April 26, 2024, 4:30 pm

Hoàng Tích Linh- cả một đời với kịch

 

Gia đình, quê hương - nơi vịn bám thiêng liêng

Hoàng Tích Linh (bút danh Hội Vũ) sinh ngày 18/9/1919 trong gia đình Nho học có truyền thống yêu nước tại làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Ông mất ngày 26/01/1990 tại Hà Nội, hưởng thọ 71 tuổi. 

Thân phụ là cử nhân Hoàng Tích Phụng (1862-1940) học rộng tài cao, thông thạo Hán học, giỏi tiếng Pháp, sống thanh bạch, liêm khiết đã từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau khi phong trào bị thực dân Pháp đàn áp, cụ đi học Trường Hậu bổ và ra làm tri phủ ở những huyện nghèo khổ nhất trong tỉnh và ngoài tỉnh. Là quan Tri phủ, cụ sống giản dị, thương cảm số phận của mọi kiếp đời nô lệ, nên đi đến đâu cụ cũng được người dân nể trọng, quý mến. Quan phủ Hoàng Tích Phụng từ quan về làng, giữ cương vị Chánh hội và dạy học. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Khoan (1879-1964) là người con gái Kinh Bắc đẹp người, đẹp nết, tảo tần, đảm đang, cả một đời cúc cung tận tụy cho chồng con sự nghiệp hiển vinh. Sự thành danh của con cháu đã đáp đền công lao dưỡng dục của cha mẹ để trở thành những trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu cho đất nước, như: nhà báo Hoàng Tích Chu, họa sĩ Hoàng Tích Chù, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, bác sĩ ngoại khoa cao cấp Hoàng Tích Tộ. Đặc biệt, hai anh em: Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Chỉ đều vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Là con nhà Nho, anh chị em Hoàng Tích Linh được gia đình quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập. Làm Tri phủ ở đâu, cha đều mang các con đi theo ăn học chu đáo. Ông theo chị gái đến Phủ Lý (Hà Nam), Na Sầm (Cao Lạng); theo anh Hoàng Tích Chu về Hà Nội học. Anh trai Hoàng Tích Chu mất sớm ông lại trở về làng học Tiểu học sơ lược và rồi lại lên Hà Nội học tiếp Thành chung. Ước mơ học Ban Tú tài không thực hiện được vì hoàn cảnh gia đình khi đó rất khó khăn. Ông trở về quê tự học. Năm 1940, ông được cấp Chứng chỉ Diplom.

Quê hương, dòng họ giàu truyền thống văn hóa, gia đình là điểm tựa vững chãi, ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp văn chương của ông và đồng thời là nguồn sức mạnh lớn giúp ông vững vàng, vượt qua những thách thức trong đường đời. Ông được truyền cảm hứng nghệ thuật từ gia đình Nho học, hai người anh trai: nhà báo Hoàng Tích Chu, họa sĩ Hoàng Tích Chu và người em Hoàng Tích Chỉ.

 

Con đường văn chương nghệ thuật

Từ những năm 40 của thế kỷ XX, không khí văn chương nghệ thuật đã tác động đến Hoàng Tích Linh. Không khí lịch sử của đất nước trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 đã ảnh hưởng trực tiếp đến làng quê, gia đình và bản thân Hoàng Tích Linh. Chỉ sau 3 năm Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, làng Phù Lưu – Chợ Giầu quê ông đã thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên. Hoàng Tích Linh đã tham gia Việt Minh với nhiệm vụ là tham gia đội kịch tuyên truyền kháng chiến từ làng lên huyện và tỉnh nhà. Em trai Hoàng Tích Chỉ chỉ mới 14 tuổi đã trở thành trinh sát của Ty Liêm phóng Bắc Ninh và 2 năm sau trở thành Đội trưởng Đội Điệp báo. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh đêm 19/12/1946, ông gia nhập Vệ quốc đoàn. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông có mặt trong Tổng đội Văn công Tổng cục Chính trị (sau Đoàn kịch nói Quân đội). Với những kịch mục của Đoàn đã góp phần cổ vũ quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông cùng đơn vị về tiếp quản Thủ đô. Năm 1955, ông làm việc ở Phòng Văn nghệ Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chuyển ngành, ông vẫn thủy chung với lĩnh vực văn hóa – văn nghệ cho đến khi nghỉ hưu…

