April 27, 2024, 3:31 am

Gánh lô tô đời

Bao nhiêu sự ngượng nghịu đã chất đầy cả lên khuôn mặt tôi khi tôi tiếp chuyện với chị. Chị dù đã gần 40 nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp mặn mà đằm thắm. Gương mặt trái xoan điểm xuyết là ánh mắt sắc sảo nhưng hết sức dịu dàng. Chị là mẹ của em Hưng, đứa học trò cá biệt nhất lớp. Nhiều lần liên hệ để gặp phụ huynh, tôi chỉ gặp được ông ngoại. Ông nói Hưng không có cha, mẹ thì đi làm ăn xa. Đây là lần đầu tiên tôi gặp chị. Chị chú tâm nghe tôi kể về “thành tích” của Hưng, chị cười nhẹ, gật đầu nhẹ nhưng đôi mắt lo âu. Tôi khuyên chị nên rút hồ sơ để em Hưng sang trung tâm giáo dục thường xuyên để học tiếp. Chị sụt sùi khóc:

Minh họa của ĐỖ DŨNG

- Tôi biết thằng Hưng là đứa cứng đầu. Từ nhỏ nó đã vậy… nhưng thầy thương tôi thầy đừng bắt nó qua trung tâm giáo dục thường xuyên, nó sẽ nghỉ học. Tương lai nó….

Chị bật khóc. Lần đầu tiên trong đời đi dạy tôi bối rối.

- Chị… kìa chị sao lại vậy?

Vậy là người đàn bà khốn khổ ấy kể lại câu chuyện đời của mình bằng cái giọng trầm buồn nhưng rất đỗi tha thiết…

*

Năm đó chị 18 tuổi, chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông và dự định sẽ học tiếp đại học. Chị mang trong mình niềm kiêu hãnh vì là đứa con gái duy nhất của xóm còn đeo đuổi chuyện học. Bằng tuổi chị nhiều đứa đã rục rịch lấy chồng. Học hết học kì 1, gần Tết trong xóm có gánh lô tô rất lớn về…

Chiều hôm đó, tôi ăn cơm sớm. Niềm náo nức được đi chơi hội chợ choáng cả tâm trí tôi. Ba khó tánh nên không mấy vui khi tôi xin đi. Mẹ thì dúi tiền vào túi rồi đẩy tôi ra cửa đi chung với mấy đứa bạn gái trong xóm.

Từ xa tiếng nhạc xập xình, những giọng nói rôm rả phát ra từ dàn âm thanh công suất lớn làm tôi nôn nao. Cái xóm nghèo của tôi vì sự có mặt của đoàn lô tô mà thành ra náo động khác hẳn cái không khí tịch mịch của mọi ngày. Tôi và đám bạn nhìn vào mỗi hàng lô tô với sự phấn khích lạ kì. Lũ chúng tôi dừng lại trước hàng kêu bọ. Con bọ chui vô đúng con số mà mình sở hữu thì trúng giải. Bọn tôi hè nhau mua vì thấy trò này hợp với tụi con gái hơn. Nhưng có lẽ lí do sâu xa hơn đó là vì người kêu lô tô rất đẹp trai và có duyên. Tôi yêu anh từ cái nhìn đầu tiên. Đó là anh chàng cao ráo có mái tóc năm năm kiểu ca sĩ Đan Trường thời trẻ. Giọng nói trầm ấm thu hút người nghe lạ kì. Cách mà anh gọi mời khách, cách mà anh tếu táo đều rất có duyên. Lần đầu tiên tôi thấy rõ lòng mình. Đó không phải là những xúc cảm mơ hồ đối với mấy đứa bạn trai cùng lớp chăm chỉ trồng cây si. Tôi vừa thích thú vừa sợ hãi cảm giác đó. Tôi không thể phụ lòng ba mẹ.

