April 26, 2024, 12:35 pm

"Nỗi buồn chiến tranh" được đưa lên sân khấu kịch

 

Nhà hát Kịch Hà Nội đã quyết định dựng vở kịch mang tên "Trái tim người Hà Nội". Tác phẩm được cảm tác từ tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh. Đồng thời, nhà hát cũng đã quyết định đưa  Trái tim người Hà Nội tham dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm 2022.

 

Cảnh trong vở kịch "Trái tim người Hà Nội".. Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội.

Vở diễn do NSND Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc nhà hát  chỉ đạo nghệ thuật cùng các đạo diễn kiêm nhạc sĩ, NSƯT Tiến Minh cùng các nghệ sĩ trẻ: Tiến Lộc, Thùy Dương, Chí Nhân, Thùy Dương, Mạnh Hưng, Hồng Liên, Trần Thanh, Đặng Tùng, Tiến Huy, Hoàng Dương, Công Đại…thực hiện

Chia sẻ tại đếm công diễn đầu tiên, nhà văn Bảo Ninh cho biết “Tôi rất vui được NSND Trung Hiếu mời dự buổi công diễn đầu tiên của Trái tim người Hà Nội, và còn cả có được vé cho gia đình, bạn hữu cùng đi dự. Tất nhiên, vì là tác giả của cuốn tiểu thuyết mà các nghệ sĩ đã cảm tác từ nó, tôi nhận thấy được những khác biệt giữa vở kịch và cuốn tiểu thuyết. Song tôi tán thành những khác biệt ấy. Bởi còn gì vô nghĩa, vô ích và chán hơn là thấy ở trên sân khấu sự lặp lại, diễn lại y nguyên hoặc gần như y nguyên một tác phẩm văn học”.

Tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh là dòng hồi ức đan xen của người lính trở về từ cuộc chiến. Thông qua nhân vật Kiên, cuộc sống trong thời chiến và hòa bình, chiến trường và hậu phương hiện lên rõ nét, đầy ám ảnh về thân phận con người. Việc đànựng vở diễn được kỳ vọng sẽ đưa khán giả quay ngược lại không gian, thời gian, ngược lại những năm tháng chiến tranh, để gặp lại những người lính trẻ, để biết họ đã sống, đã yêu, đã lựa chọn đường đi cho dù đúng, dù sai thì đó vẫn là một hành trình không thể thay đổi trong cuộc đời của họ.

Nỗi buồn chiến tranh xuất bản năm 1990 với tên Thân phận của tình yêu. Một năm sau, cuốn sách tái bản với tiêu đề của chính tác giả: Nỗi buồn chiến tranh. Tính đến thời điểm hiện tại, cuốn tiểu thuyết được dịch ra 15 thứ tiếng, 18 phiên bản (mỗi thứ tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Trung có hai phiên bản), tiếng Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp, Đức, Ba Tư, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Thái Lan.

Theo giới phê bình văn học, tiểu thuyết được đánh giá là đã  đặt dấu mốc quan trọng, mở ra một lối viết khác, cách nhìn khác về chiến tranh. Trước đây, chiến tranh thường được tái hiện từ cái nhìn của cộng đồng, con người thường được khai thác từ phương diện xã hội, được nhìn từ góc độ của cái đẹp, cái anh hùng, kết cấu tiểu thuyết thường được xây dựng theo chiều tuyến tính.

Nguyễn Phương ( tổng hợp)


Có thể bạn quan tâm