April 27, 2024, 12:41 am

Hai mốt Lê Lai

 

  Chí Linh là ngọn núi hiểm yếu bậc nhất ở thượng du sông Chu cao 323 trượng, rộng trên vài trăm dặm vuông thuộc huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. Rừng núi nơi đây không có vết chân người, cây cối giăng mắc chằng chịt khó tìm thấy một lối đi. Tán lá của những cây gỗ hằng trăm năm như một mái che lấp kín mặt trời, không một tia nắng nào chiếu rọi xuống mắt đất. Có những con suối hung dữ ầm ào suốt ngày đêm. Bờ suối lô nhô những tảng đá nhọn hoắt như hàm răng cá sấu. Một trận mưa, nước ào ào cày xới những tảng đá, những gốc cây lớn ven suối cuộn theo dòng nước, va đập vào nhau như hai bầy thú quần thảo vang lên những tiếng gầm thét ghê rợn, tưởng chừng ngọn núi đang chao đảo rùng mình. Nghĩa quân Bình Định Vương Lê Lợi bị quân Minh vây hãm trong ngọn núi này.

Năm 1418 Lê Lợi dấy binh từ căn cứ địa Lam Sơn, nơi sơn trại của Lê Lợi. Lê Lợi sinh ra trong một gia đình giàu có, có hàng nghìn gia nhân. Lê Lợi nối nghiệp cha làm phụ đạo Lam Sơn. Vốn thông minh từ nhỏ, ham đọc sách mà thông làu kinh sử, binh pháp. Khi nhà Trần suy, Hồ Qúy Ly cướng ngôi vua, quân nhà Minh mượn cớ diệt Hồ phòTrần. Năm 1407 quân Minh chiếm toàn bộ Đại Việt, bắt cha con Hồ Qúy Ly về Yên Kinh. Trương Phụ đặt ách nô lệ lên nước ta với một chính sách tàn bạo, giết người không gớm tay như tùng xẻo, moi ruột người quấn vào gốc cây cho đến chết… Chúng còn xóa bỏ nền văn minh của Đại Việt, đồng hóa dân Đại Việt vào tộc người Hán bằng cách cướp hết tất cả các loại sách, các văn bia chở về Yên Kinh, thứ gì không chở được thì đập phá. Thâm hiểm hơn, chúng truy bắt những người tài giỏi thiến đi cho tiệt giống.

Nhìn cảnh nước mất nhà tan, Lê Lợi không thể ngồi yên. Lê Lợi đem vàng bạc tiền của của mình chiêu hiền đãi sĩ, thu nạp những người có chí hướng như mình, giúp đỡ những người nghèo khó rồi thu nạp vào nghĩa quân. Lợi Lợi đối xử với binh lính như tình cha con. Năm 1416 Lê Lợi chích máu ăn thề với mười tám tù trưởng, người đứng đầu các đạo nghĩa quân ở Lũng Nhai tại làng Lũng Mi, xã Phong Ngọc miền núi Trường Xuân, Thanh Hóa: Chúng tôi nguyện sống chết có nhau, không dám quên lời thề sắt son, giết quân Minh dành lại non sông cho Đại Việt. Nếu như ai có lòng khác, nập bóng quân thù, không cùng một lòng, quên lời thề ước, chúng tôi nguyện trời đất, các thần linh sẽ giáng tai ương đến kẻ phản bội.

Lê Lợi xưng vương, chia các quần thần ra hai ban, văn và võ, phong chức tước, giao đảm trách cho từng người. Lê Lợi phiên quân thành ba binh chủng: quân thiết kỵ có trăm chiến mã, mười bốn thớt voi; quân dũng sĩ và quân nghĩa sĩ được trang bị cung tên, đại đao, giáo dài. Lê Lợi nói rõ chí hướng của mình: Ta cất quân đánh giặc, không phải có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược. Lê Lợi khích lệ tướng sĩ:  Trượng phu sinh ra ở đời phải cứu nạn lập công, sao lại chịu khổ làm tôi tớ cho người ta.

