April 26, 2024, 10:10 pm

Hơn 400 năm trước có Công nữ Đại Việt về làm dâu xứ Phù Tang

 

Trong lịch sử Việt Nam, có hai công chúa Đại Việt làm dâu xứ người. Câu chuyện làm dâu xa xứ nào cũng đầy cảm động. Và một trong hai câu chuyện về nàng dâu Đại Việt, phải lên thuyền, xa xứ mình, về xứ chồng, đã chính thức được dựng thành vở Opera - Tác phẩm nghệ thuật này được hình thành từ một dự án sân khấu hóa quy mô lớn, tái hiện một câu chuyện có thật, trong lịch sử bang giao của Đại Việt – Việt Nam.

Từ Công chúa Ngọc Hoa đến Công nữ Anio

Cô dâu đầu tiên phải xa xứ là Huyền Trân Công chúa. Sử chép: Năm 1306, Huyền Trân công chúa được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân. Câu chuyện làm dâu của Công chúa Huyền Trân sớm trở thành một chủ đề (đề tài) trong văn học truyền khẩu dân gian, đến các sáng tác thi ca, nghệ thuật. Cô dâu thứ hai là công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Hoa. Bà là con gái (có tài liệu nói là con gái nuôi) của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, còn gọi là Chúa Sãi. Vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong.

 

Hai nghệ sỹ Opera: Đào Tố Loan (bên trái) và Bùi Thị Trang (cùng vào vai Công nữ Anio, tại sự kiện giới thiệu trích đoạn “Aria Đàn bầu” của vở Opera, chiều 27/8/2022). Ảnh: T.Ngọc.

Chúa Sãi là con thứ 6 của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn (1802 - 1945), triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử đất nước ta. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên trị vì ngôi từ năm 1613 đến năm 1635.

Câu chuyện làm dâu xứ người của Công nữ Ngọc Hoa được ghi chép và lưu giữ khá kỹ. Một bản (sao) bài Châu ấn Ngoại thương (của Trung tâm Lưu trữ quốc gia Nhật Bản) giới thiệu lịch sử, phong tục, ngôn ngữ và địa lý Việt Nam dưới thời Chúa Nguyễn, trong đó có chép “Câu chuyện của một thương nhân thành đạt là Sotaro Araki, đã đến An Nam nhiều lần và được chúa Nguyễn tin tưởng, gả công nữ Ngọc Hoa cho ông. Sau đó ông đưa vợ về Nhật. Công nữ Ngọc Hoa được người dân Nagasaki yên mến và gọi trìu mến bằng tên Nhật là Ani-ou-san”, đã được Trung tâm lưu trữ quốc gia IV (Việt Nam) công bố.

 

Ghi chép chuyện tình cảm động của Thương nhân Sotaro Araki và Công nữ Ngọc Hoa trong Châu Ấn Ngoại thương. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Việt Nam).

Theo một giai thoại khác, cũng chính những người dân quê nhà Nagasaki đã đặt cho Ngọc Hoa tên mới Anio (Công nữ Anio cũng là tên chính thức của vở Opera), bởi cô công chúa triều Nguyễn luôn trìu mến gọi chồng, theo cách người Việt (Anh ơi, anh ơi). Anio được cho là gần giống với phát âm (tiếng Việt) của Ngọc Hoa mỗi khi cô gọi chồng …

“Câu chuyện tình cảm động giữa Công nữ Anio và chàng thương nhân Araki Sotaro rất hoàn hảo. Tái hiện lại câu chuyện qua ngôn ngữ của âm nhạc với diễn xuất của các nghệ sỹ Nhật Bản và Việt Nam, cũng như nhiều tổ chức, cơ quan của hai nước chúng ta, tất cả đã đồng hợp sức và hợp tác sản xuất  vở diễn … Tôi cho rằng, thông qua âm nhạc và ngôn ngữ của sân khấu, chúng ta đã mở ra một lĩnh vực hợp tác mới, góp phần tô đậm hơn, mối quan hệ hữu nghị đã có từ lâu của hai dân tộc, hai đất nước” – Tổng đạo diễn Honna Tetsuji chia sẻ tại sự kiện giới thiệu (một trích đoạn vở Opera, diễn ra tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa, chiều 27/8/2022).

Để chuyển tải câu chuyện cảm động này, ngôn ngữ và các mô-típ (motif) ước lệ của Opera được sử dụng, vừa là phương tiện trần thuật, gợi lại cốt truyện, vừa tạo ấn tượng mạnh và trở thành hạt nhân của mục đích sử dụng nghệ thuật: Thông qua nhịp cầu âm nhạc , tăng cường giao lưu, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.

