April 27, 2024, 6:34 pm

Chức phận con người trong “SUỐI CỌP”

      

 “Suối Cọp” là một tiểu thuyết viết về chiến tranh – Một đề tài không còn xa lạ với đông đảo bạn đọc. Bởi trên “mảnh đất” ấy đã có hàng trăm, hàng ngàn nhà văn, nhà thơ “cày xới”. Tuy nhiên, với cái nhìn chân thực của “người trong cuộc”, cùng với khả năng lao động sáng tạo, Hữu Ước đã “tìm được con đường đi riêng biệt” (Lời của nhà văn Nguyễn Quang Thiều).

Đọc “Suối Cọp”, không những ta thấy hiện ra một cuộc chiến tranh tàn khốc, mang biểu tượng của lòng kiên trung, của tinh thần yêu nước, của khát vọng và tự do mà nó còn là một cuộc chiến tranh giữa huỷ diệt và nhân tính, diễn ra không kém phần khốc liệt ngay trong lòng những người cầm súng trên dải Trường Sơn ngày đêm trùng trùng lửa cháy. Thiết nghĩ, bạn đọc sẽ rưng rưng đồng cảm khi Hữu Ước mô tả một đoạn thoại giữa Thomas Mc Cain – người lính thuộc Đại đội biệt kích Mỹ và Thế Cương – người Tiểu đội trưởng thuộc Đai đội trinh sát 26 Công an vũ trang khi hai nòng súng đang chĩa vào nhau trong một trận đánh diễn ra ở dải Trường Sơn:“Thằng Mỹ nói một tràng dài: Tao với mày là hai thằng lính, có chết ở chiến trường này thì cũng chẳng làm được cái gì, liệu có ai còn nhớ mày và tao. Nhưng mẹ tao, mẹ mày thì đau khổ cả đời…Thế Cương gật đầu. Anh hạ nòng súng, thằng Mỹ cũng hạ nòng súng”.

      Thế đấy. Dù ở ngay trong trận chiến khốc liệt, tiêu diệt kẻ thù là trách nhiệm muôn đời của người lính. Nhưng “Họ không phải là những rôbot huỷ diệt, họ là những con người. Và chỉ khi con người hướng tới những gì con người nhất thì nhân loại còn hiện hữu” (Lời của nhà văn Nguyễn Quang Thiều).

          Trong chiến tranh, người lính không chỉ phải đối diện với đạn bom, đối diện với cái chết, đối diện với gian khổ, nguy nan. Họ còn chịu bao nỗi dằn vặt, giằng xé: “Cái khoảng lặng của một đêm dài, rất dài là nỗi ám ảnh hằng đêm vô tận như bám chặt vào từng ý nghĩ, hơi thở và nhịp sống mỗi ngày”. Nhưng có lẽ, đó chỉ là những ám ảnh nho nhỏ. Cái ám ảnh kinh khủng nhất của những người lính nơi chiến trường đạn bom là sự nhận biết về ranh giới mong manh giữa tội lỗi và vẻ đẹp của tình yêu lứa đôi. Vấn đề tình yêu và tình dục trong chiến tranh đã được nhiều nhà văn đề cập mà Chu Lai, Nguyễn Quang Lập…là những ví dụ điển hình. Nhưng có lẽ trong “Suối Cọp”, vấn đề này được Hữu Ước đẩy lên đến tận cùng. Thiết nghĩ, trái tim bạn đọc sẽ rung lên những nhịp đập khác thường và sẽ ngân ngấn nước nơi khoé mắt khi biết o y tá Lan ở Trạm cứu thương Suối Cọp đã có lúc phải làm mẹ, làm vợ, làm người yêu của những người lính đang mang trên mình những vết trọng thương, sự sống đang dần xa họ từng giờ, từng phút: “Những người lính trẻ, vì vết thương quá nặng, trước khi chết họ gọi mẹ thì o làm mẹ. Họ gọi vợ hay họ gọi người yêu thì o làm vợ, làm người yêu của họ. O ôm đầu những người lính trong tay, vuốt ve, vỗ về và hát những bài hát ru”. Rồi:“Có người lính vồ vập bấu chặt hai bầu vú non trẻ trinh nguyên của o như một thằng say. Rồi hai bàn tay của người lính cứ lỏng dần, lỏng dần, buông xuôi…Khi o cúi xuống nhìn thì thấy người lính ấy đã chết nhưng khoé môi vẫn tươi rói một nụ cười mãn nguyện. O khóc và hiểu người lính ấy đã hoàn thiện xong cái chức phận của một con người”. Đó là dục vọng ư? Không. Đó là một vi phạm về phẩm chất đạo đức của người lính nơi chiến trường ư? Không. Đó là tình người, là sự hy sinh cao cả và cũng là cách hành xử nhân văn của người lính cách mạng.

