April 27, 2024, 1:51 am

Món quà của chú Sáu Dân

Món quà hai triệu đồng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng tôi năm 2001 không phải là món tiền lớn về giá trị. Nhưng với tôi, hai triệu đồng năm ấy là món quà vô giá. Tôi đã cất giữ món quà ấy mãi ở trong trái tim. Nó có cơ duyên từ buổi họp mặt của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt với một nhóm nhà văn tại văn phòng Chính phủ phía Nam số 7 Lê Duẩn. Hôm ấy, chú Sáu Dân (tên thường dùng của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) nói lên nỗi trăn trở, món nợ lớn mà ông đã mang nặng trong lòng nhiều năm. Đó là món nợ lớn với tầng lớp trí thức, địa chủ trong cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, thời du học ở Pháp, trường Bách khoa Paris (École Polytechnique). Ông về nước hành ngề kỹ sư cầu đường, tham gia kháng chiến, được cử làm Khu bộ phó Khu 9. Ông cùng em trai là trai kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, theo lời kêu gọi Bác Hồ về nước, vào bưng biền tham gia kháng chiến, làm Bộ trưởng Thương binh Xã hội khi mới 28 tuổi... Khi hai con trai bị Pháp bắt, Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương đã kiên quyết không viết đơn bảo lãnh vì không muốn bị Pháp lợi dụng, lôi kéo tín đồ đi ngược lại con đường dân tộc. Sinh thời, chú Sáu Dân thường nhắc về gia đình Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương với lòng mến mộ đặc biệt...
 

Hôm ấy, chú Sáu Dân nói: “Địa chủ ở Nam bộ lạ lắm. Họ sẵn sàng đi theo kháng chiến, theo Đảng như Cao Triều Phát, Đốc phủ Chương, Đốc phủ Tào, Đốc phủ Xuân, Đốc phủ Viễn… Rồi hàng chục luật sư, kỹ sư thời ấy như Phạm Văn Bặch, Phạm Ngọc Thuần, Bùi Thị Cẩm, Phạm Thiều, Kha Vạn Cân, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ... Khi giặc Pháp quay trở lại, họ sẵn sàng từ bỏ vinh hoa phú quý, hiến điền sản, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng cho kháng chiến. Nếu chỉ với cách nghĩ thông thường thì thật khó có thể trả lời cho câu hỏi vì sao tầng lớp địa chủ, trí thức thời ấy đã không màng lợi lộc, xếp tất cả riêng tư vào chiến khu cứu nước?! Cái đó là cái gì? Phải chăng là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cao cả. Sự dấn thân của tầng lớp trí thức, địa chủ Nam bộ càng thấy Bác Hồ đã rất sáng suốt, khi giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc trong thời điểm tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám. Được sống trong những ngày đầy hào khí ấy, tôi thấy Đảng và Nhà nước còn mang món nợ lớn với họ. Bởi sau khi giành được độc lập, thống nhất đất nước, nhiều đóng góp của giới “địa chủ”, nhân sĩ, trí thức Nam bộ chưa được đề cao đúng với tầm vóc của họ. Con cháu của họ cho đến nay vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Vì vậy mà tôi mong muốn các nhà văn hãy viết về họ. Đó cũng là những con người có tính cách, số phận rất đặc biệt…”.

Nỗi bức xúc của chú Sáu Dân đã lôi cuốn nhiều trái tim nhà văn. Và kết quả, Nhà xuất bản Trẻ đã hình thành nên dòng sách “Nhân vật Nam bộ chí”. Mỗi nhà văn được mời đến văn phóng chính phủ phía Nam hôm ấy chọn một nhân vật mà họ tâm đắc để đăng ký viết. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nhà văn Lê Thành Chơn viết về Cao Triều Phát, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè viết hồi ký “Kể chuyện đời mình”, nhà văn Nguyên Hùng viết về… Tôi hoang mang vô kể, không biết phải bắt đầu từ đâu, bởi đây là một đề tài khó nuốt, vượt xa với vốn sống của một nhà văn được sinh sau đẻ muộn như tôi. Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng tìm ra nhân vật của mình, trước nỗi đau của Đức giáo tông Nguyễn Ngọc Tương khi vô tình đọc lướt qua lược sử cuộc đời ông:

Nén tình máu mủ vì danh đạo

Đành để hai con chịu nhục hình

Mệnh hệ nhơn sanh thà bảo trọng

Tình nhà cam phải chịu hy sinh”.

