April 26, 2024, 4:58 pm

Gởi em xứ Nẫu

Cất hành lý xong, tôi ngồi tựa lưng vào ghế nghe tiếng còi tàu rít lên một hồi dài rồi tàu từ từ lăn bánh. Tôi hít thở thật sâu, nhắm mắt hồi tưởng về lần đầu tôi và em gặp nhau ở Sài Gòn. Khi ấy, tôi hỏi em Phú Yên cách Sài Gòn bao xa, em cười bảo “cách nhau một giấc ngủ”. Ừ thì cứ lên chuyến tàu đêm, chợp mắt chút xíu là có thể đón bình minh rực nắng ở Tuy Hòa. Không biết có phải do cách ví von thú vị ấy hay do nụ cười tinh khôi với chiếc răng khểnh và má lúm đồng tiền của em mà khiến hơn năm trăm cây số trở nên nhẹ tênh. Đến nỗi tôi không cần chần chừ quá một phút để đặt vé tàu ngược về “xứ Nẫu”. Đó là lần đầu tôi đến Phú Yên theo lời mời của em, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng đất “hoa vàng cỏ xanh” ru hồn bao lữ khách. Có điều, suốt chuyến tàu đêm hôm ấy tôi không chợp mắt được, lòng miên man nghĩ về em, thỉnh thoảng lòng rộn vui khó tả.

Em nói, Tuy Hòa là một thành phố bị bỏ quên. Trong khi các thành phố biển khác táo bạo khoác lên mình bộ áo tắm đầy gợi cảm, tự tin làm dáng trước ống kính của du khách gần xa, thì Tuy Hòa vẫn như cô gái quê e ấp trong bộ phục trang kín đáo truyền thống, bẽn lẽn trước những ánh nhìn. Tôi không biết em lấy đâu ra cái cách so sánh đầy hình tượng ấy. Riêng tôi thì không thích sự kiêu sa, nên khi bỡ ngỡ chạm vào “cô gái quê e ấp” ấy, tôi lại thấy có sự cuốn hút đến lạ thường. Dường như nơi này vốn dĩ mình thuộc về, có gì đó rất đỗi thân thương.

Tôi thích cảm giác chở em quanh Tuy Hòa những buổi chiều muộn. Em ngồi sau xe, liến thoắng về thành phố với giọng điệu rất phấn chấn. Ngoài kia, biển vẫn rì rào vỗ sóng. Từng đợt gió thổi tóc em bay quyện vào hơi thở của tôi. Cũng giống như buổi tối đầu tiên em dẫn tôi lên tháp Nhạn, đứng dõi mắt về phía sông Đà Rằng đang chảy như dải ngân hà nơi hạ thế. Tôi không biết viên gạch màu vàng sẫm dưới chân tháp mà tôi khẽ chạm tay vào hôm ấy đã chứng kiến bao thăng trầm thế cuộc? Hẳn người nghệ nhân chế tác ra nó đã về thiên cổ từ lâu, đang ẩn khuất trong một cõi “ma hời” nào đó nhìn kẻ hậu sinh cố công tìm kiếm một vài lời giải vô vọng từ quá khứ...

Em hỏi tôi, có phải nhà thơ Phan Thành Tài quê ở Phú Yên không, mà sao ông ấy viết “Anh còn nợ em/ Chim về núi Nhạn/ Trời mờ mưa đêm/ Trời mờ mưa đêm”? Đến khi  nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc bài đó thì mỗi lần nghe em đều thổn thức. Sao người ta hứa hẹn với nhau nhiều làm gì, để rồi mãi nợ nhau như thế, hả anh? Tôi không biết phải trả lời em thế nào, chỉ thầm nghĩ cuộc đời mỗi người như dòng nước sông Đà Rằng đang thì thầm chảy dưới chân núi Nhạn. Hẳn trong suốt thủy trình của mình, nó đã từng luyến lưu ở một khúc quanh nào đó, từng dùng dằng chẳng muốn rời xa rộn rã tiếng cồng chiêng cùng hơi rượu cần ngất ngây mùa lễ hội xứ đại ngàn, từng hứa hẹn cùng cỏ cây lau lách ven bờ, từng thề ước với những màu mỡ ruộng nương châu thổ. Để rồi, nó mãi cứ chảy xuôi về biển cả, mặc những quyến luyến hẹn thề. Cho dù trước khi hoàn thành cuộc trường chinh gần bốn trăm cây số, nó như sực tỉnh giấc, cuốn quýt ôm chầm lấy chân núi Nhạn như chẳng muốn rời xa, nhưng rồi cũng bất thành. Núi cứ mãi ngóng trông và dòng sông thì về với biển, khép lại những hẹn hò.

