April 27, 2024, 1:16 am

Hãy cùng nhau nhân từ

Cùng nhau nhân từ là tập thơ thứ hai của nhà thơ trẻ Khúc Hồng Thiện. Từ tập thơ trước xuất bản năm 2010, gần 10 năm sau mới cho ra một tập sách thứ hai, với tập thơ thứ hai này, Khúc Hồng Thiện đã khẳng định những bước tiến mới, chững chạc hơn, sâu sắc hơn. Sự chững chạc, sâu sắc ấy trước hết biểu hiện ở những rung động của một trái tim công dân biết vui buồn cùng những vui buồn của nhân dân, biết trăn trở với bao vấn đề của cuộc sống. Về thăm Đất Tổ vua Hùng, chỉ gặp một cơn “Mưa rửa đền” trong tích chuyện xưa, anh đã có bao nghĩ ngợi:

Áo tơi nón lá ngày xưa

Vua cùng dân, dân cùng vua cấy cày

Ấy là nhắc về một truyền thống “vua giỏi, tôi hiền” cùng nắm tay nhau dựng xây đất nước, để rồi ngay đấy chạnh lòng, áy náy về một thực tế nào đó “không giống ngày xưa” đang hoặc có thể đã xảy ra: “Mưa rửa đền, mưa tái tê/ Làng lên phố, phố thành quê nhập nhòa/ Nước non giờ ngớt can qua/ Giật mình, toàn chuyện trong nhà… mới lo!”. Và tiếp theo nỗi lo lắng ấy là một nguyện ước: “Xin trời một trận mưa to/ Xong rồi nắng, xong rồi mơ… rõ ràng/ Soi vào giọt nước lang thang/ Thấy cha ông thuở hồng hoang dõi về… (Bài thơ Mưa rửa đền).

Bài thơ mở đầu tập cho ta một cảm giác thật ấm áp. Ấm áp vì bài thơ nhắc người ta cần chống lại thói vô tâm, vô tình đang xuất hiện ở nhiều lúc, nhiều nơi trong cuộc sống hôm nay.

Chất nghĩ ngợi, suy tư xuất hiện trong rất nhiều bài thơ của Khúc Hồng Thiện. Những phân vân, áy náy, đau đớn của nhà thơ trẻ trước những vấn đề xã hội chưa hay, chưa tốt, chưa đẹp, đáng báo động đã lan tỏa sang bạn đọc bằng những câu thơ mộc mạc mà âm vang. Ví dụ với vấn đề thiên nhiên, môi trường nông thôn đang bị hủy hoại, anh viết:

Đê làng nào thấy bóng trâu

Đòng đong, cân cấn ao sâu có còn?

(À ơi câu hát)

…Bao đời sông lụa sông trăng

Ngư Ông thả lưới, chị Hằng soi gương

… Đời con rồi sẽ thế nào

Khi sông ngừng chảy, khi ao lấp rồi

(Dòng sông nào)

Đó là những nghĩ ngợi của một người cha trẻ trong lúc ru con. Nhà thơ lo lắng cho những thế hệ sau sẽ không còn được hưởng những hình ảnh đẹp của quê hương đậm sắc văn hóa lúa nước. Và cất lời lên án: “Những ai ăn mặn cánh đồng/ Có nghe sầm sập ngàn sông xối về” (Dòng sông nào). Câu thơ gợi ta nhớ về hình ảnh những trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra gần đây, cuốn trôi bao làng mạc, nhà cửa. Nguyên nhân của những trận lũ lụt ác độc ấy một phần rất lớn do nạn phá rừng, do sự vô trách nhiệm của công tác quản lý, do con người…

Ở bài Lục bát đảo chìm, lại thấy một tâm hồn khoáng đạt trước biển trời Tổ quốc:

Mịt mùng bao cuộc bể dâu

Người xưa giong cánh buồm nâu quan hà

Mưa nguồn chớp bể đảo xa

Nghe trong gió lộng vẫn là tiếng quê

Và thăm thẳm một nỗi nhớ mẹ. Mẹ là biểu tượng của truyền thống nhân hậu: “Mẹ ta đầu đội nón mê/ Mà che mát cả bốn bề nước non/ Đồng quang mẹ dẫu chẳng còn/ Vẫn nguyên lời dặn cháu con nhân từ” (Bài Mẹ ta).

