April 27, 2024, 12:00 pm

“Hạt giống đỏ” nơi “Thủ đô gió ngàn”

Tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Lương (Thái Nguyên), Trưởng phòng Nguyễn Đức Dũng trình bày khái quát về tình hình giáo dục của ngành, đồng thời điểm qua những cơ sở giáo dục mà chúng tôi sẽ tiếp cận. Khi được hỏi: - Ngành ta có Nhà giáo Ưu tú nào không để đoàn đến gặp gỡ?

- Xin thưa với đoàn, có đấy ạ. Có ngay ạ.

Cô Bồ Thị Yến (đứng ngoài cùng bên trái) với các cô và cháu trường Mầm non thị trấn Giang Tiên

Nguyễn Đức Dũng với dáng đậm, giọng trầm ấm đầy tự tin và hãnh diện. Nhưng đột nhiên giọng vị “Tổng tư lệnh ngành” lại chùng xuống:

- Chúng tôi có nữ quản lý của một trường mầm non, dù đầy đủ tất cả các tiêu chí để phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, nhưng cô này... chưa muốn nhận.

- Sao thế ạ. Cô ấy là ai và ở trường nào?     

Vẫn là chất giọng trầm ấm, dứt khoát nhưng lần này trưởng phòng Dũng rút điện thoại di động chuyển sang chất “văn nghệ” khôi hài, dí dỏm vốn có ở ông:

- Chào “hạt giống đỏ” của ngành. Anh bảo này, anh đang tiếp đoàn nhà văn. Sáng mai phòng sẽ cử người đưa xuống trường em đó. Nhớ “chăm sóc” cho chu đáo nhé.

Sáng hôm sau, theo sự phân công, người trực tiếp đưa tôi đến cơ sở giáo dục mầm non là cô Trần Thị Thanh Thủy - chuyên viên bậc học mầm non của Phòng GDĐT huyện Phú Lương. Qua khung cửa kính ô tô con của cô, những con đường rợp mát bóng cây dần lùi lại phía sau để những ô ruộng bậc thang, những nương chè bát ngát như những tấm thảm xanh khổng lồ lần lượt hiện ra phía trước. Và Trường Mầm non xã Cổ Lũng - huyện Phú Lương đã ở trước mắt chúng tôi.

Chủ nhân của ngôi trường mầm non nơi vùng quê yên tĩnh ấy là một người đàn bà ngót “tuổi ngũ tuần” dáng thắt đáy lưng ong, đôi mắt trong và đẹp.

- Giới thiệu với nhà báo, đây là cô Bồ Thị Yến - Hiệu trưởng nhà trường. Cô vừa được điều động về đây sau 10 năm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Giang Tiên, cùng huyện - Cô Thuỷ cho biết.

Thì ra, người không muốn nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú là đây. Người được mệnh danh là “hạt giống đỏ” nơi thủ “thủ đô gió ngàn” mà cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và nhân dân huyện Phú Lương dành cho hiệu trưởng mầm non có tên Bồ Thị Yến là đây.

Bên tách trà nóng hổi, xôn xao mang thương hiệu Thái Nguyên, tôi cùng Yến lan man bao thứ chuyện, nhưng cuối cùng đề tài chính, vẫn là giáo dục mầm non với mỗi chặng đường, mỗi vùng đất cô đã đi qua.         

*

Bồ Thị Yến sinh năm 1972 tại đồng quê chiêm trũng Ý Yên (Nam Định). Năm 1976, Yến theo gia đình chuyển lên vùng đồi núi Phú Lương. Bố mẹ Yến làm việc tại Công ty than Khánh Hòa (Bắc Thái cũ) và tuổi thơ cô từ đây đã gắn chặt với mảnh đất chiến khu này. Năm 1990-1993 cô vào học Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Khoa Mầm non. Ra trường cô được điều động về Trường Mầm non xã Tức Tranh - một trường thuộc diện khó khăn của Phú Lương. Vừa giảng dạy, cô lại vừa học tiếp để hoàn thành các chương trình: Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Khoa Mầm non (2002); Đại học Quản Lý giáo dục (2007) và Trung cấp lý luận Chính trị.

