April 26, 2024, 4:58 pm

Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và món nợ cuộc đời

Hình ảnh trung tá, anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh đã đi vào đời sống tinh thần nhiều thế hệ qua những trang sử về con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, “Đoàn tàu không số”, những bài thơ, trang phóng sự, truyện ký và cả bộ phim 5 tập “Những người lính biển” đã ghi đậm dấu ấn về ông như là hình mẫu vẹn nguyên đẹp đẽ nhất của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Những chiến công mà ông và đồng đội đạt được đó là sự kết tinh truyền thống yêu quê hương, đất nước, của ý chí nguyện vọng khao khát độc lập, tự do, có sự đùm bọc che chở của nhân dân, sự động viên, cổ vũ to lớn từ hậu phương, của người vợ và những đứa con muôn vàn dấu yêu. Những cái mà ông có được, theo ông đó là những kỳ tích và món nợ cuộc đời.

Những kỳ tích mang dấu ấn của người anh hùng

Lần nào đến gặp ông, Trung tá Hồ Đắc Thạnh tôi đều được tiếp đón niềm nở, tự nhiên, đậm chất người lính, và cứ mỗi lần tôi lại phát hiện thêm ở ông những điều mới lạ, khiến tôi ngỡ ngàng, kính phục. Lần này cũng vậy, một chiều cuối xuân, trong gió Tuy Hòa xôn xao phóng khoáng, tôi đến nhà gặp ông, hai chú cháu tâm sự suốt mấy tiếng đồng hồ.

Ông nói: Mình sắp đi dự Lễ công bố Quyết định công nhận tàu 671 (tiền thân là tàu 41, tàu 641) là “Bảo vật quốc gia”, con tàu này mình làm thuyền trưởng mấy năm, nó được tuyên dương anh hùng đơn vị Lực lượng vũ trang hai lần với 8 cá nhân anh hùng Lực lượng vũ trang, có 3 người còn sống… Tôi hỏi: Trong cuộc đời quân ngũ của chú chắc còn nhiều kỷ niệm mang dấu ấn chiến công phải không?. Ông trả lời: Chiến công là chiến công chung của đồng đội, có mình trong đó; kỷ niệm mang dấu ấn thì khá nhiều nhưng mình nhớ nhất một số thời khắc không thể nào phai được. Rồi với giọng trầm ấm ông kể:

- Thời đánh Pháp mình là chiến sĩ, rồi tiểu đội trưởng, đại đội 3, tiểu đoàn 375; là thanh niên được tham gia chiến đấu trên chính mảnh đất quê hương của mình nên rất tự hào. Chiến đấu dũng cảm mưu trí, nhiều trận ta quân ít, vũ khí thô sơ nhưng đánh thắng lớn, diệt nhiều quân địch. Trận phục kích trên đường Chí Thạnh – La Hai, tiêu diệt 34 xe của quân Pháp. Những trận quần nhau với giặc ở làng Quang Quang, Minh Đức trong chiến dịch Át Lăng, nhiều đêm không ngủ. Đặc biệt, trận diễn ra đêm 25/2/1954, tiểu đoàn 375 do Tiểu đoàn trưởng Phạm Dưng và Chính trị viên phó Nguyễn Lầu chỉ huy, tấn công làm tan rã trung đoàn địch, ta bắt sống tên Nguyễn Khánh, Trung đoàn trưởng Ngự Lâm Quân, do sơ suất để Khánh trốn thoát, sau này Khánh leo lên giữ chức Thủ tướng Chính phủ chính quyền Ngụy ở Sài Gòn. Chiến công đánh bại chiến dịch Át Lăng đã góp phần cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Trong điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ và công dân liên khu 5 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 2/2/1954 viết: “… Khen ngợi cán bộ, chiến sĩ ở Tuy Hòa và địch hậu liên khu 5 đã tích cực hoạt động, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân…”. Thời gian sau đó mình tham gia bảo vệ tập kết 300 ngày ở Bình Định rồi tập kết ra miền Bắc vào năm 1955.

Ông kể tiếp: -  Ký ức đậm nét thứ hai là trong 12 chuyến chỉ huy tàu chi viện miền Nam, có 3 chuyến mình là thuyền trưởng chỉ huy tàu vào vũng Rô, về với quê hương nơi chôn nhau, cắt rốn. Ông nói: Những lần đưa tàu chi viện vào Nam Bộ, khi đi qua khu vực miền Trung, lòng mình thầm mơ ước, đến khi nào thì được đưa tàu về chi viện vũ khí, trang bị cho Phú Yên?.... Lần này mình được giao nhiệm vụ sử dụng tàu sắt đầu tiên, mở bến khu V, với lượng vũ khí lớn nhất từ trước tới nay. Mình vô cùng xúc động, lo lắng, chỉ huy công tác chuẩn bị chu đáo, tỉ mĩ, trực tiếp tổng kiểm tra để chuyến đi đạt kết quả tốt nhất.

