April 26, 2024, 3:30 pm

GIÁO DỤC VIỆT NAM VÀ NHỮNG TIẾNG NÓI TRUNG THỰC. Bài 4: Thực trạng của môn Văn trong nhà trường

(tiếp theo)

1. Tại sao tôi viết bài này? Vì nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là ai cũng “cảm thấy” sự bất ổn (thậm chí là tan hoang) của văn học nhà trường nhưng nhiều người lại không nhìn thấy và không gọi ra được, nó bất ổn như thế nào!

Để có thể chỉ ra bệnh trạng của nó, tôi sẽ thông qua 1 đề thi như dưới đây. Đề là “Anh / chị thích nhân vật nào nhất trong Truyện Kiều (Nguyễn Du)? Hãy viết bài văn để làm sáng tỏ lựa chọn của mình”. Chúng ta thử dự đoán xem học sinh sẽ làm bài thế nào?

Thực tế sẽ là thế này, tạm chia thành 3 nhóm:

Nhóm 1: Không hề nhắc (nhớ) gì tới yêu cầu của đề. Nhóm này sẽ nói đại khái trong mở bài rằng Truyện Kiều có nhiều nhân vật, trong đó nhân vật Từ Hải (chẳng hạn). Đi vào thân bài, học sinh sẽ “kể chuyện” về nhân vật Từ Hải cùng với vài lời “bình” mà các em đã học thuộc từ vở ghi trong các tiết học trên lớp, (nhóm này có nhiều kiểu “biến thể” mà tôi sẽ nhắc lại bên dưới). Kết luận qua loa đại khái. Và chấm hết. Nhóm này chiếm khoảng 60% tổng số học sinh.

Nhóm 2: Sẽ viết trong mở bài rất rõ ràng rằng “tôi thích nhất là nhân vật Từ Hải”. Đi vào thân bài, các em sẽ ghi (chép ra) tất cả kiến thức mà các em đã học về nhân vật Từ Hải (qua đoạn trích “Chí khí anh hùng” trong SGK). Nhân vật ấy cao lớn như thế nào, râu ria ra làm sao, thái độ dứt khoát lên đường được thể hiện trong từ ngữ nào, chí lớn ra sao v.v... Tóm lại là toàn bộ kiến thức ở dạng “nguyên liệu”. Phần thân bài của nhóm này và nhóm 1 cơ bản giống nhau. Nhóm thứ 2 này chiếm khoảng 25% tổng số học sinh tham dự thi.

Nhóm 3: Là những học sinh nói rõ là tôi thích nhân vật Từ Hải và lý do tôi thích là (đại khái) “nhân vật ấy đã dựng lên trong tôi về một biểu tượng của con người có chí lớn; nhân vật ấy đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi bởi sự quyết đoán của bậc trượng phu; nhân vật ấy cũng đã thổi vào trong tôi một giấc mơ công lý; nhân vật ấy đã giúp tôi hiểu hơn tư tưởng, tình cảm dấu sâu trong cõi lòng Nguyễn Du v.v…” Tóm lại là nhóm này biết xác định vấn đề, khai triển vấn đề, và lập luận để tạo nên một chỉnh thể nhằm mang tới câu trả lời cho yêu cầu của câu hỏi. Nhóm này chiếm khoảng 5%.

Nghĩa là gì? Là học sinh không biết tư duy, ngay cả với những “câu hỏi” sơ đẳng nhất. Các em không có thói quen suy nghĩ, việc học chủ yếu là ghi nhớ, và thi là chép cái ghi nhớ ấy ra. Đó là tôi chưa nói một tỉ lệ không nhỏ học sinh sẽ làm bài theo cách mà chúng ta phải kinh ngạc và đau đớn. Số này sẽ giải quyết cái đề trên như sau: mở bài có thể nêu hoặc không nêu vấn đề (tôi thích ai). Đi vào thân bài, giả sử học sinh ấy chọn nhân vật Từ Hải thì sẽ đi thẳng vào phân tích đoạn trích “chí khí anh hùng” với tất cả kiến thức từ giải thích từng từ ngữ, đến chép lại đầy đủ thái độ của Thúy Kiều, rồi mọi biện pháp tu từ… Nghĩa là gì? Là nếu che cái đề đi, rồi đưa bài làm của học sinh ấy cho chúng ta đọc thì chúng ta sẽ ngay lập tức xác định rằng em này đang đi làm cái đề “anh / chị hãy phân tích đoạn trích chí khí anh hùng”! Nó là một trạng thái tự động và vô thức hoàn toàn.

