April 26, 2024, 1:00 pm

Giấc mơ của mẹ

Ngồi vấn lại mái tóc, mẹ Trương Thị Ngưới chậm rải kể:“Mẹ chỉ có một mình thằng Như. Khi nó 16 tuổi, Nhà nước lấy vào bộ đội. Khi đi, thằng Như đã lấy vợ được một năm. Vợ nó tên Đông. Lúc chồng đi, vợ nó đang có mang. Ba tháng sau, vợ nó sinh con…”. Ngừng một lúc, mẹ ngậm ngùi nói: “Vợ nó không muốn xa chồng. Nhưng thằng Như quyết chí ra đi. Nó nói nó đi chuyện nước non, không thể không đi!”. Những câu nói mộc mạc, giản dị của mẹ gợi nhớ những ngày chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nửa đất nước dồn sức cho chiến trường miền Nam. Phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ được phát động sâu rộng, từ vùng thấp tới vùng cao. Những năm ấy, thanh niên các dân tộc hăng hái ghi tên nhập ngũ. Anh Hoàng Văn Như - một chàng trai dân tộc Tày dẫu rất yêu vợ, đang mong từng ngày được nhìn thấy con gái chào đời nhưng anh vẫn từ biệt người thân lên lên đường. Năm 1966, anh nhập ngũ. Từ ngày ấy, anh Như không kịp một lần về phép thăm nhà. Năm 1971, anh Hoàng Văn Như là Trung đội trưởng một đơn vị chiến đấu, cấp bậc Trung úy hy sinh. Người sĩ quan trẻ năm ấy vĩnh viễn nằm lại ở cánh rừng Quảng Ngãi…

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Ngưới, sinh năm 1924, Dân tộc Tày, thị xã Lạng Sơn. Mẹ có người con trai duy nhất - anh Hoàng Văn Như  hy sinh ở chiến trường Quảng Ngãi, năm 1971: - “Đau lắm! Chỉ biết khóc thôi. Nói thế nào được. Chẳng nói  được. Giấy má mất rồi!”

Những thông tin về người liệt sĩ rất ít ỏi. Nhưng tôi biết mẹ đã nâng niu từng kỷ vật của con trai để lại, dù đã hơn 40 năm. May mắn thay, mẹ còn giữ được bức di ảnh liệt sĩ Hoàng Văn Như, ảnh anh chụp cùng đồng đội. Chàng  trai Tày năm ấy còn rất trẻ. Mẹ đăm đăm nhìn vào bức di ảnh, lau nước mắt như để nhìn con rõ hơn: “Nhờ mẹ đòi, vợ nó mới cho bức ảnh này đem ra tiệm làm cho lớn hơn. Ảnh cũ nhỏ xíu!”

 Trong ngôi nhà cũ kỷ của mẹ, trong tâm tinh người mẹ, có lẽ chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng trên tường là quý báu nhất. Khi tôi hỏi về chị Đông - người vợ liệt sĩ Hoàng Văn  Như, mẹ Trương Thị Ngưới ngậm ngùi kể: “Thằng Như hy sinh, vợ nó còn trẻ lắm. Nó giao con cho tôi, đi lấy chồng khác. Tôi không trách nó, chỉ thương cháu đã mất cha, lại không có mẹ. Con dâu bỏ đi, mấy bà cháu  nuôi nhau!”

Ký ức như dòng sông Kỳ Cùng cuồn cuộn chảy về tâm trí mẹ. Mẹ nhớ như in những ngày nuôi con vất vả. Mẹ kể mẹ nuôi con rất khổ, còn nuôi 6 em chồng, nuôi cha mẹ già. Nhà mẹ chỉ có mấy sào ruộng. Những hạt lúa lép không đủ nuôi mấy miếng ăn. Quang gánh trên vai, gánh củi, gánh chuối trĩu nặng, mẹ đi mấy chục cây số, len lỏi qua những con đường làng trơn trợt, lầy lội, mang ra chợ bán kiếm chút đồng lời…