Chuyến thứ nhất, đêm 28/11/1964 tàu vào đến vịnh, cảm xúc quê hương trào dâng; không có người đón, mình cho 2 thủy thủ đi thuyền vào Bãi Lau thấy người của ta đang lùi sắn ăn vì thiếu lương thực. Ai nấy vui mừng, chọn Bãi Chùa để bốc dỡ vũ khí; nhưng khối lượng lớn nên tàu không kịp rời bến trước 3 giờ sáng, thách thức khó khăn lớn đặt ra cho cấp ủy, chỉ huy tàu 41. Bộ tổng Tham mưu qui định: “Tàu vào bến phải trước 00 giờ, rời bến trước 3 giờ sáng, cho phép sau 6 tiếng tàu phải cách bến 60 hải lý, bảo đảm bí mật tuyệt đối cho tàu, bến và tuyến đường”. Họp chi bộ nhiều ý kiến trái ngược nhau tranh luận gay gắt, giữa ra rồi quay vào, hay ở lại đêm mai bốc hàng. Cuối cùng mình đề nghị quyết định để tàu ở lại ngụy trang tối mai bốc tiếp: - “Mình quyết định cho tàu ở lại với ba lý do: Thứ nhất, khi giao nhiệm vụ Bộ tổng Tham mưu có chỉ đạo: Trường hợp đặc biệt thì giao thuyền trưởng quyết định, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên. Thứ hai, mình nghĩ: “Ra rồi liệu mai có vào được nữa không?”. Tình cảm níu chặt, là người con của quê hương phải làm gì đó để đưa hết vũ khí xuống bờ. Thứ ba, từ kinh nghiệm nhiều chuyến trú tàu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Hạ Long, ngụy trang tàu liền mạch theo vách núi, địch sẻ khó lòng phát hiện. Đây là quyết định hết sức tạo bạo, nếu để lộ thì bến Vũng Rô không thể vào, cả con đường trở nên vô vàn khó khăn. Mình chỉ huy dùng lưới và cành cây ngụy trang tàu thành một khối liền từ núi Vũng Chùa xuống như một dải tự nhiên. Vừa chỉ đạo ngụy trang vừa báo cáo cho cơ quan tác chiến ở Hải Phòng: “Tàu ở lại, tối mai bốc hết hàng rồi ra” và tắt máy, tắt nguồn tránh địch dò sóng. Sau này, khi về đến Hải Phòng các đồng chí ở phòng tác chiến phải thét lên: “Thạnh ơi! Mày làm bọn tao một phen hú vía!...”. Sau đó, mình chỉ huy 2 chuyến vào Vũ Rô (ngày 25/12/1964 và 01/2/1965) với kỳ tích là vòng quay nhanh nhất, ba chuyến chưa đầy 2 tháng, trong khi đó với cung đường tương tự các tàu khác phải mất thời gian 3 tháng. Thật là tuyệt vời, mỗi khi Tổ quốc, quê hương bị xâm lăng thì mỗi vùng đất, mỗi con người đều có cách thể hiện tinh thần, tình cảm của mình và đó là cách mà thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã dành tình cảm cho Tổ quốc và quê hương Phú Yên thân yêu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Ký ức đậm nét thứ ba là: “Cứu tàu mắc cạn”. Ông kể: - Sau khi các chuyến tàu vào Nam Bộ đạt kết quả, chủ trương của bộ Quốc phòng phải phát triển lực lượng, bổ sung tân binh được lựa chọn từ miền Bắc. Trong cuộc họp các thuyền trưởng, ai cũng tỏ ra ái ngại khi phải nhận thủy thủ mới, ông đã xung phong nhận hết 5 thủ thủy tân binh về tàu mình. Và cái giá cũng phải trả, mặc dù đã rất sát sao, nhưng do trình độ, kinh nghiệm hạn chế của tân binh nên tàu của ông lần đó đã mắc cạn ở Hoàng Sa. Đây là lần thứ ba tàu của Đoàn mắc cạn, những lần trước đều phải dỡ hàng phá tàu, bảo đảm bí mật. Lần này, Hồ Đắc Thạnh suy nghĩ chẳng lẽ mình cũng theo vết xe đổ đó sao? Ông quyết chỉ huy thủy thủ bằng mọi cách khắc phục sự cố, hai ngày giải nắng, dầm nước da cháy sém, bong tróc, đến ngày thứ 3 thì cứu đước tàu thoát cạn. Kiểm tra lại, thấy đủ điều kiện ông cho tàu tiếp tục hành trình đưa hàng vào Nam Bộ đúng kế hoạch. Bộ tổng Tham mưu lúc đó đánh giá đây là thành công kép của tàu 41 “vừa cứu được tàu vừa chuyển được hàng”, thành tích đó được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Hai cho tập thể tàu 41 và cá nhân thuyền trưởng, chính trị viên tàu.

