April 27, 2024, 5:43 am

Hái theo mùa...

 

Người đàn bà viết văn

Tác giả Nguyễn Thị Thiện nguyên là giáo viên dạy Văn ở trường THPT Thạch Thất, Hà Nội. Chắc chắn chị là một giáo viên dạy giỏi và đam mê văn chương viết lách. Hái dọc đường văn là cuốn bình văn mới nhất của chị. Trong vòng dăm bảy năm chị đã in liền một loạt tác phẩm bình văn: Trang thơ trang đời, Tình quê tình người (tập I và II), Thơ dâng Mẹ, Quê hương Việt Nam, Tình Cha con, Nơi biên cương Tổ quốc, nay là Hái dọc đường văn. Cái giỏi của tác giả là trước khi đưa vào sách thành “đội hình đội ngũ nghiêm ngắn chỉnh tề”, các bài viết phần lớn  đã được thể nghiệm in trên các báo Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Thủ đô, Văn nghệ, Thời báo Văn học nghệ thuật, tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật...

Có thể tác giả Nguyễn Thị Thiện chưa đọc tác phẩm Bình văn hiện đại (Nxb Lao động, 2010) của PGS. TSKH Đỗ Văn Khang, nhưng ngẫu nhiên hay tất nhiên có sự gặp gỡ về nền tảng lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn của chốn “trường văn trận bút”. Trong Hái dọc đường văn của Nguyễn Thị Thiện, tôi cảm nhận thấy tác giả đã nắm vững lý thuyết về “bản chất của phê bình văn học hiện đại” được Đỗ Văn Khang trình bày một cách ngắn gọn và khúc chiết. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thiện không hề “dẫm lên dấu chân người đi trước”. Lối bình  văn của Nguyễn Thị Thiện năng động, linh hoạt và ưu điểm nổi bật là “bấu chặt” vào thực tiễn sáng tác văn/ thơ hiện đại (thơ là chủ yếu, là sở trường, đôi khi như cách tôi viết về tác giả là “người tương tư thơ ca”).

Một lối nẻo vào văn chương

 Tổ chức của Hái dọc đường văn, về hình thức, là một cuộc tổng kết sớm theo cách “ngoái đầu nhìn lại”: Phần I (Tiểu luận thơ) gồm 17 bài, Phần II (Tiểu luận văn) gồm 14 bài khá tiêu biểu nhờ được tuyển chọn công phu; Phần III (Phụ lục) như là “Tác phẩm và dư luận”, gồm 10 bài viết của đồng nghiệp văn chương và dạy học về hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Thị Thiện.

“Sống với văn chương cùng thời” là tinh thần nỗ lực đáng ghi nhận của tác giả Nguyễn Thị Thiện. Ngòi bút bình văn đã mở rộng biên độ quan sát và bình thơ từ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão (1255-1320) đến Tú Xương (1870-1907), thời cận đại về tài năng Việt hóa thơ Đường. Ban đầu khi đọc, tôi nghĩ có thể hơi xa tầm tay với của người bình văn khi hướng tới những đối tượng thẩm bình này. Song đọc xong thấy yên tâm vì Nguyễn Thị Thiện đã cố gắng khi bình văn biết tiết chế, biết mình biết ta, biết dừng lại ở ngưỡng cần thiết, khi đặt mục đích của việc bình văn trước hết là phục vụ công việc giảng dạy ở bậc THPT. Rồi nữa biết đâu có thể duy tu bảo dưỡng, nâng cấp mở rộng diện người đọc văn. Và kết quả thật đáng khả quan khi tác giả được ví là “nhịp cầu nối người đọc với văn chương” (nhận xét của nhà thơ Nguyễn Thị Mai). Phần I, người đọc thú vị vì tác giả đã “chạm” được đến thơ hiện đại theo cách tiếp cận từ xa đến gần, từ gần đến xa những thi phẩm Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh, Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, Thời hoa đỏ của Thanh Tùng, Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái, Dẫu xa muôn dặm vẫn tôi Vua Hùng của Nguyễn Huy Hoàng... Tôi coi đây là một kiểu “cẩm nang” lợi hại với người đọc là giáo viên và học sinh học Văn ở bậc phổ thông, vì kèm lời bình thanh thoát dễ đọc, dễ nhớ, dễ vận dụng là những văn bản thơ được dẫn xuất có độ chính xác cao (về câu chữ, về xuất xứ). Đúng là hợp với phong cách nhà giáo chuyên nghiệp, tay nghề cao, tình yêu lớn đối với văn chương khi hiện nay đâu đó đang vang lên lời ca thán về một “văn chương lâm nguy” (đôi khi như là những thứ, trở thành mode “báo động giả” ).

