April 27, 2024, 6:06 am

Không chỉ là những “vết xước”…

Ngay cả trong những hoàn cảnh bĩ cực nhất, con người vẫn gắng nhận ra những điều hữu ích mà khi bình thường không thể. Cái nhìn tích cực, lạc quan, biện chứng thường trực là thứ năng lượng để con người nhận ra mình, đồng loại, thế giới quanh mình, để đổi thay, thích ứng…

Như từ đại họa có tính toàn cầu mang tên Covid-19, dù dịch chưa qua, trong cái nguy họa tràn một màu xám choán ngự bức tranh nhân thế, đè nặng tâm can chúng sinh, đã có thể nhận ra những mảng sáng nhân hậu lung linh, dường như sẽ gánh vác sứ mệnh cứu rỗi thế giới. Từ những chồng chất khủng hoảng mất mát, đã có thể mường tượng một thế giới tương lai hài hòa, nhân văn. Từ thực tế những nhiễu loạn, va đập, cọ xát, hiển hiện sắc nét thật - giả, đúng - sai, phát lộ nhiều bài học, rất đáng để nằm lòng…

Đại dịch không chỉ là đại dịch, dù nó từ đâu đến!

Có người ví, nó là cú lắc kinh hoàng, là cái rùng mình vĩ đại từ Cao Xanh khiến Con Người vốn ngạo mạn phải giật mình, bấn loạn rồi trấn tĩnh để giác ngộ?

Tất cả các nền kinh tế đều đồng thời bị tác động bất ngờ theo cách như nhau do Covid-19. Ảnh Internet

Loài người, trải qua bao đận hứng chịu đại họa từ binh đao, động đất, sóng thần, bão lũ, đến dịch bệnh, vẫn chưa chịu tỉnh ngộ, vẫn tự cho mình là thứ sinh vật thượng đẳng, nắm quyền sinh quyền sát muôn loài. Cái thứ được gọi là tư tưởng từ thời hỗn mang như là “đội đá vá trời”, đến thứ ý chí “xung thiên”, “coi trời bằng vung”, “thế thiên hành đạo”, “xoay trời, chuyển đất, sắp xếp lại giang sơn”… một thời được tán dương, tung hô, rốt cục chỉ là thứ ý tưởng chủ quan, duy ý chí, ảo loạn. Những khái niệm quyền sống, quyền định đoạt hay công bằng, dân chủ đâu chỉ thuộc về loài người? Nó là thuộc tính muôn loài! Virus corona không màu, không mùi, không vị, mảnh yểu đến vô cùng mà suốt hai năm qua gây nên cuộc đại chấn kinh hoàng cho cả thế giới. Nó không chừa một ai, không trừ một quốc gia nào. Giàu nghèo, khôn dại đều vướng. Đến giờ đây, sau bao bấn loạn, mất mát, tang thương, “một bộ phận không nhỏ” loài người mới dần dần ngộ ra rằng “chiến thắng đại dịch”, “zero covid”, “loại covid ra khỏi cộng đồng”, hay “covid, mi phải chết”, là không thể! Thay bằng say máu “chống” hay “tấn công” là sự hiểu biết. Biết, để kiểm soát, phòng ngừa, tránh né. Biết, để hạn chế hậu quả, hệ lụy mà bệnh dịch gây ra; là tìm đến giải pháp thích ứng sống chung với covid một cách chủ động, linh hoạt, thông minh. Biết, để cùng sống, để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra thứ vacin hiệu lực, hiệu quả chế ngự mọi biến thể virus, hơn nữa, là thứ thuốc đặc trị điều trị, giảm đến mức thấp nhất có thể những cái chết tức tưởi, oan nghiệt. Xưa nay, với giặc giã là chống, là đánh, là tấn công, là “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, là tiêu diệt đến tên giặc cuối cùng. Với dịch giã, thiên tai… thì từ cổ chí kim, từ hồng hoang đến thời hiện tại… thủe hỏi có ai chống, ai đánh mà thành?

Đại dịch không chỉ là đại dịch, dù nó từ đâu đến!

Có người ví, nó như tấm gương, soi vào đấy, thực hay giả, mạnh hay yếu, văn minh hay lạc hậu… đều lồ lộ, hiển hiện.

