April 26, 2024, 11:31 am

Hành trình xuống âm 300 mét

Công ty CP Than Cọc Sáu là đơn vị khai thác mỏ lộ thiên thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển, tập thể CNCB ở đây được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là danh hiệu: Đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Nhân kỉ niệm 60 năm, ngày thành lập 1/8 (1960-2020), Văn nghệ trân trọng giới thiệu bài viết về vùng đất này.

Chín đường của gấp khúc xuống -150m năm 2005 Ảnh: Nguyễn Khắc Đạm

Đã tháng tư âm lịch, thời tiết chưa có biểu hiện sang hè. Trời vẫn âm âm như xuân đang độ, mưa ít, nắng nhẹ. Đường xuống moong đã sâu lắm rồi. Người ta phải dừng xuống sâu để mở rộng khai trường. Theo Nguyễn Văn Thuấn, giám đốc công ty cổ phần Than Cọc Sáu đã làm chủ được đề án xuống sâu -300m bằng khai thác lộ thiên. Đáy mỏ hẹp… hẹp lắm rồi, chỉ chừng 1/3 ha. Dọc ngang đáy mỏ bố trí được 1 máy xúc thủy lực, 8 xe vận chuyển có tải trọng 55 tấn, một xe gạt làm công tác phục vụ. Một hệ thống phà bơm có bốn động cơ bơm nước cùng hoạt động. Tính sản lượng cả tháng 4-2020, Cọc Sáu đã khai thác xấp xỉ 1,2 triệu tấn than trong mùa hạ moong 2019-2020 và hạ đáy mỏ sâu thêm 20m. Để an toàn và cải thiện hơn cho mùa sau, Cọc Sáu đầu tư vào công tác mở vách và tăng cường mở diện trên cao... Đây có thể nói là giai đoạn nhiều khó khăn bậc nhất của khai trường mỏ lộ thiên hiện đại nhất Việt Nam tính đến thời điểm này.

Người hiểu về Cọc Sáu, sẽ hiểu rõ khai trường này có ba giai đoạn rất cụ thể. Giai đoạn thứ nhất là thời thực hiện xuống -120m, công suất 1,5 triệu tấn than/năm do các chuyên gia Liên Xô thiết kế vào những năm 70 của thể kỉ trước. Giai đoạn này kéo dài kế tiếp sự nghiệp làm than từ trước cả năm 1960 (thời kì mỏ chưa thành lập) và kết thúc ở mùa hạ moong 2001-2002 với bẩy đời giám đốc điều hành, kéo dài 32 năm (tính từ khi lập mỏ). Từ công nghệ khai thác thô sơ đến hiện đại. Lao động gần hai ngàn CNCB nhưng nhiều người còn chưa biết chữ, cả mỏ không có lấy một kĩ sư khai thác, công việc chủ yếu bằng sức người. Cận đại nhất, là thời ông Ngô Khắc Hòa làm giám đốc (tháng 6/1995 đến tháng 7/2002). Đây là thời kì công nghệ khai thác mỏ đã nhiều tiến bộ, nhiều phương tiện vận tải, có tải trọng từ 27-36 tấn như KOMATSU của Nhật, VONVO của Thụy Điển, CAT của Mỹ, máy xúc điện GKG-5m3/gầu, cùng với nhiều máy khoan xoay cầu do Liên Xô chế tạo. Đặc biệt, thời của vị giám đốc này có chút đỡ nhọc nhằn hơn các vị tiền nhiệm, Mỏ đã được trang bị máy xúc thủy lực gầu ngược PC250, có dung tích 2,5m3/gầu do hãng KOMATSU của Nhật sản xuất. Nhưng người Cọc Sáu bấy giờ xuống sâu chủ yếu vẫn bằng máy xúc điện EKG! Nguy hiểm vô cùng mỗi khi gặp mưa bão trái mùa, sự cố mất điện bất thường phải dùng gỗ, đặc biệt thời ông Nguyễn Viết Hòe, ông Nguyễn Hữu Vĩnh làm Giám đốc còn đi mua những tấm ghi cũ ở các sân bay về làm lót nền cho máy xúc di chuyển.

Thời kì ông Ngô Khắc Hòa làm giám đốc cũng là thời gặp trắc trở vì bắt đầu cuộc cách mạng chuyển đổi cơ chế kinh tế, từ tập trung ở các công ty vùng miền, đến quy về một mối Tổng công ty Than Việt Nam! Bắt đầu, từng doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập! Giai đoạn này, Công ty có số lao động trên 5.400 người, đông nhất trong cả quá trình thành lập mỏ. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là tiêu thụ than thương phẩm vào những năm 1999-2000, với chế độ giãn lao động, giảm ngày công, hạn chế sản xuất than... Nhưng cũng thời gian này, Cọc Sáu đã xuống -120m theo thiết kế của chuyên gia Liên Xô vào mùa hạ moong năm 2001-2002. Để tiếp tục xuống sâu, ông Nguyễn Văn Kiệm đang làm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam, tháng 7/2002 được điều về làm Giám đốc đời thứ tám ở Cọc Sáu.