Những bài thơ trên ta thấy Khúc Hồng Thiện thường dùng lục bát - một thể thơ theo tôi là thế mạnh của Khúc Hồng Thiện (tập thơ đầu, anh viết hoàn toàn bằng thể thơ lục bát). Nhưng ở nhiều bài khác trong tập thơ này, ta đã thấy nhà thơ trẻ dùng nhiều thể loại khác, nhiều nhất là các bài thể tự do. Một số bài trong số này đang cố gắng diễn đạt những chuyển động của một tâm hồn nhạy cảm, nhiều suy tư đang hướng đến những vấn đề có tính chất triết luận của đời sống. Đó là các bài Kể đi, Ghi chú mới, Gác, Bài thô, Diễn đạt lại, v.v. Trong bài Diễn đạt lại, anh viết: Tôi thấy tôi tách khỏi vỏ mình/ Chu du khắp miền hư ảnh… / Nhớ và viết lại những gì nhìn thấy/ Viết lại cả những gì nghĩ thấy…/ Ta diễn đạt lại chính mình/ Để thấy tâm hồn vẫn còn những mùa linh… Ở bài Thô, anh viết: Ô hay/ Đâu phải cứ đồng dạng/ Cứ tròn trịa sạch sẽ không tì vết/ Là đẹp/ Thô có vẻ đẹp nguyên khởi…

Có thể thấy thấy những con chữ của Khúc Hồng Thiện đã bắt đầu “cựa quậy” trong dòng thơ này, dù có thể chưa nhìn thấy thật thành công.

Giống như nhiều nhà thơ khác, tác giả dành khá nhiều trang trong tập viết về tình yêu, về con, về những số phận con người xung quanh. Ở chùm thơ tình, có nhiều đoạn thơ mượt mà, ấm áp, dịu dàng. Ví dụ: “Có một nhành mai trắng quất vào thơ/ Làm bừng thức bến mê/ Đỏ mặt những điều dạn dĩ…/ Cái đẹp hiếm hoi/ Cái thiện hiếm hoi/ Cái trong trẻo hiếm hoi/ Thơ ngây hiếm hoi/ Chắt chiu chết lặng… (Bài Một nhành mai trắng). Hay: Giữa xuôi ngược xô bồ lạnh toát sống lưng/ Anh đánh mất mùa thu từ kiếp trước…/ Em đến như sự cứu rỗi/ Em chêm vào anh mùa linh (Bài Mùa linh). Hay “Anh đã thấy một dòng Lam êm dịu/ Chảy giữa lòng thành phố, giữa lòng anh/ Khi cái nắng nơi này còn gay gắt/ Một làn em tắm mát cả thị thành… (Bài Duyên).

Ở chủ đề quen thuộc này, Khúc Hồng Thiện chưa có những bài thơ thật đặc sắc, nhưng từ đâu đó thỉnh thoảng xuất hiện, bật mở những câu thơ hay. Ví dụ:

Bao nhiêu nhan sắc hãy về

Làm xanh lại những nẻo đi phố phường

(Bài Nghe em hát giữa đại ngàn)

Hay: “Hoa vàng/ từ độ em đi/ Vẫn rơi/ theo lối/ anh về chênh chao” (Bài Hoàng Lan).

Rất mong được đọc của Khúc Hồng Thiện nhiều câu thơ như thế (khó thay!). Và điều cuối cùng tôi muốn nói: Đọc Cùng nhau nhân từ, ta nhận về một tình yêu ấm áp, sạch trong. Cái tên tập Cùng nhau nhân từ như một lời nguyện cầu, gây ấn tượng…

                                                                                                                       


Nguồn Văn nghệ số 50/2018


Có thể bạn quan tâm