April 26, 2024, 7:46 pm

Khép vội gió heo may[1]

 

Nguyễn Thị Ngọc Hà đến với thơ khá muộn. Chị cho biết: hồi học trung học, chị thích môn văn nên đã làm thơ, thơ học trò. Nhưng rồi lại theo học trung cấp thương nghiêp “dễ xin việc lại sớm ra nghề, đỡ đần gia đình giúp mẹ”. Bố mất sớm, một mình mẹ chịu nhiều vất vả, nuôi các con khôn lớn. Sau này học lên đại cũng vẫn nghề ấy. Tập thơ đầu (1999) in ra chỉ như một sự thử bút trong “cao trào" người người làm thơ, in thơ hồi đầu “đổi mới”.  

Đến tập thứ ba, được bạn đọc bạn viết lưu ý, chị tự tin hơn và đã tham gia Hội nhà văn Việt Nam (2003). Đến nay, tập này đã là tập thơ thứ bảy. Chị còn xuất bản các tập tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết. Văn chương đã đổi nghề cho chị. Chị còn học vẽ, vẽ sơn dầu. Đã có tranh ra thị trường. Kể về sự chuyên cần, Nguyễn Thị Ngọc Hà cũng là môt gương mặt đảm đang, tự vượt. Giới thiệu một tập thơ thì cũng không cần sa đà vào chuyện gạo củi làm gì. Nhưng với Nguyễn Thị Ngọc Hà, việc ấy lại có ý nghĩa, không chỉ là ý nghĩa tài chính mà là ý nghĩa của chính văn chương chị. Ở tập thơ này, Nguyễn Thị Ngọc Hà đã thể hiện một bước tiến khá rõ. Ấy là những trải nghiệm việc đời (như đã nói trên) của bản thân chị đã lặng thấm vào cảm xúc mà thành tính tình, thành ý tưởng trong các bài thơ.

Bài Chợ âm dương, đề tài là phiên chợ Viềng ngày 7 tháng giêng âm lịch hàng năm, bản rủi mua may, người ta đi chợ như đi hội đầu năm với ý nghĩa tâm linh.  Tác giả không khai thác ý nghĩa phiên chợ hay ngày hội mà khai thác ý nghĩa tâm linh, nơi giao nối hai cõi âm dương. Chủ đề này ít ai khai thác. Vậy tình cảm nào, nghĩ ngợi nào đã lái tác giả về cõi âm dương ấy? Hình như càng lớn tuổi, càng biết vượt qua những gian lao của mình, Nguyễn Thị Ngọc Hà càng thấm thía nỗi gian lao “ngày xưa" của mẹ. Tình mẹ con sâu nặng đã thành những bài thơ, điều đó dễ thấy, nhưng hơn thế, nó tạo nên cả một cách nhìn cuộc đời, tạo nên một thứ từ trường thu hút và định hướng cho các đề tài khác. Bài thơ này là một ví dụ. Ngay câu thơ đầu đã thấy nỗi lòng mong mỏi của chị khi đến chợ Viềng: găp mẹ. Không gian bài thơ lập tức chìm vào không khí Liêu Trai hư ảo:

... trăng mỏng sương dày

trông lên chỉ thấy gió lay đốm đèn.

Ngọn lửa đèn, hẳn là đèn dầu thì mới lắt lay trong gió, Thường ngang tầm mắt (khi khách đi chợ cầm trên tay) hoặc thâp hơn (khi người bán để đèn trên quầy, trên bàn) nhưng sao thơ lại trông lên như ngọn đèn bày nơi thờ cúng. Tình cảm chủ đạo bài thơ đã được xác định - đó là tình mẹ con âm dương hai ngả. Tác giả muốn giãi bày lòng mình với mẹ. Ý thơ phát triển như lời khấn thầm trước bàn thờ mẹ. Đề tài xã hội mạnh dạn quay vào chủ thể, về một cảnh ngộ riêng tư. Riêng tư, cá thể mà lại được bạn đọc chấp nhận là một bước tiến của thơ bây giờ. Nói bây giờ là bởi bây giờ thơ ta đang còn chịu hệ lụy của một của khuynh hướng lấy cái ta khổng lồ làm chỗ đứng để khuyên bảo người đọc. Kết quả thơ ham nói lớn mà quên tâm tình, tâm sự, tự làm mất dần độc giả của mình. Nguyễn Thị Ngọc Hà làm được việc trở về mình, với bài thơ này, do ý thức vượt qua một tình thế văn chương hay là một phát triển tự phát của cảm xúc, hoặc do cả hai thì vẫn cứ là một bước trưởng thành. Tình Mẹ con là một trải nghiệm riêng tư nhưng vì sâu sắc, vì thấm thía trong lòng Nguyễn Thị Ngọc Hà nên đã thành một chủ đề thường trực, một tạng cảm xúc, đáp ứng một đòi hỏi tình cảm do chính cuộc đời chị tạo nên. Bài Vọng tà áo trắng, phần đấu đúng là vọng về tuổi trẻ gọi miền trinh nữ/ hồn xuân thơm nắng mai... Nhưng sang phần sau, Nguyễn Thị Ngọc Hà lại lạc vào miền trữ tình quen thuộc của chị, những nông nỗi đời người Nổi chìm trong nhân thế với nhiều ý tưởng khái quát khá thẩm trầm. Với bài này thì hơi tiếc một điều là khi đã về với không gian trữ tình quen thuộc của mình, chị lại quên mất hình ảnh cụ thể (hay chủ đề khái quát của bài thơ): bóng aó trắng. Bài Một cung đường, đọc đầu bài, tưởng một đề tài giao thông như thơ ta thường khai thác, ngợi ca. Nhưng không, toàn bài là một nối niềm của đời người. Bài thơ chặt chẽ, ý thơ sâu, chất chứa, tình cảm thấm thía. Có thể coi là một thành công của tác giả. Riêng hai câu kết, đủ là một giải pháp đóng bài về bút pháp nhưng chưa đủ mở ra một giải pháp sống vượt lên tình thế tâm trạng của bài thơ… Chỉ hai câu nhưng là một nửa đối trọng của bài thơ:

… đành se mây đan nắng

ủ ấm một cung đường.

