April 27, 2024, 1:10 pm

Cõi người, cõi thơ

Tập thơ này có tên Dương Kỳ Anh - thơ chọn. Nghĩa là, nhà thơ tự chọn những bài thơ mà ông tâm đắc, hoặc những bài thơ được chọn theo một hệ thống và quan niệm nghệ thuật sáng tạo thơ ca của ông và tư tưởng của ông thông qua tập thơ này.

Tập thơ đề cập đến nhiều câu chuyện, nhiều vấn đề, nhiều cung bậc của cảm xúc và nhiều thông điệp trong cuộc sống. Nhưng với tôi, tư tưởng xuyên suốt tập thơ là ý nghĩa của kiếp người và những giá trị vĩnh hằng của đời sống. Đọc xong tập thơ, tôi thấy hiện lên hai CÕI: CÕI NGƯỜI và CÕI THƠ. Trong Cõi người có cõi thơ và trong Cõi thơ ta tìm thấy cõi người. Đấy là triết lý của nghệ thuật và của đời sống. Văn học là vậy và thơ ca là vậy. Những bài thơ trong tập dựng lên một con đường thế gian và trên con đường thế gian ấy là bóng người, là kiếp người. Trong bóng người ấy, trong kiếp người ấy có một người mang tên Dương Kỳ Anh. Ông đi không phải là một hiền triết mà là một thi sĩ. Ông đi qua mọi sáng tối, mọi buồn vui, mọi thăng trầm và chứng kiến bao phận người. Nhưng điều quan trọng nhất là ông chứng kiến chính ông và từ đó viết lên những câu thơ đầy tính minh triết về con người trong một thế giới trầm luân và bất trắc. Điều lớn lao nhất, theo tôi, là ông đã thấu hiểu kiếp người trên thế gian này, thấu hiểu ý nghĩa của một đời sống. Và thơ ca của ông vang lên từ chính đời sống mà ông đã sống, đã chiêm nghiệm.

Bài thơ mở đầu trong tập thơ này như là một bản tuyên ngôn của ông về bản chất đời sống.

HOA MỘC LAN

… Đêm nay lạnh một mình trăng sáng

Một mình trăng

Một mình ta

Một mình hoa

Say đắm

Như thể ngàn năm rồi

Hoa ẩn mình chỉ để tỏa hương thôi…

Câu cuối cùng của bài thơ tựa một bông hoa vừa nở đến cánh cuối cùng và vẻ đẹp trọn vẹn của bài thơ đã hiện ra. Bài thơ tràn ngập tinh thần THIỀN. Bài thơ là một trải nghiệm sâu sắc. Cái cõi người mênh mông và đầy ô tạp như ta từng biết. Và trong cái cõi ồn ã, ô tạp ấy, cái ĐẸP vẫn ngự trị. Cái ĐẸP chỉ ẩn mình đâu đó và đợi con người bước tới gọi tên để hiện ra. Điều quan trọng là ta có nhìn thấy cái ĐẸP trong cái chốn ấy không. Chỉ một câu thơ mong manh như một cánh hoa mà chứa đựng một tư tưởng. Thơ ca kỳ diệu là vậy. Lúc này thi sĩ vừa mang chức năng của người khám phá, sáng tạo vừa mang tinh thần của một hiền triết.

Một ngày tôi gặp mình tôi… một ngày... Dương Kỳ Anh viết như vậy. Đọc câu thơ đó, tôi nhìn ra xung quanh và cũng chỉ thấy mỗi tôi. Sâu thẳm trong cõi đời là như vậy. Mỗi người phải tự nhận ra chính cái TÔI của mình, nhận ra con đường của mình. Cái nhỏ bé nhất là TA và cái lớn nhất cũng là TA. Và lúc này, tôi thấy hiện lên trên mênh mông thế gian chỉ có một con đường và thực sự là chỉ có một con đường và chỉ một ta đi, một ta đến và một ta về. Chỉ một ta hiểu ta là ai và ta đã sống, đã lao động như thế nào. Cuộc kiếm tìm lớn nhất và cũng đau thương nhất của nhân loại là cuộc kiếm tìm chính mình. Thi sĩ Dương Kỳ Anh đã đi trên con đường đó và đi tìm điều đó.