          Trong chiến tranh, đâu chỉ có người lính mới chịu cảnh bom rung, đạn xiết và đói khát. Ta gặp trong “Suối Cọp” những người dân Vân Kiều một lòng đi theo Đảng, một lòng tin tưởng vào Đảng. Do bom đạn giặc thù mà họ phải bỏ bản làng vào trú ẩn trong hang hốc của núi rừng Trường Sơn. Củ mài, củ chuối, rau rừng… không thể nuôi sống họ suốt chiều dài cuộc chiến khi mà những cánh rừng vô tội cũng bị kẻ thù tàn phá, huỷ diệt đến tận cùng. Và họ cứ chết dần, chết mòn vì đói, vì bệnh tật. Và… cho đến lúc từ giã cuộc đời, cái bụng họ vẫn rỗng không. Là người từng nếm trải cái đói, cái khát nơi núi rừng Trường Sơn và cũng là người từng nhận được sự trở che, giúp đỡ từ người dân trong quãng đời quân ngũ, vậy nên, những trang viết về cuộc sống khó khăn, khổ ải của người dân Vân Kiều không phải là cảm xúc tức thời mà là sự trải nghiệm, suy ngẫm chín chắn về hạnh phúc và khổ đau, về nụ cười và nước mắt của Hữu Ước. Đó là tiếng vọng của tâm hồn được khai mở, soi rọi khi trái tim nhà văn rung nhịp cùng lý trí quang minh và tinh thần trách nhiệm với tư tưởng nhân văn luôn chảy suốt chiều dài của hành trình suy tưởng. Và có lẽ, chính điều đó đã giúp anh viết lên những trang văn chân thật mà chất chứa nỗi niểm, nặng trĩu tâm tư và sự sẻ chia: “Người đàn ông…bưng vội bát cháo đến bên một người đàn ông già nhất của bản đang nằm thoi thóp thở. Đôi mắt ông nhắm nghiền, hai chân duỗi thẳng đơ. Ông nằm như đã chết. Người con trai đưa cái muỗng bằng gỗ vào miệng, ông há miệng nuốt ừng ực. Bỗng ông trợn ngược mắt, hai hàm răng khấp khểnh, xù xì, chỉ còn vài chiếc ngậm chặt chiếc muỗng gỗ, không chịu rời ra. Hoàn sờ vào người ông thấy ông bất động, cứng đơ, lạnh toát. Người đàn ông dân tộc Vân Kiều bỗng khóc rống lên: Giàng ơi, Giàng ơi! Ba đẻ của mình chết rồi”. Đọc mà đau đến bầm ruột.