Ông Kiệm là người đi tiền trạm về khai thác mỏ lộ thiên hiện đại của người Việt, theo phương án của người Việt trên đất Việt. Đề cập vấn đề này, ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam đã tâm sự. Ông vốn là kĩ sư khai thác hầm lò. Cuối năm 1994, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam. Năm 1995, tại trụ sở Công ty Tư vấn đầu tư mỏ và Công nghiệp. Lần đầu tiên, ông được nghe Công ty này và Công ty Than Cẩm Phả báo cáo, kế hoạch phát triển của mỏ Cọc Sáu với sự kết thúc đáy mỏ ở mức -120m! Ông đã nghe rất kĩ từng ý kiến trái chiều nhau, ông hỏi về vỉa than dày nằm dưới đáy mỏ Cọc Sáu là thế nào? Khi đã cụ thể, ông có quan điểm rõ ràng: Không thể chấp nhận việc Cọc Sáu kết thúc khai thác ở mức -120m! Vì công nghệ khai thác giờ đã tiến bộ hơn nhiều thời kì các chuyên gia Liên Xô thiết kế mỏ Cọc Sáu. Vì thế chúng ta có thể xuống -150m hoặc sâu hơn! Ông kết luận “Chừng nào còn điều kiện về đổ thải, về môi trường mà công nghệ cho phép thì chúng ta vẫn tiếp tục xuống sâu bằng lộ thiên vì đây là cách khai thác lấy được nhiều than nhất”.

Khai trường công ty CP Than Cọc Sáu năm 2020 sâu -290m     Ảnh: Đinh Thái Bình

Tuy vậy, việc xuống tiếp hay dừng lại vẫn là vấn đề người ta tranh cãi giữa hai lập trường “Xuống tiếp” và “Dừng lại” với cái được gọi là “Pháp lý”, với lí luận “Chưa ai làm bao giờ”. Cuối cùng, vị Tổng Giám đốc này đã phải quyết định: “Cứ làm rồi liệu sau”. Ông Kiệm được luân chuyển từ Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Than Việt Nam về làm Giám đốc, trực tiếp chỉ đạo xuống sâu với lí do này. Ông Kiệm là kĩ sư khai thác mỏ, được đào tại trường Mỏ Địa chất ở Liên Xô, trưởng thành trên tầng mỏ Cọc Sáu cùng những lo toan, thăng trầm, vui buồn trong lòng mỏ… việc luân chuyển một cán bộ, một người con như thế về nơi xuất phát điểm âu cũng là dễ hiểu. Với ông Kiệm thì bất cứ người thợ mỏ Cọc Sáu nào, họ cũng phải xuống sâu tiếp! Đó không đơn giản là mưu sinh mà còn là tinh thần của họ. Ông Kiệm về Cọc Sáu, việc đầu tiên ông quan tâm là than trong lòng mỏ còn bao nhiêu? Ông không khỏi giật mình khi được báo cáo: xuống -150m, than còn không quá 23 triệu tấn. Như vậy, tốc độ khai thác thời điểm ấy là trên, dưới 2 triệu tấn than/năm! Đồng nghĩa với việc đóng cửa mỏ sau mười năm. Một hội thảo về tài nguyên được tổ chức! Ông khẳng định, Ông không tin than trong lòng mỏ chỉ còn bấy nhiêu!

- Bao nhiêu hả? Đó là chúng ta khai thác thế nào! - ông khẳng định thế! Công việc với ông Kiệm khá thuận lợi! Ông là người tường tận cái lòng mỏ có miệng hứng nước mưa tới trên 2,3km2 này (khai trường hồi ấy). Ông cũng là người ủng hộ chủ trương tiếp tục xuống sâu từ những ngày thách thức của thiên nhiên và công nghệ khai thác còn khó khăn chất chồng. Đang ở vị trí cao hơn, nhận điều động về cơ sở đâu phải ông không buồn! Nhưng tổ chức đã quyết định hẳn phải có lí do. Cái lòng mỏ này, đâu chẳng thấy những kỷ niệm và dấu chân ông kia chứ! Từ việc đưa tàu hút bùn vào giải quyết sự cố bùn nhấn chìm đáy mỏ do mưa phá vỡ đê ngăn nước trong lòng mỏ năm 1978; 1983 đã nhấn chìm đáy mỏ hàng thập kỉ. Đáy mỏ ngày ấy mới sâu chưa tới -60m. Bây giờ nó đã -120m, đã hết tầm sâu thiết kế!