Hoàng Tích Linh đã được tiếp cận với sân khấu qua đạo diễn Chu Ngọc - Ban Kịch Hà Nội từ những năm 40 của thế kỷ trước. Cũng từ đó, ông có điều kiện được tiếp xúc văn chương nghệ thuật. Hai anh em Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Linh đã tham gia hoạt động sân khấu cùng nhóm văn nhân Bắc Ninh, gồm: Trần Hoạt, Hoàng Cầm, Kim Lân... Sau khi vở Bóng giai nhân (Yến Lan) được diễn tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) gây tiếng vang bởi diễn viên là các nhà thơ nổi tiếng: Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính… Hoàng Tích Linh cùng Hoàng Tích Chù, Hoàng Cầm, Kim Lân… diễn vở kịch này ở đình làng Phù Lưu. Tháng 9/1945, nhóm văn nghệ sĩ Bắc Ninh, gồm: Hoàng Cầm, Hoàng Tích Chù, Kim Lân, Hoàng Tích Linh, Trần Hoạt, vợ chồng nhạc sĩ văn Chung, Tuyết Khanh, Trúc Lâm… quyết định thành lập Ban kịch Đông Phương. Hoàng Tích Linh và Trần Hoạt đảm nhận vai trò đạo diễn. Nhóm kịch Bắc Ninh dàn dựng, luyện tập Bóng giai nhân hai ngày diễn cùng vở hài kịch Cái tủ chè của Vũ Trọng Can tạo thành một đêm sân khấu đặc sắc. Vở Bóng giai nhân được Ban kịch diễn đến giữa năm 1948 ở nhiều thôn làng hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh - nơi mà khói lửa của cuộc chiến tranh chưa bén tới”[1].

Hoàng Tích Linh là người có tinh thần học hỏi và đam mê viết. Gặp gỡ, giao lưu, nghiền ngẫm, đọc tác phẩm của các nhà văn Kim Lân, Nguyên Hồng, Hoàng Cầm, Nguyễn Huy Tưởng… ông đã được truyền nguồn cảm hứng văn chương. Sau khi tích lũy kiến văn, lại được nhà văn Kim Lân khuyến khích, năm 1947, Hoàng Tích Linh bắt tay vào viết. Từ vở kịch đầu tiên mang tên “Tiếng đập cửa” nói về cuộc kháng chiến ở Hà Nội cho đến năm 1990 trở về cõi vĩnh hằng, ông đã viết gần 30 vở kịch nói (chưa kể vai trò đạo diễn). Đó là những vở kịch tiêu biểu, như: Tiếng đập cửa (1947), Anh bộ đội cụ Hồ (1952), Luyện chắc tay súng (1953), Ánh sáng Hà Nội (1955), Cơm mới (1956), Xem mặt vợ (1956), Vết sẹo (1962), Cô giáo Hồng (1964), Ô Quan Chưởng (1975), Gió chuyển mùa (1980), Trai gái làng hoa (1984)…

Hiện thực cuộc sống, sự trải nghiệm cuộc sống, lịch sử đất nước đã cho ông nhiều chất liệu sáng tác. Những tác phẩm đó được đăng trên nhiều báo ở Hà Nội. Nhìn vào tác phẩm của ông, điều dễ nhận thấy là ông đã xác tín một nghề nghiệp để từ đó hình thành phong cách cho mình. Trước hết, hầu hết các vở kịch của ông đều bám sát thực tế cuộc sống, phản ánh hiện thực cuộc sống, nhịp bước cùng lịch sử dân tộc: phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (Tiếng đập cửa, Bên kia sống Đuống, Luyện chắc tay súng…); tái hiện cuộc Cách mạng tháng Tám; xây dựng hình tượng anh bộ đội cụ Hồ, người chiến sĩ cách mạng có vở (Anh bộ đội cụ Hồ, Ánh sáng Hà Nội, Ô Quan Chưởng…); đề tài xây dựng đời sống nông thôn (Gió chuyển mùa, Sân thượng, Trai gái làng hoa…). Nhân vật trong tác phẩm của Hoàng Tích Linh đầy đủ các giai tầng xã hội. Các tuyến nhân vật được xây dựng rõ nét, nhất là tâm lý nhân vật. Ông gửi bao yêu thương xây dựng vẻ đẹp gần gũi, đời thường của các nhân vật: anh bộ đội Cụ Hồ, công nhân, thợ thuyền, nông dân… Nội dung kịch bản giàu kịch tính. Những xung đột kịch, mâu thuẫn nội tâm được ông khai thác khéo léo…

Những năm đầu hòa bình ở miền Bắc, vở kịch Ánh sáng Hà Nội của Hoàng Tích Linh đã được Đoàn kịch nói quân đội dàn dựng, biểu diễn. Ánh sáng Hà Nội đề cập đến tinh thần yêu nước của công nhân Nhà máy Đèn Hà Nội đã tham gia đấu tranh bảo vệ, giữ gìn máy móc, kiên quyết không cho chủ Pháp tháo gỡ máy khi địch thất bại rút khỏi Hà Nội. Vở kịch đã được nhận giải thưởng Văn nghệ 1954-1955 cùng với nhiều tác phẩm văn học có giá trị khác

Ghi nhận những công lao đóng góp của trên cả hai lĩnh vực văn học và sân khấu, Hoàng Tích Linh trở thành hội viên “kép”của cả hai Hội: Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông vinh dự cùng 277 nhà văn Bắc - Trung – Nam dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam; tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I...

