April 27, 2024, 7:25 am

Giấc mơ của bà giáo làng

 

Bà tâm sự: “Tôi đã từng hứa với mọi người, là nếu tôi không làm được, tôi sẽ bỏ xứ mà đi, xin đừng ai nuối tiếc. Còn nếu tôi làm được, xin hãy nhân rộng mô hình lớp học này để cùng chung tay vun vén tương lai cho các cháu tật nguyền”.… "Bây giờ thì mọi người tin, làng xóm tin, chính quyền tin, và những người khi nghe đến lớp học tình thương này, cũng đã tìm đến…”. Đó là tâm sự của bà giáo Hồ Hương Nam, Trường THCS An Dương, quận Tây Hồ (Hà Nội)

Nghĩa tình với con trẻ

Bà Hương Nam là con thứ trong một đình đông anh em ở Thành phố Huế. Nhà nghèo nhưng do sớm bộc lộ chí hướng, bà được gia đình tạo điều kiện để theo học. Học để hy vọng và cũng là để quên đi nỗi bần hàn. Suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, những tưởng bom đạn, kẻ thù, rồi môi trường học tập bị luân chuyển sẽ khiến bà quên đi tình yêu với nghề giáo. Song, trong sâu thẳm tâm thức của cô học trò Hương Nam ngày ấy vẫn luôn thường trực một niềm tin ở ngày mai tươi sáng.

Lớp học tình thương của bà nằm khiêm tốn, nép mình trong một góc nhỏ của trường THCS An Dương, được thành lập từ năm 1997, tật hợp tất cả những trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật. Gần 20 học trò với số phận không giống ai, đang chăm chú lắng nghe, như nuốt từng lời bài giảng. Bao năm qua, dưới bàn tay dìu dắt của bà, các em đã phần nào vơi bớt đi nỗi đau, tự ti, mạnh dạn bước qua “bức tường mặc cảm” ngăn cách với cộng đồng. Bà cho biết: “Lớp học của tôi có cả thể 15 cháu, nhỏ tuổi nhất lên 8 tuổi, lớn tuổi nhất đã ngoài 30 tuổi. 15 hoàn cảnh đáng thương khác nhau nhưng giống nhau ở sự thiệt thòi vì khuyết tật bẩm sinh. Có em bị liệt, em bị bại não hay câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ… Có cháu mất cả bố lẫn mẹ, có cháu bố nghiện ngập, hút chích phải sống với bà, gia cảnh bần hàn. Mặc cảm bệnh tật cộng với cuộc sống khó khăn khiến các cháu ngày càng sống thu mình trong “vỏ ốc”. Bà Nam bảo, mỗi hoàn cảnh của mấy tụi nhỏ ở đây cứ nhắc lến lại nhoi nhói trái tim. Như trường hợp em Lưu Hồng Dương đã hơn 34 tuổi, đến với lớp học từ những ngày đầu tiên. Dương bị thiểu năng trí tuệ, liệt toàn thân, tay co quắp, không cầm nắm được gì, hằng ngày chỉ nằm hoặc ngồi thơ thẩn một chỗ, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người khác… Thế nhưng, sau thời gian theo học, Dương đã biết đọc báo, cầm bút viết được những chữ đơn giản và nhất là hay nói cười, lạc quan. Thậm chí, bây giờ ở nhà cháu đã tự biết xúc cơm ăn, trò chuyện với mọi người, kể chuyện trường lớp và bạn bè, đọc báo, xem ti vi chứ không sống thu mình như trước".

Một học trò lớn tuổi nữa là em Nguyễn Thị Thúy, năm nay 25 tuổi. Thúy bị liệt nửa người từ khi sinh ra, mẹ nó mất sớm, gia đình nó khó khăn nhưng được cái con bé ngoan ngoãn, chăm chỉ và học hành tiến bộ. “Mười bốn năm theo học, tôi kèm cặp cháu, dù chậm một chút nhưng đến giờ cũng đã đạt đến trình độ cao nhất. Cháu đã học chương trình lớp 4 cấp tiểu học, đọc thông, viết thạo, chữ khá đẹp và nhẩm toán khá nhanh, được bầu làm lớp trưởng” - bà tâm sự.

 

Khát vọng nối dài con chữ

Bà Nam bảo, cái nghiệp nhà giáo hình như đã vận vào đời mình. Hơn thế, sau hơn hai mươi năm dạy tiểu học, nghỉ hưu rồi nhưng bà còn tham gia nhiều phong trào ở phường Yên Phụ, đảm nhiệm hàng loạt "chức vụ" như Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi cụm 6, tình nguyện viên phòng chống ma túy, quản lý CLB sau cai nghiện, cộng tác viên dân số và khuyến học. Lúc ấy, mệ lặn lội lên xin gặp UBND phường Yên Phụ, trình bày nguyện vọng mở lớp, và muốn mượn trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6 làm lớp học, lúc đầu chỉ vỏn vẹn 3 học sinh. Khi mới khởi dựng lớp học này, chính bố mẹ các em cũng không tin con mình có thể học được, không tin bà già “lẩm cẩm” này có thể "thuần" được bọn trẻ chứ chưa nó đến việc giúp bọn trẻ học chữ. Khi lớp học của bà Nam được thành lập, cũng không được như mong muốn, vì những lý do, những chuyện buồn không muốn kể. Cả cô và trò khi ấy, đã ôm nhau khóc ròng. Rồi bà quay ra tự vấn lương tâm: Tại sao mình, những năm tháng đói nghèo còn không chết, lại có thể gục ngã vì những lý do tầm phào như thế nhỉ? Gạt âu nó, bà nói cứng với mọi người: Chúng ta không thể bỏ cuộc. Mọi người xin hãy tin tôi, nếu tôi không làm được, tôi sẽ bỏ xứ mà đi, xin đừng ai nuối tiếc. Còn nếu tôi làm được, xin hãy nhân rộng lớp học này để cùng chung tay vun vén tương lai cho các cháu tật nguyền”.…

Học được chừng mấy năm, thì địa điểm cũ bị phá để xây nhà văn hóa. Bà Nam lại dắt díu học trò đến học nhờ trường mầm non, nhưng trường cũng không còn phòng nào để trống. Cơn bĩ cực cũng qua đi, khi cô giáo Trần Thị Vân - Nguyên Hiệu trưởng trường THCS An Dương biết đến, đã xuống tận nơi ngỏ ý muốn giúp đỡ. Giữa những lúc khó khăn nhất tưởng chừng chỉ buông nhẹ tay là ngã gục, cô giáo Trần Thị Vân đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc. Từ năm 2002, lớp học của bà giáo Nam trở thành một thành viên của trường, được tham dự các hoạt động ngoại khóa, có mặt trong các buổi lễ khai giảng, bế giảng, được nhận quà từ quỹ khuyến học của nhà trường. Bà bảo bọn trẻ đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát mình mà quát mắng hay nói nặng lời chúng dễ tủi thân, cần phải thật nhẹ nhàng mới được.

"Nói thì bảo là già rồi thêm lẩm cẩm, chứ đêm đêm tôi nằm mơ cũng mơ thêm mình có nghìn mắt, nghìn tay; có sức khỏe, trẻ lại, để làm gì? Tôi mơi như vậy cũng chỉ là để được mỗi ngày dạy học cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh đáng thương. "Đầu xanh có tội tình gì", ai cũng trong chúng ta trong xã hội này cũng đều thế cả thôi, chỉ ước mong được đến trường, được biết đến con chữ. Ở đời này, cái khổ nhất là không biết chữ. Tôi sống từng này tuổi, nên tôi hiểu, có người bây giờ ngay cả bằng tuổi của tôi cũng không viết nổi tên mình, khổ lắm. Khổ như các cháu đây, chân tay khoằn khòe, cầm cái bút run rẩy, viết chữ nguệch ngoặc, tôi cứ động viên các cháu, mới đầu chữ có thể như gà bới, nhưng luyện dần sẽ viết được tên mình, mà viết được tên mình rồi thì trên đời này còn sợ điều gì không làm được nữa, chú thấy tôi nói vậy có đúng không?".

Đã từ lâu các em trong lớp học tình thương coi bà Hương Nam là cô giáo, là người mẹ hiền giúp các em có nghị lực vượt qua bóng tối cuộc đời. Vẫn còn nhiều lắm những số phận, những hoàn cảnh đáng thương mà bà chưa kịp quan tâm tới. Phần vì tuổi cũng đã cao, đi lại khó khăn, song như vành trăng khuyết nhỏ nhoi, bà kiên cường đem cuộc đời mình rọi sáng những phần đời bất hạnh, truyền cho họ nghị lực và niềm tin tiến về phía trước, chiến thắng số phận, chiến thắng cuộc đời.

 

Nguồn Văn nghệ số 52/2019

 

 

 


Có thể bạn quan tâm