April 26, 2024, 10:30 am

Helmut Preissler và tập thơ viết về Việt Nam

Mùa thu năm 1982, nhận lời mời của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Helmut Preissler đã sang thăm nước ta một tháng và sáng tác 75 bài thơ về những nơi ông đã đến, sau đó được Nhà xuất bản Cuộc sống mới (Neues Leben) cho in thành tập NHỮNG HẠT SEN, được dư luận hoan nghênh và đón đọc. Có thể nói, trong những tập thơ của các tác giả Đức viết về Việt Nam, đây là tác phẩm dầy dặn và phong phú nhất. Sách in bìa cứng, kèm theo trên 30 ảnh do Võ An Ninh, Thomas Bilhardt và chính tác giả chụp về đất nước ta.

Helmut Preissler (1925-2010)

Helmut Preissler là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất thuộc thế hệ trưởng thành dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây. Ông sinh năm 1925 tại thành phố Cottbus ở miền Đông nước Đức, từng là giáo viên một trường phổ thông trung học, cán bộ văn hóa của công đoàn địa phương, theo học và trợ giảng tại Học viện văn học “Johannes R.Becher” (Leipzig) tiếp đó công tác tại Nhà hát Kleist, rồi làm chuyên viên đặc trách về văn hóa của Hội đồng nhân dân thành phố Frank furt/ Oder. 10 năm trước khi nghỉ hưu (1966-1975), ông là biên tập viên ban thơ của tạp chí VĂN HỌC ĐỨC MỚI (NDL) của Hội nhà văn CHDC Đức. Năm 2010, ông qua đời tại thành phố quê hương ông, để lại một khối lượng sáng tác văn học đồ sộ với 35 tác phẩm gồm thơ ca, bút ký và truyện viết cho trẻ em. Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học cao quí, như Giải thưởng Heinrich Heine (1966) và Giải thưởng Quốc gia (1971)...

Tập thơ Những hạt sen được giới phê bình văn học đánh giá như một mốc lớn trong cuộc đời sáng tác của Helmut Preissler, được xếp ngang hàng với các tập thơ trước đó và sau đó của ông: Giữa những ngọn cỏ và các vì sao (1963), Sống cùng em (1988); Trái đất thở mầu xanh (1988). Tuy nhiên, về sự nghiệp của Preissler, trước hết phải nói đến tập: Những tiếng nói (tập hợp từ các tập Những tiếng nói của người đã khuất, Những tiếng nói của người đang sống, Những tiếng nói từ các đội lao động xã hội chủ nghĩa, Những tiếng nói của kẻ hậu sinh đã lần lượt ra đời từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước đến trước khi ông qua đời).

Dưới đây là một chùm thơ viết về Việt Nam của ông.

 

Hạt sen

Hạt của bông sen

Cũng như hạt quả hồ đào

Trong lòng sen tỏa hương ngào ngạt

Được giữ gìn mãi mãi về sau...

Bông sen dịu dàng

Khi ánh lên, sen rỡ ràng và dịu nhạt

Sen sống tới một nghìn năm

Nếu như đất để yên cho nó sống.

 

Trên bờ ruộng cao

Trên bờ ruộng cao

Những cô con gái

Từng hàng nối nhau

Đôi tay tung lượn

Dây gầu vục sâu

Chiếc gầu lặn xuống

Bay lên, theo đà

Nước trào qua đập

Như ngàn sao sa

Lặn xuống, bay lên

Gầu không mệt mỏi

Những cô con gái

Chống hạn trên đồng

Nhịp tay uyển chuyển

Giữa trời mênh mông

Có mệt lắm không

Hỡi cô gái trẻ?

Mà sao vui thế

Tiếng sáo giữa đồng

Từ đây gầu hát

Hay tự đáy lòng?

 

Ca ngợi tre

Người nông dân sẽ ra sao

Nếu không có tre ?

Anh ta sẽ không có những ngôi nhà

Con anh sẽ không có nôi

Sẽ không có rổ rá

Không có thúng mủng dần sàng

Không có đòn gánh dẻo dai...

Hàng sẽ khiêng nặng hơn

Nếu không có tre làm đòn gánh

Nhà sẽ vỡ tan

Nếu tre không dễ uốn.

Và sẽ không có cầu

Những nhịp cầu mầu xanh, tin cậy

Sẽ không có cần câu

Sẽ không có thuyền nan vững chắc.

Và nước sẽ không chảy

Vào làng,

Vào ống máng

Bằng tre.

Và con người sẽ làm sao biết

Về sự diệu kỳ của sáo

Về làn khói bốc cao

Của điếu cày.

Và trái đất

Sẽ khó thở hơn

Và bầu trời

Sẽ thiếu đi mầu xanh.