Ngày xa, người xưa, ngày xa xôi

Ta gọi người xưa, ngày xa rồi

Một chút trăng suông còn thấy lạnh

Ngày xa, người xưa, người bên trời

 

Một trăm năm nữa, một trăm năm

Mà cả ngàn năm, nguyệt nguyệt rằm

Sao nẻo đường đời, muôn nẻo khuyết

No tròn con mắt, vẫn đăm đăm...

 Đọc những câu thơ ấy làm ta nhận ra nỗi cô đơn không chỉ trong một ngày, trong một đêm mà là trong cả một đời người. Những câu thơ đẩy người đọc vào một khoảng mênh mông vô hạn. Nhưng cái vô hạn ấy không phải nhận ra bằng mắt mà nó mở ra trong cảm thức người đọc. Ngôn từ trong những câu thơ này thật giản dị, thật sáng tỏ nhưng lại tạo ra một cảm giác huyền ảo và nó phá đi mọi ranh giới. Chỉ thơ ca mới làm được điều đó và thi sĩ Dương Kỳ Anh đã sở hữu những câu thơ ấy.

Dương Kỳ Anh có thể nói cái rất cụ thể mà ta vẫn cảm nhận được sự cô đơn. Xin hãy đọc những câu thơ dưới đây:

Em

Như muôn ngàn người lính vô danh

Đến nắm đất - đời mình cũng không để lại

Bài thơ viết về chuyến đi tìm mộ người em trai đã hy sinh trong chiến tranh. Dưới bài thơ ông để lại một lời nhắn: “Em trai tôi, liệt sỹ Dương Xuân Việt đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ, giấy báo tử cũng không biết ngày mất, hằng năm gia đình lấy ngày 27-7 ngày thương binh liệt sỹ làm ngày tưởng nhớ em, em ra đi chỉ để lại một tấm ảnh và mấy cái huân chương do đơn vị gửi về... Đọc bài thơ này nếu ai có thông tin về phần mộ em tôi xin được hồi âm, gia đình vô cùng cảm tạ.”

Cả những câu thơ và phần tin nhắn cũng chứa đầy tinh thần thơ ca. Trên mặt đất mênh mông và im lặng chứa đựng bao kiếp người, chứa đựng bao biến cố, chứa đựng bao đau buồn. Tất cả sẽ chìm vào thời gian. Các nhà sử học có ghi chép đầy đủ đến đâu cũng không lột tả hết được đời sống thế gian này và đặc biệt không thể gọi ra tinh thần và số phận của thế gian. Nhưng các nhà thơ đã xuất hiện và làm điều đó. Các nhà thơ dựng lên một lịch sử trong tâm khảm người đọc. Lịch sử ấy như gió đêm đêm thổi qua mọi ngôi nhà trên thế gian. Và người sau đọc lịch sử ấy bằng những thức giấc của mình chứ không bằng các số liệu cụ thể. Các cuộc chinh chiến của nhân loại là như vậy. Nó đánh thức sự thao thức, nỗi giày vò và sự tự vấn của lương tri con người chứ không phải là những tượng đài chiến thắng.

  Trong bất cứ đề tài nào hay bất cứ đối tượng nào thì thi sĩ Dương Kỳ Anh cũng chỉ một con đường đi tìm chính mình và giá trị người trong cái thế giới luôn biến động này.

 Con phải đi qua hàng vạn dặm, qua tuyết,

                            qua mưa, qua đói, qua rét

Để tìm chính mình

Đấy là những câu thơ ông viết trong bài thơ cho con gái đang học ở xứ sương mù. Sương mù hay tuyết hay mưa hay đói rét là những thách thức, những đe dọa luôn hiện hữu trước mọi số phận. Nhưng con người phải đi qua để tìm cái điều mà nhân loại đã và đang đi tìm hết thời này đến thời khác: tìm CHÍNH MÌNH. Đấy là câu hỏi lớn nhất mà thi sĩ Dương Kỳ Anh đặt ra trong mọi bài thơ của mình.