Đêm tịch mịch, tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Ánh mắt ấy, giọng nói ấy cứ quấn quít vo tròn lấy tôi. Sáng hôm sau mặc cho tụi bạn kể lể chuyện đi hội chợ, tôi thẫn thờ nhìn về bên sông. Nơi đó có thứ ma lực mà tôi vừa muốn chạy trốn vừa lại muốn dấn thân vào.

Trưa tan học, tôi không về thẳng nhà mà cố vòng qua nơi có gánh lô tô. So với không khí náo nhiệt lộng lẫy phấn son của đêm thì ban ngày lại bày ra những thứ cũ kĩ, tạm bợ. Những gian hàng được che chắn bởi những tấm bạt đã rách bươn. Mớ quần áo phơi tứ tung. Những gương mặt nhuốm bụi, nhàu nhĩ. Họ nói chuyện với nhau và gây nhau bằng mớ ngôn từ tục tĩu mà từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ nghe. Nhìn lâu tôi thấy sợ. Tôi cố nhìn thật nhanh để thấy anh. Anh ngồi một góc riêng, trầm tư đến lạ. Một khuôn mặt rất khác với khuôn mặt đêm của mình. Không hiểu sao, khuôn mặt trầm tư ấy lại là một thứ bùa mê hút tôi càng lún sâu hơn vào nỗi nhớ. Tôi nhớ anh đến da diết. Không dám đi cùng lũ bạn mỗi đêm để chạy trốn nhưng những âm thanh sập sình của đoàn lô tô cứ dìu tôi vào những mộng tưởng xa xôi dù rằng tôi đã cố nhốt mình vào trong căn phòng kín mít.

Hôm sau tôi quyết định tìm gặp anh. Tôi tìm thấy anh trong quán cốc gần bờ sông. Vẫn là khuôn mặt trầm tư bện chặt vào nỗi nhớ của tôi. Tôi cố gây sự chú ý khi ngồi bàn đối diện. Anh không ngước lên nhìn tôi, không nói với ai một lời mặc cho mấy người trong đoàn lô tô bô bô chuyện trên trời dưới đất làm rộn cả quán.

Chú Tư chủ quán nhìn tôi:

- Dữ hôn, từ hồi tao mở quán tới giờ mới thấy mày ghé đó Hiền. Bữa nay chú Tư mua vé số chắc trúng độc đắc quá. Nói xong rồi, chú cười ha hả:

- Uống gì con, chú kêu thím làm cho.

Câu nói đùa của chú làm tôi đỏ mặt. Nhưng cũng nhờ vậy mà anh ngước lên nhìn. Anh bắt gặp ánh mắt của tôi. Đỏ mặt, tôi lí nhí:

- Con uống đá chanh chú Tư ơi.

Anh đã nhiều lần bắt gặp ánh mắt của tôi, mỗi khi tôi cùng lũ bạn đến gian hàng của anh để thử vận may rủi. Tôi không bao giờ mua vé, tôi đi chỉ vì muốn được nhìn anh.

Mẹ tôi là thợ may, một lần mẹ sai tôi giao đồ may xong cho thím Tư, chủ quán nước. Lúc tôi đến, quán ế khách. Chỉ có mỗi anh ngồi thừ trong một góc, mắt lạnh lùng nhìn đăm đăm vào khoảng không vô định. Thấy tôi bước vào anh cũng chỉ ngước lên nhìn rồi lại quay hướng khác. Tôi rất khó chịu.

Giao đồ xong, tôi lững thững bước ra mà thầm cười: Người ta có biết gì đâu mà mình lại khó chịu. Bỗng chiếc xe đạp của tôi dỡ chứng xúc xên, gắn hoài không được. Sợi xên dính chặt vào liếp xe. Chú Tư đang mắc tay không phụ tôi được, nói vọng ra:

- Thằng Đáng, phụ con nhỏ chút coi, cái thằng!

Đến giờ tôi mới biết tên anh là Đáng. Anh hờ hững rời khỏi cái bàn quen thuộc đến gần chiếc xe đạp của tôi. Tim tôi đập loạn xạ tôi nghĩ mình cần cố giấu đi cái màu đỏ ửng trên khuôn mặt nhưng làm sao giấu được. Tôi cố nói một câu vô nghĩa để tự trấn an mình:

- Cái xe thiệt tình.

