April 27, 2024, 10:18 am

Hội thảo về minh họa truyện Kiều

 

Hội thảo về minh họa truyện Kiều sẽ được diễn ra lúc 9h ngày 1/8 tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội) với 5 nội dung chính.

+Cụ thể: Nội dung thứ nhất, giới thiệu Truyện Kiều bản kinh ngự dụng mà nhà in Công Thiện Đường dựa vào khắc in năm 1898. Và triển lãm tranh minh họa Truyện Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn.

Thứ hai, nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn sẽ nói về 411 câu thơ có sử dụng các con số trong Truyện Kiều. Dưới góc nhìn minh triết Việt, đâu là ý nghĩa biểu đạt ước lệ của các con số mà Nguyễn Du sử dụng?

Thứ ba, khảo sát, phản biện và kiến nghị về những hệ lụy từ định đề “hoán thai đoạt cốt” do GS. Đào Duy Anh nêu ra.

Thứ tư, tiếp cận văn bản Hán văn để thấy rõ Thanh Tâm Tài Tử và Kim Vân Kiều truyện (bản đánh số A953) là tác giả, tác phẩm của người Việt. So sánh nội dung cuốn A953 của Thanh Tâm Tài Tử và cuốn Kim Vân Kiều truyện của Lý Chí Trung.

Và nội dung thứ năm của hội thảo là phê bình các chú giải lệch lạc về các ấn bản. Qua đây phản biện và kiến nghị một cách chú giải mới về nguồn gốc Truyện Kiều. 

Trước Hội thảo về minh họa truyện Kiều, văn đàn trong và ngoài nước đã có rất nhiều cuộc hội thảo về truyện Kiều nhằm tìm ra những  giá trị độc đáo làm nên sức hút của truyện Kiều, nhằm trả lời cho câu hỏi Điều gì tạo nên sức hút của Truyện Kiều ?  PGS.TS. Lê Giang cho rằng: Phải chăng vì Truyện Kiều kể cho ta nghe câu chuyện khổ đau của kiếp người qua bao nhiêu dâu bể? Con người bị săn đuổi, bị bao vây, dồn ép, bị mua đi bán lại, bị đày đọa mà không ai dám bênh vực, cứu giúp cho đến khi phải tự chọn lấy cái chết mới thôi.

Truyện Kiều chia sẻ với chúng ta, băn khoăn cùng chúng ta một câu hỏi lớn về “phận đàn bà” và cũng là số phận con người.

Truyện Kiều trong khi thể hiện các số phận khác nhau đã đi sâu vào phân tích tâm lý, từng ngõ ngách tế vi của tâm lý con người, làm cho các nhân vật trở nên vô cùng sống động, như có thể nhìn thấy ngoài đời, như có thể cầm tay, chào hỏi, trò chuyện. Đó là Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, là Thúc Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà…Những nhân vật từng bước thẳng từ trang văn ra đến cuộc đời.

Điều kỳ diệu nhất khiến cho Truyện Kiều còn hiện diện giữa chúng ta hôm nay chính là ngôn ngữ tác phẩm. Đó là một thứ ngôn ngữ nghệ thuật vô cùng phong phú và tinh tế; nó vừa có cái trang nghiêm cao cả, lại vừa có cái giản dị bình thường; vừa có cái hào hùng mạnh mẽ, lại cũng có cái trầm thống bi thương; vừa có cái mượt mà chải chuốt, lại vừa có cái thô ráp đời thường…Như suối nguồn, như vực sâu không bao giờ cạn. Truyện Kiều đã đưa tiếng Việt trở thành một thứ ngôn ngữ văn hóa sánh ngang với các ngôn ngữ lớn nhất trên thế giới. Truyện Kiều là bằng chứng hùng hồn nhất cho sức sống tiềm tàng của ngôn ngữ dân tộc, của văn hóa dân tộc, và cũng là của bản lĩnh dân tộc - một dân tộc dù gian khổ, tủi nhục bao nhiêu, nhưng vẫn không bao giờ chịu bị đồng hóa, không chịu cúi đầu.      

Sức sống, sức lan tỏa tác phẩm của Nguyễn Du cho chúng ta những bài học sâu sắc về thái độ sống của người trí thức và quan niệm sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Cuộc sống, đối với Nguyễn Du đó là sự lựa chọn và giải quyết mâu thuẫn giữa thái độ dấn thân làm người có ích nhưng đồng thời không bị vong thân trước quyền lực và danh lợi. Sáng tạo nghệ thuật, đối với Nguyễn Du, đó là con đường gian truân trong sự hoàn thiện tài năng, học vấn và nhân cách, đó là sự lựa chọn chỗ đứng của người nghệ sĩ: đứng về phía những người khốn khổ, những góc tối, góc khuất của cuộc đời để từ đó sáng tạo ra những tác phẩm chân thực, sâu sắc có sức rung động lòng người, giúp cho con người trở nên trong sáng, cao cả và đẹp đẽ hơn.

Và  Hội thảo minh họa truyện Kiều, sẽ mở ra một sức hút mới ở góc độ hình ảnh, bên cạnh sự thâm thúy trong lời văn của Nguyễn Du.

Nguyễn Phương


Có thể bạn quan tâm