Hai con trai của Đức giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Nhựt được du học, đỗ đạt ở Pháp đã sẵn sàng nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, về nước, tham gia kháng chiến và lần lượt rơi vào tay quân Pháp. Nhằm mua chuộc, lôi kéo người đứng đầu giáo phái Cao Đài Ban chỉnh đạo, quân Pháp yêu cầu Đức giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương viết lá thư bảo lãnh để “có cớ” trả tự do cho hai con ông. Trải qua bao đêm trắng đau khổ, giằng xé, Đức giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương viết thư trả lời: “Con trai tôi đã trưởng thành. Nó có sứ mạng của nó”. Ông cương quyết không bảo lãnh con trai không phải vì không yêu thương con. Người cha ấy đã nén nỗi đau xé lòng khi biết con mình không tránh được cái chết tàn khốc trong nhà tù nhưng ông không thể làm khác được, bởi nếu viết lá thư bảo lãnh con, cũng có nghĩa là ông phải ký với quân Pháp vào mối “liên minh ma quỷ”, sẽ xô hàng vạn tín đồ đi vào con đường phản bội dân tộc. Nỗi đau thảm, giằng xé của Đức giáo Tông trong những đêm trắng ở tòa nhà Thiên lý mật truyền đã cuốn hút tôi dữ dội. Từ nỗi rung cảm đó, tôi gõ cửa Tòa thánh Cao Đài Ban chỉnh Đạo ở Bến Tre, được đón nhận, được tiếp cận với “nỗi nhọc nhằn đau thảm” của Đức giáo tông, được mở lòng trong một lãnh địa đầy bí ẩn… Trải qua nhiều đêm trắng, hơn một năm ròng rã, rốt cuộc, tiểu thuyết Đêm trắng của Đức Giáo Tông hoàn thành. Tôi gởi bản thảo đến chú Sáu Dân vì đã từng nghe ông kể về những người con của Nguyễn Ngọc Tương:

“… Nguyễn Ngọc Bích là một học sinh nổi tiếng học giỏi, là một người Việt Nam hiếm hoi thi đậu vào một trong 5 trường đại học danh tiếng ở Pháp… Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi có dịp gặp Nguyễn Ngọc Bích trong chiến khu. Khi đó, ông Bích là khu bộ phó Khu 9, một “dân Tây” đẹp trai và đặc biệt nhiệt tình… Nguyễn Ngọc Bích tham gia kháng chiến, bị địch bắt và trục xuất khỏi Việt Nam. Tiếp bước người anh, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt từ bỏ cuộc sống thượng lưu ở Pháp, cải trang thành người lao động về Việt Nam vào bưng biền. Ông được giao trọng trách ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ. Ông bị địch bắt, dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, tra tấn dã man và mất khi mới 32 tuổi. Ông Nguyễn Ngọc Tương - người cha của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhựt thà hy sinh hai người con yêu quý của mình, quyết không thỏa hiệp, không hợp tác với giặc”.  