Anh giật mạnh, sợi xên không còn mắc kẹt nữa. Anh tra vào liếp giúp tôi.

- Xong, chạy được rồi đó nhỏ.

- Cám ơn anh.

Ánh mắt tôi chạm vào ánh mắt của anh.

Tôi lí nhí trả lời rồi leo lên xe vọt thẳng. Tôi tưởng như có ánh mắt ai đó đang dán vào sau lưng tôi.

Tối đó, một mẩu giấy nhỏ được ai đó cố nhét vào tay tôi, Tối nay anh muốn gặp em – Đáng. Tôi run lên và bắt gặp ngay ánh mắt của Đáng đang cố tình nhìn tôi. Tôi đi vội về nhà. Đóng cửa phòng lại. Gió ngoài kia vẫn rít lên từng hồi.

Sáng nay đến lớp, nhỏ Thi vỗ vai:

- Ê Hiền, tối nay là đêm chót của đoàn lô tô…, đi hông?

- Sao mày biết. Tôi bối rối hỏi dồn

- Thì chú Tư nói

Trưa ấy về tôi không nuốt nỗi cơm. Mẹ tưởng bệnh tính đi mua thuốc.

- Con không sao đâu, chắc hồi sáng ăn xôi no hơi.

Tối nay là đêm chót, không lần lữa được nữa tôi quyết định gặp Đáng. Tôi lén không cho ai trong nhà mình biết.

Bờ sông rưng rưng, màu đêm trộn lẫn với hương đồng thoang thoảng. Bóng lẫn vào đêm nhưng tôi vẫn hình dung được đôi mắt Đáng đang nhìn tôi bằng cái nhìn tha thiết bởi tôi cũng đang như thế.

- Đi với anh!

Tôi không biết mình phải làm gì trước câu nói ấy. Câu nói như một thứ bùa yêu ấy làm tôi lọt thõm vào tận cùng của cơn mê tuổi dại. Tôi đi theo anh dù vẫn còn một chút tỉnh táo để nhớ rằng: ở nhà vẫn còn ba mẹ. Nhưng không cưỡng lại được, tôi đã đi cùng anh.

Có thể sự việc quá bất ngờ, nên ba mẹ không biết tôi đi đâu. Về sau tôi mới biết ông bà đã khóc hết nước mắt và tìm tôi khắp nơi. Ông bà không sao hiểu nổi tại sao tôi lại mất tích. Làng xóm thì lời ra tiếng vào, mẹ tôi đổ bệnh.

Tôi không phải là đứa chỉ biết học, công chuyện nhà giỏi giang nên tôi cũng đã được đoàn chấp nhận với việc dọn dẹp, nấu nướng. Tôi ngờ ngợ nhận ra rằng hình như Đáng có một uy lực nào đó mà khi anh nói từ chủ đoàn đến nhân viên đều nghe. Vì vậy tôi đã được đi cùng đoàn mà không vấp phải một sự phản đối nào. Nhưng riêng bà chủ, dù đồng ý nhưng bà chưa bao giờ có thiện cảm với tôi.

Mấy lúc rảnh, chị Lan xởi lởi với tôi:

- Nhỏ Hiền hay thiệt, mầy làm sao mà thằng Đáng nó thay tâm thay tính 180 độ vậy. Nói nói cười cười. Trước giờ nó như cục sắt.

- Vậy hả chị? Biết đâu nè.

- Ừ, nhiều đứa mê nó lắm mà nó không đếm xỉa gì.

Tôi hơi chột dạ. Mà nghĩ cũng phải, đâu có gì lạ, với những người lang bạt kì hồ như Đáng thì chuyện như thế là chuyện thường. Miễn sao Đáng thương mình là được. Tôi tự trấn an mình.

