April 26, 2024, 12:11 pm

Hồn thiêng sáng mãi cội nguồn

Nếu trước đây bạn đã từng được về thăm hang Pác Bó, nay có dịp trở lại thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi những giây phút ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của khu di tích lịch sử có một không hai này. Từ ngã ba Đôn Chương (Hà Quảng) ngược lên gần chục cây số, khi xe lướt nhẹ vào cua đầu tiên của con đường Hồ Chí Minh thì xa xa trước mắt bạn là một ngôi nhà sàn cách điệu mái ngói đỏ tươi tọa lạc trên mỏm đồi giữa trập trùng xanh của miền rừng Pác Bó, đó là đền thờ Bác Hồ, được khánh thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ 121 năm ngày sinh của Người.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Pác Bó, Cao Bằng.

Là người đã rất nhiều lần đến thăm hang Pác Bó, lán Khuổi Nặm nhưng cũng như bao người khác, tôi thật không ngờ, đằng sau tòa nhà bảo tàng trưng bày những hình ảnh và hiện vật về Bác đối với Pác Bó, đối với Cách mạng Tháng Tám lại có một quả đồi đẹp đến hút hồn như thế. Đi một vòng quanh khu đền thờ, tôi mới biết rằng đây là một quả đồi độc lập, có độ cao chừng hai, ba trăm mét, đồng bào Nùng nơi đây quen gọi là “Pò Tếnh Chấy” (đồi Tếnh Chấy). Chẳng hiểu vì sao, dòng suối Lê Nin về đến đây bỗng vòng vèo, uốn lượn gần như ôm gọn lấy chân đồi, nước cứ thăm thẳm xanh, đẹp đến nao lòng. Bên kia dòng suối là một dải đồi khác thấp dần về phía thượng nguồn, cây cối bốn mùa ngút ngát. Thoạt nhìn như một con rồng xanh đang uốn lượn bởi những bàn tay vô hình nào đó ôm lấy ngọn “Tếnh Chấy”. Toàn bộ lọt thỏm giữa điệp trùng của một vòng cung núi đá sừng sững, uy nghiêm, bốn mùa sương quyện, mây vờn. Dưới chân núi là thấp thoáng những mái nhà sàn khói tỏa màu lam của các xóm bản người Nùng tĩnh lặng, yên bình, tạo thêm xúc cảm thi vị trước vẻ đẹp hùng vĩ của non nước, mây trời Pác Bó. Cửa chính của ngôi đền chênh chếch hướng Nam, xa xanh, tít tắp, lờ mờ trong sương là những khúc sông mở lòng, sóng biếc lăn tăn như đang reo vui cùng những cánh đồng ngô mướt mát kéo dài đến tận Kéo Già. Thật là “sơn thủy hữu tình” và cũng thật là “Trên có núi/ Dưới có sông/ Có đất ta trồng/ Có bãi ta vui”. Phải chăng sông núi đã hóa thiêng bởi hồn thiêng của Bác và hồn thiêng sông núi đã thiêng hóa trở lại, tôn vinh tạo thế lồng lộng, uy linh cho Người! Hình như Tổ quốc - quê hương - non sông gấm vóc thiêng liêng, cao quý là đây! Nhìn về phía trước, ngoảnh lại phía sau, tôi bỗng thấy như mình được hòa vào mây trời, sông nước của miền địa đầu Tổ quốc và từ sâu thẳm của lòng mình, tôi như muốn reo lên lời thán phục vị lãnh đạo nào đã “khám phá” ra quả đồi có vị thế đắc địa này, để “Bác ngồi đó lớn mênh mông”, để rồi hồn thiêng mãi mãi tỏa rạng nơi cội nguồn cách mạng. Có phải ở “Thầy địa lý” này, trong những lúc trăn trở tìm địa điểm dựng đền cho thích hợp nhất, đêm nằm đã vọng về lời mách bảo của Bác kính yêu: “Hãy để Bác ở ngọn đồi Tếnh Chấy”! Khiến cho khách nào tới đây cũng phải trầm trồ ngợi khen. Được biết rằng, sau khi chọn được địa điểm đúng như mong muốn, Ban chỉ đạo và Ban quản lý dự án đã dành nhiều thời gian, tâm sức vào việc nghiên cứu, trao đổi để tìm ra phương án xây dựng tối ưu nhất, nhằm hoàn thành công trình vào đúng ngày 19/5/2012 và kỷ niệm 70 năm ngày Bác về Pác Bó. Qua nhiều cuộc hội thảo các kiến trúc sư cả Trung ương và địa phương đã thống nhất chọn mẫu đền thờ là một ngôi nhà sàn cách điệu, mang dáng dấp nhà sàn của người Tày - Nùng Cao Bằng mà vẫn bảo đảm tính hiện đại, tạo nét độc đáo nên đền thờ Hồ Chí Minh của thời đại Hồ Chí Minh, trông vừa thanh thoát, vừa uy nghi, giản dị mà hoành tráng, toát lên được thần thái của vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, giản dị, chân chất như cây cỏ, như suối nguồn mà thanh cao, minh triết như một vị thánh. Chả thế mà từ sau ngày đền thờ được khánh thành, mở cửa đón khách, cho đến nay bình quân mỗi năm có từ 250 đến 300 ngàn lượt khách, trong đó 10% là khách quốc tế, dẫu xa xôi cách trở ngàn trùng vẫn đến thắp hương tưởng niệm và tỏ lòng thành kính, nhớ ơn Người. Còn gì vui bằng, đêm 30 tết hàng năm, bà con các xóm Bó Bẩm, Pác Bó, Cốc Chủ, Bản Nưa,... cùng tề tựu lên đền để đón giao thừa, thắp hương mời Bác về vui tết. Cũng từ đó đến nay rất nhiều bà con từ các miền quê trong tỉnh, đúng lúc giao thừa đến đây để lấy 1,2 can nước (theo tục lấy nước mới) về để thắp hương tri ân ông bà, tổ tiên, những mong sang năm mới cả gia đình được an khang, thịnh vượng, tạo thêm một nét đẹp văn hóa ở miền biên ải xa xôi này.

