April 26, 2024, 10:25 pm

Hân hoan nỗi ngày tươi trẻ

 

Không phô phang kỳ hoa dị thảo, không diễm lệ ngôn từ, nhưng Ngày trẻ như dương cầm của hơn 50 nhà thơ nữ Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, có hoa cỏ dịu dàng, bóng mát tỏa lan, lửa ấm trong tim và lời trong mắt. Mỗi người một vẻ, những phong cách thơ khác nhau, nhưng chất nữ tính thì bất biến. Những nỗi niềm về tình yêu, đời sống được diễn cảm bằng ngôn ngữ thơ đa dạng, lắng sâu dưới những cung bậc ngôn từ: “Rồi mai đời trả cho thơ/ cố hương xế bóng/ ai chờ ta không?” (Sông Ninh - Đặng Nguyệt Anh).

Những con chữ điếng đau mà đẹp. Bởi trót lụy dây tình, nên tình thơ lung linh, người thơ nhoi nhói: “Hương từ xa lén lút/ mùi anh – dây trói em…/ như em lúc này/ chi chít tên anh” (Đừng giải mã - Trần Mai Hường)

Một kỷ niệm ngắn ngủi, nhưng đủ làm hành trang để đi trong đời, để thăng hoa cảm xúc: “Đầy ắp tâm khảm/ nỗi ám ảnh dịu êm/ những ngày hạ xa ngái/ nâng đỡ nàng bay lên” (Tháng tư ơi - Trương Tuyết Mai)

Không gian yêu đâu phải cứ hoa thơm cỏ ngọt, chỉ cần có người về là quá đủ một thiên đường:“Em ở đây đón hai mùa khô, ướt/ lá vẫn rất xanh và gió rất hiền/ em sẽ say và anh sẽ ngủ/ khu vườn rêu thơm nức mùi người (Về Sài Gòn ăn Tết đi anh – Phan Ngọc Thường Đoan)

Vượt lên những nỗi đời, đâu đó có dấu chân người đi tìm bóng mình. Trên dốc đời buổi chiều bình an hiện ra một bày biện như mơ. Những câu thơ đầy thi ảnh, một bức tranh gợi nhiều suy tưởng: “Con đường dốc nghiêng về phía nhớ/ về phía em…/ mây đủng đỉnh ký ức về không kịp/ biển phía xa/ bồng bềnh lụa trải” (Ngôn ngữ phía xa – Hồ Đắc Thiếu Anh)

Những người thơ, người đẹp luôn không tuổi. Với Ngày trẻ như dương cầm, không gian trong thơ Tôn Nữ Thu Thủy nén chặt. 4 khổ thơ mà mở bung một khán phòng: “Bức tường cao chan chứa âm thanh/ mở ra khoảng thời gian riêng biệt/ miền đất chưa tàn úa bao giờ/ chạm vào trời cao thanh khiết/ lòng yêu chẳng chia biệt già nua…”.

Trong tình yêu, những người đàn bà thường nghĩ về thân phận, sự hy sinh, có khi là tận hiến. Những mùa nhan sắc rồi đi qua, tiếc nuối nào cũng đầy, khát khao nào cũng khốc liệt: “Hỡi Thượng đế/ người đã không hoàn chỉnh nổi hai người đàn ông trong một con người/ sao bắt nàng phải nhận/ người đàn bà thu tím/ người đàn bà đêm đen/ người đàn bà phận bạc/ người đàn bà muôn đời khao khát” (Không đề - Trầm Hương)

Nhưng trong những khoảnh khắc xa mờ, trong góc nhớ vẫn sáng lên vườn địa đàng:“Đêm muộn màng dưới ánh trăng sao/ cây cỏ kháo nhau chuyện ngày hai đứa/ anh có về thăm vườn địa đàng lần nữa/ nhớ cất cho em chiếc lá năm nào/ nhớ cất cho em giây phút khát khao” (Cất nỗi khát khao – Phạm Phương Lan)

Trong ký ức đêm, người đàn bà bần thần ngồi đếm lại đời mình với xót xa bất chợt: “Nương đời dỗ những ấm êm/ cố dành dụm nhớ mà quên ru mình” (Chạm ký ức đêm - Miên Trường)

Dư âm của những chia xa ngày cũ vẫn mang mang, nỗi tiếc nhớ cứ quấn theo từng con chữ: “rồi gần gụi sẽ thành ra xa lắc/ ta lạc nhau ngay cả phút giây tìm/ sông uống đẫm đời sông chưa hết khát/ sau tận cùng nỗi nhớ, tận cùng quên” (Bỗng gió một vòng tay – Huệ Triệu)