Trái đất sẽ ra sao

Nếu không có tre?

 

Tấm gương

Nửa đầu

Năm một nghìn chín trăm bốn mươi lăm

Nửa năm cuối cùng

Của Hoàng đế bù nhìn Bảo Đại

Hai triệu người Việt Nam

Chết đói

Vị Chủ tịch đầu tiên

Của chính quyền nhân dân

Kêu gọi:

“Ai còn đủ gạo ăn

Cứ mười ngày một lần

Nhường gạo cho người đói

Thương nhau nên bớt phần”

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Viết ra lời kêu gọi

Và cũng chính là Người

Ngày thứ mười, nhịn đói

Năm đầu tiên

Của chính quyền cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày thứ mười, nhịn ăn

Và nhịn ăn, tất cả các ngày thứ mười, sau đó...

 

Những bàn tay

Ôi, những bàn tay của các bạn tôi

Những bàn tay đầy nghị lực và diệu kỳ

Những bàn tay

Có thể đổi đời cho mọi vật vô tri

Những cọng rơm thành áo quần, túi xách

Thành khăn quàng và chăn đắp mùa đông

Những khúc tre thành ghế bành, ống sáo

Thành thuyền bè và cầu bắc qua sông

Bao vại, hũ có cuộc đời từ đất

Đất cũng thành ông phỗng và con giống cho trẻ vui chung

Bao tiếng ngân từ cỗ đàn bằng đá

Đồng qua tay ai kéo đúc nên cồng

Tôi đã nghe

Từ tay các bạn tôi

Âm thanh diệu kỳ của cây đàn đá

Và tôi cũng đã thấy

Những bàn tay ấy

Thận trọng

Cần cù

Điều khiển những cỗ máy khổng lồ

Tuy còn chưa có đủ.

 

Văn Miếu ở Hà Nội

Trước Văn Miếu Quốc tử giám

trên lưng rùa

dựng lên

những tấm bảng đá

như bia tưởng nhớ

những người đi xa...

Dựng lên cho người sống

Cứ ba năm một lần

Tên người và tác phẩm

Những người thắng trong các cuộc đua

Qua bao thế kỷ -

những bác học và những thi nhân

Những tấm bảng đá

Như bia tưởng nhớ

những người đi xa

Nối tiếp nhau qua nhiều thế kỷ

để tôn vinh tài năng và thi ca

như những chú rùa sống mãi.

 

Trong bảo tàng mỹ thuật Hà Nội

Một bức tranh

lôi cuốn tôi

Bác Hồ Chí Minh với ba cháu nhỏ

mầu thẫm đỏ

trên lụa trắng

Người ta kể rằng

trên cao nguyên năm 47

họa sĩ không có mầu để vẽ.

Trên núi rừng Việt Bắc

Và Đồng Tháp bưng biền

Có đôi người Đức

Cùng sống trong các ngôi nhà ngụy trang

Với các chiến sĩ -

Trong đó có người họa sĩ

Thiếu vải và mầu

đã lấy máu mình

vẽ lên vải dù của Pháp

những con người mà anh rất yêu.

 

Hà Nội về khuya

Cơn nóng nực chừng như bất động

trên những đường phố tối tăm

trong những đợt sóng bổng trầm

tiếng hát ve sầu

cất lên, hạ xuống.

Tiếng ồn ã của các em đã qua

Làn sóng người trên xe đạp đã qua

Những ngọn đèn dầu bên hàng quán đã tắt

Sự lặng im bao bọc lấy tôi.

Tôi được chở che

yên ổn

dưới bức màn tránh muỗi

chiếc quạt

quay

quay

những đường tròn của nó.

 

Trên sông Hồng

Một dòng vô tận

những xe cút kít, xe tay

nối duôi nhau

trên những nhịp cầu

bao lần sửa lại.

Dưới xa kia

trước làn gió rã rời

những chiếc thuyền mành

đẩy những cánh buồm chằng chịt đường khâu

đẫm sắc mầu

như những cánh buồm.

 

Hoa phượng đỏ ở Hải Phòng

Trong sự nóng nực của ngày

những hàng cây bốc lửa

trên các nẻo đường

trên các bãi, sân

Bầu trời cháy lên.

Thành phố

nằm trong làn hơi nặng trĩu

nằm trên những vồng hoa

Hoàng hôn buông dần.

Hệt như tiếng kêu cấp cứu

sau những cơn gió lạnh dần

vang lên tiếng kêu nóng bỏng

những con tầu

từ phía cảng.

Trần Đương (Dịch và giới thiệu)

Nguồn Văn nghệ số 13/2020


Có thể bạn quan tâm