Khi được hỏi khách đến đây đông như vậy thì anh, chị em trong Ban quản lý có vất vả lắm không thì giám đốc trẻ Đàm Văn Mùi với nét cười rạng rỡ: - Vất vả mà vui chú ạ. Khách đến càng nhiều chúng cháu càng phấn khởi, vì chính những lúc bận rộn là lúc chúng cháu được dịp thể hiện tấm lòng, tình cảm của mình đối với Bác Hồ kính yêu! Mình tận tình với khách cũng chính là tận tâm với Bác, thỏa lòng mong mỏi của Bác.

Tôi chưa kịp chia sẻ về những lời tâm sự đầy chất nhân văn ấy thì Đàm Văn Mùi bỗng chuyển giọng cao hứng: - Sau dịp 19/5 tới này, nếu chú đến lần nữa, bảo đảm chú sẽ xuất khẩu thành thơ! Hiện nay chúng cháu đang gấp rút hoàn thiện việc tỉa cành, tạo dáng toàn bộ các hàng cây cảnh cũng như các khóm hoa ở xung quanh đền, lúc đó chắc chắn cả khu đền sẽ như một vườn hoa đa màu, đa sắc, làm rực rỡ thêm đất trời Pác Bó, khách đến sẽ chẳng muốn rời

Vâng, tôi tin điều đó. Vì ở đời ai chả muốn làm được nhiều việc tốt để thỏa lòng mong đợi của Bác kính yêu, và chỉ có làm tốt những công việc đó thì mong muốn biến khu di tích Pác Bó thành một khu du lịch trọng điểm của Cao Bằng mang đầy đủ các yếu tố về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh mới trở thành hiện thực và sẽ là chất keo kết dính khách phương xa với Pác Bó, với cội nguồn cách mạng Cao Bằng.

Đi hết mọi ngóc ngách của khu đền mới thấy rõ nét “đắc địa” của khu đồi. Lúc ở ngoài trời nóng nực là thế, mồ hôi cứ rấn ra ướt cả lưng áo, nhưng khi vào trong đền một luồng không khí mát lạnh, mơn man thổi về, cho ta một cảm giác thư thái đến mãn nguyện, hay là bóng Bác chở che “Mát rượi lòng ta, ngân nga câu hát”. Từ trong suy tưởng miên man ấy, tôi lặng lẽ thắp nén nhang, kính cẩn cầu mong Bác mãi mãi an lành nơi suối ngọc, để phù hộ đời đời cháu con lúc nào cũng kết đoàn, quây quần bên Bác, ra sức đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước Việt Nam đến đài vinh quang. Vì trong đổi mới và hội nhập hôm nay, nguồn lực hàng đầu là tri thức. Nhưng nếu thiếu tri thức cội nguồn, con người sẽ thiếu một nền tảng vững chắc - Cái điểm tựa giúp ta vượt qua mọi trở lực, tiếp cận mọi giá trị của tương lai. Chính nhận thức được những điều sâu xa đó, nên dẫu tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng vẫn chung lòng, góp sức xây dựng và tôn tạo khu đền ngày một đẹp đẽ hơn, khang trang hơn.

