April 26, 2024, 11:25 am

Friedrich Schiller, biểu tượng của tài năng và khí phách

 

Khi giới thiệu các tác phẩm của Friedrich Schiller - nhà viết kịch và nhà thơ kiệt xuất ở thế kỷ thứ XVIII, Paul Fritzländer, một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử văn học Đức, đã khẳng định: “Rồi đây, nhân loại tiến bộ sẽ nhìn nhận Schiller như một trong những tiền nhân vĩ đại nhất của mình, bởi vì, các trước tác của ông không biết đến biên giới là gì. Chúng đã sáng chói ở nước Nga, ở tất cả các nước châu Âu. Chúng sẽ chinh phục được sự hâm mộ của toàn thế giới…”.

Điều mà Fritzländer “tiên đoán”, đã thành sự thật. Ở Việt Nam ta, ngay từ những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, tên tuổi và tác phẩm của Schiller đã được nhiều người biết đến. Từ thập kỷ 60 đến nay, nhiều vở kịch của ông lần lượt được dịch ra tiếng Việt và trình diễn ngay giữa những ngày nhân dân ta đang tiến hành cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược. Những tên cướp, Wilhelm Tell, Âm mưu và tình yêu…là những tác phẩm trở thành quen thuộc đối với đông đảo độc giả và khán giả Việt Nam.

Schiller, với những cống hiến vĩ đại trong sáng tạo nghệ thuật và những quan điểm tiến bộ, đã cùng Goethe noi gương G.E.Lessing xây dựng nên nền văn học cổ điển Đức. Tên tuổi của hai bậc vĩ nhân này dường như bao giờ cũng được đặt cạnh nhau, hệt như bức tượng sừng sững của hai ông ở Weimar và trở thành biểu tượng sáng chói của nền văn học Đức. Schiller kém Goethe 10 tuổi, nhưng đã phải qua đời trước Goethe 27 năm. Sự ra đi quá sớm của ông, cho đến nay, vẫn được coi là một tổn thất to lớn đối với sự phát triển văn học của cả một dân tộc. Nhưng, điều ấy không thể nào tránh khỏi, bởi vì, 46 năm đời ông là cả một quãng thời gian chồng chất những thử thách để vượt qua đói nghèo, bệnh tật. Trong hoàn cảnh ấy, trái tim ông vẫn luôn luôn hừng hực ngọn lửa chiến đấu chống độc tài phong kiến. Từ một thiếu niên, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, ông luôn luôn hướng tới cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, tới phẩm giá con người, tới tự do của các dân tộc. Với tuổi 20, ông cho ra đời tác phẩm Những tên cướp. Ông nói: “Tôi sẽ viết một cuốn sách mà bọn đao phủ phải lập tức đốt đi!”. Khi đem in vở kịch này, Schiller cho vẽ thêm ngoài bìa con sư tử với hai chữ In Tirannos (chống bạo quyền). Không những cuốn sách bị đốt đi, mà tác giả của nó cũng bị bắt bớ, tống giam trong tù ngục. Lịch sử văn học và sân khấu Đức còn ghi rõ: Vở kịch Những tên cướp của Schiller lần đầu tiên được trình diễn vào đêm 13 tháng Giêng 1782 tại thành phố Mannheim, đã trở thành sự kiện gây chấn động sâu sắc đời sống sân khấu Đức thời đó. Cũng từ đêm tháng Giêng mùa đông này, nói đến Mannheim là nói đến Schiller. Bởi vì, trước đó, ở Đức chưa hề có một sự kiện sân khấu bùng nổ như thế với nội dung mới mẻ, vở kịch được trình diễn, nhà hát “giống như một nhà thương điên, những con mắt trợn tròn, những bàn tay nắm chặt, những tiếng la hét của khán giả”. Họ không quen biết nhau, vậy mà trong cơn “điên loạn”, họ đã nức nở ôm lấy nhau. Phụ nữ gần như sắp bị ngất, chệnh choạng bước ra cửa !