Ban đầu nghĩa quân có chưa đến hai nghìn tay kiếm, năm mươi tướng. Mùa xuân năm đó nghĩa quân xuất trận dưới cờ thêu mấy chữ Bình Định Vương. Nghĩa quân san bằng mấy trại binh, đánh vào các cánh quân nhỏ chém hơn nghìn thủ cấp giặc cách xa bản doanh quân Minh đóng ở Tây Đô chừng vài mươi dặm. Mã Kỳ, tướng quân Minh thống lĩnh hơn bốn vạn quân, gấp hai mươi lần nghĩa quân, chia nhiều cánh tiến đánh nghĩa quân. Được hai tên Việt gian chỉ điểm là Đỗ Phú và Ái dẫn đường đánh bọc hậu vào căn cứ Lam Sơn, bắt vợ con gia quyến của Lê Lợi và người nhà của các tướng lĩnh khác. Chúng kêu gọi ai quy hàng thì được về với vợ con. Nghĩa quân quay về để cứu sơn trại nhưng bị phục binh của giặc Minh chặn đường. Nghĩa quân mất ba trăm tay kiếm và rút về núi Chí Linh, củng cố lại lực lượng, tàn trữ lương thực cất giấu trên núi và lập các phòng tuyến kháng cự.

Bọn Mã Kỳ cũng lui quân về Tây Đô, vì chúng sợ đường rừng hiểm trở. Tháng ba năm 1419 nghĩa quân xuống núi tiến đánh quân Minh nhưng bị thua trận tại Mường Một. Lần này giặc Minh quyết truy kích đến cùng để bắt cho được Bình Định Vương. Nghĩa quân rút lên núi Chí Linh, cố thủ, dàn quân trên các chiến lũy bố phòng trước đây. Giặc Minh không dám xông vào rừng rậm, chúng hạ trại quanh núi. Chúng bèn cho quân lùng sục lên núi. Nhưng lần nào chúng cũng bị đánh bật xuống núi, không đến được trước các phòng tuyến của nghĩa quân. Nghĩa quân cũng đã nhiều lần phản kích mở đường thoát. Nhưng giết hết quân Minh lớp này lớp khác ập tới, tựa như ném một hòn đá giữa đám bèo trong ao, bèo tản ra một lúc rồi chúng tụ lại như cũ, lấp kín mặt ao.Trong những lần phản kích này nghĩa quân đã mất dũng tướng Lê Thạch, một trong mười tám tướng hồi ăn thề ở Lũng Nhai.

Giặc Minh muốn xông lên cũng không được. Nghĩa quân cố tràn xuống cũng không thoát. Núi non hiểm trở đã buộc chân cả đôi bên. Mã Kỳ thay đổi cách tiêu diệt nghĩa quân. Mã Kỳ là một danh tướng của quân Minh. Y là tướng tiên phong của Trương Phụ, có tài vây hãm các thành trì của đối phương. Y vận dụng vây núi như bao vây một thành trì. Y dàn quân quanh núi Chí Linh cứ cách một dặm lập một đồn binh chừng trăm người, ba dặm một đồn binh năm trăm người; suốt ngày đêm có quân tuần tra từ đồn này qua đồn nọ. Y thốt lên đắc chí với các tướng tá dưới trướng: Không cần đánh, vây hãm tháng này qua tháng nọ cho đến khi bọn Bắc Bình Vương cạn lương ăn, ta đến bắt chúng như bắt gà trong chuồng.

     Mã Kỳ vây núi đã qua tháng thứ ba.

     Quân của Lê Lợi tuyệt lương, ngày bại vong sắp đến.

     Đã sang ngày thứ bảy mươi bị vây hãm. Đêm nay trời lạnh, dưới tán lá rừng dày đặc, bên bếp lửa tại đại bản doanh của mình - bản doanh là một ngôi nhà lá đơn sơ lợp lá rừng, Lê Lợi ngồi bên đống lửa. Ánh lửa bừng lên khuôn mặt của ngài trông rõ vừng trán rộng, mũi cao, mắt sáng đang đăm chiêu nghĩ ngợi của một thủ lĩnh trong tình thế gần như tuyệt vọng. Lê Lợi mong ngọn lửa sưởi ấm trong những ngày đông giá rét cho muôn người sẽ giúp cho mình một đốm sáng. Tàn hết lớp củi này đến lớp củi khác, trong lòng Lê Lợi vẫn như rừng đêm tăm tối thâm u.