Ký ức đậm nét thứ tư là: “Phá tàu” - Vượt Trường Sơn ra miền Bắc. Sau khi tàu 43 bị lộ tại bến Vũng Rô ngày 16/3/1965, địch tăng cường bố phòng và phong tỏa hết các cửa sông, vũng vịnh. Với vùng biển khu V, ta chọn cách đưa tàu vào thả hàng ở bãi ngang để các đơn vị của ta và nhân dân tiếp nhận. Mình được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng thêm hai chuyến nữa trong đó có chuyến thí điểm vào bến Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đêm 27/11/1966, khi bỏ hết hàng xuống biển thì tàu của ta bị hỏng chân vịt. Địch phát hiện bao vây hòng bắt sống thủy thủ ta. Mình cho anh em bơi vào bờ trước, còn mình và máy trưởng dùng bộc phá phá tàu, bơi vào sau. Quá trình bơi vào Thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Văn Nhợ trúng đạn địch hi sinh, còn lại 18 cán bộ chiến sĩ tàu 41 lên bờ, vượt Trường Sơn ra miền Bắc. Ông Thạnh kể: - Lúc quyết định phá tàu sóng cuốn chiếu khá lớn, bọn mình mặc áo phao nên sóng đánh rất khó bơi, vật lộn mãi cuối cùng anh em cũng kèm nhau vào được bờ. Tiếp đến là vượt Trường Sơn 3 tháng ròng rã, với lính biển đây không phải sở trường nên gặp rất nhiều khó khăn, mình trước đó 72 kg, khi ra đến đất Bắc chỉ còn 57 kg, đúng là một kỳ tích, với người lính không có gì là họ không làm được.

 

Món nợ cuộc đời của người anh hùng

Hồ Đắc Thạnh cùng với đồng đội của ông đã làm nên những kỳ tích của những người lính biển, viết nên huyền thoại con đường Hồ Chí Minh trên biển với những “con tàu không số” từ miền Bắc về với miền Nam thân yêu. Trong hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông đã ghi: “Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, ở cương vị nào đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Là thuyền trưởng trong đoàn tàu không số, đồng chí đã đi được 12 chuyến, một trong những thuyền trưởng tham gia nhiều chuyến nhất. Khi chỉ huy thì bình tỉnh, sáng suốt, mưu trí, sáng tạo, đã nêu tấm gương sáng mẫu mực về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đức hi sinh, sự tài giỏi và vững vàng trong mọi tình huống, để đưa hàng đến bến an toàn…”. Những chiến công đó thì nhiều sử sách đã ghi. Tôi hỏi: - Thưa chú! Trong cuộc đời binh nghiệp, chú đã lập nên nhiều chiến công và bây giờ đã được phong tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang, vậy chú còn vấn vương điều gì nữa không ạ? Với đồng đội, với vợ và các con chẳng hạn?. Lúc này đã hơn 4 giờ chiều, ông bảo tôi: - Cậu chờ mình tí! Rồi ông đi lấy tập ảnh ghi lại tất cả những sự kiện trong đời của ông đưa tôi xem. Tôi tôi trân trọng ngắm từng tấm hình một, cảm thấy đây là một niềm vinh hạnh lớn cho mình.