Cũng nhờ em mà tôi được đến Tuy Hòa nhiều lần cùng với bao hẹn hò không đầu không cuối. Có khi tôi lưu lại vài ngày, có lúc chỉ diện kiến thành phố mươi phút qua cửa kính xe phủ đầy bụi trắng. Vậy mà tôi từng mạnh dạn đưa ra nhận xét, rằng Tuy Hòa là vùng đất có tiềm năng cực kỳ to lớn. Thử hỏi bao nhiêu thành phố nước ta được thiên nhiên ưu đãi như Tuy Hòa, vừa có núi, vừa có đồng, vừa có sông, vừa có biển. Có điều, tôi chẳng hiểu tại sao so với sự phát triển của một số thành phố biển khác, thì Tuy Hòa hãy còn khiêm tốn. Các nhà phong thủy thì bảo Phú Yên bị ba mặt núi án ngữ, phía Tây là dãy Trường Sơn, phía Bắc là dãy đèo Cù Mông, phía Nam là đèo Cả. Chỉ có phía Đông là giáp biển, nên Phú Yên nằm trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, rất khó vươn vai chuyển mình. Trừ khi, có yếu tố nào đó mang tính đột phá mới hòng đưa vùng đất này cất cánh. Mấy nhận xét mơ hồ ấy rất khó minh định. Không phải tôi không có niềm tin vào khí thiêng sông núi, nhưng tôi tin vào con người nhiều hơn. Quá khứ là cái ta không thể nào thay đổi, ta chỉ có thể viết nên tương lai bằng chính hiện tại, có một triết gia nào đó từng nói đại ý như thế. Và tôi cũng tin rằng người Phú Yên đang viết cho mình những trang sử lấp lánh bằng nỗ lực không ngừng. Tôi thấy điều đó khi lần đầu đáp chuyến bay Sài Gòn – Tuy Hòa, khi ngắm đường Nguyễn Huệ như một cú vươn vai, khi nhìn Trường Đại học Phú Yên như một đóa hoa rực rỡ giữa mênh mông phố thị, khi bắt gặp từng đoàn du khách trên bãi biển chiều. Tôi nhớ có lần đang ngồi trong thư viện Văn khoa, tự dưng em nói học xong em sẽ về Phú Yên làm việc chứ không ở lại Sài Gòn. Em nói sẽ về nơi “trời yên” “đất phú” quê em, về ăn bánh nậm nghe hát bài chòi, để chiều chiều còn được cùng mẹ em ra bến cảng nhìn những đoàn tàu trở về từ khơi xa, chở theo bao niềm vui trong khoang thuyền đầy ắp. Tôi cũng như em, tôi cũng sẽ về Miền Tây quê tôi, về bởi tôi quen đắm mình trong dòng nước Cửu Long ngọt mát, để ăn canh chua cá linh bông điên điển hát vọng cổ ngân nga, để góp một hạt phù sa cho quê hương thêm trù phú.

Khi nghe tôi nói những điều ấy, mắt em thoáng buồn. Em ngồi nhẩm tính đoạn đường từ Miền Tây quê tôi đến Phú Yên, rồi nói sẽ không còn “bằng một giấc ngủ” nữa, mà như cách trở muôn trùng. Tôi nói vui với em, rằng quê tôi có câu “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”, huống hồ bây giờ xe tàu đã chạy bon bon từ Nam chí Bắc, chẳng phải lội suối trèo đèo, miễn sao lòng người đừng cách trở. Nói thì nói vậy, chứ trong tôi cũng bắt đầu dấy lên nỗi bất an. Tôi tin rằng trong cuộc đời mỗi chúng ta, có không dưới một lần dự cảm được những dang dở đang đón đợi mình phía trước, nhưng cố trấn an bằng một niềm tin mơ hồ...