     Chưa tính được mưu kế, Lê Lợi với tay lấy thanh liếm treo trên vách nứa đeo vào lưng, đi đến các chiến lũy xem xét việc bố phòng ban đêm và để thấu hiểu sức chịu đựng của binh lính trong những ngày nguy nan mà định liệu việc quân

     Rừng đêm. Tiếng côn trùng, bài ca muôn thủa đều đều ru hời cho lòng đất yên giấc. Con suối phía xa xa nghe rõ tiếng rì rào nước đổ về xuôi. Một tiếng chim tìm bạn vang lên hun hút sâu trong đêm càng làm cho trời đất thêm lạnh giá. Ánh trăng mười sáu sáng rực trên bầu trời nhưng đường rừng nhờ nhờ như sương giăng đậm đặc. Lê Lợi đến một lán trại trong hàng chục lán trại bao quanh núi của quân binh. Đây là tuyến hai của một điểm bố phòng. Mỗi điếm bố phòng thường có bốn mười người. Hai mươi người canh gác, hai mươi người thay phiên nhau về trại. Có động thì những chiến binh nghỉ ngơi xách kiếm lên chiến tuyến tiếp ứng. Lê Lợi nhìn thấy có vài người đang lúi húi bên bếp lửa, nhiều người nằm, ngồi trên chiếc sạp bằng lau sậy ghép lại, trải lá rừng lên làm chiếu. Thấy Lê Lợi đến, tất cả bọn họ đứng dậy cúi chào. Lê Lợi ngồi xuống bên bếp lửa, hỏi họ đang nấu gì. Một người đứng dậy thưa: Trình Chúa công, chúng con đang nấu măng giang cùng với rau rừng để đến phiên đổi gác anh em trên chiến tuyền về có cái ăn.Từ sáng đến giờ, anh em chưa có gì cho vào bụng ngoài mấy quả rừng nhặt được ban sáng. Lê Lợi nói: Ta biết anh em đói khát từ gần tháng nay. Ta cũng báo cho anh em hay: quân ta núng thế lắm rồi, anh em có thoái chí không? Tất cả nghĩa quân nhất loạt đáp: Không ạ! Lê Lợi nói: Nếu anh em nào không chịu nổi ta cho phép ra hàng giặc để về với vợ con gia đình. Viên tiểu tướng chỉ huy bốn mươi nghĩa quân thưa: Sống chết đều một lòng theo Chúa công. Nếu có bụng dạ nào thì như năm ngoái, giặc Minh tập kích vào Lam Sơn, vợ con của anh em bị chúng bắt; chúng kêu gọi anh em ra đầu hàng thì được yên ổn sống với vợ con; mặc cho vợ con than khóc kêu gào chúng con cũng không xa rời Chúa công. Chúa công sống chúng con sống, Chúa công chết chúng con chết. Lê Lợi xúc động nói: Ta đa tạ tấm lòng nghĩa khí của anh em đối với quốc gia Đại Việt, ta biết ơn anh em một lòng trung thành với ta dù nguy nan cận kề. Ta có những chiến binh như thế, giặc Minh không thể nào đánh bại được chúng ta! Viên tiểu tướng nói: Anh em binh lính đội ơn Chúa công khích lệ anh em. Anh em xem Chúa công như cha. Là những đứa con, xin Chúa công thêm một trận nữa cho anh em xuống núi đọ gươm với kẻ thù. Có chết là chết vinh quang của người lính trong thời mất nước, chúng con không tiếc thân. Chứ đằng này… viên tiểu tướng chần ngần một lúc rồi nói tiếp – Chúa công đừng bắt tội chúng con, chúng con mới dám nói.