Được biết vở diễn có 4 màn, 2 màn đầu là bối cảnh ở Việt Nam (các nghệ sỹ thể hiện bằng tiếng Việt), 2 màn sau là bối cảnh ở Nhật Bản (70% tiếng Nhật). Để phục vụ nhiều đối tượng khán giả, vở diễn có phụ đề 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh).

Vở Opera xứng tầm dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị hai dân tộc

Khi được sân khấu hóa, câu chuyện tình thương nhân Araki Sotaro và Công nữ Ngọc Hoa được tái hiện với cốt chuyện: Trong một lần sang buôn bán ở Hội An, chàng thương nhân Araki Sotaro đã gặp công nữ Ngọc Hoa. Họ gặp nhau trên một con thuyền. Dù không được Chúa cha (Nguyễn Phúc Nguyên) ủng hộ (Chúa buồn vì phải xa con gái), nhưng với quyết tâm của đôi bạn trẻ, sau đó họ nên lương duyên vợ chồng. Năm 1620, Araki Sotaro đưa vợ về Nhật. Tại quê nhà Nagasaki, công nữ được mọi người chào đón. Với tính cách thùy mị, tư chất thông minh của một công nữ, Ngọc Hoa được những người dân quê chồng rất mực quý mến….

Một chi tiết rất xúc động, đó là ở lễ hội truyền thống Nagasaki Kunchi. Một lễ hội được biết đến với tinh thần “hạn chế sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong giai đoạn Nhật Bản buộc phải mở cửa giao thương với phương Tây, các quốc gia khác trong khu vực”. Lễ hội vẫn còn được lưu truyền, các hoạt động truyền thống được tái hiện gần nguyên vẹn, cho đến tận ngày nay….

Trong kịch bản nghi lễ lịch sử "Châu Ấn thuyền" của Nagasaki Kunchi, tái hiện một thời kỳ thương mại sinh động, “vươn ra và khám phá thế giới”. Đó là khoảng thời gian cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, thuyền buôn Nhật Bản vượt biển, đến giao thương với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, … phân cảnh rước kiệu đón công nữ Anio không thể thiếu. Cô dâu công nữ quê Việt rất kiều diễm, hiền hòa, dễ thương nhưng cũng rất trí tuệ, luôn được nhiều thế hệ người dân Nagasaki, kể lại cho nhau nghe.

 

Tổng đạo diễn Honna Tetsuji trả lại phỏng vấn VTV8 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Năm 2017, nhân dịp Tuần lễ diễn đàn cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng - Việt Nam, chính quyền và nhân dân tỉnh Nagasaki đã trao tặng thành phố Hội An, mô hình Châu Ấn Thuyền – chiếc thuyền buôn, cũng là phương tiện đã rước và đưa dâu. Công Nữ Ngọc Hoa rời quê hương Đàng Trong về xứ chồng.

Chủ tịch Ủy ban điều hành dự án Châu Ấn thuyền, ông Miyawaki Masatoshi cho biết, mô hình được trao tặng là một phiên bản từ Châu Ấn thuyền. Kể từ khi Chúa Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong đặt quan hệ với Tokugawa, Nhật Bản (năm 1601) cho đến lúc Mạc phủ Tokugawa ra lệnh bế quan tỏa cảng (năm 1635), đã có 86 chiếc thuyền đóng ấn son (Châu Ấn Thuyền) của Mạc phủ cập bến Hội An (số liệu được trích từ công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu Quốc tế - Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản).

Cùng với nghi thức trao tặng mô hình, đã diễn ra hoạt cảnh màn tái hiện đám cưới của Công Nữ Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro.

Dự án Opera “Công nữ Anio” có cốt truyện (chính) dựa trên một sự thật lịch sử, chứa đựng “một cơ duyên” về mối quan hệ lâu đời của hai quốc gia (Nhật – Việt).

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, Ngài Yamada Takio, cũng là Người giữ vai trò Cố vấn danh dự cho dự án này, đã luôn bày tỏ sự kỳ vọng rằng, vở opera “Công nữ Anio” sẽ trở thành tác phẩm “xứng tầm với dấu mốc kỷ niệm 50 năm”, giúp mọi người đều có thể một lần nữa, nhận ra sự tương đồng, gần gũi giữa Nhật Bản và Việt Nam từ xa xưa, mối lương duyên đặc biệt thâm tình trong quan hệ hai nước..