Bài thơ Con đường là một bài thơ viết theo thể haiku. Bài thơ chỉ có 10 chữ. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ này nhiều lần. Nhưng sau mỗi lần đọc bài thơ này lại thấy nó dài ra, dài ra và dài ra vô tận. Bài thơ đếm bằng mắt là 10 chữ nhưng đọc bằng cả cuộc đời và có thể cả kiếp sau và kiếp sau nữa. Đi mãi và đi mãi vẫn chỉ con đường ấy, người xưa đi, người nay đi và những thế hệ người về sau vẫn đi. Chẳng có gì thay đổi trên cõi người này mà chỉ là cái nhìn đổi thay. Không có gì có thể tả được sự dằng dặc của kiếp người. Nhưng bài thơ Con đường đã nói lên đầy đủ nhất, ám ảnh nhất. Đến đây, tôi càng thấy sức mạnh của ngôn từ, đặc biệt ngôn từ thơ ca. Chỉ từng ấy chữ đã làm nên cả một thế giới và gói vào đó ngàn vạn kiếp người, ngàn vạn chuyện đời và tạo ra hết tầng này đến tầng khác triết lý nhân sinh.

CON ĐƯỜNG

Người đi trên đường

Ngoái lại

Vẫn là con đường ấy…

Đọc tiếp các bài thơ khác vẫn thấy mênh mông cuộc đời, vẫn thấy biền biệt con đường mà mỗi kiếp người phải đi qua. Trong thế gian tưởng vô tận ấy mà tìm được một tri âm, một chia sẻ, một cảm thông, một yêu thương, một ý nghĩa cho lẽ sống thật khó khăn đến nhường nào. Xin hãy đọc những câu thơ dưới:

 Một chiều trong cõi thiên thai

Tìm ai mà ngỏ với ai một lời

Ta đi khắp bốn phương trời

Gặp tri âm, chẳng phải người tri âm

Trái tim bé nhỏ, âm thầm

Có hai con mắt, ngại ngần cả hai

Cô đơn mới biết ngày dài

Phía sau mây trắng, biết ai mà nhìn

Đời như một cuộc trốn tìm

Tự mình bịt lấy mắt mình mà trông...

Khi đọc tới hai câu cuối Đời như một cuộc trốn tìm/ Tự mình bịt lấy mắt mình mà trông... thì giật mình kinh hãi. Viết thế là đã tới tận cùng mọi lẽ. Viết thế là đã nhìn xuyên qua tất cả. Và tôi nhận ra, mọi con đường mà nhân loại đi cũng chỉ là đường đời và mọi đích cuối cùng mà nhân loại tìm đến cũng chỉ là tìm thấy chính mình mà thôi. Bởi thế mà thi sĩ Dương Kỳ Anh đã kêu lên: Lần trong gió bụi cuộc đời/ Mới hay cõi Phật ở nơi lòng mình. Thi sĩ kêu lên là thi sĩ đã đến, đã tới sau một chặng đường dài đúng bằng cuộc đời của mình để đi tìm. Nhưng đấy không phải là một tiếng kêu, đấy là một tiếng vang ở tận cùng cõi lòng nhà thơ, tận cùng đáy đời sống này. Nó vọng mãi và vọng mãi. Nó thức tỉnh người đọc.

Cuộc sống trong thơ Dương Kỳ Anh chồng chất, buồn vui, sáng tối, thật giả. Và trong cái Cõi Đời ấy ông đã tìm thấy Cõi Thơ của mình. Và khi ta bước vào trong cái Cõi Thơ của riêng ông, ta thấy Cõi Đời chung của mọi kiếp. Đấy là con đường thơ ca của ông. Và tôi nghĩ đấy là con đường của thơ ca và con đường của mọi nhà thơ. Ông đã thấu được Cõi Đời và tới được Cõi Thơ. Trong cả hai cõi ấy có muôn vàn con đường cho muôn vàn phận người lựa chọn. Dương Kỳ Anh chọn con đường đi tìm chính mình để trả lời câu hỏi khó nhất của con người và vì thế ông tìm thấy thơ ca trong một tinh thần trầm mặc và cao cả.

Hà Đông, một ngày lạnh, 2023

Nguyễn Quang Thiều

Nguồn Văn nghệ số 12/2024


Có thể bạn quan tâm