April 26, 2024, 2:30 pm

Giáo dục thật sự hướng chúng ta đến điều gì?

Câu hỏi đó thật sự rất lớn đối với một học sinh như tôi. Chính bản thân tôi đã đôi lần tự hỏi “thật ra mình học hàng ngàn công thức toán học, vật lí, hóa học nhưng chẳng bao giờ áp dụng vào thực tế cả, vậy mình học những thứ đó để làm gì? vì điều gì?”.

Tôi đem câu hỏi ấy hỏi lại với thầy giáo dạy môn toán học, câu trả lời của thầy là “trước đây khi còn là học sinh như em thầy cũng đã từng có suy nghĩ đó, và rồi thầy lại đem câu hỏi đó hỏi lại với giáo viên của thầy, người giáo viên đó trả lời: “Em à, chúng ta học những công thức này không phải để áp dụng vào thực tế hay cuộc sống hằng ngày, chúng ta học nó để có thể sống không uổng phí một đời”, tôi lại thắc mắc: “Tại sao lại là để không sống uổng phí một đời, nó có liên quan gì đến nhau đâu?”. Thầy tôi lại từ tốn đáp: “Em có thấy sự khác nhau giữa một người được đến trường và một người không được đến trường là gì không? Trong cách hành xử, kĩ năng giao tiếp hay cả biểu hiện, lời nói, cử chỉ của họ cũng hoàn toàn khác nhau, chúng ta đến trường không phải chỉ để gọi là HỌC KIẾN THỨC mà chúng ta còn học cách nhìn xa trông rộng, thử thách trí nhớ, khả năng logic và xử  lí tình huống, điều đầu tiên là em biết đặt câu hỏi, biết tư duy và nhận thức rằng cuộc sống của em cần những điều gì, chẳng phải em đã thắc mắc rằng công thức toán học vật lí học chẳng áp dụng vào thực tế thì học để làm gì hay sao? Em phải có thời gian tìm tòi, khai thác những gì đã được học thì em mới có khả năng chọn lọc ra những  điều em cho là cần thiết với  cuộc sống của mình, giải một bài toán là cách giúp em rèn được sự kiên nhẫn, thử thách trí nhớ và tư duy của em một ít, ngày qua ngày não của em được rèn luyện, sau bao năm tháng đi học và giải toán em sẽ nhận ra khả năng xử lí tình huống của em được nâng lên đáng kể… Thầy không mong học sinh của mình trở thành những thiên tài toán hóa hay vật lí học, không mong các em trở thành nhà khoa học, bác học đại tài,… nên không phải nhồi nhét kiến thức mà thật ra là đang rèn luyện cho các em từng chút từng chút một, em nghĩ xem một người ham đọc sách chắc chắn sẽ sống tích cực và hạnh phúc hơn một người trong đời chưa từng đọc quyển sách nào phải không? Bởi họ biết được nhiều thứ, não của họ đã qua một thời gian dài để tôi đúc và rèn luyện qua việc ghi nhớ những gì họ đã đọc và nạp vào, chính nhờ vậy họ có thể mở rộng được cuộc sống văn hóa kiến thức của họ ra nhiều nơi hơn nữa, vậy chẳng phải nếu không giải toán không rèn luyện kĩ năng thì em sẽ phí hoài cả một cuộc đời với bộ não rỗng tuếch chỉ biết nghĩ rằng ngày mai ăn gì thôi sao?”.

Tôi thay đổi hoàn toàn nhận thức của bản thân mình qua cuộc nói chuyện ngày hôm đấy, tôi cũng đem câu hỏi này hỏi với một người giáo viên khác để xem cách mà cô trả lời, nó trái ngược hoàn toàn với những gì mà tôi đã được nghe trước đó. “Em phải học để có điểm cao chứ, bây giờ học sinh đa phần đi học rất nhiều nơi nên có kiến thức vững, em không học thì sau này tốt nghiệp ra trường sao đua lại các bạn? rồi công ty nào nhận em vào làm nữa? Em đi học là để kiếm ra tiền, nếu không kiếm được tiền thì em học để làm gì?…”. Tôi thấy không hề sai, rất đúng, nhưng cách mà tôi cảm nhận được nó qua câu trả lời lại dường như đánh vào tâm lí tôi thêm hàng ngàn câu hỏi nữa, tôi nghĩ, chẳng lẽ thước đo việc học được tính toán tăng dần theo những con số của tiền tệ hay sao? Nếu sau này kiếm ra tiền nhưng biết được mình không thật sự yêu thích công việc hiện tại và cũng không biết ý nghĩa thật sự của việc sống để làm gì thì sẽ như thế nào?...