Cứ nhìn vào cách thức và hiệu quả ngăn ngừa đại dịch covid ở từng quốc gia, sẽ thấy rõ. Tiềm lực, vị thế, chiều sâu văn hóa, tầm trí tuệ, mặt bằng tri thức của từng quốc gia, dân tộc… đều phơi bày. Nhìn vào cách tiếp cận, tổ chức thực thi ngăn dịch ở mỗi quốc gia, thấy rõ năng lực, trí tuệ của giới lãnh đạo đất nước đó. Quốc gia giàu mạnh, truyền thống dân chủ, văn minh lâu đời giúp họ tâm thế tự tin, khoa học, căn cơ, bài bản và hiệu quả. Nước nghèo vẫn có thể chiến thắng thế lực xâm lăng giàu mạnh hơn hẳn, bằng ý chí, bằng chiến tranh nhân dân, bằng “nếm mật nằm gai” trường kỳ, toàn dân toàn diện. Nhưng trong chống dịch, lại không thể áp dụng như thế được. Thường thì “cái khó bó cái khôn”. Cũng có “cái khó ló cái khôn”, nhưng cái “khôn” “ló” ra từ kẻ nghèo khó cứ thường hay “khôn vặt”, “khôn lỏi”, thiếu tính chiến lược, bài bản. Gương mặt người dân, sự hồi sinh của doanh nghiệp, nhịp sống của đất nước trong và sau đại dịch nói lên tất cả. Người dân nhìn vào đó, lấy đó làm thước đo đánh giá vị thế dân tộc mình, định đoạt số phận chính trị các nhà lãnh đạo đất nước. Thật khó mà màu mè che đậy.

Đại dịch không chỉ là đại dịch, dù nó từ đâu đến!

Có người ví, nó là môi trường xúc tác, dù là thứ môi trường nghiệt ngã, thử thách lòng người, tình người, tình bạn. Nhìn từ cá nhân, gia đình, cộng đồng ra quốc gia; nhìn từ quốc gia ra thế giới, trong nhiễu loạn càng rõ mồn một…Giữa phong tỏa, cách ly, giãn cách, giữa ngổn ngang pháo đài với chốt chặn, trong bời bời bức bối, hoảng loạn và tang thương… bao nhiêu là nghĩa là tình, là sẻ chia, dấn thân, hy sinh, thiện nguyện. Chẳng cần kêu gọi “nào ai có nghĩa có tình lại đây”, thì nghĩa vẫn tự đến, tình vẫn tìm về. Người với người, cá nhân với cộng đồng, cộng đồng với cá nhân. Cộng đồng với quốc gia, quốc gia với cộng đồng. Quốc gia với quốc gia. Lớp lớp đội ngũ thầy thuốc, mạnh thường quân, tình nguyện viên. Trùng trùng bộ đội, công an, giới tu hành, nghệ sỹ, giới truyền thông, đội quân shipper. Các nhà tư sản thời mới, những ông lớn quốc doanh. Gói mỳ, đồng tiền, cân gạo, con cá, mớ rau. Những dòng tin sự thật nhói tâm can, đẫm nước mắt. Bản nhạc kèn saxophon từ người nghệ sỹ quê Thủ đô lánh lót qua từng ô cửa sổ hằng đêm nơi khu cách ly trung tâm Sài Gòn. Chiếc máy thở, bình ô-xi, chiếc xe cứu thương, liều vacin và cả cỗ hậu sự. Chiếc xe đạp thồ lủng lẳng túi hàng ngày Sài Gòn đỉnh dịch và chuyến chuyên cơ trĩu nặng thiết bị thuốc men xuyên dịch giã bịt bùng, xuyên cả mờ mịt định kiến và nghi kỵ…

Và kia nữa, những kẻ thừa cơ đục nước buông câu, giả nhân giả nghĩa, lừa lọc kiếm chác trên nỗi đau đồng loại, trên mất mát tang thương của đồng bào, cũng lồ lộ. Khối kẻ vin vào tình thế “chống dịch như chống giặc” để tự tung tự tác, câu kết làm liều, cốt để “ăn không từ một thứ gì”. Những vụ ap-phe toan tính trên nỗi khốn khó và sợ hãi của chúng sinh ở phạm vi quốc tế hay quốc gia; những vụ làm tiền ngay nơi lòng tin, tình nhân ái của cộng đồng…, không thể mãi là “tài liệu mật”. Nhân quả không phải chờ lâu, mà nhãn tiền. Dịch chưa vãn, họa chưa qua, nhưng đã mường tượng hình thù sắc diện những vụ án hậu covid.

Đại dịch không chỉ là đại dịch, dù nó từ đâu đến!