Lê Lợi đứng, dậy rút gươm cắm xuống đất rồi nói: Ta thề có thanh gươm này, điều mà anh em nói dù có xấu đến đâu nữa ta không chấp trách. Trái lời, thanh gươm này sẽ kết liễu đời ta. Anh em tin lời ta, nói tiếp cho ta hay. Viên tiểu tướng tiếp: Chúng con đói quá! Thèm bát cơm đến đứt lưỡi. Lê Lợi nói: Ta cũng đói cơm lắm. Phần của ta cũng một miếng thịt ngựa hay thịt voi cùng bát cháo măng giang với rau rừng như anh em. Ta chưa biết tính liệu ra sao đây! Viên tiểu tướng nói: Bây giờ chúng con còn có sức vung gươm với giặt Minh, mười người xông trận cũng còn dăm ba người thoát khỏi vòng vây. Chứ mươi hôm nửa tháng nữa, cái đói hành hạ chúng con, đến bát gạo kề bên cũng không còn đủ sức thổi nấu. Lê Lợi nói: Ta là thủ lĩnh nhìn thấy tình thế lòng ta quặn đau như người cha thấy con lâm bệnh nặng mà chưa có cách gì cứu chữa. Ta hứa với anh em một trong vài ngày tới ta sẽ có mưu kế. Từ biệt mấy người lính bên bếp lửa, Lê Lợi đến một chiến lũy tiền tiêu. Khi băng qua một con suối lớn, lộ một khoảng trời, ánh trăng vàng đổ xuống trông thấy rõ mấy người lính đang luồn vào các hốc đá bắt cá, Lê Lợi nhẹ bước không muốn đánh động. Ông thương sự vất vả các chiến binh ngày kẻ canh gác người sục tìm trong rừng kiếm trái cây, củ mài và măng giang, đêm không được nghỉ ngơi, lạnh giá vậy mà vẫn ngâm mình trong nước lần mò khe suối. Nhưng không thể khác. Tình thế bị vây hãm không biết ngày nào thoát ra được mà lương thảo đã cạn kiệt.

Trước đó, tướng Lê Lai lo chuyện lương thảo trình lên với Lê Lợi, để kéo dài ngày cầm cự mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm, bữa thứ hai binh lính phải dựa vào sản vật của núi rừng mà sống. Đến khi thoát vòng vây mấy lần bất thành, lương thảo không còn bao nhiêu đành phải giết voi trận, ngựa chiến để thay cơm. Những hôm ấy, ngày nào cũng có lính thiết kỵ ôm mắt khóc vì con ngựa của mình bị giết. Đến như Lê Lợi cũng đau xé trong lòng khi con tuấn mã dũng mãnh từng xông pha chiến trận với mình cũng phải đem đi giết thịt.

Không như mọi khi những bước đi mạnh mẽ như dáng đi của hổ, khuôn mặt của Lê Lợi oai phong lẫm liệt ngời lên của một lãnh tụ đứng đầu đoàn quân dũng mãnh. Mà là một gương mặt buồn đau như người cha mất con, bước đi run run của người chồng tiễn biệt hiền thê về bên kia thế giới. Tuấn mã hiểu điều gì sẽ đến khi nhìn thấy đôi mắt của Lê Lợi ngấn nước. Nó biết những ngày gần đây trong tàu ngựa mỗi ngày mỗi vắng bạn bè của nó. Nó dúi đầu vào hai bàn tay của Lê Lợi đang vuốt ve vào bờm vào má nó. Lê Lợi ôm đầu nó vào ngực của mình. Nó đứng yên. Đôi mắt nó hiện lên một nỗi buồn như núi mờ khuất trong những con mưa rỉ rả của ngày đông. Nó nghiêng đầu ghì chặt lấy Lê Lợi, không muốn rời xa. Những người lính dẫn nó đi giết thịt, quay mặt, không dám nhìn trước cảnh biệt li của Chúa công với tuấn mã. Họ nói: Chúng con không thể giết thịt một con ngựa như thế. Cho chúng con lui. Một chút nao núng rồi Lê Lợi buông nó ra, nói: Tuân mã ơi! Tuấn mã thân yêu của ta ơi, tuấn mã hãy hy sinh vì đại nghĩa như bao tướng sĩ của ta nơi chiến trận. Mai sau thắng lợi, tuấn mã được phụng thờ như những người có công trong cuộc chống quân xâm lăng. Không biết nói, nhưng một lời thốt ra, một hành động của Lê Lợi đối với nó nó cảm nhận được từ thủa còn ở sơn trại. Nghe thế, nó hiểu, nó rời Lê Lợi, mắt nhìn Lê Lợi hồi lâu rồi nó quay về phía trước, rùng mình, bờm dựng ngược hí lên một tiếng rền vang dội vào vách núi như ngày nào cùng Lê Lợi khi xông vào một trận đánh lớn. Nó cúi đầu, nước mắt trào ra, chậm chạp bước theo những người lính…