Tôi không ngờ đó cũng là thời điểm chú Sáu Dân vô cùng bận rộn, phải chuẩn bị nhiều thứ ra Hà Nội, dự Đại hội Đảng lần thứ IX. Vậy mà ông đã mang theo bản thảo tiểu thuyết Đêm trắng của Đức giáo tông của tôi. Chú Sáu Dân nhắn chú đã đọc trong hai ngày liền, nhiều đoạn không dằn được nước mắt. Rồi chú Sáu gọi điện cho thư ký là anh Trần Hữu Phước gửi cho tôi hai triệu đồng. Chú Sáu Dân nói đó là tiền cá nhân của chú thưởng cho một nhà văn trẻ mà viết được một câu chuyện cảm động về lịch sử… Nhận món quà từ tay anh Phước, tôi vô cùng ngỡ ngàng, sau đó là niềm xúc động, hạnh phúc khôn tả. Hai triệu đồng không phải là số tiền quá lớn trong cuộc đời cầm bút của mình nhưng với tôi đó là món quà vô cùng quý giá. Tôi cảm thấy được khích lệ vô cùng to lớn, được chia sẻ, tin yêu... Tôi gửi số tiền ấy trong ngân hàng, xem đó là một kỷ niệm đáng trân trọng, tự hào trong đời viết văn của mình.

Niềm hạnh phúc của tôi không dừng lại ở đó. Tôi, một nhà văn còn non trẻ, chỉ có nỗi đa cảm và lòng nhiệt tình mà được một nguyên thủ quốc gia viết lời tựa cho tiểu thuyết Đêm trắng của Đức Giáo tông, với những dòng trân trọng, chân thành, chừng mực:

… Văn học cách mạng đã có nhiều tác phẩm làm sống mãi hình ảnh những chàng trai làng chất phác để lại đằng sau mẹ già, vợ trẻ, giếng nước, gốc đa ra trận làm anh Vệ quốc quân, anh bộ đội Cụ Hồ “áo vải chân không đi lùng giặc đánh”, lập nên những chiến công hiển hách. Cũng không ít tác phẩm làm người đọc, người nghe bâng khuâng trước những trí thức đã một thời “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Tuy nhiên, quả chưa nhiều tác phẩm đi sâu vào sự hy sinh cao cả, sự đóng góp đầy ý nghĩa cho cách mạng của những trí thức yêu nước tiêu biểu như Nguyễn Ngọc Nhựt… Cũng chưa có nhiều những tác phẩm phản ánh cuộc sống nội tâm đầy giằng xé giữa Đạo và đời, những cuộc đấu tranh đầy trí tuệ, thầm lặng mà không kém phần khốc liệt của giới tu hành, nhất là những chức sắc tôn giáo nổi tiếng để góp phần xây nên khối Đại đoàn kết toàn dân, đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. “Đêm trắng của Đức Giáo tông” là một trong số không nhiều những tác phẩm đó.

Đọc “Đêm trắng của Đức Giáo tông”, tôi thấy các nhà văn không kể lớn hay trẻ nếu có Tâm đều có thể tìm ra những giá trị. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều nhà văn với nhiều tác phẩm về những nhân vật lịch sử, những trí thức lớn tiêu biểu cho những giá trị và phẩm chất Việt Nam.

Tác giả (bìa phải) cùng ê kíp làm phim tài liệu TFS gặp chú Sáu Dân ngày 26/4/2022 tại văn phòng Chính phủ phía Nam số 7 Lê Duẩn, bàn làm phim tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của chú. Tư liệu đã chuẩn bị thì chú Sáu Dân ra đi...