Dấu hiệu trưởng thành của một bản lĩnh thơ là ở sự trải nghiệm rộng, ở “những điều trông thấy” phong phú và đụng mạnh vào trái tim mình. Nguyễn Thị Ngọc Hà không chỉ “xã hội hóa" chuyện riêng mình để chia xẻ được với bạn đọc. Ngược lại những đề tài “người thiên hạ" cũng đã kết tổ trong cảm hứng chị. Bài  Khép vội gió heo may là một ví dụ. Chị đã tìm ra chất thơ từ những đứa trẻ H’mông ở cao nguyên đá:

những đứa trẻ H’mông

đầu trần chân trụi

chạy lên cổng trời

khép vội gió heo may.

Kích thước tâm hồn những chú trẻ con này thật khổng lồ. Một cặp đối trọng tạo cảm xúc tinh tể, chân thực, cảm động nên rất thuyết phục Đã bé, lại nghèo, không được trang bị gì, kể cả cái mũ đôi giày, (thật quý ba từ trờ, cả trờ nặng lẫn chờ nhẹ, rất gợi cảm, làm nên câu thơ đầu trần chân trụi) mà hồn nhiên băng lên tận cổng (của) trời cao để khép cơn gió rộng có cơ làm lạnh cả cao nguyên. Cổng trời là một địa danh ở Hà Giang nhưng ở bài thơ, chị dùng như một danh từ chung, không viết hoa, hàm nghĩa rộng hơn, tương ứng với bối cảnh. Mấy câu thơ đóng bài, tiết kiệm chữ, tiết kiệm hình ảnh, nhưng cảm hứng trữ tình lại dào dạt, chiều sâu của tư tưởng thành một dư ba ngân nga trong ý nghĩ bạn đọc.

Qua trường hợp Nguyễn Thị Ngọc Hà và một số nhà thơ khác, tôi có cảm giác chúng ta đang chứng kiến, trong mấy năm gần đây, hiện tượng chín muộn của lứa nhà thơ vào nghề khi tuổi đã lớn. Tìm lý do sự chín muộn này cũng lí thú, đáng khảo sát, xin để dịp khác. Chúng ta nói tiếp về thơ của họ. Thơ họ có hụt đi cái dào dạt, thơ thới, tươi xanh, mơ mộng. Bù lại, họ có cái ý vị thâm trầm, từng trải, nặng chắc của đời sống. Bút pháp, mới nhiều hoặc mới ít, nhưng đều bình dị, sáng rõ, đầy tính thuyêt phục và có sức ám ảnh. Ai đọc đều đặn Nguyễn Thị Ngọc Hà, hẳn còn nhớ, ở các tập trước, chị thường say mê chữ lạ, chữ mới, chứ chưa dụng công tìm ra chữ đúng, đắc địa với điều cần diễn đạt. Thể là chị bỏ hình thật, chạy theo ôm bóng ảo. Bài thơ nhiều đường viền óng ánh nhưng lõi chứa bên trong lại mù mờ. Giờ đây, các bài chưa thành công kiểu ấy vẫn còn thấp thoáng. Nhưng điểm trội, rất đáng lưu ý là đã thấy chị chú ý đến tranh chứ không phải chỉ khung tranh. Xin trích vài đoạn trong bài Đợi. Một can đảm thấy và một bản lĩnh tin, trong một diễn đạt nặng chắc với rất nhiều âm vang:

hồn ta như lá thắm

tự úa vàng trong xanh

tình ta như quả chín

tự khô héo trên cành

 

nhân tình là mạch nước

giếng cạn vẫn soi trời

buông dây gàu chạm đáy

múc lên toàn tiếng rơi.

Tôi chắc khi đã viết được những câu thơ giếng cạn vẫn soi trời này thì Nguyễn Thị Ngọc Hà đã, và đang ráo riết, tìm một lộ trình mới cho thơ mình. Điều quan trọng là chị đừng xao nhãng đích đến của mỗi bài thơ. Từng câu, thậm chí từng chữ cho đến cả âm và điệu của nó, đều phải nhằm đích ấy, con đường ngắn nhất, lý thú nhất sẽ hiện ra.

Nhà thơ Lê Đạt tự nhận mình là phu chữ là muốn nhấn mạnh đến vai trò lao động ngôn ngữ, đến vai trò vận tải ý tưởng, vận chuyển tình cảm, nói chung là vận chuyển thơ của ngôn ngữ đến bạn đọc. Phải tìm ra cái để vận chuyển trước đã rồi mới tính phương tiện vận chuyển. Mà thường thì nó đến gấn như cùng lúc.


[1] tập thơ của Nguyễn Thị Ngọc Hà, nxb Hội nhà văn, 2018

Nguồn Văn nghệ số 12/2019


Có thể bạn quan tâm