Nghe hỏi đến con, mẹ không kìm nén được, òa khóc: “Đau đớn lắm, không muốn nói đâu. Tôi chỉ biết khóc. Ngồi ở bậc cửa mà khóc. Trông trời trời cao, Trông đất đất cứng”. Đã hơn 40 năm, mẹ Trương Thị Ngưới vẫn không nguôi nỗi đau mất con. Nỗi đau của mẹ cô đặc trong những ngôn từ mang bản sắc rất riêng của bà mẹ người Tày. Mẹ nói về nỗi đau khi con hy sinh, rất cô đọng mà trĩu nặng nỗi niềm: “Đau lắm! Chỉ biết khóc thôi. Nói thế nào được. Chẳng nói  được. Giấy má mất rồi”

Nỗi đau của mẹ Trương Thị Ngưới nhân lên rất nhiều lần, khi con dâu đi lấy chồng, để lại cho mẹ đứa cháu bé bỏng. Nhớ về những ngày tháng ấy, mẹ chỉ cô đặc trong hai từ “khổ lắm”. Tuổi cao, lưng còng, gối mỏi, hàng ngày mẹ gánh củi đi bán. Kiếm được ít gạo, mẹ mang về chắt chiu từng hạt, nấu với khoai, sắn. Tình mẫu tử nhân gấp hai trong người mẹ bị gánh nặng mưu sinh và tuổi tác trì kéo. Mẹ Trương Thị Ngưới vừa là bà, vừa là mẹ. Nỗi nhọc nhằn nuôi cháu cũng được mẹ diễn tả bằng một câu nói giản dị: “Lo từng miếng ăn giấc ngủ, nó mới thành người”

Kỳ lạ thay, những giấc mơ gặp lại con luôn đọng lại trong lòng mẹ. “Tôi nhớ mãi lần con về thăm mẹ. Con bước chân ra cửa, không nói với bố mẹ câu nào. Lúc đó, vợ nó đi làm. Tôi muốn kêu vợ nó đến bên thằng Như, giữ nó lại, không cho chồng nó đi nữa. Nhưng con dâu đã bỏ đi rồi, biết đâu mà tìm. Con trai tôi chần chừ, như cố đợi vợ nó. Nhưng chắc đợi không được, trời sắp sáng rồi. Vậy là nó phải đi!”. Giấc mơ gặp lại con trong chiêm bao trở lại nhiều lần trong câu chuyện kể của mẹ. Mẹ nói: “Có lần mẹ thấy thằng Như trở về, cao lớn, đĩnh đạc trong bộ quân phục, rất oai phong. Có hai anh bộ đội mang súng, đi theo nó. Nó giỡ lồng bàn ra, thấy chén cơm độn khoai sắn, cơm canh đã sẵn… Nó giục tôi: “Mẹ cứ ăn đi - cơm canh này để phần mẹ. Con đi công tác không khổ đâu. Con nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em. Thôi con đi, anh em đang đợi con…”. Nó uống chén trà rồi đi ngay. Tôi không kịp ôm lấy nó!”

Mẹ khóc tức tưởi: “Trong giấc chiêm bao, tôi hiểu con trai tôi còn quyến luyến cuộc sống này lắm! Khi nghe con hỏi thăm vợ - dù trong giấc chiêm bao nhưng lòng tôi đau đớn lắm! Tôi không giữ được con dâu để nuôi cháu khôn lớn. Phần số như vậy, biết làm sao được!” Mẹ lại lau nước mắt, cám cảnh thở dài: “Con dâu giờ ở Ca Lộc. Nó đi bước nữa, cũng không có con!”

Dù bị lãng tai nặng nhưng chương trình “Nhắn tìm đồng đội” nào mẹ Trương Thị ngưới cũng mở ti-vi, cố lắng nghe. “Mấy mươi năm, tôi cố nghe đài, tối nào cũng nghe, chẳng thấy thằng Như đâu!”. Mẹ Trương Thị Ngưới nghẹn ngào nói…

Như bao bà mẹ miền Tây Bắc, Đông Bắc mà chúng tôi đã gặp; mẹ Trương Thị Ngưới bộc bạch, niềm mơ ước lớn nhất của mẹ là tìm được hài cốt con trai, đưa về nghĩa trang Ca Lộc - quê hương của mẹ, để “con cháu còn được thấy bố nó”. Mẹ nói: “Nhà nước tìm được thằng Như thì cho tôi hay, thấy thằng Như ở đâu thì báo cho tôi biết để tôi đưa con về!”.