          Đâu đã hết. Cái khổ đau, sự ám ảnh từ cuộc chiến cứ bám riết lấy cuộc đời những người lính trên dải Trường Sơn năm xưa, dù đó là người lính cầm súng đi xâm lược hay người lính cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quê hương. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những khổ đau, những ám ảnh vẫn còn đó, hiển hiện trước mắt bao người. Bởi vậy, Hữu Ước đã viết về vấn đề này khi cảm xúc đến độ dồn nén ở hai thái cực đối lập: Niềm vui – nỗi buồn, hạnh phúc – khổ đau:“Tôm (Thomas Mc Cain) về nước cưới cô vợ xinh đẹp là người yêu từ khi Tôm chưa đi quân dịch sang Việt Nam. Những tưởng hạnh phúc như thế là viên mãn, trọn vẹn, nhưng người vợ chung thuỷ chờ đợi Tôm 4 năm ở chiến trường Việt Nam khi về Mỹ cưới nhau rồi thì chưa đầy một năm sau đã lẳng lặng bỏ đi chỉ với một lý do đêm nào Tôm cũng mê sảng, gào thét, đấm đá, quẫy đạp sợ hãi, khóc lóc kêu la đến sáng”. Còn Chính trị viên Mão – Người lính Trường Sơn đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước thì sao? Thiết nghĩ, trái tim người đọc sẽ quặn thắt khi biết cả 4 đứa con của Ông đều bị di chứng chất độc da cam:“Hai đứa con đầu dị tật không đi được, ỉa dì đái dầm hơn ba mươi năm rồi. Đứa con gái thứ ba đi được thì vừa câm vừa điếc lại còn khèo hai tay”. Còn đứa thứ tư? “Mồm méo xệch, hai tay khùng khèo lúc lắc, một chân đi, một chân lết thập thễnh”. Còn nỗi đau nào hơn thế không? Có sự ám ảnh nào hơn thế nữa không? Những trang viết chân thực này như những mũi dùi nung đỏ chích vào tâm can người đọc. Đau và buốt.

          Khi viết những dòng cảm nhận này, tôi chưa biết gọi chức danh về Văn học - Nghệ thuật của Hữu Ước thế nào cho đúng. Nhà văn ư? Thì rõ rồi. Nhưng gọi như vậy đâu đã đầy đủ với con người đa tài, đa cảm như anh. Bởi ngoài các tác phẩm văn xuôi, anh còn là tác giả của 7 tập thơ; 9 vở kịch nói; 4 kịch bản phim; 250 bức tranh sơn dầu khổ lớn và 18 ca khúc nổi tiếng. Nhưng thôi, bởi tôi biết điều đó với anh không quan trọng. Chỉ biết rằng, trên lĩnh vực nào anh cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, phải trăn trở, suy tư, tìm tòi không mệt mỏi để có được những “bông hoa” tươi đẹp, ngan ngát hương thơm dâng đời.

          Trở lại với “Suối Cọp”, xin tiết lộ với đọc giả rằng, “Suối Cọp” là một tiểu thuyết viết về những trận chiến giữa ta và địch trên dải Trường Sơn. Nó đã được xuất bản ở Mỹ và Hungari. Và theo Karen Gottschang Turner – Giáo sư xuất sắc về Lịch sử và Nhân văn – Đại học Haly Cross; Chuyên viên cao cấp Nghiên cứu pháp lý Đông Á, Trường Luật Harvard thì “Bạn đọc nên và phải đọc “Suối Cọp”. Với tôi, thiết nghĩ, “Suối Cọp” như một ánh đèn soi rọi, giúp người đọc nhìn thấy rõ hơn những dải thạch nhũ lóng lánh và cả những góc khuất trong hang động mà ánh sáng tự nhiên không thể chiếu tới. Giá trị của “Suối Cọp” chính là sự dung dị về ngôn từ, chân thật về cảm xúc, tôn trọng bản năng, chức phận vốn có của con người. Tin rằng, “Suối Cọp” sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ hơn, sâu hơn về những hy sinh, mất mát lớn lao của người lính Trường Sơn năm xưa cũng như cuộc sống của họ sau chiến tranh; hiểu sâu sắc hơn cái giá phải trả cho hòa bình. Năng lượng tích cực toả ra từ “Suối Cọp” đủ để lấp đi khoảng trống trong lòng bao người. Trân trọng./.

 

Đại tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Thứ

 

 

         


Có thể bạn quan tâm