April 27, 2024, 11:22 am

Hai bài thơ và hai người thầy

 

Trong đời học trò, tôi được với rất nhiều thầy cô dạy dỗ. Bây giờ mấy chục năm đi qua, có những người thầy tôi không còn nhớ nữa, nhưng có những người thầy hễ nhắc đến lòng tôi lại rưng rưng xúc động. Tôi xin kể hai mẩu chuyện nhỏ về hai người thầy mà tôi yêu quý như một nét tâm nhang tưởng nhớ tới công lao dạy dỗ của các thầy.

Ảnh minh hoạ: Nguồn internet

Thầy Nguyễn Anh Túc

Thầy Túc là người Huế, dáng người thầy nhỏ nhắn, nước da ngăm đen. Thầy là chủ nhiệm lớp 10b trường phổ thông cấp ba Hòa An sơ tán ở Khau Gạm, đồng thời trực tiếp dạy môn văn của lớp tôi. Tôi học môn văn không đến nỗi nào nên thầy rất quý tôi. Thầy yêu văn nghệ. Thầy hò mái nhì, mái đẩy khá hay. Giọng thầy cao và rất vang. Biết tôi ham mê đọc sách, thầy thường cho tôi mượn đọc những cuốn sách quí hiếm thời bấy giờ.

Thầy cho tôi mượn tài liệu về Thơ Mới, sách giáo khoa chỉ giới thiệu một cách sơ sài. Do vậy tôi hiểu khá kỹ về Thơ Mới (1932-1941) của nước ta từ lúc còn là cậu học trò cấp ba. Tôi biết đến các nhà thơ thời ấy như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên… từ những năm bẩy mươi của thế kỷ trước là nhờ những tài liệu, sách báo thầy cho tôi đọc.

Hết năm học (1970), thầy trò chia tay nhau, thầy tặng tôi cuốn sổ tự tay thầy đóng. Cuốn sổ bìa cứng, ruột bằng giấy ô ly rất đẹp. Trang đầu thầy tặng tôi bài thơ lục bát do thày sáng tác. Bài thơ in vào óc tôi, mấy chục năm qua đi tôi vẫn còn nhớ từng câu, từng chữ:

Quê em Dân Chủ, Hòa An

Quê thầy Thuận Hóa xanh lam sắc dừa

Nước non đẹp tựa vần thơ

Tình thương chải rộng bến bờ bao la

Bao giờ thống nhất nước nhà

Cùng nhau về Huế tình ta thắm nồng

Cao Bằng xanhh biếc núi sông

Thừa Thiên xanh biếc một dòng Hương giang

Tôi giữ cuốn sổ đó như một kỷ vật. Tôi dùng nó để chép những bài thơ, những câu văn mà mình thích. Thật không may, năm 1972, ở mỏ thiếc Tĩnh Túc tôi bị mất trộm. Kẻ trộm cuỗm sạch tài sản của tôi, trong đó có cuốn sổ kỷ niệm của thầy Túc. Tôi tiếc ngẩn người. Rất nhiều năm sau này, một lần tôi đến chơi nhà người bạn học cùng khóa tên là Lý Anh Tự hiện là chủ tịch Hội người cao tuổi xã Đức Long, huyện Hòa An. Ông bạn tôi vẫn còn nhớ bài thơ này. Bạn đọc cho tôi nghe. Tôi bất ngờ và ngạc nhiên vì bài thơ này thầy Túc viết tặng tôi mà ông bạn vẫn còn nhớ.

Sau ngày giải phóng miền Nam thày trở về quê dạy học. Năm 1986 tôi đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh có nghỉ chân tại Huế. Tôi vào trường quốc học Huế hỏi thăm thì được trả lời ở đây không có ai tên là Túc cả. Lần đầu tiên đến Huế, mọi thứ đều lạ lẫm nên tôi không thể tìm ra thầy. Sau này tôi mới biết thầy làm hiệu trưởng trường Nguyễn Chí Diểu. Tôi chỉ biết lơ mơ vậy chứ chưa chắc đã chính xác. Lần tôi đi Hà Nội dự Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII, tôi gặp một nhà văn người Huế. Tôi có nhờ nhà văn tìm giúp nhưng tôi chờ mãi không có hồi âm. Rất lâu sau này tôi mới được một người bạn học cùng lớp năm xưa cho hay thầy Túc đã không còn nữa. Thầy ơi! Thế là thầy trò hẹn nhau về Huế sau ngày đất nước thống nhất đã không thành, nhưng câu thơ của thầy đã neo trong lòng em mãi mãi không quên.

