April 27, 2024, 4:09 am

Hãy viết như mẹ anh hát

 

Gia tài văn chương của Châu La Việt đến 2022 không ít, tuy nhiên ai tỉnh táo thì luôn luôn khắc ghi quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong sáng tạo nghệ thuật, vốn khắt khe không chừa ai.

Tại Trại sáng tác của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (mở ở Đà Lạt, Lâm Đồng, tháng 10/2020), cơ duyên tôi gặp được Châu La Việt, một người trong văn giới vốn “văn kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Trong câu chuyện về nghề văn, Châu La Việt vốn thẳng băng, giản dị, lúc nào cũng như  một hỏa diệm sơn, có lửa sôi sục, bỗng như trở thành “triết gia” khi nói: “Làm cái anh viết văn phải có thân phận thì chữ nghĩa mới có cái để phô!”. Tôi thấy như lóe lên sau chữ “thân phận”. Thảo nào nhà văn Đỗ Chu lại chí tình, chí lý khi khuyên Châu La Việt “Hãy viết như mẹ anh hát”, tựa như một kinh nghiệm truyền nghề (truyền lửa) cho người cầm bút đi sau. Tôi có đọc nhiều bài viết về nghệ sỹ Tân Nhân, người mẹ vĩ đại đã sinh ra Châu La Việt, nhà văn - chiến sỹ trong ý nghĩa đầy đủ của từ này. Châu La Việt là người gắn bó với quân đội và người lính cả khi khoác áo dân sự sau những năm tháng chinh chiến (1969-1973) ở mặt trận Lào. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường ĐHSPHN (1974-1978) anh hành nghề báo (tại các báo Thanh niên, Thanh niên thời đại, Văn nghệ trẻ, Thể thao Việt Nam). Đúng là anh thực hành phương châm “sống đã rồi hãy viết”. Cuộc đời quân ngũ và nghề báo đã giúp anh thực hiện được 3 yêu cầu cần và đủ của người viết văn “đi – đọc – viết”. Giống như thế hệ nhà văn chống Mỹ, viết gì cũng không ra ngoài chiến tranh và người lính. Với họ “Chiến tranh dường như chưa kết thúc”…

Trong tổng số gần 20 tác phẩm đã xuất bản (gồm các thể loại truyện, ký, kịch, thơ) của Châu La Việt, tôi quan tâm hơn cả 4 cuốn tiểu thuyết: Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng (2014), Triền dâu xanh ngát (2016), Lửa sáng phía chân trời (2019), Bà mẹ và cánh rừng (2022). Vì sao? Không khó giải thích, vì trong/qua tiểu thuyết vốn sống, nội lực và kỹ thuật viết văn của mỗi người có khả năng bộc lộ rõ ràng hơn cả. Nếu không quá lời thì có thể nói, tiểu thuyết là “chân tủy” của văn chương. Tiểu thuyết của Châu La Việt không chứa chất nhiều những “câu chuyện bịa y như thật” (như cách người ta thường định nghĩa) có tính điển hình cao, mà chủ yếu truyền tải những câu chuyện đời chân thực, giàu tình người (công dân - đất nước, cha mẹ - con cái, đồng bào - đồng chí). Cái nền của những câu chuyện thấm đậm tình nghĩa là đời sống của đất nước, nhân dân trong những thử thách lịch sử cam go, bi hùng. Vì thế, khi viết tác giả thường hướng ngòi bút về phía ánh sáng, cái tốt, cái đẹp theo quy luật của chân - thiện - mỹ. Người con trai - nhà văn Châu La Việt cầm bút viết văn như  người mẹ - nghệ sỹ Tân Nhân đã hát bằng toàn bộ nhiệt huyết của con tim, sự mẫn tiệp của trí óc với tinh thần tận hiến cho nghệ thuật âm thanh. Vì thế, đọc Người mẹ và cánh rừng của Châu La Việt, tôi đồng cảm với từng trang sách của anh, ở đó đời sống lên tiếng, ở đó con người đứng bật dậy sau những thử thách quyết liệt để trụ vững nhân cách “ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Cách viết văn của Châu La Việt là “bấu chặt” lấy sự thật, coi sự thật là vẻ đẹp duyên dáng và lộng lẫy nhất trong đời sống và trong văn chương.

