April 26, 2024, 6:47 pm

Khắc khoải COLOMBIA

 

Tôi có may mắn được tham dự kỳ Liên hoan thơ ca quốc tế lần thứ 28, được tổ chức thường niên ở thành phố Medellin của nước Cộng hòa Colombia. Medellin là một thành phố với những mái nhà, những con phố nằm trong một thung lũng và trên những sườn núi, rất giống thành phố Đà Lạt của chúng ta, dù khí hậu ấm hơn. Đi trên những con phố núi, dốc, ngắm những mái nhà bình yên, hay những đàn bồ câu bay rợp trời qua mái vòm nhà thờ, ít ai nghĩ nơi đây từng chứng kiến rất nhiều cảnh bạo lực.

Ban tổ chức chu đáo giới thiệu cho tôi một cô gái nói tiếng Anh thành thạo để giúp tôi vượt qua những khó khăn trong giao tiếp. Tôi hỏi cô gái: Vì sao ở Medellin lại xuất hiện nhiều nhà thơ như vậy… Cô gái suy nghĩ hồi lâu rồi đáp: Ở Medellin từng có rất nhiều bạo lực. Và dường như bạo lực đã làm thương tổn một điều gì đó nơi linh hồn của Medellin. Chính vì thế mà Medellin đã sinh ra nhiều các nhà thơ…

Tôi chọn dịch một số bài thơ của các nhà thơ nữ Colombia, tuổi đời rất trẻ. Họ thuộc thế hệ, nói theo kiểu chúng ta, thế hệ 8x và 9x. Nhưng trong những bài thơ đó là những nỗi khắc khoải mang màu sắc riêng có của Mỹ La-tinh, đã tồn tại không biết bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu tuổi rồi… Xin các bạn thông cảm cho những khó khăn, sơ suất của người dịch…, khi các bài thơ đó phải đi qua hàng rào ngôn ngữ, từ nguyên bản trong tiếng Tây Ban Nha, đi qua tiếng Anh, rồi mới tới bản tiếng Việt. Với lòng thể tất, chúng ta cùng đọc những bài thơ này…

HÀN THỦY GIANG

(chọn dịch và giới thiệu)

MARIANA OSSA  

 

ĐỂ MƠ VỀ ANH THÊM LẦN NỮA

em từng mơ rằng
anh kể em nghe những câu chuyện kỳ diệu
qua một bức tranh

em từng mơ rằng anh nhìn em
giữa đám đông, nụ cười dịu dàng
giống như bông hoa
cho con chim ruồi hút mật
cùng khát khao bị cấm thoáng qua

trong khi em nghe anh nói
em nhìn anh và em có ý định
cho một tình yêu cuồng điên trong sáng

em từng mơ rằng
chúng mình hòa vào trong một lần hôn
khác với tất cả những lần hôn nhau trải qua trên mặt đất

và em không đợi gì hơn 
một giấc mơ nữa về anh, ngay lúc này...

JENNIFER GARCÍA

 

NHỮNG TIẾNG ĐỘNG

Mỗi tiếng động vẳng từ phía sau ngôi nhà mang hình dáng một con hổ đang rón rén đi trên móng vuốt. Những chiếc thìa rung lên rồi rơi xuống đĩa, sự va chạm của chúng dâng lên ảo giác chóng mặt. Chúng tôi đã khiêm nhường học được cách đón nhận những tiếng động buồn bã nhất: tiếng chìa khóa trong ổ, tiếng sét đánh giữa ban ngày, những chiếc hộp các – tông có chữ ký đổi chác được viết quá sớm. Nhưng chúng tôi không bao giờ biết làm thế nào để giữ được đường đi của mũi dao vẽ tên nó trên tấm kính, cũng như không biết làm sao giữ được sự lộng lẫy của cái cửa sau lời từ biệt của người cha. Trong bếp, người mẹ héo hắt dõi theo mùa Thu, vai trò của bà cũng giống như của môt vị thần đang đào vương quốc lặng câm của ông ta ở sâu trong sân. Cũng giống như bà, những người phụ nữ nội trợ học cách trao cống vật của họ cho im lặng, đó là vì sao họ không bao giờ khép cửa trước khi ra đi…

