April 27, 2024, 1:26 am

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGA VÀ CÁC VỤ BÊ BỐI

 

Hiện nay, trong một thời điểm nào đó, hầu như ai cũng cảm thấy có nhu cầu viết sách. Tiểu thuyết, sách tự truyện hay truyện vừa tuổi mới lớn. Trong bối cảnh đó, các tác giả trẻ xoay xở như thế nào? Những cuốn sách nào trở thành sự kiện văn học và các nhà xuất bản kỹ thuật số thực hiện chức năng gì? Những câu hỏi này sẽ được nhà phê bình văn học Nga Mikhail Edelshtein giải đáp trong bài trả lời phỏng vấn sau đây.

* Thưa ông, hiện nay hầu như nhà xuất bản nào cũng tìm cách khai thác dòng văn học tuổi mới lớn (уoung adult) và nói về sự cần thiết của thể loại này. Nhưng phần lớn những cuốn sách xuất hiện trong tiếng Nga là sách dịch. Liệu chúng ta có thể nói về young adult của Nga?

- Tất cả những gì tôi biết về văn học tuổi mới lớn đều liên quan tới các cuốn bestseller dịch – bắt đầu từ bộ tiểu thuyết về Harry Potter và kết thúc bằng cuốn “Cách mạng” của nữ văn sĩ Mỹ Jennifer Donnelly. Các nhà xuất bản và giải thưởng hiện nay quảng bá cho thể loại văn học này với mục đích rõ ràng. Còn nhớ, trên báo “Thương gia”, người ta từng nói: “Chúng tôi làm truyền thông đại chúng cho giai cấp trung lưu”. Khi được hỏi: “Giai cấp trung lưu nào, nó có tồn tại đâu!”, họ trả lời: “Rồi chúng tôi sẽ tạo ra nó”. Ở đây tình hình cũng tương tự. Hiện nay nhiều người đang được chờ đợi để trở  thành độc giả. Đó là một mánh khóe khá phổ biến, khi nhà phê bình văn học hay nhà xuất bản nhìn thấy khoảng trống và quyết định làm đầy nó.

 

* Trên quan điểm văn học trẻ, liệu tình hình có thay đổi không? Đối với các tác giả trẻ việc lọt vào  các giới văn học và được sự công nhận của giới phê bình có trở nên cấp thiết không?

- Đây là một trong những khởi đầu quan trọng. Ví dụ, tôi đã giảng dạy một vài năm tại lớp Sáng tác văn học và nhận thấy rằng vấn đề chính của những người viết là thiếu môi trường. Không có người để bạn nhờ đọc tác phẩm của mình, ngoài mẹ đẻ, chị họ hay con mèo. Bất cứ một tác giả sáng suốt nào, nếu hắn không phải là một kẻ bất tài chính hiệu, đều hiểu rằng có tồn tại những cấp thẩm định trong tư cách các nhà phê bình, giải thưởng và nhà xuất bản, họ quyết định những gì anh viết có xài được hay không.

 

* Xung quanh các giải thưởng dành cho các tác giả trẻ luôn luôn nổ ra các cuộc chiến phe nhóm, trào lưu và người bảo trợ. Tại sao giải thưởng lại gắn liền với các vụ bê bối như vậy?

- Cần hiểu rằng toàn bộ lịch sử giải thưởng văn học Nga là lịch sử các vụ bê bối. Hội đồng thẩm định rơi vào tình thế khá kỳ quặc, khi hầu như mỗi thành viên ban giám khảo có một quan niệm riêng về văn học. Tôi thường lấy Giải thưởng Apollon Grigoryev làm ví dụ. 20 năm trước, khi mới xuất hiện, nó là một đối trọng của giải “Booker Nga”.  Ban giám khảo của giải này gồm 35 người, mỗi người có thể giới thiệu một tác phẩm. Kết quả là mỗi năm các chuyên gia thẩm định giới thiệu khoảng 30 tác phẩm ra tranh giải. Nghĩa là mỗi người trong họ chọn một cuốn sách hay nhất của năm.Tình hình trở nên không thể chịu nổi. Cuốn sách của năm có thể tối đa là 7, 8, chứ không thể 30. Vì vậy bất luận trao giải gì cho ai, dù “Booker” hay “Cuốn sách lớn” thì mọi người vẫn sẽ nổi giận.

Nhà phê bình quá cố Aleksandr Ageev từng nói rằng trong nền phê bình Nga đã xuất hiện thể loại đặc biệt – khóc về sự nhỏ nhen của người đoạt giải Booker tiếp theo. Từ đó đến nay hầu như chưa có gì thay đổi. Trong lĩnh vực  văn học, cho đến nay vẫn tìm thấy những người hoàn toàn không nhận thức được cách đầy đủ văn học là gì và vì sao nó cần thiết.     