     Lê Lợi đến một chiến lũy. Chiến lũy dựng trên một triền đất có độ dốc xuôi về chân núi mà ở đấy quân giặc có thể mở đường xông lên. Những khối đá to như cái chum cái vại chất thành đống cao quá đầu người được then cài chặn đá, khi quân giặc xông lên, những người lính giữ chốt bật cái then cài, đá ào ào lăn xuống như núi lở, vang động như sấm làm cho kẻ thù nát nhừ, không một tên nào sống sót. Những nghĩa binh canh giữ phòng tuyến, trong ánh trăng mờ mờ đã nhận ra Lê Lợi. Họ vây lấy Chúa công như cha con gặp nhau. Lê Lợi hỏi: Đã mấy lần giặc Minh tràn lên đây? Một người thưa: Trình Chúa công. Chỉ có một lần. Xác chúng còn thối rữa dưới chân núi. Lê Lợi hỏi tiếp: Khi đã hết những khối đá trên chiến lũy mà giặc vẫn tràn lên thì tính liệu thế nào? Người lính trả lời: Chúng con còn kiếm ngắn, đại đao và cung tên cài trên các cây lớn. Dù còn một người cuối cùng quyết không rời chiến lũy. Lê Lợ khen: Sĩ khí của anh em cho ta thêm vững lòng tin. Ta cảm ơn anh em vì nghĩa mà không hề thoái chí. Vậy ta muốn hỏi anh em có kế gì hay trong lúc ta bị vây hãm trên núi và tuyệt đường lương thực? Người lính đáp: Quyết chiến! Mở đường chết phá vây. Lê Lợi nói: Có thể phải như vậy. Anh em sẵn chí khí đợi ngày ta phát lệnh.

     Lê Lợi lại lên đường, đến tướng lo lương ăn, nước uống, binh khí cho ba quân. Đó là tướng Lê Lai. Lê Lai là dũng tướng xung trận, một trong những người đến đất Lam Sơn sớm nhất, và là người cùng mười tám vị ăn thề ở Lũng Nhai năm 1416. Tướng Lê Lai người thôn Đặng Tú, dân tộc Mường, sách Đức Giang, huyện Lương Giang, Thanh Hóa, con Lê Kiều làm chức phụ đạo trong vùng. Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường,thân cao hơn bốn thước, vừng trán rộng, đôi lông mày đen thẩm đuôi vút cong, miệng rộng, khuôn mặt rạng rỡ như như vừng đông mới rạng, giọng nói oang oang như sấm, cách vài trăm thước vẫn còn nghe; chí khí cao cả lẫm liệt, đức tính trung thực. Khi mới giao tranh vài trận đánh Lê Lợi nhận ra quân binh vừa chiến đấu vừa tránh né quân thù, di chuyển chốn rừng núi, việc chu cấp quân lương vô cùng khó khăn, quân mà không lương ăn thì không làm gì được, chỉ đợi ngày tan rã, quy phục quân giặc mà thôi, nên Lê Lợi cử Lê Lai giữ vàng bạc, đảm trách lương thảo cho nghĩa quân. Lê Lợi đến, Lê Lai vái chào: Thưa Chúa công! Chúa công đến chắc có điều gì dạy bảo? -  Không có điều gì dạy bảo.Ta đến để biết lương thảo còn bao nhiêu. Lê Lai nói: Trình Chúa công, gạo còn không đến vài tạ. Số này chỉ dành riêng nấu cháo cho những người bị thương và những người đau ốm. Đường tiếp lương bế tắc. Thần đã cho một tốp hai, ba người đóng khố mang gùi trên vai giống như người miền thượng trong đêm tìm đường tắt, vượt núi đến bản làng xa xuôi, đem đồng bạc trắng đổi lấy gạo, nhưng cũng chỉ được đôi ba lần. Quân Minh phát hiện, chém chết quân binh rồi giăng thêm đồn canh chốt gác. Sản vật của rừng cũng đã cạn kiệt. Hiện không có cách gì để có lương thực. Một trăm chiến mã, mười bốn thớt voi dần dần bị giết thịt. Chỉ còn lại hai thớt voi, một chiến mã, các tướng tham mưu không cho giết, để dự tính cho một tình thế mạo hiểm mà các tướng sẽ trình lên với chúa công.- Kế ấy là gì? - Trình Chúa công, đấy là tổng lực toàn quân binh tràn xuống núi, hai thớt voi đi mở đường, hộ tống Chúa công trên mình ngựa cùng vài mươi tướng thoát vây. Còn Chúa công - linh hồn của cuộc khởi nghĩa là còn thấy ngày đất nước Đại Việt chiến thắng quân Minh xâm lược. Lê Lợi xúc động: Đa tạ các tướng lĩnh. Ta đã gặp binh lính trên chiến lũy, họ cũng một lòng một dạ như các tướng tham mưu. Tình thế này chỉ có một con đường ấy. Ta sẽ suy nghĩ thêm.

