April 27, 2024, 9:34 am

Sự đối nghịch giáo dục của hai giai đoạn

Thế hệ 4X chúng tôi mỗi khi nghĩ lại những kỉ niệm của thủa học sinh phổ thông đều cảm thấy rưng rưng xúc động bởi cảm giác thanh thản, tinh nghịch, vui tươi của tuổi học trò, tay và áo, quần dính đầy mực tím. Những năm tháng ấy, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Suốt quá trình từ lớp vỡ lòng đến cả ba cấp của trường phổ thông thời ấy không chỉ học trò chúng tôi mà cả những bậc phụ huynh dường như chỉ độc một mục tiêu là làm sao cho con mình học giỏi, ngoan ngoãn. Phối hợp với nhà trường để mỗi học sinh dồn hết sức lực, tâm trí của mình vào việc học tập, tu dưỡng bản thân. Học sinh và phụ huynh không phải lo học phí, tiền sách giáo khoa, tiền đóng các quỹ nọ quỹ kia. Tất cả điều đó đều được nhà nước chu cấp.

Tôi còn nhớ sau khi học xong chương trình vỡ lòng, vì làng tôi không có trường nên chúng tôi được xuống trường Vẽ để nhập học. Trường Vẽ là ngôi trường khá nổi tiếng ở bờ Nam sông Hồng (trước đây thuộc Phủ Hoài Đức. Tiếp quản thủ đô thuộc Quận 5 Hà Nội, sau thuộc huyện Từ Liêm và hiện nay nằm trong quận Bắc Từ Liêm). Trường này gồm cả cấp 1 và cấp 2. Trường Vẽ đến cuối năm 2022 này kỉ niệm tròn 100 năm ra đời. Chúng tôi được lứa giáo viên nổi tiếng của Hà Nội dạo đó dạy dỗ. Thầy Trần Ngọc Trụ, phụ trách lớp tôi là một trong những tác giả của cuốn sách 400 bài toán hay. Thầy dạy nhạc là nhạc sĩ La Thăng, ca sĩ Kiều Hưng, thầy dạy môn hoạ sau này thành hoạ sĩ, nhà thơ Trần Nhương… Hơn nửa thế kỉ trôi qua mà tôi vẫn nhớ những tiết học thoải mái, nghiêm túc, những giờ ra chơi chúng tôi thả sức chơi ủ mọi, bình kho, đánh bi, đánh đáo trên sân trường rộng mênh mông, dưới bóng cây hoàng lan cổ thụ. Buổi chiều chúng tôi vừa học bài vừa thả diều trên bờ đê sông Hồng. Hết cấp hai chúng tôi được vào trường cấp 3 Xuân Đỉnh cùng với trường Bắc Lý – một trong những trường nổi tiếng của khối cấp ba dạo đó. Vẫn không khí đến trường thoải mái như hồi ở cấp 1 và 2. Mỗi ngày chỉ học buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy. Ngày thứ năm thì thêm buổi lao động vào buổi chiều. Học trò nhà xa từ Chèm, Vẽ, Xù, Gạ, Noi… mang cơm nắm muối vừng, cà bát ăn với nhau. Nghỉ ngơi chờ đến hai giờ thì bắt tay vào lao động. Sửa sang nền cỏ sân vận động, dậm lại hàng rào nhà trường, hoặc tham gia giúp dân gặt lúc, hay thu hoạch hoa mầu. Dạo đó cũng có những lớp học thêm gọi là phụ đạo, nhưng một tuần chỉ có một, hoặc cùng lắm là hai buổi ngoài giờ chính khoá. Học sinh học phụ đạo đều là học trò học kém trong lớp đến nghe thầy, cô giảng thêm mà không phải đóng thêm bất kì thứ học phí nào cả. Ngoài học hành, trường còn tổ chức rất nhiều chương trình ngoại khoá bổ trợ cho giáo dục, bồi dưỡng học sinh... Hàng năm ngoài những buổi thăm quan, dã ngoại những địa điểm có liên quan đến di tích, danh lam, trường còn tổ chức giải bóng đá nội bộ dành cho cả ba khối…

Tôi tốt nghiệp cấp ba vào năm 1966 đến nay đã 56 năm. Gần 60 năm trôi qua, nhìn lại thời học phổ thông của chúng tôi hồi đó thấy sự học hành nhẹ như lông hồng. Còn hôm nay nhìn đám cháu nội của tôi cùng bạn bè của chúng từ lớp một đến lớp 12 (tương đương lớp 10 ngày trước) thật nặng như đá đeo. Hình ảnh đá đeo sau lưng mỗi học sinh phổ thông đến trường hiện nay không chỉ phản ánh đúng sức nặng của chiếc cặp, chiếc ba lô của các cháu trong các lớp của ba cấp phổ thông mà còn từ suy tư và cả những bức bối của học sinh, phụ huynh trong thời gian chính khoá, cả trong thời gian gọi là nghỉ hè trước những yêu cầu của nhà trường, những đòi hỏi của thầy, cô cùng những vấn nạn trong sự học, trong việc giảng dậy.

