April 27, 2024, 7:35 am

Để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao

Cùng với sự phục hồi sau dịch Covid-19 của các ngành nghề kinh tế, nghệ thuật cũng đã và đang có những cú vượt thoát ngoạn mục không chỉ trong làm mới chính mình nhằm chinh phục khán giả mà còn để thích nghi với tình hình mới. Để tiếp sức cho nghệ thuật nói chung, từng lĩnh vực chuyên ngành nói riêng, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã có những động thái hỗ trợ quyết liệt, kịp thời cho các đoàn nghệ thuật về sân khấu biểu diễn, xây dựng cơ chế đặt hàng, nghiên cứu xây dựng mô hình nhà hát Online... Đây được xem chuỗi hỗ trợ cần thiết, song để chủ trương có thể đưa lại những hiệu quả thiết thực cho đời sống nghệ thuật, cần có sự linh hoạt từ các đơn vị nghệ thuật, trong đó có việc khai thác những chất liệu truyền thống, lịch sử cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật lớn, đỉnh cao.

Tiết mục biểu diễn kỷ nệm 60 năm Nhà hát Múa rối Việt Nam

Khi lịch sử khởi nguồn cho nghệ thuật

Theo ông Tạ Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bộ đã có chủ trương hỗ trợ các nhà hát phục hồi hoạt động nghệ thuật trong thời gian tới. Cụ thể, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch tài chính của Bộ đang nghiên cứu cơ chế tăng cường đặt hàng, đặc biệt là đối với các nhà hát truyền thống, chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao. Nghiên cứu phương thức xây dựng nhà hát online là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu đơn vị quản lý nhà nước, cụ thể là Cục Nghệ thuật biểu diễn có một kênh riêng để quản lý, giới thiệu các loại hình nghệ thuật đến công chúng thì đó là một việc làm cần thiết và hữu ích trong thời đại công nghệ số như hiện nay.

Ngay sau phát biểu của Thứ trưởng Tạ Duy Đông, nhiều ý kiến tán đồng đã được đưa ra từ lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát lớn trong cả nước. Đơn giản vì lĩnh vực nghệ thuật là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất khi dịch Covid-19 xảy ra, và để khôi phục lại hoạt động, cần phải có những hỗ trợ về mặt kinh tế, cũng như cơ sở vật chất để các đoàn nghệ thuật, nhà hát khôi phục lại những hoạt động biểu diễn cần thiết. Việc Bộ sẽ cấp kinh phí, tăng cường đặt hàng những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng phục vụ công chúng cũng được coi là hành động tiếp sức không chỉ truyền lửa cho các nhà hát, đơn vị nghệ thuật mà còn góp phần đưa những giá trị truyền thống, lịch sử tiếp tục đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên  Lãnh đạo một số nhà hát cũng cho rằng, ngoài những chủ trương mang tính chất thúc đẩy hoạt động nghệ thuật biểu diễn sớm phục hồi sau dịch Covid-19  nói trên, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vẫn nên duy trì nếp cũ, tạo điều kiện để các đơn vị có thể tổ chức chuỗi các chương trình nghệ thuật, tác phẩm đạt chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội do Bộ khởi động từ tháng 8/2016.

Trên thực tế, hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã tuân thủ khá đầy đủ và chịu tác động sòng phẳng từ những quy luật của nền kinh tế thị trường, nên việc yêu cầu cơ quan chủ quản tài trợ xuất diễn là việc làm cực chẳng đã, nhưng với những loại hình nghệ thuật kén khán giả thì đây chính là chiếc phao giúp các đơn vị nghệ thuật vượt qua những thời đoạn khó khăn, sóng gió. Song, để có những bước đi dài hơi trên con đường nghệ thuật, sự phụ thuộc hay trông đợi một phép màu đến từ đơn vị quản lý hay từ chính khán giả là việc không tưởng, buộc các nhà hát, đơn vị nghệ thuật phải tự thân vận động, tìm ra hướng đi riêng của mình

Đến những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, cơ sở vật chất của các đơn vị nghệ thuật, nhà hát đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhiều đơn vị nghệ thuật thay vì biểu diễn ở Nhà hát Lớn đã có thể biểu diễn ngay tại rạp của mình, nếu nhà hát nào chưa có rạp thì được cơ quan chủ quản hỗ trợ địa điểm biểu diễn. Rạp hát vừa có cơ hội được đỏ đèn, nghệ sĩ có cơ hội biểu diễn và khán giả sẽ có cơ hội để trở lại với thói quen thưởng thức nghệ thuật trực tiếp, chính điều này đã tạo cú hích cho đời sống nghệ thuật phát triển vô cùng đa dạng. Nhà hát Múa rồi trung ương tìm đến những chất liệu văn học dân gian, lịch sử để dàn dựng vở diễn, Nhà hát Giao hưởng- Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng có cách làm tương tự. Một dự án mới – vở “Ballet Kiều” đã được hình thành, dự kiến ra mắt khán giả thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 và Hà Nội vào tháng 8. Với 3 phân đoạn và 15 phân cảnh, các nghệ sĩ sẽ đem đến không gian giàu chất thơ, trữ tình và khắc họa nét tiêu biểu, đặc trưng của các nhân vật trong Truyện Kiều qua ngôn ngữ ballet giàu biểu cảm, thấm đẫm văn hóa Phương Đông. Biên đạo múa Tuyết Minh đã không giấu được tự hào về những dự báo thành công của vở diễn cho biết, phong cách sáng tác của ê kíp thể hiện những thứ phức tạp nhất, quy chuẩn nhất theo cách diễn đạt giản dị. Tôi tin khán giả Việt từ giới trẻ cho tới người lớn tuổi, những người ngoài nghề và trong nghề đều sẽ hiểu, cảm được trước hết là tâm huyết, năng lượng tích cực qua vở diễn.

Cảnh trong vở “Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam

Thường thì bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào cũng có ngôn ngữ đặc thù và ẩn chứa những thông điệp riêng qua từng tác phẩm nghệ thuật khi muốn chuyển tải đến người xem (nghe). Và người tiếp nhận cũng vậy, chính họ cũng sẽ có những kênh riêng để cảm nhận về sản phẩm nghệ thuật mình thưởng thức. Nhưng tựu chung lại, khi tác phẩm nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao về giá trị Chân - Thiện - Mỹ, thì viễn cảnh “hữu xạ tự nhiên hương” quả thực rất gần trong tầm tay. Và đó cũng  chính là sự thành công và trông đợi của các đơn vị nghệ thuật, nhà hát.

Quay trở lại với những hoạt động mang tính chất kích cầu hoạt động nghệ thuật biểu diễn của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du vừa qua cho thấy, sự kết hợp giữa đơn vị chủ quản với các đoàn nghệ thuật, nhà hát trong những thời điểm cụ thể sẽ mang đến những bước chuyển tích cực trong đời sống nghệ thuật. Lấy một ví dụ nhỏ về việc các lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du, mỗi người đặt mua 10 vé xem vở kịch nói Bệnh sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam mở màn cho sự trở lại của các đơn vị nghệ thuật sau mùa Covid-19 hồi cuối tháng 5 vừa qua, cho thấy sự chung tay của nhà quản lý, đơn vị nghệ thuật sẽ tạo cú huých để khán giả trở lại với sân khấu, thưởng thức những sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Và điều nay cũng góp phần gỡ khó cho sân khấu truyền thống vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khán giả.

Nguồn Văn nghệ số 23/2020


Có thể bạn quan tâm