“Từ hơn 400 năm trước, giữa hai quốc gia chúng ta đã tồn tại mối quan hệ tốt đẹp, là hai đối tác bình đẳng, tin cậy lẫn nhau. Thông qua việc đưa câu chuyện sự thật lịch sử vào vở opera này, chúng tôi mong muốn sẽ tạo nên một tác phẩm như một biểu tượng cầu nối, giúp mối quan hệ hai quốc gia ngày càng sâu sắc hơn trong 50 năm, 100 năm tới và hơn thế nữa”, Đại sứ Yamada Takio phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu về dự án Opera (Hà Nội, tháng 6/2022).

Thông tin của Ban Điều hành dự án “Công nữ Anio” cho biết, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023), vở diễn Opera “Công nữ Anio” sẽ chính thức ra mắt khán giả Thủ đô (tháng 9 năm 2023).

Ban Điều hành dự án “Công nữ Anio” gồm (Brain Group, Công ty TNHH Âm nhạc YamahaViệt Nam, Hiệp hội Xúc tiến Giao lưu Quốc tế NPO) cũng cho biết, nhiều tổ chức của hai quốc gia đã cùng hợp tác sản xuất, và chuẩn bị cho sự kiện công diễn vở opera. Không gì hơn, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động giao lưu, trao đổi nghệ thuật Việt – Nhật. Thông qua đó, cùng hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng là đơn vị đồng tổ chức sự kiện công diễn này.

Những bảo vật của tình hữu nghị

Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa đi vào hoạt động từ đầu tháng 6/2022. Nếu hạ tầng và các sản phẩm du lịch thành phố biển Đà Nẵng, lâu nay tập trung ở khu vực đông và đông nam của thành phố, thì Da Nang Mikazuki Japanese được ghi nhận là khu nghỉ dưỡng cao cấp đầu tiên ở vòng cung tây bắc, bên vịnh Đà Nẵng …

Cố Thủ tướng Nhật bản Abe Shinzo, một Người bạn lớn – một Người bạn tốt  của nhân dân và đất nước Việt Nam, lúc sinh thời từng chia sẻ rằng: Khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki, là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Đà Nẵng. Và câu chuyện đáng để nói với Da Nang Mikazuki, đó là “dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Đà Nẵng” cũng chính là nơi sáng tạo ra một khu du lịch, một điểm đến mới “Nơi lan tỏa tinh hoa văn hóa Nhật”. Đây là mô hình điểm đến du lịch, nhưng cũng là nơi quảng bá giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, có một không hai ở Đà Nẵng, của một nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày 9/8/2022 vừa qua, “Kiệu rước thần Mikoshi Nikko Toshogu” linh thiêng đã chính thức được đưa về Da Nang Mikazuki. Lần đầu tiên trong lịch sử, một chiếc kiệu rước thần với linh hồn của tướng quân Tokugawa Ieyasu được xuất hiện và lưu giữ bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Và đó là một nơi ở duyên hải Trung bộ Việt Nam. Tokugawa Ieyasu đóng vai trò chủ chốt trong quá trình thống nhất đất nước.

Cũng chính ông là người đã đưa ra nhiều chính sách củng cố và mở rộng giao thương của Nhật Bản với các quốc gia trong vùng, không để Nhật Bản bị “gò bó, thua kém” bởi chính sách cấm biển (hải cấm) của Nhà Minh.

 

Bức tranh mô tả Châu Ấn Thuyền (Thuyền đi lại trên biển có giấy phép, giấy phép có đóng dấu ấn đỏ) của Thương nhân Sotaro Araki. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Việt Nam). 

Châu Ấn Thuyền, (hiểu đầy đủ theo cách diễn nghĩa), là dùng ấn triện bằng ngọc (châu) của chính quyền Mạc phủ, ấn định (cho phép bằng cách đóng dấu đỏ), để thuyền buôn được vượt biển, ra hải ngoại xúc tiến hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa (từ Nhật đến các quốc gia khác, gần nhất như Đại Việt,  Xiêm La, Campuchia hay xa hơn như Ấn Độ). Và ngược lại, thuyền buôn khác đến Nhật Bản cũng phải được Châu Ấn.

Năm 1635, Mạc phủ Tokugawa lại ra lệnh bế quan tỏa cảng. Việc cấp giấy phép thông hành đặc biệt - "Ngự chu ấn trạng", Goshuinjo- cho phép tàu buôn Nhật Bản sang buôn bán ở các quốc gia khác của chính sách Châu Ấn Thuyền tạm dừng.

Những thương thuyền Nhật Bản, xem như, đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình trong một giai đoạn “bôn ba trên biển đi giao thương” ngắn ngủi, nhưng có nhiều biến động: Thuyền buôn Nhật Bản bị cướp bóc, bị đối xử không công bằng ở nước ngoài.