Vì niềm mơ ước ấy mà mẹ  Trương Thị Ngưới đã nỗ lực lao động, chắt chiu từng đồng để có dịp mẹ sẽ đi tìm con.Tôi lặng nhìn những bà mẹ đã sống cuộc đời cao đẹp, với nỗi đau và sự hy sinh trong thầm lặng. Nơi xóm làng xa xôi ven bờ sông Kỳ Cùng, có một bà mẹ không nguôi nỗi nhớ thương con, không nguôi nỗi trăn trở mang được hài cốt con trai trở về bản làng.  Nhưng tôi biết những người mẹ đau đớn vì mất con đã đứng lên với sức mạnh phi thường, như ba mẹ hiện hữu trước mặt tôi - mẹ Trương Thị Ngưới. Bằng sức lao động bền bỉ, bằng tình yêu con cháu thấm đẫm, mẹ đã nỗ lực lao động trên cánh đồng, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh…

Đến thăm mẹ rồi tôi phải ra đi nhưng hình người mẹ ngồi bên ti-vi, dõi theo chương trình “Nhắn tìm đồng đội” theo suốt tôi trên đường về. Những người đang sống nợ những người mẹ niềm mơ ước “đưa con về quê hương” giản dị nhưng vô cùng lớn lao, trĩu nặng ân tình.

Chúng tôi về Lạng Sơn, tỉnh biên giới nằm vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Từ hàng ngàn năm, “Xứ lạng” giàu đẹp đã trở thành địa bàn quần cư thống nhất của nhiều dân tộc anh em: Nùng, Tày, Kinh, dao, Mông, Sán Chay… Dù khác nhau về phong tục, tập quán, địa  bàn cư trú nhưng đồng bào các dân tộc đã chung sức chung lòng góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương. Hơn 5.000 liệt sĩ đã ngã xuống (số do Sở LĐ-TB và XH Lạng Sơn cung cấp là 5.397 liệt sĩ) trong ba cuộc chiến tranh: chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Quốc. Khi chúng tôi đến Lạng Sơn, toàn tỉnh có 60 mẹ VNAH được phong tặng và truy tặng. Năm  2011, chỉ 3 mẹ còn sống…

 

Đường vào Bản Nhừng, thị xã Lạng Sơn không đi được bằng ô tô. Rất cảm động, các anh ở Sở LĐ-TB và XH thị xã Lạng Sơn cho đoàn làm phim “trưng dụng” những chiếc xe gắn máy. Vượt qua hơn 10 cây số đường lầy lội, như làm xiếc, có thể rơi xuống vực bất cứ lúc nào, dọc theo sông Kỳ Cùng - dòng sông chảy ngược; một bên là rừng hồi xanh ngắt, chúng tôi mới tìm đến được nhà Bà mẹ VNAH Trương Thị Ngưới, bản Nhừng, thị xã Lạng Sơn. Mẹ đã 87 tuổi, người dân tộc Tày. Mẹ sống với người cháu nội trai Hoàng Văn Đạo, con liệt sĩ Hoàng Văn Như - chàng trai Tày viết đơn đi bộ đội khi mới 16 tuổi.

Tác giả (bìa trái) cùng đoàn làm phim Huyền thoại mẹ VNAH của TFS thực hiện những cảnh quay về Bà mẹ VNAH Trương Thị Ngưới (bìa phải)
Đời thường bà mẹ VNAH Trương Thị Ngưới qua ống kính tác giả
Di ảnh liệt sĩ Hoàng Văn Như - người con trai duy nhứt của Bà mẹ VNAH Trương Thị Ngưới hy sinh ở chiến trường Quảng Ngãi, năm 1971
Với mẹ Trương Thị Ngưới, đây là vật quý gí nhất trong ngôi nhà mình
Dấu vết chiến tranh phá hoại miền Bắc nơi Bản Nhừng, ven sông Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn.

 


Có thể bạn quan tâm