April 27, 2024, 10:08 am

Giấc mơ kẹo bột và những quả pháo xịt…

Có thể xem, sự nghiệp thơ của Trần Quang Quý luôn có xu hướng cách tân. Đọc 99 bài trong tập thơ Namkau (5 câu) của ông sẽ càng thấy rõ điều này. Tuy nhiên, cho dù rất có ý thức trong việc đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung thì ông vẫn chịu sự chi phối của hệ hình thẩm mỹ cổ điển...

Cũng như số không nhiều nhà thơ Việt Nam đương đại, Trần Quang Quý luôn cảm thấy thể loại thơ thuộc phong cách sử thi vần điệu uyển chuyển, cắt nhịp khoan thai, khó có thể diễn đạt được trạng thái tâm lý, tình cảm của mỗi cá thể trong môi trường văn hóa mang tính toàn cầu. Vì thế, người sáng tác rất cần một phương pháp diễn ngôn mới thông qua một hình thức biểu đạt mới. Có điều nếu vận dụng siêu thực hay tân hình thức, nội hàm văn hóa truyền thống cũng như đặc trưng tâm lý cùng những sắc thái tu từ trong ngôn ngữ vốn rất phong phú, đa dạng của tiếng Việt sẽ mất đi. Văn bản thơ còn lại chỉ là những ký hiệu ngôn ngữ vô hồn. Thơ ấy chắc chắn sẽ có tuổi thọ rất ngắn. Chính vì thế, ông đã đi tìm ra giải pháp cho mình. Trần Quang Quý không chạy theo các trào lưu đổi mới thơ hiện nay, mà đủ tỉnh táo để “cách tân” ngay trong khuôn khổ “truyền thuyết”, “sử thi” vốn là nền tảng thẩm mỹ thơ truyền thống, trong đó, không loại trừ mà vẫn xem vần điệu, nhạc điệu là cần thiết. Đây cũng chính là nguyên nhân, dù có làm mới thế nào, Trần Quang Quý vẫn giữ cho được những yếu tố cơ bản của thơ là cảm xúc, ngôn ngữ và nhạc điệu.

Trong thế giới vật chất, vũ trụ bao la, vô cùng vô tận, thời gian là dòng chảy vô hạn một đi không trở lại. Còn sự sống của con người là hữu hạn. Ký ức cho ta trở về với những gì còn đọng lại trong tâm trí. Nó là sự hằn sâu tâm thức mà phận người đã trải, đã nếm, đã chịu như “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” vậy. Sự trở về quá khứ luôn tạo chiều kích cho những mạch nguồn cảm xúc. Nó cũng là cách “ôn cố nhi tri tân”. Và có lẽ, những ký ức tuổi thơ, những “dấu ấn” của mỗi độ tết đến xuân về thường để lại trong bộ nhớ đậm nét nhất. Bởi, đó là sự khởi đầu của một năm, là sự mong chờ điều tốt đẹp nhất sẽ đến:

Tôi ngược Tết trên cỗ xe hồi ức

gặp đôi mắt rời thành phố chiều ba mươi năm đó

chuyến xe cuối bóng chiều hiu lẻ

gặp những già nua đi nhặt bụi thời gian

hy vọng chậm trả ngày sập đến

Mới chỉ là khổ dẫn chuyện nhưng hình ảnh “cỗ xe hồi ức” đã gợi cho bạn đọc trường liên tưởng quá khứ. Quá khứ ấy là, khi tất cả bận bịu với việc mua sắm, sửa sang ngày tết thì có một người lặng lẽ trở về với ký ức. Ký ức là một khái niệm, có ký ức cộng đồng, ký ức của mỗi cá thể. Với mỗi cá thể, ngoài cái chung còn có phần riêng. Và chính cái riêng ấy của Trần Quang Quý mới được tái tạo thành thơ bởi hàng loạt sự kiện, hình ảnh qua bộ lọc thẩm mỹ: “Đôi mắt rời thành phố chiều ba mươi” trên “chuyến xe cuối bóng chiều hiu lẻ”. Ở đó, ta được gặp lại “những già nua đi nhặt bụi thời gian” chỉ với hy vọng “chậm trả ngày sập đến”. Một chiều ba mươi mà vắng đến lạ thường. Chuyến xe vắng, con người vắng chỉ còn lại bụi thời gian. Tất cả rất chậm đang phải đương đầu đối nghịch với “ngày sập đến”. Một cái rất ồn ào, vội vã “chiều ba mươi” đối lập với sự “hiu lẻ”; cái chậm chạp của quá khứ với thời gian đang sầm sập đến. Mâu thuẫn có ngay chính trong cuộc sống từng giây đang trôi qua. Một quá khứ đã xa cứ hiện hữu ngay trong từng nghĩ suy thời hiện tại. Giữa những xô bồ, chen vai thích cánh trong cuộc mưu sinh, liệu còn mấy ai nhớ đến một thời gian khó ấy? Trần Quang Quý đã tự nói, tự nhận và tự khẳng định. Dường như, tất cả những gì có được hôm nay làm người ta thỏa mãn, chẳng cần lưu tâm đến ngày hôm qua nữa. Nhưng với sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, nhà thơ “nhìn ra” ký ức mang vết hằn quá khứ. Nó kéo dĩ vãng về hiện tại đem đến cho người đọc nhận thức mới về một vùng quê nghèo, lam lũ. Thời gian đã mất bỗng nhiên trở lại hiện ra như tấm gương lưu giữ bóng dáng lũ trẻ nhà quê, trong đó có chính tác giả. Ở đó, ta nhận ra một làng quê nghèo ngày tết với bánh pháo tép lẹt đẹt nơi góc sân, ngõ vắng. Con trai, con gái háo hức tranh nhau nhặt pháo xịt rồi hì hụi cuốn lại đem đốt để nghe tiếng nổ lép bép cùng mùi diêm sinh hăng hăng xộc vào mắt, mũi: “Pháo tép đì đùng/ đã xịt rồi háo hức trẻ con”. Với lũ trẻ, chỉ cần thế đã là xuân.

Giữa những vô tư của con cái, hình ảnh mẹ, chỉ mẹ thôi đã nói đủ một thời gạo châu củi quế: “bóng mẹ tảo tần ngày áp tết quẩy vườn lên bến chợ/ lại lo hoa gạo sắp mùa/ đom đóm ùa về đỏ nhức tháng ba”. Tất cả mọi chi tiêu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và mảnh vườn, khóm chuối, luống rau. Ở miền Trung Du, ruộng ít, đồi nhiều nhưng đất canh tác thì chẳng đáng là bao. Chiều ba mươi mẹ mới thu nhặt chút hoa quả từ vườn tất tả lên chợ bán kiếm chút tiền sắm tết. Mỗi bước đi lại lo khi hoa gạo nở, ấy là vào kỳ giáp hạt lấy gì “đỏ lửa” cho cả nhà. Cái đói nghèo không chỉ hiện hữu trong nhà, trong bếp mà nó thường trực từng giây, từng phút ngay trong mỗi bước chân của mẹ. Giữa cái vui của tết đang sầm sập đến, còn mẹ, mẹ vẫn lo, vẫn ám ảnh cái đói mỗi kỳ giáp hạt tháng ba ngày tám:

Những đứa trẻ ngóng manh áo mới

vá cái nghèo thế hệ

chiều cuối năm, mẹ còn mãi lui cui đồng trũng

cấy phận mình vào giá lạnh mùa đông

gặp những đồng xu nhảy nhót phập phồng

trên lỗ đáo

hồi hộp giấc mơ kẹo bột

Cũng vẫn là hình ảnh thân thuộc trong ký ức. Trong chuyến “trở về ngày xưa”, Trần Quang Quý gặp những đứa trẻ chơi khăng đánh đáo, gặp dáng mẹ lụi cụi trên đồng, gặp lại những đồng xu trên lỗ đáo một thời nơi ngõ xóm, đường làng. Ai ở vào những năm tháng ấy mới thấm nỗi cơ cực của cảnh nghèo. Cảnh tượng những ngày giáp tết, lũ trẻ mong mỏi được mẹ mua cho bộ quần áo diềm bâu nhuộm vỏ già đón xuân đâu phải món đồ xa xỉ nhưng không phải gia đình nào cũng có được niềm vui. Nó trở thành nỗi mong ước vá víu, khỏa lấp mặc cảm của cả một thế hệ đói nghèo nhưng vô kế khả thi. Đến đây, bất chợt tôi nghĩ về câu tục ngữ “già bát canh trẻ manh áo mới” đúng làm sao nhưng cũng cay đắng làm sao.