      Lê Lợi về lại bản doanh của mình. Đống lửa đã sắp tàn. Lê Lợi ném thêm mấy khúc củi làm ngọn lửa bùng lên. Ngọn lửa như ứng vào tình thế của Lê Lợi lúc này: Chí khí cũng như bếp lửa, đừng cho nó tắt ngấm, dù còn một hòn than bếp lửa lại bùng cháy. Là Chúa công, là người thủ lĩnh không được nguội tàn chí khí bất kỳ rơi vào tình thế nào. Nhưng sáu bảy trăm quân binh trong cuộc đấu gươm sẽ lần lượt ngả xuống để cho ta và vài mươi tướng lĩnh thoát vòng vây thì thật xót xa xương máu của quân binh quá. Họ là những chiến binh quả cảm, trước nguy nan không hề nhụt chí để vì đại sự giành lại non sông từ tay giặc Minh cho quốc gia Đại Việt. Mai sau sự nghiệp thành công phải nhớ đến công ơn họ đầu tiên.

     Ngọn lửa vẫn bùng cháy soi rõ khuôn mặt cang trường đầy nghị lực đang đăm chiêu suy nghĩ của Lê Lợi. Đôi mắt sáng long lanh cũng bừng lên những ngọn lửa. Ngọn lửa của người chủ soái, của người nắm trong tay vận mệnh của hàng trăm binh sĩ. Với tấm lòng thương người, một chút yếu mềm đến với Lê Lợi: Hay ta cho họ xuống núi đầu hàng giặc Minh và phao lên rằng Bình Định Vương ốm bệnh, đã chết. Kế này cũng không trọn vẹn. Giặc Minh không phải con bò. Chúng sẽ xua lính lên núi tìm xác của ta. Bình Định Vương lại nhớ về sách sử, những binh pháp xưa, các cơ đồ tiên nhân dựng nước. Lê Đại Hành Hoàng đế, Lý Thái tổ cho đến Trần Thái Tông đều có giang sơn, có quân binh trong tay mà chèo chống thế cuộc. Còn ta trơ trọi một ngọn núi bị bao vây, một đoàn quân nhỏ nhoi đói khát. Hiện thế cuộc như vậy, nhưng không cho phép người lãnh tụ chùn bước. Trong gian nguy người lãnh tụ phải tìm cho được kế vượt qua mới xứng đáng người phất ngọn cờ đầu. Không như thế khác nào một kẻ cơ hội, thuận buồm thì kèn vang trống giục, gặp phong ba thì nhụt chí, hối hả trốn chạy tìm mạng sống. Chợt nếp gấp trong đầu óc Lê Lợi của ngày dùi mài kinh sử bỗng lóe lên: Kỷ Tín, tướng đời Hán cách đây một ngàn sáu trăm năm. Khi Hán vương Lưu Bang bị quân của Sở vương Hạng Vũ vây khốn ở thành Huỳnh Dương, có nguy cơ bị diệt, Kỷ Tín đã thay hoàng bào của Hán vương xung trận. Hạng Vũ tưởng đã bắt được Lưu Bang, rút bớt quân vây thành, nhờ thế mà Lưu Bang thoát nạn.  Nay ta cũng bày kế ấy. Chỉ cần một viên tướng mang áo bào thay ta lâm trận và thét lên ta là chúa Lam Sơn Lê Lợi đây. Giặc Minh tưởng bắt được chủ soái thì vòng vây của chúng nới lỏng, bộ tham mưu cùng ta sẽ dễ dàng thoát hiểm.

