April 26, 2024, 8:28 am

Hà Nội trên cao, “gieo chữ trồng người”

Nhiều cơ duyên lắm thử thách

Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, theo con đường uốn lượn bên những đồi thông xanh ngút ngàn, chúng tôi qua các buôn Tà Nung, Cillcus…của đồng bào dân tộc Kơ ho để đến huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Đây là vùng “kinh tế mới” Hà Nội, hình thành gần 40 năm, tên ghép từ tỉnh Lâm Đồng và thành phố Hà Nội. Các văn nghệ sĩ gạo cội của Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Lâm Đồng là nhà thơ Phan Hữu Giản, nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh, nhà văn Nguyễn Thanh Đạm cùng trở lại với đất và người nơi đây. Bồi hồi xao xuyến là cảm xúc chung, mặc dù từng chủ thể đã ngoài bát thập, ngoài ngũ thập, có những tơ vương kết nối đặc biệt riêng. Anh Phan Hữu Giản, người 39 năm trước được tập thể lãnh đạo của Hà Nội cử tiên phong vào khai sơn lập thủy xây dựng “kinh tế mới Hà Nội”. Anh Nguyễn Mộng Sinh, bôn ba làm tiến sĩ trời Âu, một nhà khoa học vật lý hạt nhân và thực chứng tài hoa. Anh Nguyễn Thanh Đạm từng là Tổng biên tập báo, đương nhiệm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, dấn thân mãnh liệt và nhập thế là nhu cầu tự thân. Còn tôi, nhà báo, từng là nhà giáo bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên của huyện Lâm Hà một thời hàn vi…

Theo lịch hẹn, chúng tôi đến phòng làm việc của anh Hoàng Thanh Hải, người từ Đà Lạt về nhậm chức Bí thư Huyện ủy Lâm Hà hai năm nay. Chủ và khách hoan hỉ, sôi nổi trò chuyện về những sắc màu tươi mới của Lâm Hà sau một nhiệm kỳ. Và cả những trăn trở, mong muốn, yêu thương vùng đất hơn 978 km2 với gần 145 ngàn cư dân. Là vùng đất Nam Tây Nguyên, Lâm Hà sau thu nhỏ nhưng vẫn còn 1/2 diện tích thuộc vùng sâu, vùng xa và nhiều khó khăn lắm. Ở đây có hơn 22% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hơn 17% dân tộc bản địa là người Mạ và Kơho. 62% dân cư là người gốc Hà Nội và rất nhiều dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc.

Thị trấn Nam Ban là thủ phủ “vùng kinh tế mới Hà Nội” cùng với thị trấn Đinh Văn đã được công nhận “văn minh đô thị”. Về lại với người quen lối cũ, cảm xúc mãnh liệt từ nhà thơ Phan Hữu Giản lan tỏa đến chúng tôi. Sự cộng hưởng những niềm vui khó tả. Thả bộ bên những vườn dâu tằm xanh mướt mát của người Hà Nội nối nghề trên đất cao nguyên, tôi nhớ đến câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ sáng tác đúng 80 năm trước, năm 1940: “Ai đi về Bắc, ta theo với/Thăm lại non sông giống Lạc-Hồng/Từ lúc mang gươm đi mở cõi/Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long !”. Nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Đó là lời những người Việt Nam đã vào đất Thủy-Chân Lạp ngót năm sáu trăm năm, mà chưa được dịp về thăm Tổ cũ. Nghe nói những Thăng Long, Hà Nội, những Hồ Kiếm, Hồ Tây mà trong lòng nổi dậy cái thương nhớ mạnh mẽ của hàng nghìn năm”.

Nhưng người Hà Nội trên đất Lâm Hà là cuộc thiên di bài bản vào ba mươi chín năm nay thôi. Không phải gươm mà là nông cụ cùng những vật dụng sinh hoạt của cư dân nền văn minh sông Hồng. Họ xây dựng một nền “kinh tế mới” bền vững, được đúc kết từ những thất bại của các đợt thiên di trước đó lên các tỉnh phía Bắc. Dĩ nhiên trên đất Nam Tây Nguyên, “vạn sự khởi đầu nan” với bộn bề thiếu thốn và gian nan…Ô tô chúng tôi bon bon trên con đường ĐT 725 nhựa láng bóng, dọc qua các xã “kinh tế mới” Gia Lâm, Đông Thanh, Nam Ban, Mê Linh,…Đoạn qua thị trấn Nam Ban có tên Điện Biên Phủ. Giải thích ngạc nhiên của tôi, anh Phan Hữu Giản chia sẻ, vẫn chất giọng người Tràng An êm mượt: “Chúng mình đặt tên Điện Biên Phủ là hướng đến tinh thần chiến thắng của Điện Biên Phủ đấy. Hiểu với nhau, cùng vào đây là phải cố gắng…”.