Người mẹ, cánh rừng, người lính, đó chính là câu chuyện mà Châu La Việt muốn kể lại cho mọi người nghe trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình. Bằng, một thanh niên Hà Nội, nhập ngũ ngay lúc vừa tốt nghiệp lớp 10 phổ thông (hệ 10 năm). Đó là một chàng trai lãng mạn sống trong thời lãng mạn (“Thế là ngay sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, hoa pượng vĩ vẫn còn đỏ chang chói trên bầu trời, Bằng đã cùng chúng bạn làm đơn gửi lên khu đội xin tình nguyện nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu”)... Nếu nhà văn miêu tả con đường vào đời, trải trận mạc của Bằng toàn là đầu xuôi đuôi lọt thì tình hình lại khác, có thể bị coi là một thứ văn chương “minh họa”. Nhưng trái lại, nhà văn đã thẳng thắn “tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió” (như cách nhà văn Hoàng Ngọc Hiến viết về Nguyễn Huy Thiệp lúc mới xuất hiện). Quả thật chàng lính pháo thủ Bằng đã chiến đấu hết sức dũng cảm, bị thương nặng vào chân. Khoảng thời gian nằm điều trị ở trạm quân y tiền phương đã tạo tình huống tư tưởng - tâm lý khiến Bằng trăn trở. Anh không phải là kẻ hèn nhát để tụt tạt (đào ngũ theo nghĩa đen). Anh dao động vì tiếc nuối tuổi xuân và hạnh phúc riêng tư. Quả thật, tâm trạng này là phổ biến với những người lính trẻ. Nhưng hơn nhau là vượt qua được những thử thách này. Cả bố và mẹ Bằng đều là những tấm gương đạo đức sáng ngời. Anh soi vào đó để biết cật vấn và sám hối. Đã có lúc tưởng chừng Bằng đứng cheo leo như nghệ sĩ xiếc biểu diễn trên dây. Với tư cách người đọc, chính tôi cũng hồi hộp đến nghẹt thở. Ở đây phải kể đến không khí thời đại, bối cảnh thời đại như một thứ thuốc thử, như lửa thử vàng. Nhưng kề cận Bằng là bố, mẹ và người bạn gái tuyệt vời Bình Thanh, họ đã cùng hợp lực tạo nên một giá đỡ tình thần cho Bằng “tai qua nạn khỏi”, giữ được thiên lương cho lành.

Nhưng tôi muốn nói đến điểm độc sáng của tác phẩm chính là nghệ sĩ/ ca sĩ Vân Ngàn, người mẹ vĩ đại của Bằng. Một văn hào thế giới đã viết: “Không có người mẹ không có ánh mặt trời, không có cả thi ca và người anh hùng”. Đúng như thế với trường hợp của Bằng. Bà mẹ của anh là một nghệ sĩ/ ca sỹ nổi tiếng bởi giọng hát trời phú. Rõ ràng nghệ sĩ Vân Ngàn là một tài năng đích thực. Tên tuổi và giọng hát của bà đã chinh phục khán/ thính giả không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Đặc biệt bộ đội ở chiến trường rất thích được nghe nghệ sĩ Vân Ngàn hát. Có chiến sĩ trẻ muốn gọi bà bằng tiếng “Mẹ” thân thương, có chiến sĩ trẻ trước khi hy sinh muốn được ngả vào lòng bà như thể là mẹ mình. Giọng hát của bà có sức quyến rũ, chinh phục dĩ nhiên nhờ chất giọng trời phú, hiếm có nhưng quan trọng hơn là bà hát bằng toàn bộ trái tim của người mẹ, người phụ nữ có những người con trai còn đầu xanh tuổi trẻ như Bằng đã dám từ bỏ trái hạnh phúc chín hồng trong vườn nhà mình ra đi thực hiện nghĩa vụ với nhân dân, đất nước. Bằng linh cảm lớn lao của người mẹ, bà biết trong số họ sẽ có những người không trở về, mãi mãi tuổi hai mươi. Bà yêu thương những người lính trẻ như chính Bằng con đẻ của mình. Nhưng bà là một bà mẹ có cái phẩm chất đặc biệt “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim”. Yêu thương con hết lòng nhưng bà không nuông chiều để con hư. Yêu thương con nhưng bà không đem đến cho nó sự sống bảo an, bảo mạng trong khi đồng đội có thể gian khổ, hy sinh. Yêu thương con nhưng bà muốn con mình lớn lên, trở thành một nhân cách hoàn thiện, xứng là đấng nam nhi thời trận mạc. Cũng có lúc tình mẫu tử khiến bà mềm lòng ký vào lá đơn của Bằng để con trai có cơ hội trở về đời thường, học hành, yên ổn, tìm kiếm hạnh phúc riêng tư. Nhưng rồi bà đã ân hận, tự dày vò mình vì vô tình đẩy con trại vào sự tha hóa không đáng có. Nhân vật nghệ sĩ Vân Ngàn có chiều sâu nội tâm, sống hướng nội, đa cảm nhưng không đánh mất lý trí. Trước sau bà vẫn là con người mẫn cán, mẫn cảm và mẫn tiệp đặc biệt. Bà, nếu có thể nói, phát sáng như một ngọn đuốc chỉ đường, có “trái tim ĐAN KO”. Nhờ phẩm chất tuyệt vời của người mẹ mà Bằng đã hồi sinh theo nghĩa rộng của từ. Trong Vĩ thanh tác giả viết: “Mẹ, suốt tuổi thanh xuân mẹ đã đi qua những cánh rừng, đi qua hai cuộc kháng chiến, mẹ đã hiến dâng tất cả những gì cao đẹp nhất của mình cho Tổ quốc thân yêu: Cuộc đời, tiếng hát, và những tình cảm sâu nặng nhất, những tháng năm đẹp đẽ nhất (...) Bài ca hay đẹp nhất mẹ đã hát cho Tổ quốc, cho nhân dân và đồng đội của con. Và tác phẩm cao quý nhất của con cũng xin viết về mẹ, về tiếng hát và trái tim tuyệt vời ấy của mẹ”.