JOHANNA CARVAJAL

 

TÔI LÀ DÒNG MÁU ĐÓ

tôi là dòng máu đó, chảy ra ở Malvinas
dòng máu lang thang theo những dòng hải lưu Thái Bình Dương
dòng máu chảy trong con chim sẻ bạn tôi và trong những giấc mơ chim
 

tôi là dòng máu đó, chảy trong cơ thể mẹ 
lúc người sinh tôi
tôi là tiếng bà kêu gào, là những giọt nước mắt
tôi là dòng máu đó, vĩnh viễn như vết bẩn dính trên váy người thiếu nữ nhỏ bé kia
người thiếu nữ đã chọn một con đường sai lầm tồi tệ nhất
dòng máu tanh tưởi đã chảy và tự xoa dịu trong vết thương một con người trở về từ trận mạc

tôi là sắc đỏ ấy, trong cố đô Huế kiên cường nhất
tôi là dòng máu đó, đang nuôi thân thể những kẻ đói khát như khi họ được nhận bữa tối
tôi là dòng máu đó, của con nai bị gã thợ săn độc ác bắn hạ
là dòng máu vẽ trên những bức tường ở một ngôi làng vô tận
là máu người thợ mỏ kiệt sức không cứu vãn nổi
kết thúc ngày làm việc và mang mẩu bánh mỳ khô về cho đàn con
tôi là nỗi mệt mỏi của ông, là cái chết của ông rã rời từng mảnh

tôi là vẻ đẹp trong sự lộng lẫy trong sạch nhất từ chính nó
là bất diệt, là sự trở về của vẻ đẹp ấy
tôi là dòng máu đó - Mỹ La-tinh.

MARISOL BOHÓRQUEZ

 

BÀI THƠ KHÔNG MUỐN ĐƯỢC VIẾT RA

tôi, một nhân chứng chiến tranh từ trước khi ra đời
là mẩu thịt gắng đập trong tử cung bị cơn đau đe dọa

chúng tôi chống lại cơn đói của lũ người bạo lực
mưa xóa đi cảnh lặng im chết chóc sau những viên đạn nổ
chúng tôi gột rửa ác mộng nơi dòng sông nhuốm máu, 
và cắn vào bóng đêm làm tro bôi lên 
để đối mặt cơn sợ hãi trước bình minh
với sự chờ đợi chết chóc

chúng tôi đã thấy những người mẹ khóc con
và những người vợ như bóng tối ngày nhật thực với vẻ tang tóc nơi quần áo
đêm đêm chúng tôi bám vào sự chở che từ những vị thần nào đó
những vị thần chưa từng thấy mặt
và chúng tôi giấu giấc mơ nơi cửa đi, dưới cây xà ngang

cái móng ngựa may mắn này đây
là vật hiến tế được ban phước giúp tránh những viên đạn lạc
để tôi có thể tin vào vận may rủi

tôi đã thấy chiến tranh trước khi chào đời
tôi biết tiếng kêu gào của mẹ
và nghe tiếng nổ vỡ trong nhịp tim của cha
trước khi mẹ cha hát ru tôi ngủ

tôi đã thấy cây cam chua khóc những chùm quả bị phân hủy
và trở thành nơi trú ẩn
cho những ai ở dưới tán cây
gắng xóa đi những ký ức địa ngục

và họ hỏi tôi vì sao không viết những bài thơ chiến tranh? 
họ thúc giục, mặc dầu tôi vẫn đang cố gắng dập tắt trong giấc mơ những tiếng vọng của bạo lực

PATY DAVID

 

MÙA ĐÔNG

Từ cửa sổ lặng ngắm

Vũ trụ thực đáng yêu

Hướng về nó mở cửa

Nó sẽ cuốn tay tôi

Và dắt tôi đi tới

Nhận chìm xuống dòng sông

Không cho phép điều đó

Tôi bảo vệ chính mình

Vì không giỏi kháng cự

Nơi đáy nước suốt đời

Tôi chỉ sau cửa sổ

Ngắm sợi tơ trong veo

Dệt tóc mây vào gió

Và thấy lá khóc than…

Nguồn Văn nghệ số 32/2018


Có thể bạn quan tâm