April 26, 2024, 4:59 pm

“Hùm xám đường số 4” với 17 đầu sách và 3 giải thưởng văn học nghệ thuật

Đặng Văn Việt từng là sinh viên Y khoa năm thứ 3 Trường Y Đông Dương (1945); một trong hơn 40 học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến, Huế (8/1945); đại đội trưởng C1 học viên Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn (26/5/1946); “Đệ tứ lộ Đại vương”... Tháng 3 năm 2020 người lính mang biệt danh “Hùm xám Đường số 4”, từng làm quân thù kinh hồn bạt vía trong cuộc kháng chiến chóng Pháp ấy, vừa tròn tuổi bách niên.

Người luôn gắn liền với “con số 1”

Trung tá Đặng Văn Việt năm 1958

Đặng Văn Việt ít tuổi hơn cha tôi, thiếu tướng Trần Tử Bình, nên tôi gọi ông là chú cho thân tình. Tháng 5/2016. Sáng sớm, tôi tạt qua đón chú cùng chú Đinh Loan Chiên lên trường Lục quân 1 trên thị xã Sơn Tây dự họp mặt nhân 70 năm Ngày khai giảng Khóa 1 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (26/5/1946 - 26/5/2016). Tròn 70 năm trước, nhà trường vinh dự được đón Hồ Chủ tịch cùng quan khách chính phủ lên dự khai giảng và Bác đã tặng thầy trò Khóa 1 lá cờ “Trung với nước, Hiếu với dân”. Trên đường đi, trò chuyện thì được biết, ông là cán bộ khung của Khóa 1 (1946) và là Chủ nhiệm Huấn luyện của Trường Lục quân Việt Nam (1953) khi ở Vân Nam, Trung Quốc. Ông tinh tường kể lại: “Ngày Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, 9/3/1945, chú đang là sinh viên năm thứ 3 trường Y Đông Dương ở Hà Nội thì nhà trường đóng cửa, phải trở về Huế. Giáo sư Tạ Quang Bửu và luật sư Phan Anh, hai thành viên trong chính phủ Trần Trọng Kim, lấy “cớ hợp pháp” cần đào tạo gấp công chức cho chính phủ, đã thành lập trường Thanh niên Tiền tuyến và giao cho ông Phan Tử Lăng làm hiệu trưởng (Thực chất là đào tạo gấp cán bộ cách mạng, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa ở Trung Kỳ). Vậy là 43 học sinh, sinh viên từ Hà Nội về, đã nhập trường…”.

Lực lượng vũ trang ở Huế được thành lập và Đặng Văn Việt là B trưởng (trung đội trưởng) B1. Nhà trường chỉ đào tạo trong 3 tháng, nhưng 43 học viên này trở thành nòng cốt cho Tổng khởi nghĩa ở Huế vào ngày 23/8/1945. Trước đó 2 hôm, vào ngày 21/8/1945, ông Việt cùng Cao Pha, bạn học Thanh niên Tiền tuyến, (sau này là phó Ban 2 Quân báo Bộ Tổng tham mưu) nhận nhiệm vụ đầy khó khăn từ ông Trần Hữu Dực, Xứ ủy Trung Kỳ: Tìm mọi cách thuyết phục (nếu cần thì đe dọa) nhóm ngự lâm quân của Triều đình Huế, với súng ống đầy mình, để hạ cho được lá cờ Triều đình xuống, kéo cờ đỏ sao vàng rộng cả trăm mét vuông lên đỉnh cột cờ Ngọ Môn… Nhận lệnh, hai ông đã chở lá cờ bằng xe đạp tới chân Ngọ Môn rồi lên thuyết phục cánh lính bảo vệ... Từ hôm đó, nhân dân Huế và bà con các vùng lân cận xa hàng chục cây số nhìn thấy được lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trong nắng thu.

Tháng 4/1946, do nhu cầu cần đào tạo gấp cán bộ có trình độ cao hơn, Cụ Hồ quyết định đổi tên trường Cán bộ Việt Nam thành Võ bị Trần Quốc Tuấn, với chương trình giảng dạy trong 6 tháng chứ không ngắn hạn vài tuần hay một tháng như 7 khóa truớc. Quyết định giao cho thầy Hoàng Đạo Thúy, Huynh trưởng Hướng đạo sinh thời kỳ 1930-1945 làm giám đốc, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ Trần Tử Bình là phó giám đốc kiêm chính trị viên. Biết Đặng Văn Việt từng chiến đấu ở mặt trận miền Trung, lại có khả năng chỉ huy, nên thầy Thúy cho gọi về làm cán bộ khung. Về việc này, ông Việt vui vẻ tâm sự: “Mẹ chú là bà Hoàng Thị Hiền (con cụ Hoàng Đạo Phương, anh ruột cụ Hoàng Đạo Thúy) nên chú Thúy đã “chấm” tên thằng cháu. Khi về trường, chú được giao nhiệm vụ C trưởng (đại đội trưởng) một trong 3 đại đội học viên Khóa 1”.