Với Bồ Thị Yến, trong hồi ức, Tức Tranh là mảnh đất đầu tiên cô khởi nghiệp với không ít nhọc nhằn, gian khó buổi ban đầu. Gọi là trường mầm non nhưng đâu có trường, có lớp. Cô và cháu phải học nhờ nhà dân. Cả 8 cô ở tập thể tại Ủy ban hành chính xã. Công dạy giỗ của các cô do phụ huynh trả bằng lương thực với 10kg gạo/tháng, tương đương mức lương 35 nghìn đồng. Từ chỗ chỉ có vài chục cháu, nhà trường và chính quyền địa phương huy động được hơn 100 cháu theo học. Tiếp đó trường mới huy động sức dân để “xây dựng” bằng tranh tre nứa lá. Lúc đó, chỉ có hiệu trưởng Trần Thị Oanh và Bồ Thị Yến là người có bằng cấp đầu tiên nên luôn kèm cặp, bồi dưỡng cho 6 cô còn lại, tạo thành một tập thể đoàn kết, nhiệt tâm đặc biệt là yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Nói yêu thương đùm bọc, bởi có một câu chuyện Yến kể lại, nghe đầy xúc động và chua xót: Thời kỳ đó ở Tức Tranh có một cô giáo tên Hương đã luống tuổi, là con nhà nghèo. Mãi tới năm 32 tuổi cô mới lấy được chồng, đăng ký kết hôn hẳn hoi. Thế nhưng, đúng ngày cô Hương sinh con, gã chồng bỏ đi biệt tăm, biệt tích luôn, vĩnh viễn không trở lại. Vậy là 7 cô thay nhau chăm sóc giúp, nhường cơm sẻ áo với mẹ con cô. Rồi trường lại phải bố trí cho con cô vào nhóm công lập để cô vừa tiện đi làm. Sau 10 năm dạy dỗ, cống hiến cho công tác nuôi dạy trẻ ở Tức Tranh, vì không có bằng cấp nên không được hưởng chế độ gì. Cô về quê trắng tay, ôm theo “mối hận” mà gã chồng bội bạc mang họ “Sở” để lại. Các cô trong trường không ai cầm lòng được. Nước mắt vừa mặn như nước biển vừa đắng chát như nước chè Thái Nguyên bị pha... nhỡ tay.

Sau 17 năm bám trụ ở Tức Tranh, Bồ Thị Yến đóng góp không nhỏ trong việc gây dựng cơ ngơi, xây dựng đội ngũ, cô được kết nạp vào Đảng năm 2006 và kinh qua các chức vụ Chủ tịch Công đoàn, Hiệu phó nhà trường. Giữa lúc đó, ở khối giáo dục mầm non của Phú Lương, có một trường để cho nội bộ mất đoàn kết, khiếu kiện kéo dài, báo chí đã phải vào cuộc. Đó là Trường Mầm non thị trấn Giang Tiên. Hệ lụy là hoang tàn về cơ sở vật chất và làm xói mòn lòng tin trong cán bộ, giáo viên và nhân dân huyện Phú Lương. Trước thực trạng và bối cảnh đó, ngành giáo dục và chính quyền huyện Phú Lương buộc phải tìm người đủ bản lĩnh, kinh nghiệm và năng lực về “chữa cháy”. Bàn đi tính lại các nhân sự, cuối cùng không ai khác vẫn là Bồ Thị Yến. Bởi “hạt giống đỏ” này đã được khẳng định qua 17 năm trên mảnh đất khó Tức Tranh.

Năm 2008, Bồ Thị Yến có Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, được điều về Trường Mầm non thị trấn Giang Tiên. Trường tiền thân là dạy giỗ con em cán bộ, công nhân của mỏ than Phấn Mễ. Từ năm 2009-2010, Yến tham mưu ngay với Phòng giáo dục, địa phương và mỏ than đầu tư, xã hội hóa giáo dục để xây 4 lớp học kiên cố đáp ứng cho 160 cháu. Đi đôi với xây dựng cơ sở vật chất, siết lại nề nếp kỷ cương, từng bước một, từng năm học một Yến luôn chú trọng và đề ra các biện pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên về chuyên môn nghiệp vụ lẫn phẩm chất chính trị. Với công tác quản lý giáo dục, cô cũng không ngừng tìm ra những giải pháp để đổi mới, áp dụng những sáng kiến, kinh nghiệm của cá nhân và đồng nghiệp vào các hoạt động của nhà trường. Nhờ vậy, hiệu quả giáo dục từ nâng lên rõ rệt đến liên tục đạt chất lượng cao trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Và chỉ sau 2 năm cô về đầu quân “chữa cháy”, trường không chỉ đi vào thế ổn định mà đạt Chuẩn quốc gia đầu tiên của khối giáo dục mầm non Phú Lương. Cô còn là “ngòi nổ” trong phát động đội ngũ đóng góp các đề tài, sáng kiến. Riêng cô, từ năm học 2009-2010 đến năm học 2018-2019 cô có 7 đề tài sáng kiến cấp cơ sở, phạm vi áp dụng trong toàn huyện Phú Lương. Trong đó phải kể đến các sáng kiến “Một số biện pháp thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi”; “Một số biện pháp thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục để nâng cao chất lượng về CSVC tại trường mầm non” và “Quản lý hoạt động nuôi dạy trẻ tại Trường Mầm non thị trấn Giang Tiên trong đổi mới giáo dục mầm non hiện đại”. Với sáng kiến cấp tỉnh, cô có 2 sáng kiến giá trị được áp dụng rộng rãi trong tỉnh Thái Nguyên, xoay quanh việc đổi mới tổ chức thực hiện kế hoạch năm họcđể môi trường giáo dục được cải thiện, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Có thể nói, chặng đường trọn 10 năm (2008-2018) Bồ Thị Yến về “đầu quân” cho Trường Mầm non thị trấn Giang Tiên là một thập kỷ ghi dấu cho sự “lột xác”, phát triển của trường. Cùng với sự đổi mới của quê hương và ngành Giáo dục Thái Nguyên, trường cũng đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc về nội dung lẫn hình thức, về số lượng lẫn chất lượng, xứng đáng là “địa chỉ đỏ” tin cậy trong cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương. Với vai trò “thuyền trưởng”, cô cùng tập thể không ngừng cố gắng, nỗ lực đưa trường liên tục đạt Tập thể lao động xuất sắc; Chi bộ trong sạch vững mạnh; Nhiều năm học được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Giáo dục tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bời bời với các thành tích tập thể đó, cá nhân hiệu trưởng Bồ Thị Yến nổi lên như một “ngọn cờ” trong bó đũa. Ấy là, liên tục từ 2009-2018, tất cả các năm học cô đều đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh (2012 và 2016); nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Đảng bộ tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Nguyên, Liên đoàn Lao động huyện Phú Lương, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Giáo dục tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phần thưởng của UBND huyện Phú Lương và Đảng ủy thị trấn Giang Tiên về Đảng viên, Hiệu trưởng xuất sắc; Bằng khen của Đảng bộ Thái Nguyên cho Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2010-2014). Đặc biệt, hai lần được Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học (2014 và 2016) mà đỉnh cao là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Giáo dục - Đào tạo từ năm học 2012-2013 đến năm học 2016-2017.