Ông Thạnh nhìn tôi sâu thẳm, hai mắt ông nhắm mắt lại, giọng ông bùi ngùi cảm động, nén tiếng thở dài, ông tâm sự: - Cậu ạ! Chú, cháu mình được như thế này là may mắn lắm rồi hạnh phúc lắm rồi. Khi chúng ta được vinh danh trên những tượng đài thì dưới tượng đài không biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống để chúng ta có cuộc sống hôm nay. Nhiều đồng chí, đồng đội hi sinh, bị thương, thậm chí bị rối loạn thần kinh khùng, điên… họ thiệt thòi nhiều lắm. Hi sinh rồi thân thể không nguyên vẹn, nằm lại ở biển khơi, rừng sâu… họ chẳng được thứ gì, còn để lại sự đau thương, mất mát cho người thân. Có đồng chí còn phải chịu hậu quả chất độc da cam sinh con, đẻ cháu chẳng được đứa nào nên con người… Nghe lời tâm sự của ông, tôi vô cùng xúc động, nước mắt cứ chực trào ra, cố giữ nhưng không thể nào cản nổi. Ông nói tiếp: - Mình nợ họ: “Những người anh em, đồng chí đồng đội đã hết lòng vì mình nhưng giờ họ đã đi xa mãi mãi không thể nào trả ơn được nữa…”. Ông kể nhiều về tình đồng chí, đồng đội gắn bó, keo sơn, nhường cơm, sẻ áo cho nhau thời chống Pháp, đánh Mỹ, khi ở đoàn tàu không số… Ông kể về chuyến đi vượt Trường Sơn đầy gian khổ, đoàn của ông tới Quảng Trị thì hết lương thực, sốt rét, ốm yếu lắm. Được giao liên hướng dẫn vào trạm xá tiền phương nghỉ ngơi, điều trị bệnh. Cuộc sống của các bác sĩ, y tá ở đây hết sức khó khăn. Nhưng biết bọn mình là thủy thủ tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam nên họ hết lòng chăm sóc, phục vụ. Khi phục hồi sức khỏe, chúng mình lên đường, họ yêu cầu ở lại vì thấy sức khỏe một số đồng chí chưa thật ổn. Mình năn nỉ xin đi vì chiến trường đang đợi, hẹn ngày chiến thắng gặp lại… Nhưng sau này mình hay tin cái bệnh xá đó đã trúng bom và tất cả đã hi sinh. Người anh hùng Hồ Đắc Thạnh đã khóc khi kể đến đoạn này, và tôi cũng vậy. Chiến tranh quả là quá tàn khốc, bom đạn quả là vô tình, cái giá hòa bình, độc lập của hôm nay quả là quá lớn. Tôi và ông ngồi yên, im lặng, như là phút tưởng niệm về những ngày tháng linh thiêng buổi chiến tranh ngày nào.

Để không khí nói chuyện bớt phần phân ưu, tôi tìm cách chuyển hướng nội dung. Tôi hỏi: Chú cưới vợ năm nào, cơ duyên ra sao vậy?. Ông cười rồi kể: - Mình lấy vợ muộn, năm đó 1967 đã 34 tuổi. Lúc đầu những người lính biển như mình, suốt ngày đi xa, luôn đối mặt với cái chết nên cứ nghĩ không lấy vợ thì tốt hơn, lấy vào chẳng may… khổ cho người ta. Nhưng sau vụ “phá tàu” năm 1966, vượt Trường Sơn ra miền Bắc; tháng 3 năm 1967 được nghỉ an dưỡng hơn một tháng ở Hà Nội, nằm ngẫm nghĩ lại thấy cuộc chiến này còn dài lắm, nên dù có phải mang nợ thì cũng phải lấy vợ để tiếp tục chiến đấu. Hồi đó bọn mình được “quản lý đặc biệt” lắm, sợ bị lộ nên khó lòng mà quan hệ, quen biết với ai. Ông nói: “Thuyền trưởng và thủy thủ tàu không số không được tiết lộ nhiệm vụ với gia đình. Trước mỗi hành trình, họ phải gửi lại giấy tờ, ghi địa chỉ quê quán, người thân, chụp ảnh để lưu lại trong hồ sơ. Anh em của đoàn tàu cứ ngầm hiểu với nhau đó là những lần truy điệu sống để không may hy sinh còn có thông tin gửi về địa phương, gia đình…”.