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa đến”, biết gì đến những vất vả của mẹ cha, từ những đồng tiền hai xu, năm xu có lỗ ở giữa lũ trẻ nghĩ ra trò đánh đáo ăn tiền. Chỉ cần thế là xuân đã sang và tết đã về. Mấy đồng xu kiếm được từ cuộc chơi không mang tính “ăn thua” ấy là những chiếc kẹo bột ngào với mạch nha, lăn bên ngoài lớp bột chống dính. Dăm ba cái kẹo lũ trẻ cắn đôi, cắn ba chia cho nhau có chút ngòn ngọt đầu lưỡi ngày xuân. Còn mẹ ta vẫn ra đồng “cấy phận mình vào giá lạnh”. Phận mẹ ta là “vận” áo nâu, đồng sâu, cuốc bẫm. Dáng mẹ lui cui trên đồng trũng cấy cho kịp lịch nhà nông mà lòng vẫn lo về cái tết:

Tôi ngược Tết

gặp lại tôi con đường đất bấm lõm thơ bé

bấm vào những hồn nhiên tươi non

tôi thử lấy tôi xưa vá vào thời gian đương đại

chợt bến vắng, lại con đò dải rút

thắt mùa xuân se sắt sang bờ

Trong chuyến ngược tết trở về tuổi thơ của mình, Trần Quang Quý đã trở về mảnh ký ức từng đóng băng trong tâm khảm. Ở đó, ông gặp lại được “cái tôi” trong  vết bấm thời gian con đường “thơ bé”, gặp lại một thời tuổi trẻ hồn nhiên đôi khi còn dửng dưng với thế sự xoay vần. Và, khi thử lấy quá khứ ấy “vá” vào “thời gian đương đại”, bất chợt nhà thơ thoáng giật mình. Bến vẫn vắng, con đò vẫn con đò xưa kéo dây chở khách qua sông. Con đò ấy, bến sông ấy còn đây mà người xa, khách vắng. Chút thảng thốt ngày ngược tết trở về. Chốn phù hoa, nơi đô hội, có phải không đã “hút” những thân phận cùng ký ức một thời ra đi không trở lại. Một chút buồn thoáng qua, một chút tâm sự thoáng qua nhưng nỗi lo thì ăm ắp. Ấy là sự bỏ quên quá khứ, bỏ quên “nơi chôn nhau cắt rốn”, bả vinh hoa đã cuốn người đi, chỉ còn mùa xuân cứ thế, vẫn thế, đơn độc tìm lại bến bờ. Có lẽ đấy chính là tâm trạng suy tư, trăn trở của người ngược tết chăng?

Ngược tết là bài thơ tự do nhưng thấp thoáng đâu đây trong con chữ là những vần điệu của lối hát xoan: Dân dã, giản dị, chân chất, mộc mạc và gần gũi như bóng cọ trên đồi, như vạt sim nơi sườn dốc. Câu thơ thoảng nhẹ như chút mưa xuân, cứ thế lặng thầm ngấm vào người đọc, bày tỏ với đất trời về một niềm mong ước.

Vốn sinh ra và lớn lên miền trung du “rừng cọ đồi chè”, tuổi thơ Trần Quang Quý cũng như những người cùng lứa là sự nghèo đói và chiến tranh. Những ký ức ấy luôn thường trực như một món nợ ân tình khiến nhà thơ không thể viết gì khác hơn ngoài thân phận con người. Đây là cảm xúc chủ đạo trong ngôn ngữ nghệ thuật của ông. “Ngược tết” cũng là một trường hợp như thế.

 

Trần Quang Qúy

Ngược Tết

 

Tôi ngược Tết trên cỗ xe hồi ức

gặp đôi mắt rời thành phố chiều ba mươi năm đó

chuyến xe cuối bóng chiều hiu lẻ

gặp những già nua đi nhặt bụi thời gian

hy vọng chậm trả ngày sập đến

 

Pháo tép đì đùng

đã xịt rồi háo hức trẻ con

bóng mẹ tảo tần ngày áp tết quẩy vườn lên bến chợ

lại lo hoa gạo sắp mùa

đom đóm ùa về đỏ nhức tháng Ba

 

Những đứa trẻ ngóng manh áo mới

vá cái nghèo thế hệ

chiều cuối năm, mẹ còn mãi lui cui đồng trũng

cấy phận mình vào giá lạnh mùa đông

gặp những đồng xu nhảy nhót phập phồng trên lỗ đáo

hồi hộp giấc mơ kẹo bột

 

Tôi ngược Tết

gặp lại tôi con đường đất bấm lõm thơ bé

bấm vào những hồn nhiên tươi non

tôi thử lấy tôi xưa vá vào thời gian đương đại

chợt bến vắng, lại con đò dải rút

thắt mùa xuân se sắt sang bờ.

                                                                                                                                                                                             Nguồn Văn nghệ số 32/2022


Có thể bạn quan tâm