Đi tiếp bằng cách nào?

Nhưng ngay mùa hạ moong đầu tiên, ông đã kết thúc trước mùa mưa năm 2003 với mặt bằng khai thác -135m (xuống sâu 15m). Theo gợi ý của ông Kiển, ông Kiệm tổ chức tổng kết công tác hạ moong năm ấy rất hoành tráng tại đáy mỏ! Ông Kiển đã trao phần thưởng trị giá 100 triệu đồng cho lực lượng trực tiếp xuống sâu và làm nên diện mạo mới của lòng mỏ. Nhưng ở đây có một điều kì diệu trong cách khai thác của ông Kiệm! Ông đã tiến hành lối khai thác cực kì sáng tạo! Đó là “Khai thác ngược”!  Ông Kiệm đã rút ngắn được một mùa xuống sâu, tiết kiệm được vốn cơ bản phải đầu tư trong một năm bằng cách mở liên tiếp 9 đường cua tay áo  từ -64m, để xuống khai thác hết than từ -135m đến -150m vào mùa hạ moong năm 2004-2005. Ngày 13/3/2005, ông đã kí quyết định tạm dừng khai thác giai đoạn I với độ sâu đáy hố bơm -159m, và dùng độ sâu từ -135m trở xuống làm bãi thải ngay trong lòng mỏ.

Xét về khai thác mỏ là phải có thiết kế, dự án hay đề án xuống sâu, phải có đủ các yếu tố là tài nguyên, môi trường, bãi đổ thải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đó là pháp lý! Ở đây, tính pháp lí đã kết thúc vào mùa hạ moong 2001-2002, nghĩa là -120m so với mực nước biển. Tháng 3 năm 2005, ông Kiệm mới quyết định tạm dừng khai thác ở giai đoạn I, rõ ràng là vô lí. Vậy nó vô lí chỗ nào? Thời ông Nghiêm Thế Tựu làm Trưởng phòng kĩ thuật khai thác mỏ, ông đã vẽ, đã chỉ cho tôi hai động tụ chứa rất nhiều than trong lòng mỏ đã được thăm dò. Động tụ Nam ở trên cao không có gì đáng bàn. Còn động tụ Bắc là nơi giao nhau giữa hai trụ đá của hai trái núi. Nhưng khi thiết kế, các chuyên gia Liên Xô chỉ thiết kế xuống -120m. Rõ ràng phía dưới còn những trên 30 mét sâu, lại ở một vị trí rất khó thực hiện khai thác!

Vậy đâu là kinh nghiệm thực tế? Sách nào dạy?

Hoàn toàn không!

Người lao động phải sáng tạo được trên cái mình đang có. Ông Kiệm cùng các cộng sự kĩ thuật ở đây đã “Liệu rất xuất sắc vai trò tiên phong của mình”! Họ chính thức trở thành những người Việt Nam đầu tiên đặt chân xuống tầm sâu -150m trong lòng đất. Trong kí ức của Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Than Cọc Sáu đương nhiệm! Hồi ấy, anh là Phó Quản đốc phụ trách kĩ thuật khai thác tại đáy mỏ, là giây phút khó quên nhất. Vì nó giống như niềm vui đợi chờ, mong mỏi bấy lâu kìm nén như được bung ra, vỡ òa, nó bồi hồi trong từng nhịp đập và hơi thở của những người trong cuộc. Tựa hồ nguồn năng lượng linh thiêng đã đến với họ, một hạnh phúc vô bờ.

Chuyện kết thúc khai thác ở độ sâu -150m của ông Kiệm tại lòng mỏ Cọc Sáu đã mở ra một hành lang pháp lí cho Quy trình - công nghệ khai thác mỏ lộ thiên hiện đại của người Việt trên đất Việt. Trước khi rời Cọc Sáu, ông đã kịp thăm dò và hoàn tất dự án khai thác mở rộng xuống -250m trong lòng đất, với trữ lượng than khả thi 38 triệu tấn.

