April 26, 2024, 6:55 pm

Họa sĩ Đinh Ngọc Thắng: Người kể câu chuyện về " Dòng thời gian"

 

Triển lãm hội hoạ mang tên Kết nối 5, nơi hội tụ của 9 hoạ sĩ ba miền đã diễn ra tại 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào giữa tháng 7/2022. Các hoạ sĩ tới từ ba miền đất nước đã mang đến những tác phẩm được sáng tác mới nhất của mình, để giới thiệu với công chúng yêu hội hoạ thủ đô và giới sưu tập. Hoạ sĩ đến từ TPHCM Đinh Ngọc Thắng đã giới thiệu chùm tác phẩm mới nhất của mình mang tên Dòng thời gian trong triển lãm lần này, các tác phẩm với hoà sắc tươi sáng, rực rỡ, dịu dàng trong trẻo và mang nhiều chất thơ lãng mạn của hoạ sĩ đến từ phương nam đã góp phần làm đa dạng thêm vẻ đẹp và phong cách sáng tạo hội hoạ của các hoạ sĩ tại triển lãm.

Là một người yêu hội hoạ và mê vẽ từ nhỏ, Đinh Ngọc Thắng đến với hội hoạ tự nhiên và say mê. Trải dài suốt hơn ba mươi năm lăn lộn kiếm sống suốt từ Bắc vào Nam, từ vẽ quảng cáo thuê, vẽ chân dung và vẽ bất cứ thứ gì mà có thể nuôi sống bản thân & gia đình để tồn tại nơi đất khách, vừa mưu sinh vừa âm thầm tự học, từ chép lại những tác phẩm kinh điển của các danh hoạ thế giới để tự trau dồi kỹ năng, đến việc tự học qua rất nhiều nguồn từ sách vở và những tài liệu hội hoạ sưu tầm được cùng nhiều lời khuyên từ các hoạ sĩ đàn anh và bạn bè, cộng thêm năng khiếu tự nhiên từ nhỏ và niềm đam mê hội hoạ đã trui rèn và đào luyện nên Đinh Ngọc Thắng hôm nay.

Trong chùm tác phẩm mang tên Dòng thời gian tham gia triền lãm lần này, bằng bút pháp nhuần nhuyễn và kỹ năng nghề thành thạo trong sử dụng chất liệu, từ Sơn dầu đến Acrylic…và các chất liệu tổng hợp khác, hoạ sĩ đã sử dụng các hoạ phẩm tây phương để thể hiện các tác phẩm mang chủ đề và dòng cảm xúc sáng tạo mang nhiều yếu tố phương đông, cả trong bố cục trục của tranh và cả trong ý tưởng văn hoá, thi ca phương đông của các sáng tác lần này. Các tác phẩm trong Dòng thời gian được sáng tác với bảng màu tươi sáng, rực rỡ và trong trẻo, với chủ đề xuyên suốt lấy ý tưởng từ cái nhìn tích cực của tác giả đối với môi trường sống tươi đẹp nhưng cũng đầy biến động, là sợi dây liên kết giữa tất cả những thăng trầm, vui buồn, đẹp xấu trong cuộc đời, là bản hoà ca giữa con người và thiên nhiên, hoa lá và chim muông, biển cả và bầu trời, nắng vàng và cả nhứng ánh trăng…là một thể thống nhất không thể tách rời. Chính sự trầm tư đối thoại với cảm xúc chân thực của lòng mình đã tạo nên những tác phẩm tươi sáng, với vẻ đẹp nhiều năng lượng, có hạnh phúc và có sự cô đơn, có trăn trở day dứt và có cả những thăng hoa cao vút , tươi đẹp như muôn hoa, tươi sáng như ánh trăng, xanh mướt và tự tại như muôn ngàn cây lá mang đầy tính ẩn dụ của vẻ đẹp phương đông. Thấp thoáng trong nhiều tác phẩm của họa sĩ Đinh Ngọc Thắng đều thấy Trăng, khuôn viên của Trăng tạo nên điểm nhấn trong bố cục trục tác phẩm, về mặt kỹ thuật tạo điểm nhấn thị giác trong hình, về mặt ý tưởng tạo cảm xúc êm dịu và huyền ảo nhẹ nhàng, ánh trăng như bao bọc, che chở và vuốt ve những thiếu nữ đẹp như ngà như ngọc, thanh cao và tinh khiết như trăng.