Hoàng Tích Linh luôn xác định mặt trận văn nghệ có tính chất đặc thù. Ông có tinh thần cầu thị, kiên nhẫn lắng nghe, có phản hồi một cách tích cực. Khi hai màn diễn mở đầu vở kịch Bên kia sông Đuống được hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng màn cuối không phù hợp với thực tiễn lúc đó, ông đã thành thực tự vấn lương tâm. Từ đó, ông rút kinh nghiệm tập trung viết những vở kịch ngắn cho Đoàn. Sau mỗi vở diễn, ông đều lắng nghe, rút kinh nghiệm. Cùng với dựng vở, ông tích cực tham gia viết bài, đăng tập san Sinh hoạt văn nghệ.

Như bất kỳ văn nghệ sĩ với trách nhiệm cầm bút, Hoàng Tích Linh luôn trăn trở với câu hỏi làm sao để có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Những điều nung nấu tâm can, ông gửi vào những vở kịch ngắn. Năm 1979 đi trại viết về nông thôn, ông viết vở Gió chuyển mùa và được Nhà hát Kịch Hà Nội dựng. Được nghệ sĩ Dương Ngọc Đức giới thiệu tên Hoàng Tích Linh khiến ông rất cảm động. Chính niềm tin của đồng nghiệp đã cho ông điểm tựa vững vàng để sự nỗ lực được đền bù xứng đáng. Ông làm tiết mục kịch ngắn cho công nhân có tên Tiền tuyến gọi (kịch bản Trần Quán Anh). Tiếp tục viết vở Thử lửa, vở kịch ngắn Những con thiêu thân, Người giám khảo cuối cùng (Lê Nhị Hà) dựng cho Đoàn. Đầu năm 1970, ông được Sở điều làm việc ở Nhà Nghệ thuật quần chúng làm công tác phong trào. Nhiệm vụ của ông một năm phải tổ chức 2 trại (nội, ngoại thành) và dàn dựng kịch mục cho cuối năm tổ chức hội diễn toàn thành phố. Lúc này, ông không có thời gian dành cho viết mà chủ yếu khơi dậy phong trào văn nghệ trong quần chúng, trong công nhân viên chức, lao động. Sở Văn hóa và Công đoàn Thủ đô đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng sân khấu ở 77 Hàng Buồm, 19 Mã Mây. Nhờ sự hướng dẫn của thầy Hoàng Tích Linh, một đội ngũ người viết nghiệp dư ra đời, phản ánh hiện thực của từng ngành làm phong phú cho sân khấu Thủ đô…

Mặc dù công việc hành chính choán hết thời gian, ông vẫn tranh thủ viết dẫu tốc độ có chậm. Vở Ô Quang Chưởng được ông viết trong suốt 5 năm (1970-1975). Trăn trở với đề tài chiến tranh cách mạng, nhất là Cách mạng tháng Tám, vở kịch 5 cảnh Ô Quan Chưởng ra đời đã được nhiều đoàn nghệ thuật dựng… Vở kịch 5 cảnh tái hiện khoảng thời gian từ đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp đến rạng ngày 19/8/1945 Hà Nội khởi nghĩa dành chính quyền. Hai tuyến nhân vật được ông xây dựng cùng kịch tính. Một bên là nhân dân với đầy đủ thành phần giai cấp trí thức, người lao động, thợ thuyền… mang tình yêu nước, căm thù quân xâm lược, sống nghĩa tình, nhân ái, thủy chung. Một bên là kẻ xâm lược, lũ bán nước bám gót xâm lược… Cuộc đấu tranh không khoan nhượng của người dân Hà Nội là một bằng chứng tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm. Nút kịch được giải quyết bằng kết thúc có hậu. Vở kịch đã nêu lên một chân lý chiến thắng thuộc về lẽ phải. mà cụ thể ở đây là sự thành công của Cách mạng tháng Tám…

Say đắm và trách nhiệm với nghề, Hoàng Tích Linh luôn nghiêm túc, cầu thị và lao động không ngừng nghỉ. Năm 1980, ông về nghỉ hưu. Sau một năm nghỉ ngơi, năm 1981, ông lại tiếp tục viết kịch bản sân khấu. Từ năm 1981 đến 1985, ông đã viết 4-5 vở kịch. Cả một đời khắc khoải, đam mê viết dẫu phải đối mặt với muôn vàn thử thách thì “tằm vẫn nhả tơ”. Chặng đường lao động suốt 40 năm từ tác phẩm đầu tay (năm 1947) cho đến trước khi mất (năm 1990), nhà viết kịch Hoàng Tích Linh đã lao động nghiêm túc, có trách nhiệm chỉ với niềm mong có sức khỏe để viết tiếp vở kịch Em và bầu trời ánh sáng; tha thiết với cuộc đời để bạn đọc thấy “nắng mai lên”...

 


[1]Hoàng Cầm (2001),“Ai là tác giả của vở kịch thơ Bóng giai nhân”

Nguồn Văn nghệ số 38/2019


Có thể bạn quan tâm