Liên quan trực tiếp vấn đề xuống sâu ở khai trường Cọc Sáu, trong cuốn sách TÌNH YÊU Ở LẠI của ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, do Nxb Dân trí ấn hành năm 2014 ghi rõ: “Năm 2008, được bộ Công Thương và Tập đoàn giao lập Quy hoạch khai thác than vùng Cẩm Phả. Công ty Tư vấn đã đưa ra kiến nghị kết thúc khai thác lộ thiên ở Đèo Nai, Cọc Sáu trong giai đoạn 2012-2015 để đầu tư hầm lò. Thông tin này được truyền đi đã làm xôn xao dư luận vùng Mỏ… lãnh đạo hai công ty này hết sức bức xúc, lo lắng… Tôi đưa ra vấn đề Hội đồng quản trị kiến nghị tiếp tục xuống sâu tới mức -350 hoặc sâu hơn nữa ở các mỏ lộ thiên Đèo Nai, Cọc Sáu, -300m ở Cao Sơn…. Đây là lí do để Cọc Sáu phát triển dự án khai thác mở rộng xuống -250m thời ông Kiệm làm Giám đốc, thành đề án xuống -375m của người kế nhiệm là ông Phạm Hồng Tài. Qua thực tế, đề án này cũng nâng lên đặt xuống nhiều lần, trong nhiều năm. Người ta tính toán thực tiễn khoa học, cả khó khăn về địa chất, diện phải mở rộng, diện đổ thải và chi phí cho thương phẩm rồi đi đến quyết định, trước mắt thực hiện đề án này bằng lộ thiên xuống -300m.

Đề án tưởng như mơ hồ trên giấy ngày nào... Thì tháng 4 năm 2020, những người thợ mỏ Cọc Sáu, đứng đầu là Giám đốc Nguyễn Văn Thuấn, anh sinh viên ngơ ngác trước moong than già 1/4 thế kỉ trước, đã khẳng định vị thế của mình và thợ mỏ Cọc Sáu trước thời đại. Đề án xuống -300m xem như giai đoạn cuối của một lòng mỏ như đã được khẳng định! Người ta bắt đầu tập trung với quy mô lớn từ cuối năm 2006 ở độ sâu -50m. Trong 60 năm xây dựng và phát triển, với mốc than đạt công suất 3 triệu tấn vào năm 2005. Nhưng để tính 10 năm hưng thịnh nhất của lòng mỏ này thì phải là 2006-2015, đỉnh cao nhất là 2011, sản lượng than sản xuất lên tới 3.880.000 tấn. Sản lượng than sản xuất trong 10 năm này xấp xỉ 35,5 triệu tấn,  bằng 32,7% của cả 60 năm cộng lại. Ngược lại, khối lượng bóc đất đá càng về sau càng đáng bàn. Năm 2020, người ta phải bóc 14m3 đất/tấn than. Vậy mới biết sức người và vốn đầu tư bỏ ra thế nào? Từ mùa hạ moong 2006-2007, mặt bằng khai thác là -50m. Mùa hạ moong 2019-2020, mặt bằng khai thác -290m. Tổng cộng 13 kì hạ moong, chiều sâu được hạ 240m, bình quân mỗi năm xấp xỉ 18,5m. Theo thống kê, 14 năm từ 2007 đến hết 2020, Cọc Sáu bóc 434.458.453m3 đất đá bằng 61,63% tổng sản lượng đất bóc của 60 năm cộng lại. Than sản xuất 14 năm này là 44.748.200 tấn, tương ứng 40,75% tổng sản lượng 60 năm nói trên. 14 năm này, đất bóc bằng 160,82%  46 năm trước; theo đó sản lượng than cũng bằng 41,2% sản lượng của 46 năm nói trên.

So sánh vậy vẻ như khập khiễng bởi công nghệ khai tthác giờ đã khác bởi xe to, máy lớn của thời đại... Nhưng sản lượng than, vốn đầu tư và giá thành thương phẩm thì sao? Có thể khẳng định, đây là giai đoạn khó khăn bậc nhất của khai trường lộ thiên này. Tầm sâu coi như đã khẳng định. Nhưng còn việc lấy than thế nào là cả vấn đề. Nó buộc những người hiện tại phải nói được tiếng nói thời đại của mình. Khi đạt ngưỡng -300m, hướng khai thác sẽ thế nào? Có lần tôi đặt câu hỏi với Giám đốc Nguyễn Văn Thuấn.

- Tất nhiên là sẽ mở rộng phía trên để có thể lấy được nhiều than ở những năm sau - Thuấn trả lời dứt khoát - Và đây cũng là lộ trình kéo dài từ nay đến hết năm 2024 của công ty. Sau đó mới bàn tiếp.