Ngày cưới của em tôi bận công tác nên không ra Phú Yên dự được, dù em có lời mời. Tôi xong việc lúc thành phố đã lên đèn. Tôi chọn góc quán yên tĩnh, ngồi một mình, nhìn vài bức ảnh cưới em đăng vội lên facebook. Nụ cười em vẫn đẹp tinh khôi như lần đầu cười với tôi giữa đất Sài Gòn. Có điều, đầu em không đội vòng hoa vàng kết với cỏ xanh như em từng nói với tôi, thay vào đó là một chiếc vương miện màu bạch kim có đính vài hạt ngọc trai. Chiếc vương miện ấy càng tôn lên vẻ đẹp gương mặt thanh tú của em, như nàng công chúa kiêu sa trong cổ tích. Hôm ấy không biết tôi đã uống bao nhiêu, mà lúc về thì cả thành phố ngả nghiêng say. Trong chập choạng ánh đèn, tôi còn kịp lấy nhánh cây khô ven đường viết lên bức tường rêu hai câu thơ Hồ Dzếnh:

“Thơ viết đừng xong thuyền trôi chớ đỗ

Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa”

Lần này tôi trở lại Phú Yên cũng giống như một lời tạ từ gởi đến em. Dù tôi không muốn em biết nhưng cuối cùng em cũng biết. Em nhắn tin chúc tôi có những trải nghiệm đẹp, nếu sắp xếp được em có thể gặp tôi. Thú thật, tôi có mong được gặp em, nhưng đồng thời tôi cũng sợ điều đó. Tôi không biết sẽ nói gì với em khi diện kiến, chẳng thể nói về quá khứ cũng không thể nói về tương lai hay hiện tại. Thôi thì, hãy để mọi thứ ngủ yên. Chị chủ homestay nơi tôi lưu trú cứ kể về em suốt. Chị nói em hay ra homestay những buổi trưa cuối tuần, nói vu vơ với chị vài điều, rồi nằm trên ghế salon đọc sách, đọc chán thì em ngủ luôn. Chị nói em đã tìm được công việc ổn định, chồng em là người tốt. Chị hỏi tôi có muốn chị gọi em ra hay không. Tôi nghĩ không cần làm em khó xử, bởi em biết rằng tôi đang ở đây, những ngày này. Nếu em thấy thoải mái thì em đã đến. Em không đến nghĩa là còn những băn khoăn. Tôi đoán là sẽ được gặp lại em ngay chính nơi đây, nhưng không phải bây giờ. Có thể là vài năm hay mươi năm sau nữa, biết đâu chừng. Chúng tôi lại ngồi đọc sách uống trà trên chiếc bàn gỗ đặt ngoài sân, xung quanh là những khóm hoa đang rực lên trong nắng sớm. Thỉnh thoảng, chúng tôi cùng dừng lại, ngắm nhìn đoàn tàu băng qua phía trước ao sen, cùng nghĩ về kiếp lữ hành xuôi ngược. Những buổi sáng ấy dường như được lấy ra từ giấc mơ.

Một hồi còi tàu thật dài kéo tôi về thực tại. Chị tiếp viên thông báo sắp đến ga Sài Gòn, ga cuối cùng trong hành trình. Tự nhiên, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh, “Vừa thoáng tiếng còi tàu/ lòng đã Nam đã Bắc”. Ôi, chỉ cách nhau hai tiếng còi tàu, thế mà xa vời vợi. Con tàu này rồi sẽ trở ra Bắc, sẽ ghé lại Tuy Hòa, chỉ là không có tôi và em trên đó. Nhưng chẳng sao, đâu phải lúc nào chúng ta cũng có thể đi cùng nhau suốt hành trình. Chỉ cần đồng hành một sát na thôi, cũng đủ xây thành lâu đài kỷ niệm. Tôi và em đã có những kỷ niệm đẹp trong cuộc người hữu hạn, chẳng phải đáng trân trọng lắm sao. Tôi nghĩ thế, rồi nhẩm đọc mấy câu thơ của An Sơn trước khi xách hành lý rời tàu:

“Cuộc người là trăm năm

Ta qua hơn một nửa

Gom mảnh đời rạn vỡ

làm nốt trầm cho nhau”.

Nguồn Văn nghệ số 46/2021


Có thể bạn quan tâm