Năm 1633, Mạc phủ Tokugawa quyết định đoạn tuyệt quan hệ giao thương với Hà Lan và Bồ Đào Nha. Nếu tính vào năm 1593, những "Ngự chu ấn trạng", Goshuinjo đầu tiên được cấp, hiện thực chính sách Châu Ấn Thuyền của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, đến năm 1633 thì dừng hẳn Shuin - sen (Châu Ấn thuyền) … Câu chuyện Châu Ấn Thuyền chỉ mới diễn ra 40 năm.

Nhưng trong 40 năm đó, Châu Ấn Thuyền đã làm rõ chủ trương của Mạc phủ Tokugawa, thông qua con đường buôn bán, trao đổi, thông thương hàng hóa (của thương nhân và nhân dân), mở đường cho quan hệ hữu nghị (giữa chính quyền, nhà cầm quyền) với (người đứng đầu) các nước láng giềng. Và đặc biệt, chính Châu Ấn Thuyền cũng đã là nhịp cầu “se duyên vợ chồng” cho Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Sotaro Araki.

Tướng quân Tokugawa Ieyasu được tôn sùng là vị thần quan trọng, đại diện cho hòa bình, đức độ và tài ba. Kiệu rước thần với linh hồn của tướng quân Tokugawa Ieyasu được những nghệ nhân của một xưởng nghề nổi tiếng (đã có 160 năm hình thành và phát triển): Xưởng Asakusa Miyamoto chế tác.

 

Hình ảnh giới thiệu “Kiệu rước thần với linh hồn của tướng quân Tokugawa Ieyasu”, bên cạnh là Bộ áo giáp hữu nghị Việt - Nhật. Ảnh: T.Ngọc

Một bảo vật nữa, đã xuất hiện cùng hai nghệ sỹ Opera là Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang (vào vai Công nữ Anio, tại sự kiện giới thiệu trích đoạn vở Opera, chiều 27/8/2022), là cây đàn Piano sơn mài Aizu Nuri độc nhất vô nhị, được những nghệ nhân nổi tiếng của xứ sở mặt trời mọc chế tác hoàn toàn bằng thủ công. Hình ảnh quốc hoa của hai nước được vẽ lên cây đàn một cách chi tiết và công phu.

Tác giả của tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao này là Họa sỹ Sơn mài Saeko Ando. Cô sang Việt Nam năm 1995 và bắt đầu tìm hiểu, theo học nghề vẽ sơn ta truyền thống của Việt Nam, vẽ tranh sơn mài với họa sỹ Bùi Tuấn Thanh, họa sỹ Trịnh Tuân, Nghệ nhân sơn mài Đoàn Chí Trung, Lâm Hưu Chính. Năm 2000, Saeko Ando trở thành hội viên người nước ngoài đầu tiên của Hội Mỹ thuật Hà Nội.

 

Quốc hoa Nhật (Hoa Anh Đào) trên cây đàn Piano sơn mài Aizu Nuri

Miệt mài học, tìm hiểu sâu những kỹ thuật thủ công sơn mài cổ xưa của Việt Nam, Saeko cũng tạo ra một số kỹ thuật riêng nhằm làm nổi bật phong cách thẩm mỹ Nhật Bản. Saeko Ando đã trở thành Nhà nghiên cứu về nghệ thuật sơn mài, và cô không ngừng truyền tải, lan tỏa vẻ đẹp của sơn ta – của tranh sơn mài Việt, ra thế giới. Bên cạnh đó, còn có Bộ áo giáp hữu nghị Việt (đỏ) Nhật (trắng). Bộ áo giáp Việt được lấy cảm hứng từ màu chủ đạo của quốc kỳ Việt Nam, ngôi sao vàng được đặt tại 2 vị trí. Họa tiết Quốc hoa Việt Nam (Sen) được thể hiện trên nền gấm vàng trang phục chiến binh. Còn phần phía trước mũ chiến binh, được gắn logo của thành phố Đà Nẵng.

 

Và Quốc hoa Việt Nam (Hoa Sen) 

Tập đoàn Mikazuki chia sẻ rằng, họ đang sở hữu nhiều báu vật, mà ở mỗi báu vật đều tỏ bày niềm hy vọng về một tương lai gắn kết bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản

“Những bảo vật này của chúng tôi, ẩn dụ về tình hữu nghị (đã có giữa hai đất nước, hai dân tộc, hơn 400 năm), chúng ta luôn hy vọng và kỳ vọng về một tình bạn luôn gắn kết, luôn tôn trọng và cùng bảo vệ lẫn nhau, hướng tới một tương lai hòa bình trong thịnh vượng cho nhân dân cả hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản”, đại diện truyền thông Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa, bộc bạch.

Đà Nẵng, Những Ngày Thu Tháng Tám

T.N


Có thể bạn quan tâm