Mang tấm ảnh cuộc duyệt binh trong lễ khai giảng ngày 26/5/1946, Đặng Văn Việt chỉ vào người giơ tay lên mũ chào: “Cháu có biết người đi sau cụ Vương Thừa Vũ, (người đi sau hộ kỳ đoàn và đang cầm gươm chỉ huy khối duyệt binh) là ai không? Chú đấy! Chú đang đi nghiêm và đưa tay vành mũ làm động tác chào. Khi đó chú là C trưởng C1 học viên…”. Đoạn chỉ sang những người khác, ông Việt giới thiệu tiếp: “Còn những chiến sĩ trong “hộ kỳ đoàn” là các học viên Đỗ Mạnh Hạp1 (Bắc bộ), Bùi Minh Trân (Nam bộ), học viên Trung bộ, sau là Nguyễn Sung (Huế)… Ngay dưới chân cột cờ thấy Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh và Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh…”.

Sau khi kết thúc Khóa 1 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (8/12/1946), Đặng Văn Việt được tăng cường cho đơn vị chiến đấu. Ông Việt nhớ lại: “Ngày 19/8/1949, Trung đoàn 174 chủ lực được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 trung đoàn thuộc 3 tỉnh: e74 (Cao Bằng), e72 (Bắc Cạn), e28 (Lạng Sơn), thì chú là E trưởng (trung đoàn trưởng) đầu tiên. Khi đó e174 có đến 5.500 quân (gấp đôi quân số một trung đoàn thông thường - NV) Đến ngày hôm nay, E trưởng e174 đã là thứ 35, còn chú là thứ nhất!...” (cười).

Nói cuộc đời Đặng Văn Việt luôn gắn liền với “con số 1” là thế!

“Hùm xám đường số 4”

... Năm 1947, Đặng Văn Việt là Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 4. Năm 1948, ông kiêm chức E trưởng e28, chỉ huy đơn vị hoạt động dọc tuyến đường số 4, tổ chức nhiều trận phục kích và công đồn, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng quân Pháp đồn trú tại đây, giảm bớt áp lực của quân Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Trong các trận phục kích trên đèo Bông Lau (1947-1949), đơn vị của ông đã tiêu diệt hơn 100 xe cơ giới quân sự. Nhân dân Cao-Bắc-Lạng gọi ông là “Đệ tứ lộ Đại vương”, còn các binh sĩ Pháp thì kinh hãi gọi ông là “Hùm xám đường số 4” (le Tigre gris de la RC4), “Tiểu tướng Napoléon” (mon petit Napoléon)... Trong chiến dịch Biên giới 1950, “Hùm xám đường số 4” chỉ huy e174 kết hợp với e209 chủ động đánh chiếm cứ điểm Đông Khê... Chính đơn vị ông bắt sống 2 sĩ quan chỉ huy binh đoàn Pháp là Marcel Lepage và Pierre Charton, góp phần to lớn vào thắng lợi của trận đánh cũng như cục diện chiến trường sau đó

Từ 1953, Đặng Văn Việt được cử sang Trung Quốc học tiếp hệ Trung cao tại Trường Lục quân Việt Nam. Kết thúc khóa học, ông được giữ lại trường thay ông Đỗ Trình, phụ trách Huấn luyện. Trong đợt phong quân hàm năm 1958, Đặng Văn Việt được phong hàm trung tá khi vừa 38 tuổi. 

Từ một gia đình “Danh gia vọng tộc”

Đặng Văn Việt, sinh năm 1920, ở làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Dòng tộc ông có nhiều người nổi tiếng. Tổ tiên ông là danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung thời Hậu Trần. Ông nội của ông là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (khoa thi năm Giáp Thìn-1904), từng làm Tế tửu Quốc tử Giám. Bà nội là Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục. Cha ông là Phó bảng Đặng Văn Hướng (khoa thi năm Kỷ Mùi-1919), Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim (1945). Từ năm 1947, cụ là Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Mẹ ông là bà Hoàng Thị Hiền, con gái đầu của cụ Hoàng Đạo Phương. Hai người dì đều lấy những nhân vật nổi tiếng: bà Hoàng Thị Hảo lấy ông Trịnh Văn Bính (từng là Thứ trưởng Bộ Tài chính trong chính phủ Hồ Chí Minh), bà Hoàng Thị Hồ lấy thương gia Trịnh Văn Bô, chủ ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn Độc lập và góp 5.000 lượng vàng trong “Tuần lễ vàng”. Xuất thân từ một gia đình như vậy, con đường đi sau này của ông là con đường đi theo Cách mạng, đó là lẽ đương nhiên. Có chăng sự lạ là ở chỗ ông không phải theo đường Văn, mà lại theo . Thế nhưng mà vẫn không bỏ được Văn. Đó là câu chuyện về sau…

KHÔNG NGỪNG HỌC HỎI, LUYỆN TẬP

Tới năm 1960, Đặng Văn Việt chuyển ngành ra Bộ Xây dựng. “Ra ngoài, làm nhiều công việc hoàn toàn mới mẻ, không biết là phải đi học. Chỉ học ban đêm, nhưng học xong thì làm việc gì cũng dễ. Đến giờ, hàng ngày chú vẫn tự học tiếng Anh”, ông tâm sự. Buổi đó gặp ông, đã ở tuổi 97, nhưng ông vẫn say mê đọc và viết sách. Thật bất ngờ khi được biết Đặng Văn Việt là tác giả, dịch giả và chủ biên của 17 đầu sách, trong đó có đến 3 giải thưởng Văn học Nghệ thuật. Sau khi về hưu, cuộc sống ông có lúc lao đao, phải đạp xe đưa bánh kẹo kiếm sống. Tuy nhiên, với tính lạc quan và cộng với nền tảng giáo dục của gia đình, ông có tinh thần học tập và phát triển kiến thức tốt.

