March 19, 2024, 10:23 am

Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

 

9h sáng nay 20/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội; dự kiến kỳ họp thứ 7 diễn ra trong 20 ngày và bế mạc vào 14/6.

 

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội; dự kiến kỳ họp thứ 7 diễn ra trong 20 ngày và bế mạc vào 14/6

Theo đó, tại phiên khai mạc, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, các đại biểu sẽ nghe đại diện Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Chiều cùng ngày, Quốc hội làm việc về ngân sách nhà nước năm 2017; việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, phiên khai mạc, đại diện Lãnh đạo Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Tiếp đó. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Trước đó, tại phiên hợp báo thông tin về kỳ họp thứ 7, ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm Văn phòng quốc hội cho biết  tại kỳ họp này Quốc hội  sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, đồng thời thông qua nội dung 2 chuyên đề giám sát đã được UBTV Quốc hội thống nhất tại các kỳ họp trước .

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, theo Quyết định của UBTVQH và đề nghị của Chính phủ, cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 7 có sự điều chỉnh. Cụ thể, đề nghị bổ sung vào chương trình 4 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, 3 dự án Luật được đề nghị rút khỏi chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, để tiếp tục hoàn thiện.

Ngoài ra, rút Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2018 để chuyển sang báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 cùng với Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Đến nay, các dự án, dự thảo trình Quốc hội đều đã được UBTVQH cho ý kiến, trong đó có dự án Luật được trình UBTVQH đến 2 lần. 2 dự án Luật đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Đối với 8 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, 2 dự án trình tại phiên họp tháng 3/2019, còn 6 dự án và các nội dung về giám sát chuyên đề, chương trình giám sát của Quốc hội được trình tại Phiên họp thứ 33 của UBTVQH.

Đối với chương trình giám sát, UBTVQH thống nhất lựa chọn 2 nội dung chuyên đề để trình Quốc hội lựa chọn vào Kỳ họp thứ 7. Đó là, “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em”; “việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”. Quốc hội sẽ chọn 1 trong 2 nội dung này để tiến hành giám sát tối cao. Nội dung còn lại sẽ giao cho UBTVQH thực hiện việc giám sát.

PV


Có thể bạn quan tâm