April 26, 2024, 11:32 am

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương: Tăng tốc nền kinh tế để Việt Nam hùng cường

 

Sáng nay ( 28/12) Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương đã chính thức được khai mạc. Hội nghị có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 27/12 và ngay trước thềm năm mới, Hội nghị  Chính phủ với các địa phương là sự kiện quan trọng không chỉ nhằm điểm lại những thành tựu, kết quả, khó khăn, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm, xác định và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp năm 2019 mà còn là năm bứt phá của toàn nhiệm kỳ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, khi điểm lại các con số kỷ lục về kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp. “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Hội nghị thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai 1 chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị đã cùng nhìn lại tình hình kinh tế, chính trị, xã hội năm 2018, tại các báo cáo tổng kết của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và đinh hướng đến năm 2012 khẳng đinh, kết quả nổi bật, bao trùm trong năm 2018 là tăng trưởng GDP đạt mức kỷ lục, ước đạt 7%, cao nhất trong 10 năm qua và cũng cao hơn mọi dự báo. Nhiều kỷ lục khác cũng được xác lập, như về dự trữ ngoại hối, xuất khẩu, xuất siêu… Đáng lưu ý, dù tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu CPI, thâm hụt ngân sách giảm, thị trường chứng khoán ổn định. Với kết quả đạt được của năm bản lề 2018, tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016 - 2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước.Theo đó, quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Dự  báo nền kinh tế sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt.

Triển khai nhiệm vụ năm 2019, Chính phủ đã xác định tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hành động, phục vụ nhân dân, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ và tạo sức lan tỏa về khát vọng Việt Nam hùng cường tới cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân; đồng thời đề xuất, xác định giải pháp trọng tâm trong năm 2019 gắn với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, cao hơn năm 2018.  Bên cạnh đó, đưa ra các nhóm giải pháp lớn cho năm 2019, cụ thể, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.Cùng với đó, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc.

Để hoàn thành các mục tiêu của năm 2019, Chính phủ  đã ban hành Nghị quyết  Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh đoanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.  Đây là nghị quyết tiếp nối Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh trang quốc gia. Nghị quyết xác định rõ, nâng cao thứ hạng trong xếp hạng quốc tế WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trtường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân....phấn đầu hết nhiệm kỳ lọt top ASEAN 4. ...

Như vậy, có thể thấy yêu cầu đổi mới tư duy và nhận thức đang ngày càng cấp bách, nhất là khi làn sóng công nghệ đột phá ra đời và đang lan rộng toàn cầu, trở thành trào lưu cách mạng, các quốc gia thu nhập trung bình nếu biết tận dụng thời cơ, tiếp cận công nghệ mới sẽ sớm vượt qua được ranh giới trình độ phát triển, thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đang ở giai đoạn cần có xung lực mới cho phát triển, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc và cũng không được phép đi sau trong thời đại cách mạng công nghiệp này.

Với tinh thần không chủ quan, tự mãn, đánh giá đúng tình hình, tăng cường thống nhất, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, trong 1,5 ngày diễn ra hội nghị ( từ ngày 28/12 đến hết buổi sáng ngày 29/12) các đại biểu  tại đầu cầu 63 tỉnh thành sẽ cùng bàn thảo những giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu đã được Chính phủ cụ thể hoá trong nghị quyết, góp phần lan tỏa khí thế mới, quyết tâm mới tới mọi cấp, mọi ngành trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu trong một năm bứt phá, từ đó hiện thực hóa các khát vọng hùng cường.

PV

 


Có thể bạn quan tâm