April 27, 2024, 2:30 am

Gió heo may chạm tiếng ve ngập ngừng

 

Năm 2016, Trần Mai Hưởng xuất bản là tập thơ đầu tiên mang tên Lời người bán rong, tập hợp những bài thơ anh viết từ trước đó. Đến năm 2019, Tuổi heo may là tập thơ thứ 2 với hơn 100 bài gồm nhiều thể loại thơ ghi lại cảm xúc của anh về nhiều mảng trong cuộc sống thường ngày, những hồi ức chiến tranh. Ở tập thứ hai này có một Trần Mai Hưởng đã khác trước. Cảm giác anh đang làm thơ mỗi ngày, cảm xúc thơ của anh nhiều lên. 

Tuổi heo may, bài thơ đầu và là nhan đề của tập. Mình chạm tuổi heo may rồi em nhỉ - cái ngưỡng của tuổi heo may từ đâu tới đâu mà hỏi nhau đây. Thiên nhiên dịch chuyển lại “chạm… nhỉ” thì cảm giác cũng mơm man lắm. Tập thơ mở ra một câu hỏi mà không hỏi ai cả. Bâng khuâng thôi. Xao xuyến thôi. Câu hỏi lòng mình. Câu hỏi chạnh lòng khi gió chuyển mùa, khi tuổi đời cũng chuyển giai đoạn. Bao lần trong thơ gặp hai chữ heo may ấy. Nào “Con phố dài heo may lại thổi”. Nào “Gió heo may chạm tiếng ve ngập ngừng”… Và khi “Heo may đầu ngõ người chưa thấy về” để rồi “Giọt mưa thu lặng lẽ/ những nỗi niềm heo may”… Heo may có lẽ bắt đầu từ thu chăng mà trong thơ anh nhiều thu thế. Có “mùa thu thơm hương sấu chín”, lại có “Tháng ngày như chuối chín/ Thơm mỗi lần heo may” – Thu cảm. Rồi khi Thu muộn “Thu vẫn ngời trên sắc áo em hồng”.

Suốt tập thơ là không gian thu, thời gian thu, là 

Em một mình trên phố

Với mùa thu đi cùng

Mong manh và hư ảo

Bởi rồi đông sẽ sang

Trần Mai Hưởng tìm về những “Lối nào còn dấu chân anh” cùng thu và với “Trái tim luôn đủ chỗ/ Cho cả nghĩa và tình”. Nhẹ nhàng không gay gắt, thơ như con người anh vậy tha thiết đấy, tiếc nuối đấy nhưng chỉ chạm vào thôi giữ lại khoảng cách mà chỉ thơ mới có khoảng cách ấy – “Em còn cách một làn hương”…

Quá thành thật. Rất thực lòng. Tả cảnh có tình – “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”. Với một nhà báo, có bao người đã gặp trên đường, bao cô gái chỉ như một thoáng tình cờ giữa “Một khoảng lặng nhỏ nhoi giữa tấp nập dòng đời”. Nhưng với người thơ thì “ánh mắt không lời”, thì “nụ cười bí ẩn” làm nên tình ý cho thơ. Đừng hỏi viết cho em nào đó? Đừng hỏi yêu ai đó? Không rung cảm trước bao điều diễn ra trong cuộc sống này, trước vẻ đẹp của thiên nhiên con người, nhất là với em sao có những áng thơ hay, có những “chạm” vào thôi mà lòng ta tĩnh lại, yêu hơn cuộc đời này và vượt qua những lúc tâm trạng cẳng thẳng, lo âu. Nhưng khi viết phân bua vậy lại cho ta biết chỉ là những em vu vơ ở nhiều bài, những “em tạm trú” ở bài này bài nọ và chỉ có một em “dẫu có thể hay không thể” nơi trái tim nhà thơ. 

Nếu

Nếu em không sợ hãi 

Dám đối mặt với mình

Nếu anh không tự ái

Đùng vội vàng quay lưng

 

Mọi chuyện có thể khác

Giữa vòng xoay cuộc đời

Nhưng đôi khi chữ nếu

Dài hơn một kiếp người

Nhưng cũng từ chữ nếu, thơ Trần Mai Hưởng luôn những “thoáng ngập ngừng giữa thực và mơ”

Nơi Tuổi heo may có một Trần Mai Hưởng thoát ra khỏi những gò bó của cảm xúc, của giọng điệu. Có thể anh không để ý điều đó vì hình như anh không dụng ý để rồi là nhà thơ mà anh đang viết nhật ký bằng thơ, ghi lại những nơi anh đi qua, người anh đã gặp bằng thơ. Những thu Hà Nội, thu Hàng Châu... Những hoa cỏ lau, hoa tigôn, hoa hồng ở Samara... Một thiếu phụ Nam Xương trong truyện xưa, một nàng vọng phu ở Odessa, rồi người đàn bà Crưm... Chỉ điểm thôi với hơn 100 bài thơ, Trần Mai Hưởng với vốn sống, với hiểu biết sâu rộng của một nhà báo đem đến cho ta bao cảm xúc về những khoảng trời, những con người, hôm nay và ngày đã qua, nơi này và nơi đã đến… Rất lãng đãng đến mong manh của thu, của một tình yêu. Rất xa xưa mà khắc ghi của từng chi tiết của những ngày tháng chiến trường, anh là nhà báo, là người lính. Làm sao ghi được những dòng nhật ký miêu tả dài dòng trong khung cảnh bom đạn và cạn kiệt sức ấy. Thời bình viết, sống lại trong kỷ niệm, trong hồi ức để viết. Lý giải sao tập thơ có số lượng nhiều, có đề tài rộng mở. “Một chuyến đò mãi dọc theo năm tháng” làm sao quên. Chuyến đò giữa lửa cháy, chuyến đò tuổi trẻ hành quân. Thơ Trần Mai Hưởng tìm về những gương mặt bạn bè xưa trong sóng nước “in bóng đời mình”.

Một bền chặt với ký ức. Một hình như với hôm nay và với em. Anh ghi lại bằng thơ. Khi còn trẻ, ra chiến trường anh có làm thơ và đã gửi đăng báo. Nhưng rồi thơ lắng lại giữa bao công việc của một nhà báo. Nhiều năm nay Trần Mai Hưởng trên một số tờ báo, trên facebook mỗi ngày anh làm thơ, có lúc như ghi nhanh, phản ứng nhanh bằng câu vần những hiện tượng xã hội. Trong Tuổi heo may thì chỉ thơ thôi, cảm xúc thơ thôi. Hơi tham chút về số lượng. Chắc anh cũng như một số người làm thơ muốn đưa vào tập để lưu lại, trước tiên để cho mình. Người ta hay nói tới tiêu chí thơ, rồi lối diễn đạt hiện đại, rồi sáng chế ngôn ngữ khác đời thường độc đáo... Đa phần người làm thơ như Trần Mai Hưởng – dung dị, trăn trở của một tâm hồn, chút lãng đãng thoát ra từ bao bề bộn mỗi ngày, từ những gì đã trải qua trong năm tháng đời người. Tuổi heo may đẹp lắm bởi nó chiêm nghiệm của thời gian ta đã sống, ta nhìn đời và viết bằng cả tiếc nuối và cả hoài bão. Thơ là người. Thơ cũng là đời

Một chiều xa nắng tắt cuối trời

Sẽ buồn lắm còn bao da diết

Và như thế ở thơ anh “Mang niềm tin không chết/ Trong trái tim đơn côi”…

Nguồn Văn nghệ số 21/2019


Có thể bạn quan tâm