối mặt với một cốt truyện mang tính hình sự, một vụ án giết người thực thi công vụ, một thử thách đối với lối viết của nhà văn bởi bất cứ một sự yếu đuối nào về kĩ thuật và sự lơi lỏng nào về tư tưởng cũng có thể khiến văn bản trở thành một thứ cận văn học tầm thường.

4.

Như một Sisyphe hiện đại, Nguyễn Bình Phương đối diện với thử thách tự nhận lãnh đó bằng một năng lực làm chủ lối viết bậc thầy. Có thể nói, anh thuộc về số không nhiều nhà văn Việt Nam đương đại làm chủ kĩ thuật viết tốt nhất. Giống như kẻ xa lạ, Một ví dụ xoàng được cấu tạo với hai phần cân bằng không chỉ trong dung lượng mà cả về thẩm mỹ. Phần thứ nhất được xây dựng dựa trên kĩ thuật của tiểu thuyết chương hồi truyền thống, thứ mà các nhà nghiên cứu Xô viết từng ví với cách thức mà người Trung Hoa vẽ và thưởng ngoạn một bức tranh cuộn: từng phân đoạn truyện kể nối tiếp nhau; mỗi bí mật từng bước được lộ diện; tiết đoạn này báo trước tiết đoạn sau. Đó là thứ kĩ thuật mà cách đây nhiều năm, anh đã viết nên cuốn tiểu thuyết hết sức độc đáo: Ngồi. Nhưng một mặt, anh tiết chế để kĩ thuật không trở thành cực đoan, tiết chế ngay cả việc đan xen trữ tình vào dòng chảy truyện kể, mặt khác, đó là một thứ chương hồi đầy tinh tế với rất nhiều điểm nhìn và giọng đan xen nhau. Nếu như phần thứ nhất của truyện kể được cấu tạo theo trục tuyến tính của thời gian thì phần thứ hai của truyện kể lại được cấu tạo thể trục ngang của những điểm nhìn và giọng trên logic của những hồi tưởng. Đó là một bức tranh khảm những lập trường, có khi rất khác nhau về cuộc đời và cái chết của nhân vật chính, tiến sĩ Nguyễn Văn Sang. Giống như A. Camus trong Kẻ xa lạ, Nguyễn Bình Phương cũng đặt cạnh nhau giọng của người tử tù và giọng (và cả lập trường) của người đại diện pháp luật. Thế nhưng anh không tuyệt đối hóa độ chênh của hai giọng này bởi bản thân lập trường vị Chánh tòa cũng không phải tuyệt đối là một sự đối lập với lập trường của người tử tù. Ông ta chỉ là một thành phần trong một bộ máy được vận hành để bảo đảm trật tự xã hội mà đối diện với bộ máy ấy, bản án dành cho Sang là một cái gì không thể tránh khỏi, một thứ logic siêu cá nhân. Không những thế, trong phần thứ hai của tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương còn đa bội hóa các lập trường về nhân vật khi anh ghép những hồi ức của những đồng nghiệp của Sang, của vị trưởng phòng Tổ chức (người ít nhất, cũng thương cảm với Sang hơn hai vị đồng nghiệp của anh ta), của người dẫn tù, người thi hành án, người đào huyệt chôn phạm nhân và những người thân của Sang và Uyên, bạn gái của anh ta.

Đối diện với một câu chuyện hình sự, Nguyễn Bình Phương tự đặt mình vào tình thế đi trên một con đường cheo leo. Thiếu đi một chiều sâu về tư tưởng, tiểu thuyết của anh sẽ rất dễ bị biến thành một thứ diễn ngôn đơn giản dựa trên một sự đối lập Tốt – Xấu, Thiện – Ác, một thứ diễn ngôn bào chữa cho một con người vô tình bị đẩy vào tình thế phạm tội và những âm mưu của kẻ ác cũng như sự vô cảm và sai lầm của pháp luật hay một diễn ngôn mang tính đạo đức và tôn giáo về nhân quả. Nguyễn Bình Phương đã vượt qua được con đường đi qua vực thẳm của sự giản hóa đó bởi anh nhìn thấy chiều sâu và tính phức tạp của con người và đời sống. Ở điểm này, Một ví dụ xoàng đã làm được điều mà đáng lẽ Kể xong rồi đi đã có thể mà không đạt đến được. Trong Kể xong rồi đi, ở nhân vật ông đại tá, Phương nhìn thấy tính phức tạp của nhân vật cựu chiến binh qua chi tiết về kí ức chiến tranh và chức vụ của ông khi giải ngũ. Đó là điều mà Nguyễn Huy Thiệp đã hoàn toàn bỏ rơi khi viết Tướng về hưu. Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ông tướng thuần túy là một thiên sứ thuộc về một thế giới đã qua bị đày vào một thế giới thực tại đầy tầm thường nơi ông không thể nào hòa giải được. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, bản thân người cựu chiến binh cũng có những bí mật được dấu kín đầy phức tạp. Có điều, anh đã không đi hết phát hiện này khi trao quyền kể chuyện cho người cháu tâm thần. Đó là điều khiến cuốn tiểu thuyết của anh khó có thể coi là “kể xong” để “đi”.  Trong Một ví dụ xoàng, Sang hiện ra như một kẻ đầy mâu thuẫn: anh ta vừa có một nỗ lực ghê gớm vượt thoát khỏi số phận (xuất phát điểm là một đứa trẻ mồ côi bị lạm dụng), vừa đầy hồn hậu, nhân ái nhưng cũng không kém phần ngơ ngác và lạc lối trong cuộc sống hiện tại (không khỏi gợi nhắc Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng hồi đầu Đổi mới). Ở phía bên kia, nhân vật Chính được dựng lên có tầm vóc của một nhân vật bi kịch theo ý nghĩa chặt chẽ nhất của thể loại. Chính là kẻ thủ ác một cách chủ động, một kẻ vô luân một cách kiên định và thách thức cả những quy luật nhân quả tôn giáo. Chính không sợ và bất chấp cả luật nhân quả khi chứng kiến cái chết bi thảm của đứa con trai. Nhưng cái Ác không chỉ xuất phát từ Chính. Đơn giản, trong vụ cướp trong rừng, chính hắn cũng chỉ là kẻ tiếp tục một tội ác đã được một kẻ khác khởi động (và rồi lại trở thành nạn nhân của tội ác). Chính thực hiện những dự án tội ác của mình với sự tiếp tay và đồng lõa của chính những nạn nhân (Uyên, chị dâu Uyên, đứa cháu trai Quyết), những kẻ mà đến lượt mình cũng chìm vào án chung thân của tội ác và sự trừng phạt. Lời cảnh báo về cái ác trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương vì thế, mang tính bị kịch và khủng khiếp bởi lẽ anh chỉ ra được sự lan tràn cũng như những cội rễ sâu xa của cái ác, trong sự tầm thường của đời sống thường nhật. Đó là một thế lực vẫn nhơn nhơn tồn tại, bất khả trừng phạt và bất chấp sự trừng phạt.

