March 19, 2024, 1:37 pm

Chống gian lận thi cử, sao mãi vẫn loay hoay

Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa tổ chức Hội nghị gặp gỡ cung cấp thông tin cho báo chí về công tác chuẩn bị và hình thức tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT, sử dụng kết quả cho xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng sẽ được lựa chọn cho năm 2019. Theo đó, Bộ sẽ tiến hành bốc thăm chọn cách phát đề, phân công giám thị tại các điểm thi, phòng thi… Đây được cho là giải pháp hữu hiệu có thể tránh được gian lận thi cử, bởi theo đại diện của Bộ Giáo dục & Đào tạo, mọi quy trình, máy móc có hiện đại và kỹ lưỡng đến đâu thì việc đảm bảo an toàn, khách quan cho kỳ thi vẫn lệ thuộc vào yếu tố con người. Điều này hoàn toàn không sai, nhưng lỗ hổng trong thi cử không thể lấp đầy bằng máy móc, đặt giám thị vào thế bị động, mà phải bằng chính việc nâng cao đạo đức công vụ của những người cần cân nảy mực trong mỗi kỳ thi…

Ảnh Minh hoạ. Nguồn Internet

Bốc thăm chọn cách phát đề, phân công giám thị

Theo ông Mai Văn Trinh, cho dù giải pháp kỹ thuật, quy trình tổ chức thi có chặt chẽ đến đâu thì việc đảm bảo an toàn, khách quan cho kỳ thi vẫn lệ thuộc vào yếu tố con người. Cũng vì thế nên ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, sẽ tăng cường vai trò của trường đại học, cao đẳng. Theo đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ điều động các trường đại học, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. Trong từng khâu của công tác tổ chức thi, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên trường đại học, cao đẳng được tăng cường và quy định cụ thể hơn. 

Công bằng mà nói, công tác chuẩn bị và phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, sử dụng kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng luôn là mối quan tâm hàng đầu của hết thảy các gia đình có con em trong giai đoạn học cấp ba và lớp 12 cuối cấp. Quan tâm là bởi năm nào Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng có những cải tiến trong thi cử, thậm chí cải tiến đến cả phút chót khi các em đã hoàn tất công tác đăng ký các nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Như, được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng/ thí sinh hay 30% điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng sẽ được cộng từ việc xét tuyển học bạ của thí sinh v.v… Thế nên, không có gì là sôc khi những phản ứng dây truyền của dư luận xã hội ngày một gay gắt hơn không chỉ trước những thay đổi của Bộ Giáo dục & Đào tạo mà còn là tinh thần tiếp thu, khắc phục những sai sót xảy ra trong mỗi kỳ thi cử.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng cường các câu hỏi mở, câu hỏi có tính ứng dụng để phát huy sáng tạo của học sinh chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn.

Đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi có tác dụng phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ công tác tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Các câu hỏi được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài

Bộ tăng tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh sử dụng để xét tốt nghiệp THPT, thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây) để tăng ý nghĩa, tính chất của Kỳ thi THPT quốc gia

Đành rằng, thi cử rất cần sự đổi mới, một mặt có thể đáp ứng yêu cầu  một phần trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, một mặt có thể cung cấp chuyên gia, lao động chất lượng cao cho thị trường lao động khu vực và thế giới. Tuy nhiên với cách làm của Bộ Giáo dục & Đào tạo hiện nay khiến dư luận không khỏi bất an về sự lúng túng trong tổ chức các kỳ thi quốc gia, về sự loạy hoay trong chống gian lận thi cử.

Trước quyết đinh bốc thăm hình thức phát đề, bốc thăm để phân công giám thị coi thi, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đưa ra sáng kiến lắp camere tại phòng thì và khu vực chấm thi để tránh gian lận thi cử… Và đây là giải pháp tình thế được coi là tối ưu trong chống gian lận thì cử. Thực tế có chống được không? Xin thưa là không, nếu những giám thị đã mang trong họ những hợp đồng nhắc bài, làm sai lệch kết quả thi với giá trị kinh tế rất lớn, thì không ai có thể ngăn cản họ, bởi có quá nhiều lỗ hổng để họ có thể thoát tội.

 

Siết chắt giám sát chống gian lận thi cử

Theo đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, quy định về tập huấn, thanh tra, giám sát năm nay được quan tâm. Trong đó Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ mời cơ quan công an tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là gian lận công nghệ cao. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường theo hướng người làm công tác này phải hiểu rõ quy chế, quy trình, gắn với trách nhiệm cụ thể; tăng cường sự tham gia của cán bộ am hiểu, có nghiệp vụ về công tác thanh tra, có tinh thần trách nhiệm đến từ các trường đại học, cao đẳng.

Một quy trình khép kín trong công tác thi và chấm thi đã được hoàn thiện, và được khẳng định là có thể hạn chế thấp nhất việc gian lận trong thi cử. Tuy nhiên những lo lắng chưa phải đã hết, bởi những bài thi tự luận như Văn học, bài thi năng khiếu tại các trường tổ chức thi riêng như Báo chí, khối ngành mỹ thuật, kiến trúc, điện ảnh… không có sự can thiệp của máy móc, việc chấm thi chính là giảng viên các trường đại học, hoặc chuyên viên  các Sở giáo dục chịu trách nhiệm rất khó tránh khỏi cảm tính… Chưa kể việc ra đề thi hiện nay được khuyến khích theo xu hướng mở để kích thích sự sáng tạo của thí sinh… không ai có thể dám chắc sẽ không có tiêu cực xảy ra.

Và như vậy thì công tác chống gian lận tthi cử rên diện rộng của Bộ Giáo dục & Đào tạo tưởng như đã chi tiết đến từng công đoạn trong cả một quá trình tổ chức thi chẳng  hoá ra đã bỏ qua một mắt xích quan trọng khiến cho những nỗ lực của Bộ trở thành xôi hỏng bỏng không.

Tại hội nghị trước những băn khoăn của báo chí, lành đạo Bộ khẳng định, sẽ chấm lại những bài thi có điểm cao bất thường ở những môn thi tự luận, nhưng chắc rằng đã gian lận thi cử thì không ai tự xưng “ông ơi tôi ở bụi này” mà chấm những bài thi tự luận điểm số 9, 10. Bài học về gian lận thi cử của mùa thi năm 2018 vẫn còn đang trong quá trình xử lý, thì không ai dại gì mà tự đưa mình vào vòng lao lý. Suy cho cùng, chống gian lận thi cử, có lẽ nên làm từ gốc chứ không thể chỉ làm phần ngọn như hiện nay. Làm từ gốc nghĩa là nói không với bệnh thành tích, là đặt học sinh ngồi đúng lớp, và cuối cùng là nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ nhà giáo để họ đủ dúng khí nói không với tiêu cực, giữ vừng môi trường sư phạm trong sạch và lành mạnh.

 

Nguồn Văn nghệ số 21/2019

 


Có thể bạn quan tâm