Trong cảm thức nhớ và quên, trong chùng chình kỷ tình yêu ảo giác, đến một ngày đành nói lời đau để giải thoát cho nhau: “mình buông nhau ra nhé…/ chẳng có gì đây, mà ta là phải thế/ bởi không thể là hình, hai chiếc bóng song song” (Mình buông nhau ra nhé - Thu Trân)

Và trong một ngày trời Sài Gòn rất xanh, mây vẫn trắng, nhắc nhớ mùa xuân đang hé nụ, Lê Thị Kim cất lời dịu dàng để nhủ lòng mong ngóng: “Hãy trôi hết/ niềm đau vào dĩ vãng/ cho nỗi ngậm ngùi/ ánh lên tia nắng/ và khoảng trời xanh của tóc/ quay về” (Khoảng trời xanh của tóc – Lê Thị Kim)

Còn với nhà thơ Lê Tú Lệ, đã yêu thì hết mình, tình yêu đã sắt son thì lòng không thể đổi: “người ấy vì em làm được mọi điều/ chỉ không thể hóa thành anh”… (Người ấy - Lê Tú Lệ)

Không chỉ thấp thoáng sau trang thơ là bóng dáng khi tha thướt áo dài, lúc váy áo tươi xinh, lúc xõa tóc, cài trâm, Ngày trẻ như dương cầm còn cho thấy rõ hơn chân dung của một nửa nhân loại với tất cả thiên chức cao cả. Họ giãi bày tâm thức chính mình trong hối hả nhịp đời, giữa tục lụy giăng dây: “chúng ta chỉ là những kẻ tạm trú/ và sở hữu duy nhất nỗi đau của riêng mình…/ cả ngọn lửa vĩnh cửu kia/ cũng tạm trú/ và những linh hồn chừng như bất tử/ cũng lang thang tạm trú thế gian này” (Chúng ta chỉ là kẻ tạm trú – Bích Ngân)

Trong bộn bề đời sống hôm nay, những trang viết về công nhân – lao động không nhiều. Nên sẽ rất quý giá, đáng trân trọng khi nhà thơ viết những dòng thương tặng nữ công nhân nghèo. Trong thơ, nữ công nhân rạng rỡ xinh tươi bởi trong mắt yêu vẫn là giai nhân dù tự trào mình là Thị Nở: “em hạnh phúc không…/ kiêu hãnh mặc đời ghẹo trêu xấu hổ/ hôm nay em ngước lên cao” (Thị Nở vùng lên –Minh Đan)           

Ngày trẻ như dương cầm còn có sự góp mặt của những cây bút văn xuôi quen thuộc qua các truyện ngắn. Đó là Nơi dòng sông ngừng chảy của Võ Thị Kim Liên phác họa chân dung chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành trước ngày ra đi tìm đường cứu nước. Nguyễn Thanh Hiền Hậu viết truyện lịch sử Có ai từ Nam sang? với nhân vật chính là Tuệ Tĩnh tỏa sáng tài năng và đức độ qua những giằng xé nội tâm giữa niềm nhớ thương cố hương muốn quay về và phận sự của lương y để rồi chọn cách ở lại cứu người. Trong Đi qua mùa xuân chín của Nguyễn Bính Hồng Cầu, sau những hiến dâng đã khánh kiệt tình yêu và nhan sắc, người đàn bà 20 năm làm mẹ đơn thân được đáp đền bằng sự trưởng thành của con và có thể là sự hội ngộ bất ngờ. Con gà chân chì của Hải Hà là câu chuyện tình nghĩa láng giềng được thắt chặt sau sự việc hiểu lầm được hóa giải. Hoài Hương thời sự hóa vấn đề đồng bằng sông Cửu Long dưới những tác động môi trường qua tình yêu của hai người trẻ trong Phù sa châu thổ. Thung Lam của Hồ Ngọc Hoài là sự hoang hoải của cảnh vật và tâm trạng, những va đập trong đời sống con người và tình yêu cũng sương khói mong manh. Hoàng Phương Nhâm đem đến cho bạn đọc câu chuyện đầy cảm động qua Têrêxa ngốc nghếch, chỉ vì chiến tranh, Têrêxa đã bước qua cuộc đời với cuộc tiễn đưa bằng màu hoa trắng… Với lối viết tung tẩy mà ý nhị, Gió đưa… gió đẩy của Kim Quyên dắt đưa người đọc đến những diễn tiến bất ngờ. Con mèo mướp khiến tình hàng xóm của hai người không còn trẻ cũng trở nên đáng yêu, nhen nhúm chuyện lớn hơn tình hàng xóm thông thường…    

Bạn đọc hãy cùng bước vào khu vườn của Ngày trẻ như dương cầm, trong tiếng đàn thánh thót, trong không gian hòa quyện thời gian, để được lắng lòng, đọc những từ tâm ý niệm…

Nguồn Văn nghệ số 42/2020


Có thể bạn quan tâm