Dịp nghĩ dưỡng đó, mình được chú Huỳnh Công Đạo, đoàn phó giới thiệu với một cô học sinh miền Nam tên là Lê Thị Bích Anh, tốt nghiệp đại học sư phạm ngành hóa. Quen nhau, tìm hiểu, đồng cảm thế là cưới trong vòng một tháng. Lính thời chiến mà, thế là quý rồi. Đám cưới cũng thật đặc biệt “cưới dưới ngọn đèn dầu” vì lúc đó địch đang leo thang đánh phá miền Bắc vô cùng ác liệt. Cỗ cưới thì kẹo, bánh và thuốc lá; đại diện gia đình bên nhà gái có bố và anh trai cùng anh em đơn vị đến chúc phúc. Cưới xong, mình liên tục các chuyến công tác dài ngày trên biển, hết Hải Phòng đến Cà Mau, cửa Việt, cửa Lò... Vợ sinh đứa con gái đầu lòng năm 1969 và sinh đứa thứ hai năm 1971, cả hai lần sinh mình đều vắng nhà. Một mình bà ấy vượt cạn nuôi con, thiếu người thân bên cạnh. Tất cả đều trông nhờ vào bạn bè, bà con miền Bắc hàng xóm lân cận giúp đỡ. Mình rất biết ơn bà ấy, nợ bà ấy rất nhiều. Bà ấy là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần cho mình hoàn thành nhiệm vụ. Những năm đó Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt lắm, nhất là Hà Nội và Hải Phòng, máy bay địch quần lộn bắn phá triền miên. Một mình bà ấy tất bật, cứ 3 giờ sáng là gồng gánh di tản rời thành phố, buổi chiều khi còi báo an lại quay về bằng chiếc xe đạp với 2 đứa con thơ và lỉnh kỉnh “thượng vàng, hạ cám”, đủ các thứ tư trang sinh hoạt của ba mẹ con. Gian khổ thế mà bà ấy đã vượt qua, trăm ngàn thứ việc trông cậy vào đôi vai người phụ nữ gầy yếu, quả thật là tuyệt vời. Cả cuộc đời bà ấy thay mình nuôi hai con trưởng thành nên người, cho đến ngày mình về hưu. Mình thương lắm nhưng chẳng biết làm thế nào hơn. Ông cười và nói vui: - Đó là món nợ thứ hai của cuộc đời mình đó cậu ạ, Nhà nước phong tặng mình danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang; còn mình phong tặng cho bà ấy danh hiệu người phụ nữ anh hùng của đời mình!. Mặc dù bận rộn là vậy, song quá trình công tác của bà ấy ở các trường học từ Hải Phòng, Thái Bình, đến Bình Định luôn có kết quả rất tốt, được thầy cô và học trò tin yêu. Sau khi được nghỉ hưu mình về quê cùng bà ấy ở Bình Định, được một thời gian con gái làm ngôi nhà này và mời bọn mình về đây (99/2 Chu Văn An, phường 5, thành phố Tuy Hòa)  để ở, đây là quê hương của mình, quê nội của các cháu.

Ông trân trọng kể tiếp: - Bà vợ mình dù ở đâu cũng tích cực tham gia các phong trào của địa phương, hết làm Phó bí thư chi bộ đến Trưởng ban Mặt trận, nhiều năm liền bà là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nói xong ông gọi: - Bà ơi! Ra chơi nói chuyện!. Bà nghe, đi ra rồi nói: - Ông cháu ngồi chơi bà bận trăm thứ chuyện, để bà làm!.

Hồ Đắc Thạnh vốn có lối sống rất tình người, thương yêu đồng chí đồng đội, tôn trọng quá khứ nhất là những đồng đội đồng chí đã hi sinh, bị thương hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn, ông đều có sự quan tâm sâu sắc và nhiệt thành giúp đỡ. Khi được hỏi về ông, thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu, cựu chiến sĩ đại đội K60 bến Vũng Rô, Ngô Văn Định, thường trú ở 37 Lê Lợi, phường 2, nhận xét: “Bác Thạnh là người đức độ, sống có tình thương sâu sắc với đồng chí, đồng đội, trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, bác là tấm gương sáng để tuổi trẻ noi theo”.

Hai ông bà Hồ Đắc Thạnh và Lê Thị Bích Anh nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, họ sống bình an tuổi già, hạnh phúc cùng con cháu và bà con lối xóm. Ông, bà vẫn thường xuyên quan tâm theo dõi mọi thông tin chính trị, kinh tế, xã  hội và quốc phòng - an ninh của đất nước, của địa phương. Tích cực rèn luyện sức khỏe, chăm lo dạy bảo, giáo dục con cháu. Gia đình ông là gia đình văn hóa tiêu biểu, con cháu hiền ngoan, hiếu thảo. Ông Thạnh thường xuyên tham gia nói chuyện truyền thống với các thế hệ trẻ, ông mong muốn được góp phần nhỏ để tiếp lửa, khơi dậy tinh thần yêu nước cho con cháu hôm nay và mai sau.

Xin được kết thúc bài viết về anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh bằng lời nhận xét của ông Huỳnh Văn Phúc, Chủ tịch UBND phường 5, thành phố Tuy Hòa: “Bác Thạnh là người luôn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất trong sáng của “Bộ đội Cụ Hồ”, được tuyên dương anh hùng Lực lượng vũ trang trong chiến đấu, tiêu biểu xuất sắc trong hòa bình, bản thân và gia đình bác Thạnh luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước tham gia tích phong trào của địa phương. Là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng để thế hệ chúng tôi noi gương, học tập!”./.

 

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2018

 

 

           


Có thể bạn quan tâm