Đấy là tôi mới nói tới cái cung cách tư duy, tức là việc hỏi và đáp sao cho không rơi vào tình trạng hỏi gà đáp vịt; còn nếu nhìn vào “diễn đạt”/ văn phong thì còn bi hài hơn nữa. Gần như khó có thể tìm thấy bài nào không sai chính tả, sai cách dùng từ, sai cấu trúc cú pháp, vi phạm về liên kết, không đảm bảo về phong cách ngôn ngữ; nhiều em “viết như nói”, và rất nhiều em không thể viết nổi một đoạn văn để cho người khác hiểu là em đang muốn nói điều gì. Và cái chỗ lỗi diễn đạt này mới thật cam go và gian nan. Gần như rất khó để có thể sửa được. Tóm lại là, học sinh sau 12 năm thì phần lớn là vừa không biết viết vừa không biết nói: không viết ra được một ý tưởng / quan điểm của mình cho mạch lạc (chứ chưa nói tới viết hay); và “không biết nói”, các em dường như không thể trình bày được bằng lời nói trước người khác một vấn đề sao cho khúc chiết, sáng rõ, và đạt mục đích.

2. Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại đến nông nỗi như thế và tại sao học sinh lại làm bài thi theo kiểu ấy, khi gần như đến hơn 90% là không thèm trả lời câu hỏi của người khác mà chỉ đi chép lại những kiến thức đã được học một cách chung chung như vậy? Cách làm bài này có thể hình dung như sau: hỏi - Em ăn cơm chưa? Trả lời - cơm là 1 loại lương thực rất bổ dưỡng, giúp nuôi sống con người, vì thế chúng ta phải biết trân trọng lúa gạo và công sức của những người nông dân, không được lãng phí… Hình dung như thế chúng ta mới thấy thật kinh hoàng với tình trạng văn chương trong nhà trường. Tại sao lại ra nông nỗi ấy?

Thứ nhất, văn (và các môn xã hội, có cả tự nhiên) chủ yếu dạy kiến thức. Mà dạy bằng cách học thuộc. Tác phẩm A có những nội dung a, b, c; tác phẩm B có những nội dung a, b, c, d. Và học thuộc như 1 cái máy. Ví dụ đoạn trích “chí khí anh hùng” có 3 nội dung chính: 1 là hình tượng nhân vật Từ Hải (có 3 nét đẹp chẳng hạn), 2 là tư tưởng của Nuyễn Du qua đoạn trích (có 2 biểu hiện chẳng hạn), 3 là những đặc sắc về nghệ thuật (có 3 ý chẳng hạn). Tất cả các nội dung trên giáo viên đều thuộc nằm lòng và lên lớp thì có thể giảng giải gì đó nhưng tóm lại là học sinh chép vào vở 3 nội dung đó, rồi học thuộc. Bài học kết thúc như vậy. Học sinh hoàn toàn không cần phải dùng đến cái đầu của mình, công việc của các em là ghi nhớ và ghi nhớ. Khi đi thi các em sẽ chép toàn bộ các kiến thức ấy ra, bất chấp đề có hỏi gì đi chăng nữa. Giả sử, đề nêu “Đoạn trích Chí khí anh hùng là nơi thể hiện những giấc mơ lớn của Nguyễn Du. Anh / chị hãy viết bài văn để bình luận ý kiến trên”, thì học sinh sẽ chép từ A - Z các kiến thức đã được (bị) học thuộc về đoạn trích ấy.

Môn văn, như thế, là một sự vô nghĩa hoàn toàn, nếu không muốn nói là một thảm họa. Và với cách dạy - học như vậy, thiết nghĩ giáo dục không cần phải tốn kém như nó đang làm. Thay vào đó, hãy in cái kiến thức được soạn sẵn ấy ra, rồi phát cho các em với yêu cầu học thuộc. Vì việc có giáo viên hay không, với mục đích dạy học như thế, là không còn quan trọng nữa. Nếu cần sự có mặt của giáo viên thì có lẽ chỉ là để “dò bài” / kiểm tra / giám sát để chắc chắn rằng các em đã thuộc.