Cuộc sống trong đoàn lô tô không phải dễ dàng đối với tôi. Nhưng bên anh tôi nghĩ mình sẽ vượt qua tất cả. Đáng chăm sóc và yêu thương tôi hết mực. Đã bao lần tôi chợt giật mình trước những đôi mắt tinh nghịch nhưng cũng lẫn vào đó bao tủi hờn khi những người trong đoàn bắt gặp Đáng quan tâm yêu thương tôi.

Tôi có mang. Cuộc sống không dễ dàng như tôi nghĩ. Nhưng Đáng vui ra mặt, anh thích trẻ con. Khi còn nhỏ, anh vốn là đứa con vô thừa nhận. Đáng sống với ông bà ngoại. Gọi luôn ngoại là má cho đỡ thèm. Chỉ có điều, có mang và sinh con trăm thứ cần phải có tiền. Mà tôi và Đáng thì lại trăm bề thiếu thốn. Bụng tôi mỗi ngày một lớn, nặng nề vậy nhưng tôi cũng phải làm việc. Không làm thì không có tiền, chi phí không thể đổ dồn lên đầu lương ngày của Đáng. Đêm tôi trở dạ là lúc đoàn đang diễn, Đáng bỏ ngang chở tôi ra trạm y tế huyện. Tôi sinh khó, người ta chuyển lên bệnh viện tỉnh. Người ta mổ bắt con. Tôi gần như không còn biết gì.

Biết bao nhiêu chi phí phát sinh. Thấy Đáng trầm buồn, tôi phụng phịu:

- Thấy con trai rồi mà hổng vui hả anh?

- Đâu có, vui gần chết.

- Vui mà gần chết thì đừng có vui!

Tôi cười rồi cóc yêu vào đầu anh. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc mơn man khó tả dù cho cơ thể còn rất đau đớn. Nhưng nhìn quanh, thấy những giường bên cạnh có mẹ ruột chăm sóc. Giọt nước mắt của tôi bất chợt rơi xuống. Anh ôm tôi vào lòng thì thầm:

- Con cứng cáp rồi anh đưa em và con về lạy ba mẹ!

Tôi rớt nước mắt.

Cuộc sống với một đứa trẻ đỏ hỏn làm đảo lộn mọi thứ. Tôi đã không tưởng tượng được những ngày tháng ấy đã trôi qua như thế nào trong một gánh lô tô. Nhìn sự tận tâm của Đáng, tôi tự tin là vợ chồng tôi sẽ vượt qua. Nếu không có một chuyện bất ngờ.

Tối ấy đã khuya, tôi thức giấc khi thằng Hưng cựa mình đòi bú. Tôi không thấy Đáng nằm cạnh bên. Khi cho con bú xong, đặt con nằm xuống ngủ, tôi bước ra tìm Đáng. Trong khoảng tối lờ nhờ, tôi thấy một nam một nữ đang quấn vào nhau. Tôi nhận ra hình ảnh quen. Tôi lặng người chết điếng. Đầu trống rỗng, tôi chạy về chỗ con ngủ nước mắt trào ra… uất nghẹn. Một lát sau Đáng về lẳng lặng nằm xuống cạnh mẹ con tôi. Tôi quay người vào con cố nén thật sâu những giọt nước mắt đang giàn giụa. Khuya đó tôi lẵng lặng gom quần áo, bồng thằng Hưng đi về ngoại.

Nhìn thấy tôi trước cổng nhà, hiểu bao cớ sự, mẹ tất tả đưa thằng Hưng vào buồng, nước mắt nước mũi kèm nhèm mà bà hôn thằng Hưng đỏ cả hai má. Ôm vào lòng thật lâu như không muốn núm ruột của mình rời đi lần nữa. Ba lẳng lặng nhìn tôi, nhìn thằng Hưng rồi phả vào khoảng không làn khói trắng của điếu thuốc rê gần tàn. Tôi vẫn quỳ ở đó, mẹ lôi tôi vô phòng:

- Mày non ngày tháng, đừng khóc đừng quỳ gì hết. Mẹ nuôi mày được thì nuôi cháu ngoại được.