Cùng một câu hỏi, nhưng cách trả lời của hai giáo viên lại trái ngược hoàn toàn, một người hướng về tâm hồn về hạnh phúc, một người hướng đến thực tế về tiền bạc… Tôi chợt nhận ra hiện nay xã hội đang chia ra hai định hướng đối với việc giáo dục giới trẻ:

1. Đề cao giá trị cuộc sống tâm hồn, dạy học sinh cách để cảm nhận cuộc sống, cách làm người.

2. Đề cao giá trị cuộc sống thực tế, dạy học sinh cách kiếm tiền.

Cả hai định hướng này đan xem như một đặc thù không thể tách rời đối với ngành giáo dục, nhưng điều đáng nói ở đây là thầy toán lại đề cao giá trị cuộc sống tâm hồn còn cô văn thì lại đề cao giá trị đời sống thực tế. Thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng khi ngẫm lại thì ta nghiệm ra rằng, ngành chuyên môn của họ không nói lên được cách mà họ cảm nhận về giáo dục và mang giáo dục đến với giới trẻ, chỉ là cách họ từng được giáo dục ảnh hưởng đến nhận thức và suy nghĩ, bất kể là giáo viên văn sử địa toán lí hóa, kết cấu tâm hồn của mỗi người là khác nhau, chuyên ngành không nói lên được giá trị họ mang đến cho giáo dục, giá trị thật sự là cách họ truyền bá đến thế hệ tương lai thông qua việc họ cảm nhận về giáo dục như thế nào.

Tôi từng có khoảng thời gian chơi vơi, vô định và rỗng tuếch, tôi thật sự không biết bản thân mình muốn gì, cảm thấy cuộc sống nhàm chán và vô vị, cũng chẳng biết tôi thật ra là ai, sống để làm gì nữa. Và thế rồi tôi sa sút trong học tập, không lâu sau nhận thấy sự giảm sút và một trái tim vô định mờ mịt, một giáo viên khuyên tôi nên đến bác sĩ xem có mắc bệnh gì không. Ở đó tôi được nghe hang tá câu hỏi, rằng gần đây có bị người yêu chia tay? Hay những vấn đề liên quan đến tuổi mới lớn... Nhưng những câu hỏi đó chỉ làm tôi thêm ngờ vực và chán ghét bản thân mình. Ngày hôm sau cô bộ môn sử đến bên cạnh tôi và bảo rằng “em hệt như cô lúc còn bé tí, cô chán cảnh ngày nào cũng đến trường học a, b, c sau đó về nhà làm bài tập x, y, z rồi đi ngủ, xong ngày hôm sau lại bắt đầu y như thế, cuộc sống là những chuỗi ngày vô vị chán ngắt… Thế rồi một hôm cô thật sự tìm thấy niềm yêu thích của bản thân khiến cô như uống nhầm thuốc tiên, đó là cô nhận ra mình thích phim tài liệu, thích bảo tàng lịch sử, cô tìm tòi cô nghiên cứu, cô làm việc bằng cả trái tim và hạnh phúc, cô yêu thích sử học và muốn được dạy lại nó một cách mê say… Em biết không, cô đã tìm được ước mơ đời mình, đó là niềm động lực lớn nhất đối với cô trong quãng thời gian ấy và cả sau này nữa…”. Tôi bừng tỉnh, biết là đã tìm được câu trả lời thích đáng cho những cảm giác đã trải qua. Tôi cần một ước mơ để cố gắng và cần một mục đích để có thể sống và thực hiện. Tôi lao vào đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mình là ai, bản thân thực sự yêu thích những gì… Và tôi đã có cho mình một ước mơ riêng để hi vọng và thực hiện. Tôi tin chắc rằng với những gì tôi đã được định hướng thì tôi sẽ nỗ lực không bao giờ dừng lại cho đến khi đạt được kết quả mà mình mong muốn.