Tiểu thuyết ngắn và yếu tố tự truyện, là nét đặc trưng của Người mẹ và cánh rừng. Tiểu thuyết ngắn (trong vòng vài trăm trang trở lại) đang là một trend (xu hướng) khá thịnh hành trên văn đàn hiện nay. Vì sao ngắn? Ngắn phù hợp với sự đọc văn chương trong bối cảnh cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn và mạng xã hội trương nở vô bờ bến. Tôi quan sát thấy Châu La Việt viết ngắn theo tinh thần tự giác. Tôi biết anh là người chân đi/ miệng nói/ đầu óc luôn suy nghĩ chật căng các dự định/ tay viết (gõ máy)/ luôn cập nhật thời cuộc. Tất cả những thứ ấy cộng lại tạo nên “tạng” văn Châu La Việt. Vả lại cuộc đời của anh cũng là những chuyến “xê dịch” liên tục. Quỹ thời gian riêng tư ấy rõ ràng không tạo điều khiện cho anh nhấn nhá, nghiền ngẫm để viết có gì đó dài hơi, theo lối “trường thiên”. Ở anh, tôi thấy, phần động lớn hơn/ mạnh hơn phần tĩnh. Nên nhịp sống ấy đã quy định “nhịp điệu” văn xuôi/ tiểu thuyết của anh: nhanh, mạnh, hối thúc, khẩn trương, chói gắt. Ai đó trong văn giới nói, có bột mới gột nên hồ, phải chăng vì thế mà ông nhà văn này chỉ có thể viết ngắn, vì lưng vốn “mỏng” (?!). Tiếp xúc và đọc Châu La Việt không ít, tôi thấy: ngắn hay dài là  do “tạng” của người viết. Vả lại, bút lực và nội lực từ trữ lượng văn chương Châu La Việt còn lớn. Hãy đợi đấy! (như tên một bộ phim hoạt hình Nga nổi tiếng).

Người mẹ và cánh rừng có yếu tố tự tuyện thì quá rõ ràng. Dĩ nhiên người đọc thông minh cũng không ai ngây thơ cho rằng  nhân vật Bằng và nhà văn Châu La Việt là một, cũng như suy ra ca sĩ Vân Ngàn với nghệ sĩ Tân Nhân là một. Nhưng giữa nguyên mẫu và nhân vật văn chương thì có “dây mơ rễ má”, “họ hàng”. Tất nhiên! Xin quý vị độc giả lưu nhớ phần Vĩ thanh: “Bằng bây giờ đã trở thành một nhà văn. Người pháo thủ năm xưa ấy suốt cuộc đời chỉ mong muốn viết những tác phẩm về cuộc chiến tranh giải phóng, viết về đồng đội và viết về người mẹ nghệ sĩ thân yêu của mình. Và tác phẩm này chính là điều ấp ủ nhất của trái tim ông, để rồi năm mươi năm sau trong một trại viết về chiến tranh cách mạng và người lính nơi Đà Lạt mù sương, ông đã cầm lên cây bút để viết tác phẩm mong ước của đời mình”.

Nguồn Văn nghệ số 28/2022


Có thể bạn quan tâm