5.

Bằng sức mạnh của bút pháp, Nguyễn Bình Phương đã viết một cuốn tiểu thuyết bi thảm về con người. Cuộc đời của nhân vật chính là một cuộc vươn lên bất thành một đời sống xứng đáng với con người với những hạnh phúc bình thường của con người. Cuộc đời anh là một chuỗi dài những bất hạnh và cái chết của anh đơn giản, như lời vị chánh án là tại “số”, một thứ định mệnh vô cảm, một sự tồn tại không đúng chỗ ở một thời điểm không đúng lúc. Đối với những người như vị chánh án, người công an dẫn tù, người lính thực hiện vụ xử bắn, đơn giản anh chỉ là một công việc mà họ phải làm, một cái chết mà chính Sang cũng không hề có bất cứ phản ứng nào chống lại (như Joseph K.) nhưng cũng không hề mong đợi (như Mersault). Đơn giản là anh chấp nhận nó. Trong kí ức của những người đồng nghiệp, anh chỉ là một “ví dụ xoàng”, một thứ phiền hà đáng bị tẩy xóa khỏi đời sống, bằng cách này hay cách khác. Dẫu vậy, ít nhất, khác với Mersault, trong Sang vẫn còn một thứ nhu cầu khẩn thiết đến tuyệt vọng về sự thông cảm và thấu hiểu, về những mối quan hệ người – người. Điều đó thể hiện qua mối quan hệ đau buồn của anh với Uyên và những lời đối thoại với con trong lúc chạy trốn. Sang nhận được không ít sự cảm thương, từ những người sống quanh anh, những người thân thiết với anh và kể cả những người thi hành bản án với anh. Tuy vậy, tất cả những sự cảm thương đó đều bất lực và vô nghĩa trước sự vận hành của định mệnh và sự lan tràn của cái ác (cũng là một chủ đề đầy tính bi kịch).

6.

Với khả năng làm chủ và kiếm chế  lối viết một cách điêu luyện  thể hiện qua sự cân bằng giữa tốc độ và sự chậm rãi,  giữa tính trữ tình và tính tầm thường, giữa việc đuổi theo dòng chảy của đời sống và sự suy ngẫm về đời sống (Lê Ngọc Trà từng chủ trương văn học không phải là sự phản ánh thực tại mà là sự nghiền ngẫm hiện thực), giữa sự cô đọng của tiểu thuyết và khả năng trưng bày cũng như phát huy ý nghĩa của những chi tiết, Nguyễn Bình Phương đã viết một cuốn tiểu thuyết đầy bi thảm về con người và cái ác. Tất nhiên, có người đọc sẽ nói rằng đó là một cái nhìn cực đoan và bi quan về đời sống. Nhưng ngày hôm nay, khi không còn ngây thơ hy vọng về những chức năng vá trời lấp biển của nghệ thuật trong việc cải tạo thế giới (nghệ thuật cũng đầy những bất lực trước thế giới  như chính con người) mà tạm yên tâm với khả năng cảnh tỉnh của nghệ thuật, một sự cảnh tỉnh đầy giới hạn, khi đó, chúng ta sẽ phải chấp nhận những hình thái cực đoan của nghệ thuật bởi lẽ giống như cái hài có mặt bên kia là làm cho chúng ta chấp nhận một cách dễ dàng cái xấu và cái lố bịch trong tiếng cười xòa thì sự “phải đạo”, vừa phải của chính nghệ thuật sẽ giết chết cái khả năng thanh lọc và cảnh báo của nó. Nguyễn Bình Phương đã làm được sự cực đoan đó trong một hình thức cân bằng đến mức cổ điển, nơi mà những dự án nghệ thuật của anh đạt đến hết khả năng của chính nó.

Nguồn Văn nghệ số 8/2022


Có thể bạn quan tâm