Tôi thật sự thấy rất biết ơn với những người đã giúp tôi tìm ra mục đích sống của cuộc đời mình, tôi trân quý vì mình đã được định hướng giáo dục một cách đúng đắn, và tôi nhận ra tôi cần truyền nguồn nhiệt huyết này đến cho nhiều người hơn nữa. Giáo dục mang sức mạnh lan truyền, là nơi những tâm hồn được đồng hóa một cách mạnh mẽ bởi những con người mang tâm hồn đồng điệu, có nét đẹp lớn lao nhưng bình dị và lặng lẽ…

Nhưng không thể phủ nhận rằng giáo dục tồn tại rất nhiều vấn đề “nhạy cảm”, khó nói trên truyền thông cũng như ít được nhắc đến trong thực tế. Tôi nhớ cách đây vài năm, một hiện tượng mạng xã hội có tên là Linh Ka đã phát ngôn gây sốc khi để lộ điểm thi tốt nghiệp thấp dưới mức trung bình “điểm đâu quan trọng, bây giờ có thể mua được điểm cấp ba và điểm đại học mà?”. Sau phát ngôn ấy, hiện tượng hàng ngàn flower đã nhận về không ít chỉ trích của dư luận, Linh Ka đã lên tiếng xin lỗi vì những những lời nói “mang tính xúc phạm bộ giáo dục”, nhưng với góc nhìn của một học sinh, tôi thấy nó phần nào phản ánh đúng sự thật. Tuy là vấn đề nhạy cảm nhưng nó hoàn toàn không phải vô căn cứ. Đã đôi lần được mời gọi mua điểm để có thể đậu cấp 3, cũng chứng kiến nhiều trường hợp tương tự như thế, tôi cảm thấy rằng giáo dục cũng giống xã hội, vì nó cũng nằm trong phạm trù ấy, nhà trường là nơi dạy chúng tôi cách làm người, có lỗi phải biết nhận lỗi, phải trở thành một con người tốt hay những định nghĩa về cách sống chính trực mà chúng tôi đã thuộc nằm lòng… Nhưng cũng chính nơi ấy tồn tại những hành vi sai lệch về đạo đức nghề nghiệp, trái lại với những gì đã được giáo dục truyền bá, vì nó cũng là một bộ phận xã hội thu nhỏ có nhiều cá thể người khác nhau, đa dạng về nhận thức và cuộc sống, họ chỉ có một mục tiêu chung là truyền dạy kiến thức và phát triển lớp trẻ trở nên có ích cho cộng đồng, nhưng họ cũng cần có thu nhập từ việc đó, thực tế không ai có thể sống cả đời với việc làm phi lợi nhuận, hệt như cách xã hội vận hành vậy, cũng hệt như cách thực tế mà ta đã được dạy “học không kiếm được tiền thì học để làm gì?”…

Tôi biết giáo dục có vai trò quan trọng, phải nói là một trong những vai trò quan trọng bậc nhất của xã hội, và không phải người giáo viên nào cũng thế, vì như những gì đã nói ở trên, dù là giáo viên nhưng tư tưởng và cách cảm nhận của mỗi người hoàn toàn khác nhau, phản ánh đúng theo cách mà họ đã được giáo dục. Đừng phủ nhận thực tế những gì đã và đang xảy ra, vì một xã hội chung và sự phát triển toàn diện của giáo dục, tôi tin chắc dù không nhiều thì ít, nếu còn có trong mình một trái tim yêu và có trách nhiệm với nghề, mỗi giáo viên sẽ có cách thay đổi tích cực hơn. Tại sao văn học phải rập khuôn theo mẫu? Tại sao phải mặc định trong khuôn khổ thế này thế kia? Hãy khuyến khích sự sáng tạo, bởi vì nó vô hạn, bởi vì nó có thể tự do đa dạng nhiều hình thù và màu sắc, bởi vì nó có thể nói lên tư duy và khả năng không giới hạn của một cá nhân, vì con người cần phát triển, mà cách phát triển toàn diện và hiệu quả là thông qua giáo dục tâm hồn và sáng tạo đi kèm với giáo dục thực tế, vì giáo dục là một chuỗi liên kết thống nhất phản ánh đúng đời sống của một xã hội.

Nguồn Văn nghệ số 26/2020


Có thể bạn quan tâm