Tôi tâm đắc với bài viết đầy đặn (15 trang) và sâu sắc Những gương mặt nhà báo – nhà thơ quê hương núi Tản sông Đà trong tập sách này: Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), là “người của hai thế kỷ” theo cách định vị của Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam (1942); Ngô Quân Miện (1925- 2008), một “hồn thơ đôn hậu và tinh tế”; Bằng Việt với phong cách “vừa trữ tình sâu lắng vừa suy tư, triết lý”; Nguyễn Việt Chiến làm thơ vì “thơ ca đã cứu rỗi đời tôi”; Trần Hòa Bình (1956-2008) là “nhà thơ đích thực”. Phải nói ngay rằng viết phê bình về đồng nghiệp văn chương, Nguyễn Thị Thiện không phải là người phát hiện, nhưng là người bồi đắp, tôn vinh những tài năng chữ một cách  nghiêm trang, kính cẩn theo cách dựng tượng đài trên văn đàn. Ở đây cách viết của Nguyễn Thị Thiện là thấu tình đạt lý. Những bài viết về đồng nghiệp nữ văn chương/ thơ ca (Thúy Ngoan, Nguyễn Thị Mai), thể hiện cái phần tình cảm đắm đuối của ngòi bút bình văn/ thơ Nguyễn Thị Thiện. Đây là một điều thú vị và bất ngờ vì nếu ai chưa có điều kiện đọc được nhiều thơ của hai nữ sỹ này thì qua lời bình của Nguyễn Thị Thiện đã nắm được thần thái của mỗi người (thơ Thúy Ngoan giúp người đọc biết “trân trọng những gì mình đang có bởi đó chính là hạnh phúc bình dị của mỗi cuộc đời”; thơ Nguyễn Thị Mai hướng tâm cảm người đọc đến “những cảnh ngộ kém may mắn”). Tôi nghĩ, trong những trường hợp này, ngòi bút phê bình của Nguyễn Thị Thiện đã lóe sáng, phát lộ. Và không riêng tôi, mong muốn nó thường trực hơn.

Phần II (Tiểu luận văn): Một số bài bình văn khá sắc bén như Chất hùng ca trong Lính tăng của Nguyễn Bắc Sơn, Chân dung vua Tự Đức và triều thần qua tiểu thuyết Cuộc đời xa khuất của Lê Hoài Nam, Những thông điệp mới qua Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam, Sức mạnh của âm nhạc và tình người qua Dạ khúc, Hồi chuông cảnh báo về bảo vệ hạnh phúc gia đình nhân đọc Vũ điệu tình yêu của Thu Lâm, Sống là để yêu thương – nhân đọc Tìm em giữa ngàn sao lấp lánh của Hồ Điệp Thanh Thanh, Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn với người vợ tào khang, Nhà văn Thế Hùng với Ngàn lẻ một truyện ngụ ngôn và hài. Những tác phẩm văn xuôi mà Nguyễn Thị Thiện bình luận, về cơ bản tôi cũng đã đọc, nên thấu tỏ năng lực tiếp nhận của tác giả. Không thể nói bình thơ là sở trường, bình văn là sở đoản của Nguyễn Thị Thiện. Nhưng nếu có được phần tinh tế nào của ngòi bút thì rõ ràng vẫn khuôn vào phần bình thơ. Tôi nghĩ, sẽ có không ít người phát biểu đồng tình với nhận xét của tôi khi đọc bình văn Nguyễn Thị Thiện. Đấy không phải là một lời chê, mà là một công bằng nhận xét đồng nghiệp trong nghề viết phê bình vốn cực nhọc nhưng ít chiếm được cảm tình của người đọc hơn người sáng tác. Ở Phần III, đồng nghiệp đã viết về tác giả Nguyễn Thị Thiện rất đầy đủ và công tâm, riêng bài viết của GS. NGND Nguyễn Đình Chú, tôi thấy, thấu triệt và cổ võ bạn văn hơn cả.

Lời kết

Trong lĩnh vực văn chương, nhận xét về những gì đã làm được của đồng nghiệp không khó so với dự đoán đường đi nước bước của người ấy trong tương lai. Làm văn cũng như làm kinh tế, phải có đầu óc, đã đành, lại phải có tiềm lực (vấn đề đầu tiên). Có hai cách để dấn thân vào trường văn trận bút: một là, bằng sự tinh nhanh của mình nắm bắt lấy tức thì (hay là sống với) những biểu hiện  thời sự của đời  sống văn chương hiện thời (tác giả, tác phẩm, vấn đề, khuynh hướng); viết theo đường hướng này thì hiệu quả nhanh, kịp thời nhưng cứ mải miết theo nó thì không có điều kiện chuẩn bị lưng vốn (tác giả, theo tôi, thuộc tyf này); hai là, chuẩn bị cho những trận đánh lớn (chiến dịch) thì phải đầu tư lớn (thời gian, công sức, trí tuệ, cả vật lực) để xây dựng một hậu cứ đủ mạnh cho nhiệm vụ lâu dài. Quan sát cách làm văn của Nguyễn Thị Thiện vừa qua, tôi thấy ít lo lắng hơn so với một số người theo lối “ăn đong” (như các cụ xưa nói “tay làm hàm nhai”). Tất nhiên mỗi người có một số phận, cảnh ngộ riêng không ai giống ai. Về kinh tế (kế sinh nhai), tôi đồ, tác giả không đến nỗi vất vả để đến mức phải bươn chải sớm tối. Nhưng sao cứ thấy vội vã, thấp thỏm mỗi khi giao tiếp với đồng nghiệp. Ở đây, có vấn đề tâm thế sống hơn là tình thế đời sống chăng?! Vì thế, nên thường mong muốn bạn văn của mình bình tâm hơn để chuẩn bị những bước đi tiếp trong nghề văn ngày càng vững vàng hơn, hiệu quả hơn. Công thức hành xử của một nhà văn là gói gọn trong ba chữ giản dị “đi - đọc - viết”. Hiện nay, tác giả đang đầu tư, ưu tiên cho sự viết. Trong tương lai (gần và xa) hãy dành thời gian và sức lực cho “đi” và “đọc” nhiều hơn nữa. Thành công mới đang chờ đón tác giả ở phía trước. Tôi tin tưởng như thế. Tại sao không?!

Bùi Việt Thắng

Nguồn Văn nghệ số 46/2022


Có thể bạn quan tâm