April 27, 2024, 9:26 am

Hội nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (1920-2020)

 

Sáng nay ( 20/10) Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu. Tham dự lễ kỷ niệm có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghê thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch ( Bộ VHTTD); Ông Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNTTƯ; các Phó Chủ tịch; các Ủy viên BCH Hội; đại diện gia đình và các nhà văn nhà thơ, bạn đọc yêu mến thơ Tố Hữu.

Trước đó, nằm trong chuỗi kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết đánh giá những đóng góp của nhà thơ Tố Hữu cho nền văn hóa, văn học Việt Nam. Trong bài viết " Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu" đã khẳng định,  Nhân dân đã cho một hồn thơ, một " đôi mắt thần chủ nghĩa". Chính vì vậy mà phong vị ca dao, dân ca không thể sống dậy trong thơ Tố Hữu và thơ Tố Hữu tất yếu trở thành tài sản của nhân dân ngày nay.

Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4/10/1920, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhưng quê hương của ông ở làng Phù Lai (nay là thôn Tân Xuân Lai), xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặc dù được sinh ra ở Hội An nhưng Thừa Thiên Huế lại là quê hương, là nơi khơi nguồn, bồi đắp lý tưởng và bầu nhiệt huyết cách mạng, tâm hồn thơ ca của Tố Hữu. Đây cũng là nơi đã chứng kiến những bước trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp thơ ca của ông. Năm 13 tuổi, Tố Hữu vào học Trường Quốc học Huế. Tại mái trường này, ông đã tiếp cận được tư tưởng của Các Mac, V.I.Lênin và Nguyễn Ái Quốc  - Hồ Chí Minh... Đặc biệt, được sự dìu dắt của các nhà cách mạng Lê Duẩn, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu... Tố Hữu đã sớm giác ngộ. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng. Trong đó có nhiều năm ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng. Với tư cách là nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng, văn hóa, nhà thơ, Tố Hữu đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ mà anh dũng và vẻ vang của dân tộc.

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niêm, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khẳng định lễ kỷ niệm là một sự kiện văn hóa lớn, vì Tố Hữu đã tham gia khá nhiều vào cuộc đời mỗi chúng ta. Vì chúng ta quá quen có Tố Hữu trong mỗi chặng đường cách mạng. Và vì Tố Hữu không chỉ cần thiết cho quá khứ mà còn rất cần thiết cho hiện tại và tương lai. Thơ của ông là tiếng hát thiết tha, nóng bỏng và ngọt ngào vì độc lập tự do hạnh phúc của con người.... Một trăm năm Tố Hữu như một ngọn núi lớn, thời gian càng lùi xa, càng thấy cao. Ông là một sự kết tinh đẹp đẽ của nền thơ ca cách mạng với những tố chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân văn. Tố Hữu đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một tinh hoa văn hóa kết tinh những phẩm chất cao đẹp của dân tộc và thời đại

GS Hà Minh Đức, Gs Phong Lê, nhà văn Mai Nam Thắng, .. cũng đã có những nhận định và đánh giá quan trọng về cuộc đời sáng tác văn học của nhà thơ Tố Hữu. Ở độ lùi xa hơn, Nhà thơ Trần Đăng Khoa xúc động với bài viết 100 năm đọc lại thơ Tố Hữu đem đến một cái nhìn khách quan hơn về thơ Tố Hữu.  Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định, thơ Tố Hữu bao giờ cũng mạnh mẽ, đầy sức vóc, trước những thử thách và sự đào thải rất nghiệt ngã của thời gian. Ngoài làm thơ, ông còn là một nhà lãnh đạo lớn của đất nước. Đó là hai mặt của một vấn đề, bổ sung cho nhau, làm cho những tư tưởng và chí lực của ông có thêm điều kiện lan tỏa sâu hơn vào chiều sâu của đời sống nhân dân, của nền văn hóa dân tộc, thông qua những câu thơ đầy tâm huyết, cũng đầy trách nhiệm công dân của ông. Cũng khác với một số nhà thơ khác, ông công khai khẳng định mình là người làm công tác tư tưởng cho Đảng, là người hô khẩu hiệu, là người tuyên truyền, vì ông là một nhà cách mạng và thơ ông là một biện pháp hoạt động cách mạng của ông. Nhưng cái kì tài của ông là biến những chủ trương chính sách của Đảng thành  xúc cảm, thành nghệ thuật, và thành thơ như thơ của mọi nhà thơ trên thế gian....Tôi đọc lại Tố Hữu để tìm lại cái căn nguyên ấy, cái ngọn nguồn ấy để bình tâm và hứng khởi mà đi tiếp. Và tôi nhận ra rằng: Tố Hữu vẫn ở bên cạnh tôi, bên cạnh mỗi chúng ta, vẫn không bao giờ mất đi, không bao giờ già đi, vì cái gì ông mang đến cho nhân dân, đồng hành cùng nhân dân, nhưnó đã có từ 50 năm nay, và hơn thế nữa, từ 80 năm nay… thì những cái đó sẽ vĩnh viễn bất tử.

Ông Nguyễn Hữu Phương, trưởng nam của Nhà thơ Tố Hữu đã thay mặt gia đình cảm ơn những tình cảm quý báu của các đại biểu có mặt tại lễ kỷ niệm đối với nhà thơ Tố Hữu, qua sự hiện diện và qua bài diễn văn khai mạc, những dòng tâm sự, phát biểu của Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Chủ tịch Hữu Thỉnh, các giáo sư,  nhà văn và bạn đọc yêu mến nhà thơ Tố Hữu.

PV


Có thể bạn quan tâm