Thứ hai, tại sao lại có cách dạy và học kì lạ như vậy? Vì cách thi ở Việt Nam, “muôn thủa vợ chồng A Phủ”. Có mấy cái đề cho một tác phẩm nhưng cứ xào đi nấu lại, ra hết năm này đến năm kia. Nó là một sự lặp lại hoàn hảo những kiến thức đã cứng đơ. Thi thế nào thì học thế ấy. “Cảm nhận của anh chị về bài thơ X, Y, Z”. Và cách giản tiện nhất là học thuộc cái kiến thức về các bài thơ ấy từ đầu chí cuối! Vừa an toàn vừa đầy đủ. Năm nào cũng “Sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị”, rồi đến “Diễn biến tâm lý của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân”, khi hết vấn đề làm đề thi thì chế ra, đại khái “Phân tích về chi tiết nắm lá ngón”, rồi “Suy nghĩ về những lần Mị có ý định tự tử”. Học sinh sẽ “đối phó” với các đề này bằng cách nhắc tới một lần ở mở bài cái chi tiết/ hoặc vấn đề mà đề thi nêu, rồi bỏ đó, và đi chép lại cái kiến thức về nhân vật Mị, cũng từ A - Z. Nghĩa là gì? Là với các đề cứ có chữ “Mị” là trút ra một tràng y hệt nhau, bất chấp đề có hỏi gì cũng không quan tâm!

3. Phải làm sao? Rõ ràng là công cụ đọc (các lý thuyết) mới là cái cần dạy cho người học để họ có phương tiện mà tự mình khám phá. Dạy công cụ vừa nhàn vừa “thông minh”, vì công cụ ấy học một lần nhưng có thể dùng để đào vào vô vàn tác phẩm. Dạy một số công cụ, thì phương tiện của người học sẽ càng phong phú, giàu có. Họ có cả cưa, có rìu, có dao, có máy cắt… trong tay thì khi gặp những loại cây khác nhau họ sẽ cân nhắc nên dùng dụng cụ nào cho thích hợp. Vả lại các công cụ ấy, không đơn thuần chỉ là phương tiện, nó bao giờ cũng là mĩ học, triết học, tư tưởng… rất nền tảng của nhân loại.

Khi anh đi dạy cho học sinh kiến thức từng tác phẩm thì không những học sinh không hiểu chính tác phẩm ấy (vì đó là chữ của thầy), mà các em cũng bất lực với tất cả các tác phẩm không được “dạy”. Đó là một đường hướng sai lầm. Mà đó lại cũng là chủ trương của những người đang biên soạn bộ sách giáo khoa cho chương trình đổi mới sắp tới! Tôi thật sự hoang mang.

Còn nhiều vấn đề có tính giải pháp mà tôi đã có dịp trình bày rải rác trong các bài viết trước đây về dạy học và dạy văn, nên không nêu lại đây nữa. Chừng ấy để chúng ta thấy thực trạng và cả tương lai mờ mịt của môn văn trong nhà trường.

Cần phải thay đổi, mà lực lượng quan trọng cho sự thay đổi ấy chính là đội ngũ thầy cô giáo. Phải thay đổi cách tư duy, thay đổi mục đích dạy học (“dạy” tư duy giải quyết vấn đề chứ không phải dạy kiến thức - dù tôi biết chương trình mới có chủ trương cái này, nhưng cái chủ trương ấy có liên thông với thiết kế chương trình và mọi vấn đề trong hệ thống giáo dục hay không thì lại là một chuyện khác!) Nếu không chuyển được từ “dạy - truyền thụ” sang tổ chức hoạt động học, lấy học sinh làm chủ thể cho hoạt động tri thức thì vấn đề sẽ không được cải thiện.

Và như chúng ta đã thấy, cách dạy - học hiện hành không phải chỉ khiến “chất lượng” giáo dục bị sa sút như ta vẫn hay nói. Vấn đề đã vượt ra khỏi hai chữ “chất lượng” rất hiền lành kia! Đó là một sự phá hủy con người, là đánh cắp những cuộc đời. Không gì ghê gớm hơn điều ấy. Và cũng không gì đau đớn hơn điều ấy.

(còn nữa)

Nguồn Văn nghệ số 34/2021


Có thể bạn quan tâm