Vấn nạn đầu tiên là sự học thêm. Như một thứ bệnh lan truyền, sự học thêm và bắt học thêm này không biết bắt đầu từ “sáng kiến “của thầy cô và nhà trường nào. Theo tôi chí ít vấn nạn này cũng có từ trên dưới ba thập niên nay. Thế hệ chúng tôi, học thêm chỉ dành cho học sinh học kém trong lớp với một tuần một, hai buổi còn hiện nay. Học thêm đã trở thành một hiện trạng bắt buộc đối với tất cả học sinh các cấp. Thật buồn cười, kể cả những cháu mới xong chương trình vỡ lòng chuẩn bị bước vào lớp một. Học trò phổ thông gần như suốt ngày, suốt tuần, hết ở trường trong các giờ chính khoá, về nhà ăn vội ăn vàng, lại đâm xấp dập ngửa đến các địa điểm học thêm được mở tại trường, tại nhà thầy, cô giáo hay tại một địa điểm nào đấy. Tệ hại hơn bằng mọi biện pháp các thầy các cô bắt buộc mọi học sinh đều phải tham gia học thêm - “Nếu không thầy, cô không chịu trách nhiệm về kết quả học tập của mình”. Đó là chưa kể không ít thầy cô còn cho đầu đề bài kiểm tra, rồi giảng luôn cách giảng để học sinh học thuộc, nắm được cách giải. Ngày kiểm tra chính thức các em chỉ việc chép vào để được điểm tốt. Một cách làm phản giáo dục vì dậy học sinh sự đối phó giả dối và chạy theo thành tích một cách hình thức. Không phải ngẫu nhiên trong hội thảo “thực trạng văn hoá học đường và nhu cầu giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trung học”, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm văn hoá, lý luận ứng dụng” - Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đã đưa ra tỉ lệ nói dối của học sinh các cấp là 22% học sinh cấp tiểu học, 50% học sinh trung học cơ sở, 64% học sinh trung học phổ thông, và 80% là sinh viên Đại học… Quả là những con số đáng sợ.

Có thời gian sự học thêm bị dư luận xã hội phê phán, không ít nhà trường, thầy cô còn nghĩ ra cách lấy ý kiến phụ huynh “đề nghị cho con em mình học thêm”. Thế hệ 4X chúng tôi đi học không phải đóng học phí, còn hiện nay học sinh phải đóng học phí chính khoá, cùng những đóng góp này khác cho nhà trường như tiền mua nước cho học sinh, tiền bắc quạt, bắc điều hoà, thậm chí có trường còn bắt phụ huynh đóng cả tiền vệ sinh, quét dọn trường lớp… cho nhà trường và tiền học thêm cho riêng các thầy các cô. Sự học phổ thông ngày nay thực tốn kém...

Vấn nạn thứ hai là sách giáo khoa. Thời 4X chúng tôi, sách giáo khoa được phát không và nội dung sách giáo khoa ổn định có thể dùng trong nhiều năm. Lớp em học sau được thừa hưởng sách giáo khoa của lớp anh, chị đi trước. Còn nay, chẳng những sách giáo khoa học sinh phải mua khi bước vào năm học, cùng với các loại sách đọc thêm, sách tham khảo. Bên cạnh đó, từ khi có dự án cải tiến giáo dục thì bên cạnh việc biến học sinh thành những con chuột bạch thì nội dung sách giáo khoa liên tục thay đổi, khiến mỗi năm học mới đến học sinh đều phải bắt buộc mua. Với cách làm này nên những đơn vị xuất bản sách giáo khoa hiện nay đã trở thành những đơn vị kinh doanh sách trên lưng học sinh. Mấy hôm trước tôi còn đọc được dòng tin “mặc dù ảnh hưởng của đại dịch nhưng năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục vẫn đạt doanh thu 1800 tỉ, lãi ròng 287 tỷ chủ yếu nhờ phát hành sách giáo khoa”. Khi dư luận phàn nàn về sách giáo khoa đắt thì người đứng đầu ngành giáo dục là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích “vì sách in khổ to, giấy tốt”. Phải chăng Bộ trưởng đã góp phần lý giải cho hiện tượng học sinh phổ thông hiện nay từ đứa bé học lớp 1 đến những học sinh đang tuổi trưởng thành luôn còng lưng vì đeo cặp, nặng như đá đeo là vậy.

Bên cạnh hai vấn nạn chính là học thêm và sách giáo khoa thì sự học phổ thông còn có không ít những vấn nạn khác như việc chạy theo thành tích các trường, các lớp phải thực hiện những chỉ tiêu học sinh giỏi, học sinh khá… Vì thế nên hết năm học 2021 dư luận không khỏi bất bình khi có trường, có lớp tỉ lệ học sinh giỏi lên đến 80-90%. Vấn nạn về bạo lực học đường, đạo đức trong nhà trường, giảm sút không nhỏ...

Phác thảo không đầy đủ về màu sắc giáo dục qua hai giai đoạn của xã hội ta để chúng ta nhận thấy rằng. Nếu để thực hiện lời dậy của Bác về sự nghiệp trồng người hiện nay ta thấy ngành giáo dục nói riêng và xã hội ta nói chung phải có nhiều thay đổi cơ bản. Mầm mống của sự thay đổi này đã thấy hiển hiện ở thành phố Hải Phòng trong nhiều năm gần đây đã miễn học phí cho học sinh hệ phổ thông. Ngành giáo dục trong hội nghị trực tuyến chính phủ với các địa phương ngày 4/7 đã đề nghị miễn học phí cho học sinh Trung học cơ sở từ năm học 2022-2023. Những mầm mồng này có thể coi như những thay đổi đáng mừng. Bởi xét cho đến để xây dựng tương lai đất nước không thể coi sự nghiệp giáo dục là một ngành kinh tế trong đó coi trọng lỗ lãi bằng đồng tiền, xem nhẹ việc đào tạo con người. Nhà giáo phải được coi trọng để họ khỏi vất vả trong mưu sinh để từ đó coi học sinh và phụ huynh là đối tượng kiếm tiền.

Nguồn Văn nghệ số 34/2022


Có thể bạn quan tâm