 

* Có hay không ở nước Nga một giải thưởng có thể thực hiện chức năng chính của mình: tổ chức quá trình văn học và chịu trách nhiệm về chất lượng thẩm định ?

- Tôi muốn nói rằng đó là giải “Cuốn sách lớn” mà tôi là  thành viên ban giám khảo, nhưng nó cũng có những vấn đề. Khi ban giám khảo gồm 100 người, nhiều người trong họ chỉ đọc những gì mà một lần trong năm người ta gửi đến cho họ nhận xét. Đại thể, tôi cũng là người như vậy.

Thật dễ hiểu là trong tình hình đó, xác suất đoạt giải của nhà văn A có thể lớn hơn nhà văn B, - cũng như vậy, chủ nghĩa hiện thực có thể được đánh giá cao hơn bất cứ thể nghiệm triệt để nào. Kết quả là  một sản phẩm trung bình nào đó thường dễ đoạt giải. Mặc dù tôi không muốn nói rằng giải  “Cuốn sách lớn” có nhiều quyết định sai lầm.

 

* Hiện nay liệu có một tổ chức nào đó có thể nói: “Mọi người phải đọc cuốn sách này”? Phê bình có thực hiện chức năng như vậy không?

- Đây là một câu hỏi hay. Một lần tôi đã thử suy nghĩ về hiện tượng Galina Yuzefovich (nhà phê bình văn học Nga), người may mắn có con mắt tinh đời của một độc giả siêu việt. Chị thành tâm giới thiệu với độc giả những cuốn sách mà chị thích và sau khi đọc xong, bạn đọc không đến gặp chị và nói: “Trời ơi, sao chị lại giới thiệu cho chúng tôi cuốn sách này?” Hiện nay, khi phê bình hướng vào độc giả, tất yếu nó phải trả lời câu hỏi “Đọc gì?”.

Vì vậy vai trò của nó thay đổi mạnh mẽ, và không chỉ ở Nga, trong văn học Mỹ, nhà phê bình cũng không thể cho phép mình hoàn toàn khác với độc giả của mình.

Chỉ các nhà phê bình của các nguyệt san văn học thế kỷ XIX mới có thể nêu tên cuốn sách mà tất cả mọi người cần đọc. Nếu Dobrolyubov[1] nói: “Hãy đọc cuốn sách viết về ẩm thực” là tất cả đổ xô tìm đọc cuốn sách đó. Hiện nay vị thế nhà phê bình đã thay đổi. Anh ta phải giới thiệu cái mà thiếu anh ta độc giả vẫn có thể tìm được nếu biết tác giả đó. Vậy thì vấn đề chính của độc giả là gì? Anh ta đến cửa hàng sách, xung quanh là hàng trăm tên tuổi, hàng trăm tên sách, ở bìa sau mỗi cuốn sách, tất nhiên, người ta viết rằng tác giả của nó là người sẽ đoạt giải Nobel trong tương lai. Vì vậy độc giả cần một người hướng dẫn đích thực.

 

* Để trở thành một hiện tượng văn học cuốn sách cần hội đủ những phẩm chất nào? Hay chỉ cần nhận xét của Galina Yuzefovich là đủ?

- Vâng, hoàn toàn đủ. Phê bình hiện nay là dãy núi có một đỉnh, và điều này, tất nhiên tạo ra một tình hình không lành mạnh lắm. Đồng thời bản thân Galina Yuzefovich là một độc giả giỏi và nhà phê bình thông minh, nghĩa là chúng ta không nói về nhân vật, mà về đặc điểm của phong cảnh.

 

* Đồng thời văn học Nga cho đến nay vẫn bận tâm về một phát biểu mạnh mẽ nào đấy. Liệu có một lúc nào đó chúng ta vượt qua được mặc cảm này không?

- Tôi có thể nói rằng đó là đặc điểm của giới truyền thông. Môi trường thông tin bị ô nhiễm đến mức để được nghe thấy bạn buộc phải thường xuyên cao giọng. Trong chính trị cũng diễn ra như vậy. Nếu như bạn không gào to lên về việc xuất hiện một  Auschwitz mới thì người ta không nghe thấy. Hiện nay tôi đang nghiên cứu lịch sử cuộc nổi loạn tại trại hủy diệt Sobibor và thích thú nhận thấy rằng sau khi phát hành bộ phim của đạo diễn Konstantin Khabensky [2] , danh từ này đã trở nên thông dụng.

Trên các phương triện thông tin đại chúng bắt đầu xuất hiện những tiêu đề “Sobibor mới đã bắt đầu ở Latvia”, nói về tình hình tiếng Nga ở nước này.  Trong văn học cũng vậy: nếu chúng ta không nói về tác giả là “Gogol mới” hay “Joyce mới” thì mấy ai quan tâm?