Gieo chữ thời khó          

Tinh thần quyết tâm ấy được bộc lộ một trong những lĩnh vực rõ nhất là giáo dục. Cái chữ phải đi trước, không thể vào đất mới để con em thất học. Gần 40 năm phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng các dân tộc huyện Lâm Hà cũng là chặng đường huyện miệt mài với sự nghiệp “trồng người”. Tôi có gần một phần tư thế kỷ gắn với Lâm Hà nên quen rất nhiều bạn đồng nghiệp nhà giáo. Họ cùng thế hệ, là trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo như thầy Nhiên, thầy Hương, thầy Bố, thầy Sinh…; là hiệu trưởng, hiệu phó các trường học như thầy Kiều, thầy Ngọc, thầy Xuất, cô Quyên, cô Chinh, thầy Nguyện, thầy Bình…. Họ là những nhà giáo nhiệt tâm với nghề như thầy Khuể, thầy Sơn, thầy Minh, thầy Năm, thầy Trọng, cô Hằng, cô Loan, cô Thương, thầy Mão, thầy Quân…Các thầy, cô nay đã nghỉ hưu, cũng có những người đã khuất núi. Và thế hệ tiếp sau, rất nhiều thầy cô giáo đang làm cán bộ quản lý hoặc đứng lớp, trong đó nhiều sinh viên cũ của tôi. Nhắc đến những cái tên trìu mến ấy, vô số mảnh ghép hiện về trong ký ức tôi về một thời khốn khó ở Lâm Hà. Hồi đó…, nhiều trường tạm bợ, không ít phòng học lợp tranh, vách ván và nền đất. Nhưng vẫn không đủ phòng học, nhiều trường phải học ba ca mỗi ngày. Hồi đó…, thầy trò bấm chân vào trường, lấm lem bùn đất. Hồi đó…, cuộc sống thiếu mọi bề, từ nhà công vụ, bàn ghế đến điện thắp sáng, nước sinh hoạt... Bữa ăn luôn thiếu dinh dưỡng nhưng giấc ngủ lại thừa gió lạnh và côn trùng sâu bọ lổm ngổm…Trong vô vàn khó khăn mà ngành giáo dục Lâm Hà thường xuyên phải đối mặt, tôi không bao giờ quên sự kiện xảy ra ở xã Phi Liêng, một phân hiệu của trường học giành cho học sinh các dân tộc thiểu số, Trường THCS bán trú Võ Thị Sáu. Đó là cơn đói hoành hành học sinh. Các em đứt bữa nên bỏ học, do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những học sinh dân tộc Mạ, dân tộc Kơho như K’Vốt, Ka Nguyệt, K’Doan, Ka Diệu, Ha Thinh, K’Doát, Ka Thìn, Ka Đa,…; những học sinh người Dao, người Tày, người Nùng và người Kinh như Dương Thị Châu, Nguyễn Văn Trình, Nguyễn Công Nhị, Dương Quang Chiến, Lê Văn Lạng,…Tập thể thầy cô và 454 học sinh Trường Võ Thị Sáu khẩn trương quên góp. Sau 10 ngày, hơn 416 kg gạo và 110 ngàn đồng đem vào ứng cứu. Chuyến cứu tế của chúng tôi có hiệu trưởng Phan Văn Kiều, hiệu phó Giang Công Xuất và lãnh đạo các đoàn thể nhà trường. Không chỉ là cứu đói hiện tại mà đã vực dậy sự nghiệp gieo trồng con chữ trên vùng đất khó. Bạn tôi là anh Đoàn Lộc, cán bộ chuyên trách công tác xóa mù chữ của Sở Giáo dục và Đạo tạo Lâm Đồng từng kể: “Năm 1980, các xã phía Bắc huyện Lâm Hà như Phi Liêng, Rô Men, Liêng Srôn, Đạ K’Nàng (bây giờ thuộc huyện Đam Rông) không có trường lớp, quá nửa trẻ em trong độ tuổi và cả quá tuổi thất học”. Anh đề xuất chính quyền địa phương khẩn trương mở trường ngay. Những phóng sự “Vật vã cái chữ Phi Liêng” hay bút ký “Gùi chữ vào buôn” của tôi nay là kí vãng xa lắc…

