April 27, 2024, 1:52 am

Sáng tác mỹ thuật trong cơ chế thị trường: Đâu là đích đến?

 

Theo thống kê của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, mỗi năm Bộ cấp khoảng 1000 giấy phép cho hoạt động triển lãm nghệ thuật các loại trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, một nửa trong số đó thuộc về lĩnh vực mỹ thuật. Đây được cho là một tín hiệu đáng mừng trong đời sống mỹ thuật trước sự phát triển và cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, có một thực tế đang khiến giới mỹ thuật nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung lo lắng, cảm thấy bất an chính là những triển lãm phản cảm, hiện tượng  “rửa lý lịch”  tranh (chỉnh sửa tranh, thay đổi các chỉ số ngày, tháng năm, chữ ký trên tranh), ngày một xuất hiện nhiều hơn, đã và đang đặt ra yêu cầu phải xem lại quy trình cấp phép sao cho thực chất hơn để kịp thời nắn chỉnh những lệch chuẩn trong đời sống mỹ thuật hiện nay.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo từng thẳng thắn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mỹ thuật Việt Nam... dậm chân được tại chỗ đã là may. Ảnh Imh hoạ. Nguồn Internet

Ý tưởng hay ngẫu hứng sáng tác

Tháng 11 năm 2012, triển lãm cá nhân có tên Đơn sắc của hoạ sĩ Vương Tử Lâm diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Việt (42 Yết Kiêu, Hà Nội) thu hút đông đảo giới họa sĩ và công chúng yêu nghệ thuật thủ đô. Sự quan tâm không chỉ bởi tên tuổi hoạ sĩ Vương Tử Lâm trong làng mỹ thuật, mà còn bởi những ồn ào trước và sau triển lãm, do đây là lần đầu tiên có một họa sĩ thực hiện triển lãm chỉ toàn các bức tranh trên khung hình tròn lên đến 120 cm đơn sắc đỏ, đen, vàng, hoặc đơn sắc lơ, đơn sắc trắng… Lại có những tác phẩm là sự kết hợp của nhiều chất liệu, nhiều cách tạo hình trên tấm voan tròn như Mê lộ V, Ánh sao I… Hay Hình vuông nhân tạo và Vuông trong tròn là hai hình tròn đơn sắc nâu đất nhưng để lại nhiều ấn tượng bởi tác giả đã dùng đất và keo, cùng những đường vẽ trừu tượng làm nên bức họa. Tại thời điểm diễn ra triển lãm, ngay trong giới nghiên cứu đã có những tranh luận trái chiều. Trong khi giới phê bình mỹ thuật, tiêu biểu hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng đánh giá cao ý tưởng và sự kiên định nghệ thuật của hoạ sĩ Vương Tử Lâm trong đó có việc dùng sự đơn giản để vẽ tranh trừu tượng và tạo ra những tác phẩm vừa lý trí vừa gây xúc động, thì trái với quan điểm của giới nghiên cứu, công chúng yêu nghệ thuật lại tỏ ra hồ nghi, thậm chí đặt câu hỏi về tính nghệ thuật trong những tác phẩm được chọn trong triển lãm. Chưa kể không ít ý kiến còn cho rằng những bức tranh của Vương Tử Lâm không có gì đặc biệt nếu như không muốn nói là trẻ em cũng có thể vẽ được.