Theo làn hương mỏng, ngước nhìn lên bức tượng toàn thân Bác Hồ với dáng ngồi thanh thản, tự tại được đúc bằng đồng ta mới xúc động làm sao. Cảm ơn bàn tay tài hoa của người tạc tượng. Dẫu không biết là ai nhưng qua các đường nét tinh xảo của bức tượng, ta cũng hiểu được tấm lòng trong sáng đến toàn bích, tôn kính Bác đến tận đáy lòng mới sáng tạo ra bức tượng thần thái đến như thế. Trên cao nhất là bức hoành phi đề 4 chữ: “Hồng nhật cao minh” được mạ vàng trang trọng. Phía dưới tượng Bác là hai câu đối: “Lãnh tụ trở về, nhật nguyệt bừng lên trời Pác Bó/ Anh hùng tụ lại, tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng” do Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu phụng thảo. Bốn bức tường trong gian tưởng niệm là bốn bức phù điêu lớn bằng đá hồng ngọc, diễn tả về bốn cảnh quan có tính hào hùng lịch sử, với những họa tiết mềm mại, uyển chuyển được gắn kết với nhau như một bản giao hưởng đá trầm hùng, sâu xa mà lắng đọng, thăng hoa mà bình dị như chính cuộc đời của Bác. Đó là bốn địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Người: Pác Bó, khu rừng Trần Hưng Đạo, cây đa Tân Trào và Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngắm tượng Bác, ngắm bốn bức phù điêu cùng hai câu đối sơn son, thếp vàng uốn lượn theo kiểu thư pháp, trong ta bồi hồi nhớ về những sáng mùa xuân năm 1941, nhớ những ngày tháng: “Hang lạnh nhớ tay Người đốt củi/ Bập bùng ngọn lửa suốt đêm thâu/ Ai hay ngọn lửa trong hang tối/ Mà sáng muôn lòng vạn kiếp sau”. Năm tháng dẫu qua đi, nhưng ai có thể quên được rằng, bắt đầu từ Pác Bó, khởi nguồn từ Cao Bằng đất nước ta nhờ có Đảng, có Bác Hồ đã nở hoa độc lập, kết trái tự do, giờ đây đang tiến nhanh trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, ngày càng nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Chỉ đôi giờ với khu đền, hình như Bác đã cho chúng ta biết bao bài học về địa lý, về khoa học tâm linh và cả về sự bình thản, tự tin... Từ đây mỗi chúng ta càng thấm sâu tình yêu quê hương đất nước, tình yêu những con người một thời vượt qua đói nghèo, hi sinh mất mát, một lòng một dạ theo Bác Hồ, theo Đảng làm cách mạng. Trước đây đã thế, bây giờ vẫn thế. Còn hình ảnh nào xúc động bằng giữa cái nắng đầu hè chói chang, gần trăm con người là con em quê hương Pác Bó vẫn cần mẫn vun xới, tỉa tót những khóm hoa, những hàng cây xung quanh ngôi đền, đặng góp phần làm đẹp, làm bền toàn bộ công trình lịch sử văn hóa thiêng liêng này, để đời đời con cháu mai sau đến đây mà chiêm bái và xin Người ban cho phúc lộc, an lành.

Khi chuẩn bị rời khu tưởng niệm tôi bắt gặp hai đoàn cựu chiến binh, trong đó có đoàn cựu chiến binh của Dầu khí Vũng Tàu và đoàn Hội Nhà báo của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Long an đã vượt qua hơn hai ngàn cây số để về đây thắp hương tưởng nhớ Người và thưởng ngoạn khu du lịch Pác Bó lịch sử. Qua đây ta mới càng thấm thía thêm ý nghĩa của mấy câu thơ: “Hồ Chí Minh/ Người ở khắp nơi nơi/ Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ…”, bởi lúc sinh thời Người sống rất đẹp. Người đi xa, cuộc đời càng đẹp trong lòng nhân dân

Quả thật là “hiếm thấy trong lịch sử có con người nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh Người trong từng hơi thở của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận mỗi người dân trong từng ý nghĩ của Người. Bác Hồ, đó là tên gọi trìu mến nhất, thiêng liêng nhất mà cả dân tộc đã dành để gọi vị lãnh tụ kính yêu của mình. Bác giản dị và gần gũi. Không có khoảng cách nào giữa một người dân bình thường với lãnh tụ lại được rút ngắn như vậy. Từ lâu Bác đã trở thành một lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước. Người là một cá nhân, nhưng Người cũng đã trở thành tất cả...

Với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ Bác, yêu kính Bác dù khách gần xa hãy một lần hành hương về nguồn, nơi mà cách đây gần nửa thế kỷ nhà thơ Tố Hữu đã gửi niềm xúc cảm sâu xa của mình:

Ai đã đến

Ai chưa đến đó

Có hòn núi Mác, suối Lê Nin

Hãy về thăm quê ta Pác Bó

Nơi Bác về nguồn nước mới sinh”.

Pác Bó tháng 5 năm 2020

Nguồn Văn nghệ số 20/2020


Có thể bạn quan tâm