Sau này, tôi còn được gặp chú Sáu Dân nhiều lần khi tham gia viết bài cho chuyên đề lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa, Nam bộ kháng chiến. Khi tôi bày tỏ đang viết tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ về Mậu Thân 1968, rất mong có buổi gặp chú để hiểu thêm về chủ trương Tổng công kích - tổng khởi nghĩa từ cấp lãnh đạo mà năm ấy, ông là Bí thư Tiền phương Nam Sài Gòn - Gia Định. Tôi không ngờ chỉ mấy ngày sau, chú Sáu Dân gọi tôi đến biệt thự Lan Anh bên bờ sông Sài Gòn. Đó là ngày 9/4/2007. Đó cũng là buổi trò chuyện dài nhất mà tôi từng gặp chú, suốt một buổi sáng. Hôm ấy, chú Sáu Dân nói với tôi nhiều điều chất chứa trong Mậu Thân, về hùng khí, bi tráng, cả bi kịch lạc quan và cũng không tránh né những sai lầm cấp chiến luợc. Hôm ấy, tôi đã cùng hòa những giọt nước mắt cùng chú Sáu Dân khi ông nhắc đến nhiều đồng chí đã hy sinh. Nghe ông bày tỏ nhiều tâm tư, kể nhiều chuyện sâu thẳm; tôi mới hiểu vì sao trong những ngày kỷ niệm, hội thảo Mậu Thân, ông không bao giờ có phát biểu chính thức mà luôn lắng nghe người cùng thời đã từng góp phần làm nên lịch sử Mậu Thân phát biểu, đọc diễn văn với gương mặt đăm chiêu, đượm buồn, chất đầy nỗi ưu tư. Hôm ấy, chú Sáu Dân gởi cho tôi một quyển sách lịch sử được viết từ một tác giả nước ngoài, nói: “Cháu hãy đọc quyển sách này. Đây là nguồn sử liệu khá tốt. Đã đến lúc chúng ta không nên hiểu lịch sử chỉ một chiều. Chúng ta cần phải có một cái nhìn khách quan để nhìn lại lịch sử, cả thành công và thất bại. Chú không ngại đưa cho cháu tài liệu này vì tin vào cái tâm và bản lĩnh của cháu”. Trong tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ, tôi có một chương dành cho cuộc trò chuyện với chú Sáu Dân về Mậu Thân 1968. Tôi cứ đinh ninh là sách sẽ in trong tháng 6 và quyển đầu tiên sẽ gửi đến ông với lòng tri ân sâu sắc; bởi lời động viên, sự thông hiểu, chia sẻ của ông đã giúp tôi có thêm nghị lực xông vào cánh rừng gai góc của quá khứ; bởi chú Sáu Dân hiểu đó là một công việc khó nhọc mà sách viết ra rồi chưa hẳn dễ được in. Chỉ vài hôm nữa tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ ra đời nhưng tôi đã không kịp mang đến tặng chú Sáu. Dòng sông Sài Gòn vẫn trôi, căn phòng khách cựu thủ tướng tiếp tôi vào buổi sáng tháng 4 năm ấy giờ đây cũng vắng bóng chủ nhân, nhưng nụ cười trong lần cuối cùng tôi được gặp chú Sáu Dân trong dịp lực lượng Biệt động kỷ niệm 40 năm Mậu Thân vẫn còn đọng lại. Nụ cười hồn hậu của chú dường như đã xóa đi khái niệm khoảng cách một nguyên thủ Quốc gia tiên phong trên con đường đổi mới, được cả nước và thế giới yêu mến, ngưỡng mộ, chia sẻ. Trong đáy lòng tôi, nụ cười cuối cùng ấy đồng nghĩa là lời động viên, khuyến khích của bậc cha chú mỗi khi gặp tôi: “Ráng lên cháu, còn nhiều việc phải làm. Hôm nào, chú sẽ kể cháu nghe…”.

Quá nhiều việc bận rộn nên chú Sáu Dân không kịp kể cho tôi nghe hết những chuyện độc đáo về đất và người Nam bộ, cả những uẩn khúc, nỗi đau mà ông đã trải. Nhưng nụ cười, giọng nói đặc chất Nam bộ của chú Sáu Dân với tôi như lời nhắn gởi, truyền dẫn ngọn lửa nhiệt tình mà ông kỳ vọng vào con cháu. Và tôi hiểu, trách nhiệm tái hiện quá khứ hào hùng của cha ông trên đôi vai mình còn trĩu nặng.

Trầm Hương

Nguồn Văn nghệ số 2+3+4/2023


Có thể bạn quan tâm