Sau triển lãm tranh của hoạ sĩ Vương Tử Lâm, triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người với khoảng 131 mẫu vật cơ thể người thật đã được nhựa hoá có mặt tại Tp. Hồ Chí Minh đầu tháng 7/2018 tiếp tục hâm nóng đời sống nghệ thuật với đa số ý kiến cho rằng, triển lãm không những không có giá trị về nghệ thuật, không tạo ra những rung động giác quan cần thiết mà một tác phẩm nghệ thuật theo nghĩa hẹp và một triển lãm nghệ thuật theo nghĩa rộng cần có, trái lại tạo cho người xem sự kinh hãi về chính những gì thuộc về cơ thể con người khi được phơi bày trước bàn dân thiên hạ chỉ vì mục đích kinh tế, nhưng lại được phù phép bởi hai từ nghệ thuật. Chưa dừng lại ở hai triển lãm gây nhiều tranh cãi về yếu tố nghệ thuật hay kinh tế nói trên, cũng trong năm 2018,  tại  Hải Phòng, người ta đã dựng lên 12 con giáp bằng đá “khỏa thân” ở khu du lịch Hòn Dáu. Ngay lập tức họ phải ra sức bảo vệ những giá trị nghệ thuật của 12 bức tượng trước dư luận xã hội và giới phê bình mỹ thuật. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi 12 bức tượng được thêm “phục trang” để che bớt những phần được cho là nhạy cảm… Chính những tranh luận để đi đến đúng sai, và khi thấy sai thì sửa của những người trong cuộc đã đẩy sự việc đi xa hơn, hướng dư luận chú ý đến mục đích kinh tế của những người trong cuộc (hoạ sĩ và Ban quản lý khu du lịch Hòn Dáu) hơn là yếu tố nghệ thuật của những bức tượng phồn thực.

Những ồn ào của mỹ thuật chưa nguôi lắng thì một trào lưu vẽ tranh Bích hoạ, vẽ tranh tường, tại nhiều tuyến phố, khu đô thị xuất hiện trên hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước đã và đang khiến những người hoạt động mỹ thuật chân chính lo ngại hiện tượng nghiệp dư hóa mỹ thuật. Và câu hỏi đặt ra: Có hay không sáng tác mỹ thuật chạy theo thị hiếu người xem?  Và khi mỹ thuật mang yếu tố thị trường thì đâu là đích đến?

 

Đổi mới để hướng đến chuyên nghiệp

Với triển lãm Đơn sắc, hoạ sĩ Vương Tử Lâm cho rằng, ông hướng đến sự thay đổi thị giác cho triển lãm. Những khối hình với dây trói gợi cho người ta về sự đóng gói, cất đi: Tôi cất đi những khối lập phương, những đường thẳng, để mở ra không gian của những hình tròn. Còn với Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người hay “12 con giáp…” đến tranh bích hoạ đường phố chỉ với mục đích là thoả mãn nhu cầu nhìn của công chúng, nếu như không muốn nói thẳng ra là mục đích làm kinh tế. Trên thực tế, triển lãm Sự bí ẩn… đến 12 con giáp đều thu vé vào cửa. Điều đó đồng nghĩa với những khoản lợi nhuận không nhỏ đã được rơi vào túi của các cá nhân và tổ chức liên quan.