Nhìn cái cách ứng phó với đại dịch, cái cách ứng xử với người dân của công bộc, rường cột, không khó để nhận ra ai hay ai dở, ai tài ai hèn, ai thực sự thương dân yêu nước, dậy sớm thức khuya, ai lời hứa chỉ để hứa. Nhìn vào thực trạng ứng phó với dịch giã thì rõ. Chống dịch không nên, ngăn dịch không nổi, để dịch bung, toang. Căn bệnh tha hóa quyền lực, lạm dụng quyền lực, vượt quá giới hạn quyền lực, coi thường nhân dân vẫn có cơ nảy nòi, đó đây, trong quá trình chống dịch. Căn bệnh quan liêu, hành chính hóa đến mức cực đoan, máy móc, vô cảm, khiến xã hội thêm bức bối, người dân bất bình, buồn thay, lại là hiện tượng không chỉ ở một hay vài địa phương; không chỉ trong một khoảng thời gian ngắn! Một đất nước độc lập, thống nhất, có một Đảng duy nhất lãnh đạo, nhưng trong ứng phó với đại dịch vẫn xảy ra tình trạng cát cứ, cấm chợ ngăn sông, trên nóng dưới lạnh, mỗi nơi một chính sách, phổ biến là “cao hơn cả quy định chung”, tùy tiện và bất chấp. Chẳng cần sau đại dịch, ngay bây giờ đã thấy ai ngồi nhầm ghế, ai xếp ghế nhầm, ai phải đứng sang bên, lùi lại phía sau hay rời khỏi đội ngũ. Ngay từ bây giờ đã nhận ra sự bức thiết phải xiết chặt kỷ cương, lập lại những nguyên tắc cơ bản, cốt lõi, những làn ranh cảnh báo, giới hạn quyền lực. Cũng từ đây, những góc khuất, điểm mờ, những tồn tại, khuyết điểm của công tác cán bộ, qua đại dịch này, nhận diện thêm rõ. Câu chuyện vị phó chủ tịch một phường ở Nha Trang hạch sách nạt nộ dân “bánh mỳ không phải lương thực”; câu chuyện nhà chức trách ở Bình Dương phá cửa cưỡng chế người dân đi xét nghiệm khi họ đang làm việc trong nhà của họ; vị bí thư một quận giữa Thủ đô không biết phường còn khuyết ghế bí thư; đến câu chuyện vị bí thư tỉnh nọ, vị chủ tịch tỉnh kia lơ mơ như kẻ mộng du khi tình thế nước sôi lửa bỏng, phát đi những tín hiệu rất đáng lo ngại. Chính ta, chứ không ai khác, làm méo mó thêm bức tranh chống dịch của cả hệ thống chính trị! Chính ta, chứ không ai khác, tự vấy bẩn lên chế độ vốn ưu việt do chính chúng ta hi sinh để bảo vệ và vun đắp!

Tăng cường công tác lãnh đạo gắn với kiểm tra, lấy thực tiễn làm thước đo, thường xuyên, thực chất, sát sạt hơn, nghiêm minh hơn, chắc chắn những hiện tượng “méo mó”, “vấy bẩn” kia sẽ sớm bị thải loại. Thực tiễn là thước đo, là chuẩn mực cân đo các giá trị. Thực tiễn từ quá trình ngăn đại dịch covid là thứ thước đo chuẩn mực nghiệt ngã và đầy sức thuyết phục.

Đại dịch không chỉ là đại dịch, dù nó từ đâu đến!

Các nhà khoa học cảnh báo: Con người không may bị covid tấn công, nguy cơ tử vong là không bàn cãi, nhưng nếu may mắn qua khỏi, di chứng sẽ nặng nề, đáng kể là trong lá phổi người bệnh sẽ để lại những vết xước.

Không chỉ là những vết xước trong cơ thể con người…

Vết xước không chỉ hằn sâu trong mỗi cá nhân, mà cả ở cộng đồng, doanh nghiệp, quốc gia…

Không chỉ do virus corona gây nên, những vết xước có thể do chính đồng loại, từ cách ứng phó không giống ai, từ lối ứng xử độc ác vô thức, “cao hơn mức bình thường”, vượt qua giới hạn.

Vô vàn vết xước trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia; trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, tôn giáo…

Những vết xước hữu hình và những vết xước vô hình…

Những vết xước vô hình mới đáng sợ, không chỉ một thế hệ, mà thành di chứng, qua nhiều thế hệ.

Làm sao hàn gắn những vết xước, cả khi thế giới cùng nhận thức, cùng hành động chọn lối sống thích ứng, sống chung với dịch giã, bao gồm cả Covid-19?

Và từ trong đại dịch, nhìn người mà ngẫm chính ta…

________

  1. Nhà báo, nguyên Giám đốc VOV1

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Có thể bạn quan tâm