Chứng kiến sự kiện này, Schiller và bạn ông - nhạc sĩ Andreas Streicher - vô cùng xúc động. Họ đã bí mật tới đây sau khi trốn trường thiếu sinh quân của công tước độc tài Karl Eugen. Đó là nơi mấy năm qua Schiller cùng bè bạn sống trong môi trường ngột ngạt, nặng nề. Nhưng, nó lại cũng là những năm dưới ánh đèn lờ mờ, ông đọc Shakespeare, Goethe, Voltaire, Rousseau…, cả kịch và thơ, từng bước nạp năng lượng cho bao ý tưởng đang bừng khởi để dâng hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật bất hủ.

Từ thời điểm này, tài năng và khí phách của ông trở thành cái gai vô cùng sắc nhọn trước mắt bộ máy thống trị phong kiến. Ông bị chúng đối xử hết sức lạnh lùng, hà khắc và bạc bẽo. Ông bị giam 14 ngày, cấm không được viết “hài kịch” và “các thứ đại loại như thế”. Tác giả bị giam hãm và đe dọa, song ngoài đời, ở khắp miền tây nam nước Đức đã xuất hiện các nhóm “tướng cướp”, lẩn trốn trong rừng sâu, bàn cách cướp tài sản của bọn phong kiến quí tộc chia cho dân nghèo. Trốn khỏi nơi tù ngục, từ đó Schiller phải sống lang thang, nay đây mai đó trên những nẻo đường giá lạnh từ Stutgart đến Bauerbach, trong núi rừng heo hút Thüringen. Vậy mà, thật kỳ diệu, ông vẫn sáng tác, cho ra đời những vở kịch ngày càng làm rạng rỡ nền sân khấu Đức. Nếu vở Fiesco đem lại vinh quang mới cho ông, được chính phủ Pháp lập tức trao danh hiệu “Công dân danh dự của nước Pháp” thì Âm mưu và tình yêu, như lời Franz Mehring (1846-1919), nhà nghiên cứu lịch sử và văn học mác - xít đầu tiên của nước Đức (sau Marx và Engels), “đã đạt tới đỉnh cao cách mạng mà những vở kịch của giai cấp tư sản trước đây không bao giờ đạt được và sau đó cũng không thể đạt được”. Còn Engels đánh giá đấy là vở kịch “có khuynh hướng chính trị đầu tiên của sân khấu Đức”. Một tờ báo có uy tín đương thời cho in chữ lớn: “Nếu chúng ta mong đợi một Shakespeare của Đức ra đời, thì người đó đã xuất hiện rồi đấy!”.

Từ năm 1794, sau nhiều trở ngại về quan điểm sáng tác, Schiller thực sự gắn bó mật thiết với Goethe trong một tình bạn chiến đấu cao cả. Hai ông cổ vũ, khích lệ nhau trong sự nghiệp sáng tác và hoạt động nhằm xây dựng một nền văn hóa dân tộc. Chính trong 10 năm này, Schiller hoàn thành những tác phẩm lẫy lừng như vở kịch bộ ba: Wallenstein, Doanh trại của Wallenstein, Piecolomini Cái chết của Wallenstein. Ngược lại, Schiller cũng tích cực cổ vũ và đóng góp công sức với Goethe để hoàn thành vở kịch Faust bất hủ mà Goethe đã bỏ dở trong nhiều năm.