 

Thầy Nông Ngọc Tiến

            Tôi thuộc lứa học trò đầu tiên của trường phổ thông cấp hai Mỏ Sắt, Dân Chủ. Hiệu trưởng trường hồi ấy là thầy Nông Ngọc Tiến. Thầy quê ở Bản Ngần, xã Vĩnh Quang. Dáng thầy cao, gầy, ăn nói nhỏ nhẹ và tính tình hiền hậu. Thầy dạy môn văn sử của lớp tôi. Ngoài dạy văn ra thầy còn cao hứng dạy nhạc cho học trò (hồi ấy bộ môn âm nhạc chưa đưa vào dạy ở trường phổ thông). Thầy dùng phấn kẻ từng khuông nhạc lên bảng đen rồi hướng dẫn cho học trò nốt đen, nốt trắng, khóa son, khóa pha. Thầy dạy cho học trò cách xướng âm: Đồ rê mi pha son la si đố. Đố rê mí phá són lá sí đồ. Lần đầu tiên được tiếp xúc với âm nhạc nên lũ học trò rất háo hức. Nhưng không hiểu sao thầy chỉ dạy cho chúng tôi như thế rồi dừng lại. Cho đến giờ kiến thức âm nhạc của tôi cũng chỉ dừng ở mức đó mà thôi.

Tôi được biết sau này thầy thôi dạy học và làm công tác Đảng ở huyện Hòa An. Một lần điện thoại di động của tôi hiện lên số máy lạ. Qua hỏi han tôi mới biết người gọi cho tôi là thầy Tiến. Tôi thực sự ngạc nhiên và xúc động. Rất lâu năm tôi không gặp thầy và cũng không liên lạc với thầy. Vậy mà thật kỳ lạ, thầy lần mò được số điện thoại của tôi. Thì ra thầy vẫn âm thầm dõi theo từng bước đi của tôi trên con đường văn nghiệp mà tôi thì vô tâm không hay biết. Thầy bảo rằng vừa đọc cái truyện ngắn của tôi in trên báo. Thầy khen hay và động viên tôi, chúc tôi gặt hái được nhiều thành công trên con đường sáng tạo văn chương. Sau cuộc nói chuyện, một tứ thơ vụt hiện trong đầu. Tôi vội ngồi vào bàn, cầm bút. Tôi viết một mạch, câu trước gọi câu sau cho đến kết thúc bài thơ mà không phải chỉnh sửa gì nhiều. Bài thơ đó tôi cho in vào tập Sau Đêm và nhận được giải B của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tôi định in xong sẽ đem đến tặng thầy, nhưng trong lúc bản thảo đang nằm ở nhà xuất bản thì thầy đã qui tiên. Bài thơ như sau:    

 

Có một lần

Điện thoại di động của tôi

Hiện lên số máy lạ

Và giọng nói cũng không quen

 

Mãi rồi tôi cũng nhận ra

Đấy là thầy giáo của tôi

Ông dạy tôi từ thuở lớp năm

 

Ông nói rằng

Vừa đọc tác phẩm của của tôi

Và khen

Hay lắm.

 

Tôi rơi nước mắt

Không phải vì lời khen

Mà vì tôi

Trong vất vả mưu sinh

Đã có lúc quên thầy.

Có thể bài thơ chưa hay, nhưng đấy là tấm lòng là lời tạ lỗi chân thành của tôi đối với một người thầy mà tôi tôn kính.

Nguồn Văn nghệ số 25/2019

      


Có thể bạn quan tâm