Trước những sự kiện nói trên, công chúng yêu hội hoạ thấy mình bị lừa, những người hoạt động nghệ thuật chân chính thấy mình bị xúc phạm khi mỹ thuật đang bị tầm thường hoá, còn giới quản lý thì cho rằng đã có lỗ hổng trong cấp phép, thẩm định tác phẩm nghệ thuật trước khi được đưa ra triển lãm, làm giảm uy tín của mỹ thuật Việt Nam. Đơn cử như mới đây triển lãm của họa sĩ Tạ Tỵ đã không thể diễn ra theo đúng như kế hoạch vì bị “treo” giấy phép. Trong đó, nguyên nhân là trong số 19 tranh xin triển lãm (hội đồng đã xem trực tiếp tại tư gia) thì có 5 được cho là có chữ  ký mới và 2 tranh không có chữ ký của hoạ sỹ Tạ Tỵ. Việc tranh giả, tranh nhái hoành hành trong đời sống mỹ thuật lâu nay không phải hiếm, nhưng “rửa lý lịch” cho tranh thì lại là câu chuyện mới. Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành lo ngại, rất khó để phát hiện ra tranh thật, tranh giả nếu bức tranh đó đã được người ta cố tinh “rửa lý lịch”, vì lâu nay công tác thẩm định tranh chủ yếu là dùng bằng mắt thường dẫn đến việc khó xác minh được 100% tác phẩm là thật hay giả. Nhưng khi phát hiện ra thanh giả thì công tác xử lý cũng vô cùng nan giải do thiếu những chế tài cụ thể. Ở một góc độ khác, đề cập đến quan niệm sáng tác và xu hướng nghệ thuật trong đời sống mỹ thuật hiện nay, hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam ghi nhận: thị trường mỹ thuật nên hiện nay đang hình thành những tổ chức hoạt động, sáng tác theo nhóm, lứa tuổi dựa trên phong cách nghệ thuật, chất liệu… đây là một tín hiệu đáng mừng cho mỹ thuật Việt Nam, mở ra thời kỳ mới mới cho mỹ thuật trong cơ chế thị trường, thúc đẩy các nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo nhằm cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Thực tế, việc quan tâm đến kỹ thuật, chất liệu và những đề tài thị trường cần tuy không phải là xu hướng chủ đạo trong đời sống mỹ thuật hiện nay, nhưng không phủ nhận đó là dòng chảy mạnh nhất, chi phối thị trường mỹ thuật. Nhân vật trung tâm của mỹ thuật không phải là những “tấm gương bình dị cao quý”, đề tài “chiến tranh cách mạng” mà chính là phong cảnh, chân dung, tĩnh vật… hướng đến phục vụ thị hiếu công chúng. Chính vì vậy, trong Mục tiêu phát triển ngành mỹ thuật đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động mỹ thuật, với trọng tâm xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động mỹ thuật. Tuy nhiên,  theo nhiều chuyên gia, thì định hướng xã hội hoá thế nào, đến nay vẫn là bài toán khó. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo từng thẳng thắn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, mỹ thuật Việt Nam... dậm chân được tại chỗ đã là may. Ông còn lấy dẫn chứng, trong khi nở rộ số lượng thì rất nhiều tác phẩm “vẽ nhăng nhít”, thiếu chiều sâu. Nói là cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tác phẩm, nhưng thực tế số bảo tàng, triển lãm mỹ thuật quá ít ỏi, tranh tượng chen nhau san sát như... trong kho. Nói là cần bảo tồn nghệ thuật truyền thống, nhưng thực tế cái gọi là “truyền thống” của mỹ thuật Việt Nam đang ngày càng mai một.

 Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, cho dù các cuộc triển lãm lớn của cá nhân, của nhóm được tổ chức, đặc biệt là sự kiện triển lãm mỹ thuật toàn quốc tổ chức đều đặn năm năm một lần nhưng sự đổi mới trong sáng tác, tạo dấu ấn trong mỹ thuật chưa nhiều. Đổi lại, những bê bối từ nạn đạo tranh, sửa lý lịch cho tranh lại trở nên nghiêm trọng khiến cho niềm tin của công chúng trong nước nói riêng, người yêu hội hoạ quốc tế nói chung giảm sút. Nhà phê bình mỹ thuật lão thành Trần Thức từng chua xót thừa nhận: Tranh Việt Nam đang mất uy tín đến nỗi khi đưa ra các hãng đấu giá nước ngoài không những bán giá thấp mà còn bị lưu ý: “Cẩn thận kẻo mua phải đồ... dỏm!”.

E ngại, thậm chí bất an sợ mua phải tranh giả tại các cuộc đấu giá, hay tại các gallery là tâm lý có thật của những người yêu hội hoạ hiện nay. Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin cho tranh Việt vẫn còn là bài toán khó.  Đó là việc hành lang pháp lý còn thiếu đồng bộ nên chưa tạo điều kiện cho nền mỹ thuật phát triển hết khả năng. Ngoài ra, công tác nghiên cứu lý luận, phê bình còn chưa theo kịp với thực tế phát triển và những vấn đề mới đặt ra. Vấn đề giáo dục mỹ thuật trong các trường phổ thông và xã hội còn nhiều bất cập. Chưa kể còn thiếu sự hợp tác để bảo vệ quyền tác giả khi bị đạo tranh giữa các hoạ sĩ còn lỏng lẻo dẫn đến nạn ăn cắp bản quyền trong mỹ thuật không có dấu hiệu dừng lại.

Và điều đó cũng trở thành nỗi trăn trở của những hoạ sĩ chân chính luôn đau đáu với sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Dù đã bước qua tuổi 70 nhưng con đường chuyên nghiệp hóa nền mỹ thuật Việt Nam vẫn chưa tìm được đích đến, và vì vậy vẫn còn là đường xa vạn dặm.

Nguồn Văn nghệ số 29/2019

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm