May 2, 2024, 5:02 am

Giá sách giáo khoa không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình

Trước một số ý kiến cho rằng giá sách giáo khoa (SGK) mới cao hơn cũ, NGƯT Ngô Trần Ái đã kiến giải nguyên nhân và trao đổi về vấn đề định giá SGK.
Sách giáo khoa mới được học sinh đón nhận tích cực

 

5 nguyên nhân giá SGK mới cao hơn cũ

Tại Hội thảo về công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông, NGƯT Ngô Trần Ái - Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản-Thiết bị Giáo dục Việt Nam đã chỉ ra 5 nguyên nhân khiến giá SGK mới cao hơn SGK cũ.

Trước hết, theo ông Ái, bộ SGK mới theo Chương trình GDPT 2018 do các Nhà xuất bản (NXB), doanh nghiệp bỏ vốn tự có hoặc vốn vay ngân hàng để thực hiện tất cả các khâu từ tổ chức biên soạn, dạy thực nghiệm, mua vật liệu đầu vào, trả tiền nhuận bút, quảng bá, tập huấn giáo viên; không được Nhà nước cấp ngân sách chi trả cho một số khâu như trước đây.

Cùng đó, giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí quảng cáo, tập huấn giáo viên… đều cao hơn trước; đặc biệt là giá giấy tăng cao. Ngay cả giá giấy Bãi Bằng do Việt Nam sản xuất, hiện nay cũng cao hơn 25% so với cách đây 5 năm.

Mặt khác, thực tế là SGK mới có khổ giấy lớn hơn 1,3 lần so với SGK cũ; in 4 màu; chất lượng giấy in tốt hơn. So với giá các loại sách khác trên thị trường thì SGK vẫn có giá thấp hơn. Ví dụ, bộ SGK lớp 3 gồm 12 quyển, có giá là 220.000 đồng. Nếu chia trung bình, mỗi quyển SGK có giá xấp xỉ 18.000 đồng.

Trong khi đó, một quyển truyện có độ dày, giấy in, hình minh họa, màu tương tự với sản lượng hơn 100.000 bản trên thị trường cũng có giá vào khoảng 90.000 đến 100.000 đồng.

So với giá SGK các nước, một cuốn SGK in 4 màu, số trang tương tự thì giá cũng vào khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng (đối với một số nước trong khối ASEAN) và từ 200.000 đến 300.000 đồng (như Nhật Bản, Hàn Quốc). Ví dụ SGK Toán của Singapore giá vào khoảng 250.000 đồng; SGK Đạo đức và Khoa học tự nhiên của Hàn Quốc, Nhật Bản có giá từ 280.000 đến 300.000 đồng.

Ông Ngô Trần Ái phát biểu tại Hội thảo

Cũng theo ông Ái, nguyên nhân thứ 4 đó là các bộ SGK mới đều có SGK phiên bản điện tử miễn phí kèm theo. Hiệu quả của SGK điện tử rất lớn nhưng chi phí cũng lớn (ví dụ, chỉ để làm một bài tập tương tác hay một thí nghiệm đã phải chi nhiều triệu đồng; làm một video kể chuyện – tương đương một bộ phim hoạt hình – cũng phải chi hàng chục triệu đồng), nên nếu giá SGK tính đúng, tính đủ phải bao gồm cả chi phí làm SGK điện tử.

Nguyên nhân thứ 5, do có nhiều đơn vị cùng biên soạn, xuất bản, phát hành SGK nên thị trường của mỗi đơn vị hẹp hơn, sản lượng của mỗi đầu sách giảm đi so với thời kỳ chỉ có một bộ SGK của một NXB, góp phần làm chi phí tăng lên theo đúng phân tích về cơ sở hình thành giá: số lượng phát hành một đầu sách càng cao, giá thành càng hạ và ngược lại.

Giá SGK không do doanh nghiệp tự định đoạt

Về việc định giá SGK, ông Ngô Trần Ái cho rằng là sự thay đổi lớn về chính sách, cần cân nhắc, vì SGK không thuộc loại “hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước” như quy định tại Điều 19, Luật Giá…

Cùng đó, giá SGK không phải do các doanh nghiệp tự định đoạt mà đều phải kê khai các yếu tố cấu thành để Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính duyệt theo Nghị định số 177 của Chính phủ.

Sách giáo khoa mới được phụ huynh đón nhận tích cực

 

Theo quan điểm của ông Ái, trên thực tế, giá SGK không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của đại bộ phận các gia đình, nhất là so sánh với các chi phí khác. Để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, theo khoản 10, Điều 20, Nghị định 81/2021 ngày 27/8/2021 của Chính phủ, Nhà nước đã cấp 150.000 đ/tháng x 9 tháng/năm cho học sinh thuộc hộ nghèo để mua sách vở và đồ dùng học tập. Tính ra, mỗi năm học, học sinh nghèo được cấp 1.350.000đ, tương đương giá từ 4 đến 7 bộ SGK, tùy cấp học.

Và thực tiễn lựa chọn SGK ở các tỉnh, thành cho thấy giá SGK chỉ là một trong những yếu tố tham khảo, tiêu chí quan trọng là chọn bộ SGK có chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội - văn hoá địa phương và phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo…

Theo https://giaoducthoidai.vn/

Công ty Vepic là đơn vị biên soạn, xuất bản, phát hành bộ SGK Cánh Diều – bộ SGK xã hội hóa đầu tiên của cả nước, thực hiện đầy đủ các đầu sách, góp phần đa dạng hóa tài liệu dạy và học, minh chứng cho chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục. Bộ SGK Cánh Diều được xã hội, giáo viên, dư luận phụ huynh... đánh giá là bộ SGK có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí về nội dung, hình thức, đáp ứng các yêu cầu về tính thẩm mỹ, khoa học, giáo dục và thực tiễn...


Có thể bạn quan tâm