April 26, 2024, 1:33 pm

Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày sinh hoạ sĩ Vũ Giáng Hương

 

Sáng nay ( 15/10) Hội Mỹ thật Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, gia đình cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh hoạ sĩ tại 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội.

Lễ kỷ niệm có sự tham dự của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghê thuật Việt Nam, lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trường  Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đông đảo bạn bè, người  thân và nhiều thế hệ hoạ sĩ từng là học trò của  bà lúc sinh thời.

Trong bài phát biểu của hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Vũ Giáng Hương là một nghệ sĩ tạo hình, một nhà giáo, một nhà hoạt động xã hội, tận tuỵ, đảm đang trong cuộc sống gia đình, tình cảm nhẹ nhàng, chân thành trong quan hệ đồng nghiệp; trách nhiệm, thẳng thắn, quyết đoán trong công việc của cơ quan; đam mê, tài hoa trong sáng tạo nghệ thuật.

Trong cuộc đời gắn bó với hội hoạ và ngay cả khi làm công tác quản lý,  họa sĩ Vũ Giáng Hương đã để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp, người yêu hội hoạ những dấu ấn đậm nét. Hoạ sỹ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huy chương kháng chiến chống Pháp, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Nhì. Nhiều tác phẩm của bà đã nhận được Giải thưởng Mỹ thuật lớn: Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1960; Giải A Triển lãm Mỹ thuật Thủ Đô năm 1965; Giải thưởng tranh chống Mỹ cứu nước năm 1968 của Bộ Văn hóa – Thông tin; Giải B Triển lãm Nữ tác giả năm 1974; Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1995. 

Năm 2001, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng họa sĩ Vũ Giáng Hương Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (đợt 1) cho các tác phẩm: Hợp tác xã đánh cá – lụa – 60×80 (1960); Tổ thông tin Trường Sơn – lụa – 55×75 (1994); Hành quân qua Trường Sơn – lụa -60×80; Huế ngày giải phóng – lụa – 70×90; Nhà trẻ ở Tây Bắc – lụa – 70×90 (1980); Phố cũ Hà Nội – Sơn dầu – 70×90, Tuổi học trò – Lụa -70×90; Bếp lửa Trường Sơn – lụa -70×90; Cầu Hàm Rồng – khắc gỗ -40×50 (1970); Mẹ con – khắc gỗ – 36×45.

Ghi nhận những đóng góp của cố hoạ sỹ, Hội đồng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đã nhận xét: Họa sĩ Vũ Giáng Hương đã có nhiều năm giữ trách nhiệm trong công tác đào tạo, hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhưng họa sĩ vẫn có nhiệt tình trong lao động nghệ thuật, đã đến nhiều vùng sản xuất và chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những tác phẩm của họa sĩ đã diễn đạt được nhiều hình ảnh dũng cảm trong kháng chiến, về đời sống phụ nữ và trẻ em có chất lượng nghệ thuật, có duyên trong màu, tình cảm đầm ấm trong tranh đã có truyền cảm tốt đẹp với đồng nghiệp và công chúng.

PV


Có thể bạn quan tâm