Năm 1799, Schiller đến sống hẳn tại Weimar cùng với Goethe, Wieland và Herder làm nên “bộ tứ” tiêu biểu nhất của nền cổ điển Weimar, vừa làm giáo sư sử học trường Đại học Tổng hợp Jena, thay Goethe trực tiếp lãnh đạo nhà hát quốc gia Weimar, ông vừa tiếp tục nghiên cứu triết học, mỹ học, sử học. Đối với ông, lĩnh vực sử học đã đem lại một niềm say mê đặc biệt. Với nhà soạn kịch vĩ đại và nhà thơ kiệt xuất này, lịch sử không phải là cái gì đã qua, đã nguội lạnh, mà là cả một bếp than hồng âm ỉ cháy dưới lớp bụi của thời gian. Từ các sự kiện lịch sử, ông tìm ra những chủ thể có ý nghĩa trọng đại đối với thời đại ông. Và, điều quan trọng bậc nhất là ông nhận ra khả năng to lớn của nhân dân, sự chính nghĩa và những vẻ đẹp của nhân dân. Dù là khai thác lịch sử của Thụy Sĩ, Hy Lạp, Pháp hay một nước nào khác, trước sau Schiller cũng chỉ sáng tác vì tương lai của đất nước mình, dân tộc mình, vì Tự do và Bác ái. Cho nên, đằng sau những vở kịch ấy, Maria Stuart hay Nàng trinh nữ thành Orleans, Vị hôn thê của Messina hay Don Carlos…người ta nhận thấy những nhịp đập rộn ràng của trái tim Schiller nóng bỏng, đầy nhân ái, một tấm lòng nồng nhiệt chống phong kiến quý tộc. Năm 1985, trong dịp sang thăm miền Tây nước Đức, nhà thơ Chế Lan Viên đã thông báo cho các bạn văn hóa ở xứ sở này biết rằng, chúng ta đã từng biểu diễn các vở kịch của F.Schiller trong phiên họp lớn của Quốc hội nước ta. Ông nói: “Nhà viết kịch cách ta trên 200 năm trở nên hiện đại những năm 70, 80 ấy của thế kỷ này chỉ vì trên chính trường thế giới lại xuất hiện những âm mưu giết chết những Luise, những Ferdinant…”

Ở nước ta, người đặc biệt hâm mộ và dành phần lớn cuộc đời mình sáng tác theo gương Schiller chính là Thế Lữ, nhà thơ và nhà hoạt động sân khấu xuất sắc. Ông và con trai ông, nhà đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, đã có nhiều công lao trong việc dịch tác phẩm và dàn dựng một số tác phẩm ưu tú của Schiller, giúp công chúng Việt Nam có điều kiện hiểu biết sâu sắc nhà viết kịch của thời Bão táp và xung kích này.

Có lẽ, đỉnh cao của sự nghiệp Schiller là tác phẩm Wilhelm Tell, ra đời một năm trước khi ông vĩnh biệt cõi đời này. Tác phẩm được đánh giá là “bản anh hùng ca về tinh thần bất khuất và hành động anh hùng”. Romain Rolland, người mà Schiller hâm mộ, kính phục từ thuở thiếu thời, đã nhận xét: “Tôi tin rằng, nền nghệ thuật nhân dân chưa sáng tạo được một nhân vật nào vĩ đại như Wilhelm Tell, một người khổng lồ Đức, một lực sĩ mơ mộng, quyết định chậm chạp, sức lực tiềm tàng, trong đó tư tưởng và tình cảm nằm lặng lẽ như mặt nước hồ uy nghi mà cơn gió thoảng qua chỉ khẽ gợn sóng. Nhưng, một khi sóng đã nổi lên thì hóa thành biển cả”.

Với đỉnh cao này, độc giả và khán giả chúng ta càng trân trọng quá trình sáng tạo, phấn đấu liên tục, không ngừng nghỉ của một nghệ sĩ, một chiến sĩ cách mạng - người mà tâm hồn và tư tưởng, tài năng và khí phách mỗi ngày một nở rộ, sáng chói, thể hiện qua các hình tượng văn học bất hủ. Từ Karl Moor đến Ferdinand, từ Don Carlos đến Wilhelm Tell… tất cả các hình tượng ấy đều là Schiller, chính là Schiller, “người chiến sĩ đã phá tan cái nhà ngục Basti tinh thần để xây dựng lại lâu đài tự do”. (H.Heine). Nhà soạn kịch vĩ đại ấy, cũng chính là nhà thơ trữ tình kiệt xuất được dân tộc Đức vô cùng yêu thích. Chính là ông, Friedrich Schiller, đã cất lên những lời thơ rực lửa, như Gửi niềm vui (1785), được nhạc sĩ thiên tài Beethoven phổ nhạc, làm rụng động mọi thời đại:

Hỡi triệu triệu con người, hãy ôm lấy nhau

Ta gửi cái hôn này cho toàn nhân loại!”./.

 


Có thể bạn quan tâm