     Sáng hôm sau Lê Lợi mời các tướng lĩnh văn võ đến luận bàn. Lê Lợi đưa ra mưu kế: Tổng lực toàn quân tràn xuống tìm đường giải vây, thứ hai cho người mặc áo bào xung trận như Kỷ Tín. Các tướng văn võ cho rằng thay thế chủ tướng là đắc sách. Lê Lợi nói: Nay thế trận hiểm nguy, có ai bắt chước Kỷ Tín thân khoát hoàng bào mà chết thay cho ta không? Lê Lai đứng dậy nói: Thần nay nguyện tử trận thay cho Chúa công. Ví như sau này giành được giang sơn thì xin nghĩ đến công lao của thần, khiến cho con cháu muôn đời được nhờ quốc ân. Được vậy thần chết cũng nhắm mắt. Lê Lợi tiếp: Tình thế nguy khốn, cứ ngồi khu khư quân thần giữ lấy mảnh đất nguy hiểm này vua tôi bị giệt, bao công sức đây hãy còn gì. Nếu theo kế này may ra có thể thoát được, kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì. Chúa công ngửa mặt lên trời tiếp khấn vái thiên địa chứng giám: Lê Lai có công đổi áo, sau này tôi và con cháu tôi cùng con cháu tướng tá công thần, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn báu thành cục đồng, gươm thần biến thành con dao cùn. Lê Lai cảm động nói: Xin đa tạ chúa công. Thần nay xin hết sức trên chiến trận để đáp lại lòng tin của chúa công cùng các tướng lĩnh.

     Ngay ngày hôm ấy các tướng tuyển chọn năm trăm binh sĩ và ghi tên họ cùng quê quán các chiến binh để sau này thưởng công lao cho con cháu họ.

     Hôm sau, năm trăm binh sĩ hàng ngũ chính tề dưới táng lá rừng rậm rạp. Hai thớt voi dẫn đầu, liền kề là con tuấn mã màu hồng đứng cạnh tướng Lê Lai. Lê Lợi cùng các tướng lĩnh có mặt để tiễn đưa đoàn quân cảm tử xuất trận. Lê Lợi khích lệ binh sĩ và dặn: Xung trận, tìm cách thoát vây. Khi ta lập cứ địa mới anh em tìm về với ta. Không may bị bắt hay buộc phải hạ giáo, các chiến binh của ta nếu có cung thì khai trên núi không còn ai. Anh em làm được như vậy đã là một chiến công, chứ không nhất thiết giết nhiều địch mới là anh hùng. Tất cả binh lính đồng loạt hô vang: Chúng con ghi xương khắc cốt. Xin Chủa công tin vào chúng con. Lê Lợi đến bên Lê Lai, cởi hoàng bào, khoác lên người Lê Lai và trao thanh gươm qúy. Lê Lai lên ngựa cùng ba quân xuất trận. Lê Lợi nắm dây cương dẫn ngựa đi như một mã phu. Lê Lai xuống ngựa: Xin Chúa công đừng làm thế! Mời Chúa công lui gót về doanh soái. Lê Lợi nói: Để ta được đi, được gần bên tướng dũng mãnh cùng các chiến binh của ta. Tướng công đi vào cõi chết để tìm con đường sống cho ta, ta có làm mã phu cũng không sánh được sự hy sinh của tướng công. Tướng công lên ngựa để cho ta yên lòng. Trước cử chỉ của Lê Lợi, đoàn quân ra trận xúc động, có người lấy tay áo lau nước mắt, cùng hô vang: Chúa công vạn tuế. Lê Lợi cùng các tướng sĩ tiễn đưa đoàn quân xung trận khuất sau một cánh rừng rồi mới quay về bản doanh.