Trước thềm năm học mới 2019-2020 của trường Mầm non Cổ Lũng, Yến đưa cho tôi Báo cáo thành tích cá nhân, đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen năm học 2018-2019. Thực ra thì cô cũng đã “thừa” từ những năm học trước ở Giang Tiên, đã được ngành xây dựng để xét danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Hỏi cô sao chưa muốn nhận trong khi xã hội, các ngành  đang rộ lên “cơn khát” danh hiệu cũng như học hàm, học vị? Cô thận trọng tâm sự: “Giáo dục Mầm non vô cùng nhạy cảm và đầy áp lực. Chỉ cần sơ xuất một chút là hậu quả khôn lường... Và người đứng đầu, tất nhiên “lãnh đủ”. Thôi! chỉ cần Ưu tú trong lòng đồng nghiệp, trong lòng nhân dân là được rồi anh à...”. Thì ra là vậy. Sự dè dặt của cô là có lý. Thế nên, ai cũng biết, cũng kỳ vọng giáo viên mầm non phải là người có tình thương yêu trẻ, gắn bó với nghề, đặt kỷ cương - tình thương - trách nhiệm lên trên hết. Theo cô, trong giao tiếp ứng xử với trẻ mầm non, cần phải tuân thủ quy định về đạo đức, nghề nghiệp của giáo viên mầm non. Trong bối cảnh xã hội, giáo dục hiện nay, vấn đề này càng trở nên cần thiết và cấp bách mà trường đặc biệt lưu tâm trong đội ngũ.

Chia sẻ và bàn luận những điều “cốt tử” này với cô Hiệu phó Phạm Thị Chang và Lăng Thị Tuyết Nhung, các cô đều đồng tình, thống nhất với quan điểm giáo dục của Bồ Thị Yến. Qua tâm sự, các cô rất phấn khởi, yên tâm khi được làm “cộng sự” với Hiệu trưởng Yến - một quản lý vững, trải nghiệm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đặc biệt là người luôn tạo những bước “đột phá” táo bạo, bất ngờ trong quản lý chỉ đạo cũng như trong quan hệ, ngoại giao. Tôi thầm cảm phục con người “cầm tay chỉ việc” này. Cô quả thật xứng đáng là “hạt giống đỏ” nơi “thủ đô gió ngàn” cho những mầm đời nối tiếp nhau cứng cáp, tươi xanh!

Và bên tôi, vẫn còn văng vẳng đâu đây âm hưởng, lời ca, điệu múa của các cô và cháu Trường Mầm non thị trấn Giang Tiên khi cô Yến tranh thủ đánh xe đưa tôi về thăm trường cũ. Âm thanh như níu giữ và hình ảnh như mờ nhòe. Để tôi “bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”. Tôi bồng bềnh như không trọng lượng. Có lẽ, bởi đã “say trong câu hát, câu lượn, tình em tha thiết/ Dẫu xa, vẫn nhớ tới em/ nhớ mãi hương chè và tình người Thái Nguyên” - như ca khúc “đi cùng năm tháng” của một nhạc sỹ nơi “Thủ đô kháng chiến”.

Nguồn Văn nghệ số 16/2020


Có thể bạn quan tâm