Quả ngọt “trồng người” hôm nay

Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Hà, thầy Nguyễn Duy Trinh sau buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tranh thủ chia sẻ với tôi rất nhiều thông tin thật vui của hoạt động một nhiệm kỳ, 2017-2020. Khái quát là trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh ổn định về số lượng; chất lượng và hiệu quả giáo dục các cấp học chuyển biến tiến bộ từng năm học. Năm học 2019-2020, toàn huyện có 78 trường thuộc Phòng quản lý, gồm 24 trường mầm non, 32 trường tiểu học, một trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS, 19 trường THCS và hai trường TH&THCS. Tổng số học sinh 32.377 em. Câu chuyện về phổ cập giáo dục-xóa mù chữ bây giờ không còn là nỗi ám ảnh về chất lượng như thời kỳ trước nữa. Lâm Hà đã duy trì phổ cập giáo dục mầm mon cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học Mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS Mức độ 2, xóa mù chữ Mức độ 2. Mạng lưới trường lớp không chỉ phủ kín mọi xã, thị trấn mà cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ nhờ đầu tư theo hướng kiên cố và tập trung xây dựng các trường theo tinh thần xã “nông thôn mới” và trường đạt chuẩn quốc gia. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thêm 29 trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn huyện hiện có 63/83 trường học (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 75,9% (vượt kế hoạch, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII đề ra 5,9%) và trên 90% số phòng học kiên cố. Trong tổng số 1985 nhà giáo và cán bộ quản lý thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo Lâm Hà đã có 99,89% đạt chuẩn trình độ đào tạo; trong đó trên chuẩn 87,51%; đảng viên 43,56%. Đối với bậc THPT, huyện có 5 trường với khoảng 300 cán bộ, giáo viên và tỷ lệ đạt chuẩn đào tạo cũng xấp xỉ 100%.

Tôi đặt vấn đề với thầy giáo Nguyễn Duy Trinh: “Nói về Lâm Hà, tôi nhớ nhiều đến khó khăn của nhiệm vụ nâng chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số. Anh có thể cho tôi biết một vài kết quả đạt được và bài kinh nghiệm ?”. Trưởng phòng vui vẻ cho biết, năm học 2015-2016, có 6.727 học sinh huy động ra lớp và kết quả ở tiểu học 98,45% hoàn thành chương trình lớp học; ở THCS 93,97% hạnh kiểm khá và tốt, 85,45% học lực trung bình trở lên. Năm 2018-2019, huy động ra lớp 7.457 học sinh; kết quả: tiểu học có 98,67% hoàn thành chương trình lớp học; THCS có 94,29% hạnh kiểm khá, tốt và 89,41% học lực trung bình trở lên. Thành tích đáng khích lệ này được tổng lực từ nhiều giải pháp của ngành giáo dục Lâm Hà. Nêu gọn lại có mấy bài học là: quy hoạch mạng lưới trường, lớp tốt; đảm bảo tỷ lệ học sinh trên mỗi lớp đúng quy định và duy trì sĩ số; thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng, tích cực đổi mới phương pháp phù hợp với đối tượng. Ví dụ tăng cường các hoạt động để phát triển tư duy và giao tiếp tiếng Việt, thầy Trinh chia sẻ: “Phòng chỉ đạo các trường tiểu học vận dụng linh hoạt trong điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo vừa sức với học sinh; tổ chức tăng cường dạy Tiếng Việt; trong đó tập trung rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở tất cả các môn học, trong tất cả các buổi học. Đối với học sinh dân tộc nói chung, tiếng Việt cần lồng ghép ở mọi lúc, mọi nơi, ở các hoạt động của các em”. Đó còn là chú trọng tăng thời lượng, tăng cường phụ đạo học sinh, nhất là đối với khối lớp đầu cấp; tích cực tổ chức các hoạt động trong và ngoài giờ lên lớp phong phú, thiết thực; tập trung giáo dục kỹ năng sống để giúp các em tự tin, mạnh dạn trong các hoạt động tập thể…Để thực hiện, dĩ nhiên chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên được đặc biệt quan tâm đúng mức. Cùng đó là có phương pháp bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ để phát huy giáo viên người dân tộc thiểu số. Thực hiện đúng, đủ và kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn cũng là một khâu cốt yếu.         

Những thành tựu của giáo dục đã đưa huyện Lâm Hà đạt chuẩn nông thôn mới ở 14/14 xã về tiêu chí này trong năm 2018 và 2019. Đây là nền tảng để Đảng bộ huyện Lâm Hà tin tưởng với những chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025: Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp; đến 2025, tối thiểu 30% học sinh học nghề sau THCS; huy động trên 25% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và trên 90% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp; 98% học sinh học đúng độ tuổi ở tiểu học và 95% ở THCS. Từ 10-15% cán bộ quản lý và 25% giáo viên có trình độ chuyên môn đạt trên chuẩn. Trên 95% phòng học kiên cố và trên 85% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Lâm Hà cũng nghiêm túc nhìn nhận một số tồn tại để tiếp tục vượt qua. Ví dụ, so với mặt bằng của tỉnh, tỷ lệ bỏ học ở THCS còn cao hơn; ngược lại tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp lại thấp hơn.

Tôi cũng được tham khảo nhiều chủ trương và giải pháp của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ VIII tới. Rất căn cơ, quyết liệt và đồng bộ. Không thể bằng lòng, giáo dục huyện Lâm Hà sẽ tiếp tục gặt hái những mùa bội thu, ngọt ngào hơn nữa. Hà Nội trên cao nguyên, một Hà Nội đã và đang vươn tầm cao mới, trong đó có giáo dục. 

                                                                        Đà Lạt, tháng 7 năm 2020

 


Có thể bạn quan tâm