Đặng Văn Việt thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và đọc được cả hai cổ ngữ là chữ Latin và chữ Hy Lạp cổ. Thời gian công tác trong ngành Xây dựng, ông còn học thêm bằng kỹ sư. Từ năm 1985, ông bắt đầu bước vào sự nghiệp văn chương. Do từng là một trong những sĩ quan cao cấp thời kỳ đầu và từng có thời gian gắn bó với chiến trường đường số 4, ông đã viết và dịch nhiều hồi ký liên quan đến con đường lịch sử này. Đặc biệt, với hồi ký Đường số 4 rực lửa, ông đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa, và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu. Một số tác phẩm của mình được ông dịch ngược qua tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để giới thiệu ra quốc tế.

Quen thân với trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Phó hiệu trưởng chính trị trường Lục quân 1, được nghe kể: “Tháng 5/2016 Đặng Văn Việt lên thăm trường. Sau khi tham quan Nhà Truyền thống của trường, ông tặng tôi cuốn sách Đường số 4 rực lửa do ông viết, và cuốn Hạ cờ triều đình Huế, giương cao cờ đỏ sao vàng - một sự kiện vĩnh hằng do ông chủ biên. Dẫu đã ngót trăm tuổi, ông vẫn thông tuệ, minh mẫn, rút bút viết đề tặng, kèm theo dòng chữ dưới chữ ký “Lính già, Vua không ngai”…

Một lần, trong bữa cơm thân mật, cùng mâm có chị Võ Hạnh Phúc (ái nữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp), tôi có hỏi: “Cháu nghe nói có lần bác Văn gợi ý chọn chú làm Tổng Tham mưu trưởng. Điều đó có thật không?”. Đặng Văn Việt nhẹ nhàng: Đúng thế! Còn chị Phúc gật đầu tán thưởng. Đang lúc vui, tôi hỏi tiếp: “Nghe nói chú vẫn tự đi xe máy, vẫn chơi tennis, và đặc biệt là chú còn khiêu vũ, có đúng vậy không?”. Ông nở nụ cười lành hiền: “Thì vẫn thế chứ sao!”. Khi chia tay, ông đưa tôi một cuốn sổ mỏng và nói: “Cháu ghi số điện thoại di động và địa chỉ vào đây, để chú còn liên hệ”. 

Vỹ thanh!

Chuyện ghi lại từ năm 2016 khi cùng ông và 3 đồng đội của Khóa 1 trên tổng số hơn 300 thầy trò năm 1946 Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn lên thị xã Sơn Tây, đến thắp hương và đặt lẵng hoa nơi Bác Hồ tặng lá cờ cho thầy trò của trường. Đầu năm 2019, nơi này đã được Nhà nước xác nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2019, nghe tin ông phải đi viện vì bị té ngã. Vậy mà sau khi ra viện ông vẫn đi xe máy 3 bánh thăm hỏi họ hàng, bạn bè. Cứ nhớ mãi câu nói của ông: “Tất cả là ý chí, các cháu ạ!”.

Trân trọng trước sự hy sinh và cống hiến của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Kính chúc “Hùm xám đường số 4”, “Vua không ngai” Đặng Văn Việt vui khỏe, hạnh phúc với tuổi bách niên!

_______

*. Sau là Trưởng ban Liên lạc Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn, 94 tuổi, sống ở thị trấn Mỗ Lao, Hà Đông.

Một số tác phẩm đáng chú ý của Đặng Văn Việt: Một phác thảo lịch sử quân sự (Chủ biên, chưa xuất bản); Tóm tắt và đối chiếu lịch sử quân sự Việt Nam với lịch sử quân sự thế giới: Từ cổ đại tới hiện đại (Nxb Thanh Niên, 1998); Con đường tử địa (Dịch từ tác phẩm La Route Morte của Charles Henry de Pirey); Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương (Dịch từ tác phẩm L’Aveuglement, De Gaulle face à l’Indochine của Pierre Quatreponit); Người lính già Đặng Văn Việt - chiến sĩ đường số 4 anh hùng (Hồi ức, Nxb Trẻ, 2003); Đường số 4, con đường lửa (1985); Les mémoires du vieux soldat (!); Souvenirs d’un colonel Vietminh (Indo Éditions, Paris, 2006); De la RC 4 à la N 4: la campagne des frontiers (Editions Le Capucin, 2000)...

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020

 


Có thể bạn quan tâm