April 26, 2024, 7:03 am

Fake news và “Bồ tát mạng”

Trong những thập kỷ gần đây, nhân loại đã được thụ hưởng những thành tựu diệu kỳ của khoa học công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đã cho ra đời hệ thống intenet và không gian mạng làm thay đổi sâu sắc cả về lượng và chất, mang lại lợi ích và sự phát triển chưa từng có cho xã hội loại người. Một thành tựu là nó mang đến cho con người biên giới dân chủ rộng hơn rất nhiều.

Nhưng thực tế cho thấy rằng sự bùng nổ của công nghệ cũng đã tạo ra một “thế giới ảo”, luôn tiềm ẩn những nghi ngờ, những rủi ro. Trùng trùng những quan hệ ảo được thiết lập trên không gian mạng, nhất là các mạng xã hội, tạo nên một sự ngang bằng giữa thực và giả. Trong kho tàng tài nguyên khổng lồ cũng như hệ thống công cụ mạng quá nhiều ưu việt cho con người luôn có những lực lượng ẩn nấp sẵn sàng lợi dụng và đánh cắp. Không gian mạng đã vô tình vừa trở thành công cụ cho họ tiến hành hoạt động ‘’bất hợp pháp’’ vừa là nơi ẩn náu. Trong những hoạt động ấy, mối nguy hại lớn nhất là tin giả (fake news). Fake news không chỉ phủ sóng thường xuyên, dày đặc mà còn có tốc độ lan truyền ghê gớm. Tần suất, mức độ tin giả ngày càng gia tăng. Những luận điệu xuyên tạc, kích động, lừa đảo, phát ngôn tự do thô tục... tràn ngập không gian mạng xã hội. Tin giả đã trở thành vấn nạn và là mối lo ngại trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ, nhất là intenet và các mạng xã hội thì tin giả cũng phát sinh ngày càng nhiều. Tin giả bủa vây hầu hết các lĩnh vực đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Ngoài các nhóm, tổ chức hoạt động có tổ chức, có chỉ đạo, phần đông còn lại là những hành vi của cá nhân, tập trung vào các hành vi đưa tin giả lừa đảo, làm nhiễu loạn thông tin, làm rối loạn trật tự xã hội, gây nên sự hoang mang cho người dân và cộng đồng. Số này xuất hiện ngày càng nhiều và càng nguy hiểm.

Một dạng nữa là mang giọng điệu từ tâm, từ thiện, giả danh đạo đức, chính trực, khóc mướn thương vay... Trên không gian mạng số này được gọi là “bồ tát mạng”.

Những “bồ tát mạng” này được chia thành hai nhóm. Một nhóm luôn tỏ ra là tinh hoa, cấp tiến, cái gì cũng biết, đa phần là những tư tưởng cực đoan. Đây được coi là những đối tượng nguy hiểm nhất, gây ra sự hoang mang trong xã hội và dẫn dắt không ít những người cả tin, những người thiếu thông tin và những kẻ a dua.

Hành vi của nhóm đối tượng này thường là lên giọng “dạy đời”, cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết, cái gì cũng đúng, chỉ đạo từ lãnh đạo nhà nước đến các cấp, các ngành... Động cơ tung tin giả của đám này có nhiều mục đích và rất phức tạp, bao gồm chính trị, kinh tế, văn hoá... bỉ bôi xúc phạm, bóc phốt, dìm hàng, vu cáo, hạ uy tín cá nhân, tổ chức...

Đặc biệt mỗi khi có các sự kiện chính trị lớn, các chính sách mới ban hành thì tin giả của nhóm này xuất hiện dày đặc và cực kỳ phức tạp. Điều đáng nói là có cả một vài tờ báo chính thống cũng không dưới một lần tin và đưa tin theo fake news mà bỏ qua kiểm chứng. Có những nhà báo cũng đưa fake news lên mạng xã hội với mục đích không trong sáng và rất thiếu trách nhiệm xã hội, thậm chí có những nhà báo còn lợi dụng mạng xã hội để tống tiền, lừa đảo. Rất buồn là trong nhóm “bồ tát mạng” này lại có khá nhiều người có học, có trình độ.

***

Thứ hai là nhóm “bồ tát mạng” chuyên giả nhân giả nghĩa, lợi dụng lòng tin của mọi người để lừa đảo, trục lợi. Hành vi của nhóm “bồ tát mạng” này thường nhắm vào các sự kiện xã hội, những hoàn cảnh, những hoạn nạn thiên tai...để nhân danh thiện nguyện, từ thiện, lôi kéo, quảng cáo, bán hàng... không minh bạch. Đặc biệt là những sự kiện bão lũ, hoả hoạn và nóng nhất là đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Tôi đã giật mình giữa đêm khuya khi điện thoại nảy tin nhắn “anh ơi, vừa có một thông tin Bs Khoa đã rút ống thở của mẹ mình để cứu một thai phụ sinh đôi...”. Tôi đã không trả lời tin nhắn. Thế nhưng, sáng hôm sau trên mạng xã hội đã dày đặc tin này với vô số những cảm thán; “Bs Khoa, tôi nợ anh một cuộc đời” hay “một vị thánh xuất hiện giữa đời thường”...