Trưa, Đáng về tới nhà tìm tôi. Ba tôi không cho Đáng gặp tôi và thằng Hưng. Nghe mẹ nói Đáng quỳ cả buổi trời, rồi lẵng lặng đi khi ba cương quyết không cho gặp. Dù chưa hiểu sự việc gì nhưng bằng sự nhạy cảm của những con người đã rứt ruột đẻ ra, ba mẹ đã lờ mờ nhận ra những điều kinh hoàng đã đến với con gái.

Mẹ vừa đơm mấy cái nút vô mấy bộ đồ mới cho thằng Hưng vừa nghe tôi kể lại quãng thời gian xa nhà và chuyện Đáng với bà chủ đoàn lô tô đêm ấy. Mẹ thở dài:

- Con lỡ dại, nhưng rồi cũng là con của ba mẹ, thằng Hưng cũng là cháu tao. Ba mẹ nuôi, mày đừng có nghĩ ngợi gì nữa nghe hông?

Mẹ thương nói vậy, chứ làm sao không nghĩ ngợi. Hai cái bóng đen đêm ấy cứ quấn lấy tâm trí tôi. Trót dại yêu người lang bạt rày đây mai đó trong những đoàn lô tô nổi chìm thì đành chịu.

Một lần lên chợ tỉnh, đang lúi húi lựa mấy bộ đồ cho thằng Hưng, một chị khiều vai:

- Ê nhỏ!

Tôi ngoảnh mặt lên nhìn:

- Trời chị Lan, đi đâu đây?

- Chị mua đồ cho đoàn nè!

Chị kéo tôi vào quán nước chuyện trò rôm rả trong khi tôi thì bối rối ngại ngần. Chị nói:

- Mày đi rồi, thằng Đáng cũng đi mất, nó bỏ đoàn luôn. Tụi tao biết chuyện này lâu rồi mà đâu có dám nói. Nói ra vô bà chủ đoàn cạo trọc đầu. Tụi tao cũng cần miếng ăn mày đừng giận nghen!

Trầm tư một lát, chị nói tiếp:

- Bả thương thằng Đáng dữ lắm, mà thằng nhỏ đâu đoái hoài gì, chỉ tại nó thương mày nên nó mới phục tùng bả. Tiền nong lo cho mẹ con mày đi sanh nở là do bả lén đưa cho thằng Đáng đó. Chắc thằng nhỏ bị ép phải trả ơn trả nghĩa. Mày đừng giận nó. Sống với nó lâu năm, chị biết tính ý. Nó chỉ duy nhất có tình cảm với mày thôi.

- Chị biết ảnh bỏ đi đâu hôn?

- Chị hổng biết rõ nhưng nghe nói là đi Sài Gòn.

Chia tay chị, bất ngờ cơn mưa như trút. Suốt quảng đường về nước mắt tôi nhòa vào những gọt mưa đang lăn trên má.

Thằng Hưng vô mẫu giáo, tôi gửi lại ông bà ngoại chăm. Tôi lên Sài Gòn tìm việc làm để phụ trang trải cuộc sống với ba mẹ, nuôi lớn thằng Hưng và cũng là để đi tìm Đáng.

Nghe ba mẹ điện thoại lên. Có người thấy Đáng lảng vảng gần nhà lén nhìn thằng Hưng nên ông bà càng giữ kĩ. Tôi không dám nói chuyện Đáng đã vì mình mà… Mãi miết chốn Sài Gòn tôi mong một ngày sẽ gặp được Đáng. Nhưng đã bao năm trời…

*

Tôi lặng người khi nghe câu chuyện của người đàn bà đang đối diện mình. Một góc sân trường nắng dậy đầy trên khóm hoa mới hé nụ. Bụi cây mà tôi đã đề nghị trường bỏ đi để thay vào cây khác vì trồng mãi mà không ra hoa.

Nguồn Văn nghệ số 28/2020


Có thể bạn quan tâm