Tác phẩm " Dưới trăng"

Trong bức Dưới Trăng, cả một vầng trăng tròn chiếm hai phần ba bầu trời trong bố cục tranh, vàng như mơ tựa chiếc gương trời vành vạnh và viên mãn cho người thiếu nữ e ấp soi gương hay soi trăng…cái hay của ý là thiếu nữ soi trăng nhưng không hề mang cái sầu của trăng như Nguyễn Du đã viết:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa soi gối chiếc, nửa soi dặm trường

Mà ở đây trăng của thiếu nữ là tròn đầy, là viên mãn, là sự tràn ngập của tình yêu trong sáng và hạnh phúc :

Không gian tràn ngập toàn trăng cả

Tôi cũng trăng và nàng cũng trăng ( Hàn Mặc Tử)

 

Tác phẩm " Hoài niệm cố đô"

Trăng trong văn hoá phương đông như là một sự huyền nhiệm lạ kỳ, một thực thể của tạo hoá ban phát những ánh sáng lung linh và có cả linh hồn, chính vì vậy, việc dùng hình tượng trăng trong hội hoạ Đinh Ngọc Thắng như một cấu thành của ý niệm văn hoá phương đông, anh dùng trăng như một khái niệm chuyên chở sự thanh khiết, trong sáng và tràn trề sinh lực. Hay ở tác phẩm Phía bên kia bầu trời là một ẩn ý sâu sắc và đầy tính thơ của tác giả nhằm nói đến sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa thực và ảo, giữa trong trắng tinh khôi và trần tục…cái đẹp và sự vĩ đại của thiên nhiên cùng sự tinh khôi của con người chính là sự hoà hợp hoàn hảo nhất cho sự sống và cái đẹp.

 

Tác phẩm " Mộng bình thường"

Một mảng sáng tạo đầy tài năng nữa của họa sĩ Đinh Ngọc Thắng chính là chân dung. Anh thường vẽ về các thiếu nữ dân tộc vùng cao với các bộ trang phục thổ cẩm hoa văn rực rỡ đem đến cho người xem những hiệu ứng nhất định trước sự dịu dàng chân thực về mặt cảm giác, giống và cá tính về mặt thị giác và cảm xúc thì thật chân thành. Được gọi là hoạ sĩ trẻ ( mặc dù không còn trẻ nữa ) sinh năm 1974, tuồi Giáp dần, cái tuổi tự thân tự lập nay đã bước vào ngưỡng của Tri thiên mệnh, kỹ năng nghề và tình yêu hội hoạ đã cho anh một vị trí tương đối vững chắc trong lòng những người yêu hội hoạ và giới sưu tập tranh. Tham gia nhiều triển lãm trong nước, nhiều triển lãm nhóm quốc tế tại Singapore (năm 2015), tại Hà Lan (tháng11/2017), tại Malaysia ( tháng1/ 2019) và Hong Kong (tháng3/2019)…Trải qua những năm tháng mưu sinh vất vả từ nhỏ, hoạ sĩ thấu hiểu những cảnh đời không may mắn trong cuộc sống nên đã nhiều lần tham gia các cuộc triển lãm và đấu giá tranh từ thiện, các tác phẩm của anh luôn được các nhà sưu tập ưa thích và được đấu giá rất cao, có những tác phẩm đã được đấu giá tới 50 ngàn USD, như bức Ban Mai trong buổi đấu giá từ thiện giúp trẻ em mổ tim ngày 11/12/2015 tại TPHCM. Là người trầm tính và ít nói, sống nội tâm nhiều, anh vẽ nhiều, bán nhiều và sống được bằng nghề. Tranh anh dễ xem, dễ cảm và…dễ bán. Lần ra Hà Nội làm triển lãm nhóm cùng các hoạ sĩ ba miền với nhiều trường phái hội hoạ như Trừu tượng, Ấn tượng, Hiện thực….của nhiều hoạ sĩ đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho hội hoạ của Đinh Ngọc Thắng. Hy vọng rằng, sau Kết nối lần thứ 5, hội họa Đinh Ngọc Thắng sẽ gần gũi hơn với công chúng yêu hội họa trong và ngoài nước.


Có thể bạn quan tâm