 

* Ở nước ta dòng văn học tuổi mới lớn có tồn tại như một bộ phận độc lập không? Nhiều người nói về sự xói mòn ranh giới giữa các thể loại và lứa tuổi.

- Bất cứ cuốn sách nào thuộc thể loại young adult gây tiếng vang trong những năm gần đây cũng đều định hướng rất rõ vào đối tượng độc giả của mình. Tôi rất khâm phục sự khéo léo của các tác giả và nhà xuất bản trong việc đáp ứng một cách triệt để nhu cầu của độc giả. Làm sao có sự xói mòn ranh giới ở đây khi mà các độc giả ra đời trước hoặc sau hai năm so với độ tuổi quy định là đã không thể đọc nổi những cuốn sách này rồi.

 

* Thời gian gần đây, những câu chuyện về sự độc quyền của thị trường sách dần dần hạ nhiệt. Đã bắt đầu xuất hiện những sáng kiến xuất bản tư nhân nhỏ lẻ. Liệu chúng có cơ hội thay đổi tình hình trên thị trường?

- Ở đây thật khó đưa ra dự báo, vì chúng ta thậm chí không hình dung được thị trường sách sẽ phát triển như thế nào sau 1 hay 5 năm. Tình hình thay đổi đến chóng mặt. Suốt 20 năm qua, các chuyên gia dự báo sự diệt vong của văn hóa giấy, nhưng những xu thế gần đây nói lên rằng, ngược lại, sách giấy ngày càng phát triển. Hơn nữa, độc giả năng động nhất hiện nay ở vào tầm tuổi 35-40, và chẳng bao lâu nữa trên thị trường sẽ xuất hiện thế hệ kỹ thuật số. Chúng ta không biết nhu cầu đọc của họ nên không thế tính toán được.

Về mặt lý thuyết, trong tương lai trung hạn, độc quyền hóa rất ít có ý nghĩa, vì rằng, nói đúng ra, tất cả sẽ trở thành một bộ phận của không gian số thống nhất và sẽ mang những hình thức mới. Cuộc xung đột giữa LHP Cannes với Netflix là một ví dụ điển hình: một thiết chế xã hội lớn vấp phải những vấn đề không phù hợp với các  quy định do nó đặt ra. Xung đột của Netflix và Ban điều hành LHP Cannes không chỉ ở khác biệt quan điểm mà còn là xung đột giữa xu hướng công nghệ số và điện ảnh truyền thống.

Những hiện tượng lỗi thời như vậy trong hiện thực mới quả là không có tác dụng.  Câu chuyên xảy ra với tập đoàn xuất bản Nga “Eksmo-AST” cũng tương tự như vậy. Hiện nay các cuốn bestseller đến từ Amazon là  những hiện tượng đơn lẻ, nhưng ai biết điều gì sẽ xẩy ra sau khoảng 10 năm nữa?

 

* Hiện nay các nhà xuất bản kỹ thuật số đóng vai trò khá kỳ quặc  trên con đường trở thành một nhà xuất bản “bình thường”. Ví dụ, cuốn “Gia đình Petrov bị cúm và những chuyện liên quan” của Aleksey Salnikov  lúc đầu được đưa lên Bookmate và sau đó mới xuất bản thành sách.

- Điều đó hoàn toàn hợp lý. Hiện nay mọi người đều nói về sự kết thúc của thời đại văn học trung tâm và sự mất uy tín của văn học. Nhưng trên thực tế, bất cứ hướng dẫn viên truyền hình, ca sĩ hay nhà tạo mẫu nào đến nay cũng cho rằng mình có nghĩa vụ viết tiểu thuyết và xuất bản bằng giấy. 20 năm trước, chúng ta được chứng kiến sự ra đời của niềm tin thần thánh vào internet. Ai cũng nói rằng 5 năm nữa người ta sẽ trao giải Nobel cho những gì sẽ xuất  hiện trên trang mạng Proza.ru (văn xuôi Nga).  Với sự xuất hiện của internet thần kỳ mọi người không thể tiếp tục viết những cuốn tiểu thuyết tẻ nhạt như trước nữa. Sau đó người ta mới thấy rằng không phải thế. Hiện nay bất kỳ người viết nào cũng muốn xuất bản sách giấy, vì vậy một kho sách điện tử như Bookmate buộc phải đóng vai trò trung gian giữa nhà văn và nhà xuất bản.

Chúng ta có thể nói rằng những quan niệm này đã cũ, thực ra không phải như vậy.

 

Trần Hậu (Theo báo Nga)

 


[1] Nhà phê bình văn học, nhà báo, nhà thơ, nhà dân chủ cách mạng Nga (1836-1861)

[2] “Sobibor” là bộ phim truyền hình chiến tranh của Nga do Konstantin Khabensky đạo diễn (2018)


Có thể bạn quan tâm