Tôi có thể hiểu được cụm từ “Sau đó mới bàn tiếp”. Vậy là có thể hy vọng, có những điều kì diệu sẽ xẩy ra trong quá trình khai sơn phá thạch của những người thợ mỏ đương đại trên vùng đất dữ dằn nắng gió, nhưng cũng đầy kiêu hãnh bởi tinh thần bất khuất kiên cường trong lao động và sáng tạo này lắm chứ! Mà người đại diện cho thế hệ hôm này là Giám đốc Nguyễn Văn Thuấn, anh sinh năm 1970 tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Thuấn tốt nghiệp kĩ sư khoa Khai thác tại trường Mỏ địa chất năm 1993. Cũng năm đó, anh có mặt tại lòng mỏ Cọc Sáu qua giới thiệu của công ty Than Cẩm Phả. Thuấn kể, ngày ấy học xong phải vận động xin việc chứ không được điều động như lớp cha anh. Lòng mỏ Cọc Sáu bấy giờ, mới chỉ độ ngoài -60m gì đó. Nhưng với anh đã hoành tráng, hùng vĩ ngoài sức tượng tượng mà cả những gì anh từng biết qua chuyến đi thực tập, được học trên ghế nhà trường. Công việc ban đầu anh được phân công là làm công nhân kĩ thuật (kĩ thuật viên), mức lương bậc 2/7 tại một công trường khai thác của mỏ. Công việc vất vả nhưng vui, sức trẻ nhiều đam mê và khát vọng. Được các bậc cha anh giúp sức, nâng đỡ, anh dần trưởng thành là một thợ mỏ vững vàng trong cái khai trường khổng lồ này! Hai năm sau, anh được đề bạt làm đốc công khai thác. Tháng 6/2001, anh được điều động về phòng Kĩ thuật khai thác với danh phận một kĩ sư. Sau gần ba năm, Thuấn tiếp nhận nhiệm vụ Phó phòng Kĩ thuật khai thác. Tháng 3/2005, âu cũng là duyên phận, cũng có thể nói là thử thách báo trước một tín hiệu vui, Thuấn có quyết định bổ nhiệm làm Phó Quản đốc phụ trách Kĩ thuật khai thác tại công trường chính của Mỏ, trước sự kiện kết thúc sứ mệnh lịch sử với độ sâu -150m. Có lẽ, đây là điều kiện thử thách sứ mệnh của anh mai này. Sự kiện ấy đã góp phần giúp Thuấn bước dài, bước rộng hơn trong sự nghiệp, giúp anh vững vàng và kiên cường hơn khi đối mặt với trùng trùng khó khăn ở một quy mô, một tầm vóc tương xứng với thời đại của lòng mỏ đã tiếp nhận anh vào nghề. Tháng 9/2007, anh được đề bạt làm Trưởng phòng Kĩ thuật khai thác. Để rồi sau một thời gian luân chuyển cán bộ, tháng 5/2008, anh lại trở về với chức danh Trưởng phòng Kĩ thuật khai thác. Ngoài vấn đề quản lí, xử lí công việc theo nhiệm vụ, Thuấn là người được Giám đốc Công ty thời ấy là ông Phạm Hồng Tài phân công, tổ chức thăm dò tiếp, nghiên cứu thực hiện phát triển Dự án khai thác mở rộng xuống -250m lúc bấy giờ, thành đề án có quy mô lớn hơn, xuống -375m bằng lộ thiên. Tháng 10/2018, sau 1/4 thế kỉ lăn lộn với tầng mỏ, sau hơn 6 năm làm Phó giám đốc điều hành Kĩ thuật khai thác, anh được đề bạt chức danh Quyền Giám đốc Công ty. Thuấn kể: Ở nhiệm vụ mới, anh có cả 13 tháng thử việc để thành người điều hành chính đời thứ 11 của Công ty. Đáy mỏ ngày Thuấn nhận nhiệm vụ đã là -245m. Công việc bộn bề! Được cái công nhân cán bộ đồng lòng, anh em quen việc - đồng tâm, dù khó khăn chồng chất, hai mùa hạ moong xuống 45m sâu nhưng công tác khai thác vẫn trôi chảy, an toàn! Tôi đã hỏi Thuấn: “Khi xuống sâu -300, dưới chân than đã lộ vỉa thì cách xử lí thế nào?”. Thuấn cười, đáp: - Chuyện ấy tính sau bác ạ!

“Tính sau” câu trả lời không xác định. Nhưng tôi có thể hiểu được giá trị tinh thần của thời đại sẽ xẩy ra trong tương lai gần hoặc xa hơn một chút, sẽ có những điều “Kì diệu” từ năng lực của họ - thành hướng đi cụ thể - đem lại nguồn lợi Năng lượng cho Đất nước này.

Nguồn Văn nghệ số 29/2020


Có thể bạn quan tâm