     Đoàn quân xuống núi như thác đổ, như sóng trào. Những bước chân rầm rập làm cho mặt đất chuyển động. Những ngọn cây, cành lá bên đường quân đi chao đảo như có trận gió lớn tràn tới. Một rừng gươm giáo tua tủa sáng lòe ánh mặt trời như những đầu ngọn giáo mũi kiếm có lửa.

     Giáp trận!

     Nghĩa quân ào ào xung trận như lốc như bão. Những mũi kiếm đường gươm của nghĩa quân lao vút vào quân thù cùng những tiếng thét: Giết! Giết sạch giặc Minh! Quân Minh hỗn loạn dẫm lên nhau mà chết. Hết lớp này chúng ùa đến lớp khác. Máu loan khắp mặt đất. Lê Lai phóng ngựa vung kiếm lao vào tướng tá quân Minh, gầm lên, tiếng như sấm: Ta là chúa Lam Sơn. Là Bình Định Vương Lê Lợi. Tưởng Lê Lợi, chúng bủa vây nhiều tầng nhiều lớp vòng trong vòng ngoài ken đặc, quyết bắt sống Lê Lai. Lê Lai vung kiếm như ánh chớp. Đầu giặc như quả héo trên cây rơi rụng. Chiến mã màu hồng như vệt lửa của Lê Lai rung bờm khi tiến khi lùi, khi né khi tránh những đường gươm của giặc chém vào chủ tướng. Đánh nhau từ giờ Ngọ đến giờ Mùi, giặc Minh cũng không làm sao bắt sống được Lê Lai. Kiếm gãy, Lê Lai giật giáo của quân thù tiếp chống trả. Một tên tướng của giặc Minh hèn hạ vung gươm chém vào chân sau của con tuấn mã. Tuấn mã khuỵu xống. Lê Lai mất đà, ngả xuống bên chân ngựa. Giặc Minh ùa vào, bắt trói Lê Lai. Chúng dùng cực hình xử chết Lê Lai tại Tây Đô.

     Năm hôm sau, quân Minh dần rút quân khỏi Chí Linh.

     Bình Định Vương cùng hơn vài trăm tướng lĩnh quân binh thoát khỏi Chí Linh, lần về phía Nam. Khi qua những động những sách, các bản mường thôn ấp, hào lý dân chúng biết Lê Lợi thoát nạn bèn dâng lương thảo, voi, ngựa, cho con em trai tráng gia nhập nghĩa quân.

    Năm năm sau, binh cơ đã lớn mạnh, có gần tám nghìn chiến binh, ba trăm chiến mã, hai mươi thớt voi. Nghe lời mưu sĩ Nguyễn Chích, Lê Lợi tiến quân vào đánh Thuận  Hóa và nghệ An. Từ đấy, thắng trận liên tiếp. Quân Minh đại bại, tháo chạy về nước. Năm 1428 tại Thăng Long Lê Lợi  lên ngôi Hoàng đế,  hiệu Lê Thái Tổ. Lê Thái Tổ ban chức tước cho quân sĩ, lập đền thờ các tướng lĩnh quân binh và gia ân cho thân nhân của họ. Lê Thái Tổ cho xây nhà thờ tại làng Tép xã Kiên Thọ, Ngọc Lạc, Thanh Hóa để thờ Lê Lai.

     Năm 1433, Lê Thái Tổ lâm bệnh, biết mình không qua khỏi, nhà vua căn dặn rằng hàng năm làm giỗ thì giỗ Lê Lai trước, giỗ mình sau. – Lê Thái Tổ băng hà ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu. Vì vậy, trong dân gian đã có câu ca truyền tụng: Hai mươi mốt Lê Lai, hai mươi hai Lê Lợi.


Nguồn Văn nghệ số 15/2019


Có thể bạn quan tâm