Ngay và luôn, những fake news này view tăng chóng mặt. Vô số “bồ tát mạng” nhảy vào “tung hô và khóc thương” rồi quay qua trách móc, chửi bới chính quyền, chửi ngành Y tế đã không quan tâm, không kịp thời và chửi chính ‘’Bs Khoa” kia là kẻ bất hiếu.

Một ví dụ khác: trong khi hàng ngàn người dân đang khốn khổ di chuyển khỏi vùng dịch, ngay lập tức xuất hiện một tài khoản giả danh từ thiện, với giọng rất “bồ tát” kêu gọi quyên góp tiền ủng hộ bà con chạy dịch. Không cần kiểm chứng, lòng tốt và sự cả tin của một số người đã được kích hoạt và gửi tiền vào tài khoản đó. Quá nhanh, quá nguy hiểm, rất may là cộng đồng mạng đã nhanh chóng phanh phui sự thật.

***

Trên thực tế có một số văn nghệ sỹ cũng bị cuốn vào ma trận fake news trên mạng xã hội, để rồi vội vàng đưa ra những phán xét và ý kiến khi chưa kiểm chứng nguồn tin. Mỗi văn nghệ sỹ ngoài tầm ảnh hưởng chung thì đều có một lượng công chúng riêng yêu mến và tin cậy. Chính vì vậy mà mỗi khi họ lên tiếng hoặc đưa tin thì sức lan tỏa trong cộng đồng là rất lớn, đồng thời hiệu ứng đa chiều rất khó kiểm soát.

Giữa mê cung thật giả ấy thì việc tiếp nhận những thông tin chưa kiểm chứng là rất dễ xảy ra, nhất là gặp phải những fake news chạm đúng vào tình cảm, vào ẩn ức và vấn đề của cá nhân đang quan tâm, dễ gây nên phản ứng tức thời mà chưa kịp kiểm chứng.

Bởi thế, tiếng nói của văn nghệ sỹ trên thế giới mạng cần được cân nhắc rất kỹ lưỡng, vì nếu bị fake news dẫn dắt thì hậu quả năng nề hơn nhiều lần so với những người khác. Đặc biệt, nếu chính một người là văn nghệ sỹ lại tạo ra fake news thì tác hại của fake news đó đối với cộng đồng sẽ tệ hại đến như thế nào.

Cho dù những văn nghệ sỹ như thế chỉ là một con số vô cùng nhỏ nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng vẫn có nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sỹ...đã lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng vào tính nặc danh và lan truyền khủng khiếp của “thế giới ảo” để toan tính những ý đồ cá nhân thiếu tích cực như: công kích, bỉ bôi, tô vẽ cho mình, dìm kẻ khác và thậm chí là ăn cắp sản phẩm sáng tạo của người khác, lừa đảo và trục lợi, thiếu trách nhiệm xã hội và tinh thần tôn trọng, xây dựng tổ chức của chính mình.

Những người đó có thể họ hiểu được hành vi hay tiếng nói lạc lõng của họ chả giải quyết được gì, nhưng phần thì do “ngáo danh”, phần thì chỉ để thỏa mãn cái tôi hẹp hòi và đố kị của mình. Có thể nói họ cũng thuộc về nhóm “bồ tát mạng”.

***

Tất cả các hành vi phát tán tin giả đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm và trên thực tế đã bị xử phạt rất nhiều, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức độ vi phạm và tần suất tin giả trên mạng xã hội hiện nay vẫn xuất hiện dày đặc, số “bồ tát mạng” vẫn ngày càng nhiều. Điều đó cho thấy, các qui định về mức xử lý và xử phạt chưa đủ sức răn đe, khống chế. Trách nhiệm xã hội và đạo đức vẫn bị đám “bồ tát mạng” xem nhẹ.

Để hạn chế tin giả và những chiêu trò lừa đảo, dẫn dắt của những “bồ tát mạng” trên mạng xã hội, đối với mỗi cá nhân không có gì tốt hơn là bằng sự thông thái, cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin, bằng sự tử tế và thái độ trách nhiệm xã hội của mỗi người. Kinh nghiệm cho thấy, để không bị lừa bởi các tin giả, tốt nhất hãy: nghi ngờ mọi thông tin không chính thống khi tiếp nhận, kể cả người thân và thần tượng của mình, bởi rất có thể chính người thân và thần tượng cũng bị kẻ xấu hack tài khoản.

Về phía các cơ quan quản lý, truyền thông cần cập nhật, minh bạch thông tin, đồng thời đẩy kịp thời, đầy đủ thông tin lên tất cả hệ thống truyền thông và tận dụng thế mạnh của các mạng xã hội. Người dân luôn cần có thông tin. Vì thế khi thông tin chính thống đã đầy đủ, minh bạch và cập nhật kịp thời thì chắn chắn sẽ hạn chế được tin giả và người tin vào fake news. Còn nếu không, họ sẽ đi tìm thông tin trên mạng xã hội. Rồi từ đó, chính họ là người tự nguyện truyền những fake news tới cộng đồng.

Nguồn Văn nghệ số 37/2021


Có thể bạn quan tâm