April 27, 2024, 7:26 am

Dương khí Vân Đình

Tôi tìm đến ông theo lời hẹn. Một nhà nghỉ tư nhân. Phòng ông ở có ban công ngó xuống phố cổ Hà thành. Nghĩ lạ bởi ông thuộc diện quốc khách của Nhà nước Việt Nam thì thiếu chi nơi trú ngụ sang trọng ở các khách sạn nhiều sao?

 

Ông Dương Nghiệp Bảo - Bernard Donge (Phải) và tác giả

 

Ông đến Hà Nội với tư cách kiêm 2 VIP của Ngân hàng phát triển Châu Á, Asian Development Bank (ADB) và Tổ chức Ngân hàng thế giới (WB) để dự một cuộc họp quan trọng. Tôi chả tường lắm cung cách nhân sự ở hai cơ quan quyền lực như ADB, WB. Và năng lực phải thế nào ở cái tuổi bát thập thì người ta mới lưu giữ ông ở các cương vị trọng như vậy? Tỷ như cái chức Tổng Thanh tra ADB phải được sự đồng thuận của 64 quốc gia thành viên. Ở một thời điểm cách đây đã hơn mười năm, lãnh đạo Ngân hàng của 64 quốc gia đã nhất trí bầu ông Dương Nghiệp Bảo, còn có tên là Bernard Donge giữ chức Tổng thanh tra ADB. Khó mà đong đếm định hình được những quyền uy của cái chức Tổng thanh tra ấy. Một chuyên viên cao cấp ngành ngân hàng đã cắt nghĩa cho tôi, cái quyền lẫn trách nhiệm của vị trí Tổng thanh tra là có thể đàn hặc cả ông Chủ tịch ADB! Đàn hặc thì rậm nghĩa. Nhưng đại loại là có thể bắt bẻ kiểm soát chi phối này khác!

… Âm thanh lánh lót luyến láy của giai điệu ca trù ngân nhè nhẹ từ phòng trong không rõ đã bao lâu nhưng khi tôi đến ông mới vòng vào cho dừng.

Có lẽ ông thích ca trù, một loại hình nhạc dân gian Việt? Ấy là phỏng đoán thế? Ý nghĩ chợt đứt đoạn khi ông giang hai tay ra với cái cười hào phóng. Nào tôi có thể giúp gì được nhà báo đây?

Tôi thoắt lúng túng… Cương vị ông, tầm cỡ ông chắc từng can dự vào vô số các cuộc phỏng vấn này khác. Ông đang có mặt ở Việt Nam với sứ mạng gì vậy? Ngạch tài chánh và ngân hàng Việt đang cần cú hích cần kinh nghiệm gì ở ông? v.v… Vâng có lẽ chỉ phải tuế tóa và tàm tàm tạm đại loại thế cho xong cái yêu cầu hành chính của thủ tục một cuộc gặp, một cuộc phỏng vấn. Nhưng giai điệu ca trù vừa nãy đã ngoặt câu hỏi, nói đúng hơn là sự tò mò của tôi sang hướng khác.

Đầu tiên là sự tò mò… Mà sao ở độ tuổi bát thập, với vóc dáng thanh nhẹ, vị quan chức ADB ngó như mới sáu mươi? Ông cười cởi mở luôn rằng hồi trẻ ông ốm đau liên miên bởi nhiều bệnh. Mà lại vướng cái nghề phải đi khắp thế giới. Nội vài ngày thay đổi mấy múi giờ đã khốn lại còn đeo thêm bệnh tật. Chọn nghề hay nằm bẹp đây? Bạn bè đã cứu ông bằng việc dẫn ông đến một ông thày Thiền ở Ấn Độ. Chả phải bùa ngải nhiêu khê huyền bí gì mà chỉ bớt chút thời gian để chăm chú đằm mình vào động thái của Thái cực quyền của Yoga và tu tập Thiền. Có thể là hợp tạng hợp căn, kết hợp với vài bài thuốc khác, một thời gian sau, sức khỏe ông khá, tốt hẳn lên!

Lại thêm một ngạc ngạc nhiên nữa? Cái con người vóc dáng mảnh mai dong dỏng này lại là một võ sư?  Tại sao không? Ông cười… Trang câu chuyện, được biết thêm hiện ông có một lớp dạy võ bên Hoa Kỳ!

Tôi níu ông trở lại những âm thanh sênh, phách… hồi nãy. Bất ngờ ông hỏi cái độp, anh biết Tào Mạt chứ?

Thoáng chút giật mình… Tào Mạt? Vị quan chức ADB này quen biết hay liên quan gì đến Tào Mạt, một người viết, một thi nhân một thư pháp gia độc đáo?

Âm thanh xô bồ một chiều muộn Hà thành dường như được hãm bớt khi lọt vào căn phòng trong ngõ phố cổ này. Mà ở đó đã bặt vắng đi những thóc mách những tò mò về nghiệp vụ ngân hàng. Về những kềm chế lạm phát, về câu chuyện lãi suất Việt Nam đồng cùng những nghiệp vụ thanh tra tài chánh quốc tế này khác. Mà âm hưởng chủ đạo là chất giọng trầm nhưng nhẹ của ông…

Ông đương nhắc đến vùng quê Vân Đình mà ông nói là cố hương đất tổ. Vân Đình không chỉ địa danh mà người xa xứ thường hay nhắc nhớ đến sản vật đến đặc sản tiết canh vịt cỏ hãm giỏi, đánh khéo có thể xâu lạt mang đi. Hoặc là khoản thịt chó thui rơm người Vân Đình có thể chế ra bảy món chỉ trong một nồi hấp! Mà là đất Vân Đình của họ Dương thời xa vắng. Vân Đình của những Tiến sĩ Dương Khuê có em là Dương Lâm (1851-1920), từng giữ chức Phó Tổng tài Quốc sử quán nhà Nguyễn, đến Dương Thiệu Tường, cháu nội cụ Dương Lâm đậu Tiến sĩ khoa thi hội cuối cùng thời Khải Định. Thảng thốt hóa ra người ngồi trước tôi đây là cháu nội cụ Dương Thiệu Tường! Trong số các cháu nội của hai ông (Dương Khuê và Dương Lâm) có những người nổi tiếng, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thiệu Tống…

Chất giọng như trầm hơn như mê đi khi ông nắc nỏm đến tài hoa của tiền nhân Dương Khuê, tác giả của hàng trăm khúc ca trù nổi tiếng mà cái khúc mới văng vẳng hồi nãy chỉ là trích đoạn! Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư Nguyễn Khuyến khóc bạn Dương Khuê có câu thú vui con hát lựa chiều cầm xoang. Sênh phách ấy từng bao phen ngả nghiêng nhiều thế hệ người thưởng ngoạn. Cụ Dương Khuê còn nằm trong nhóm tứ chi văn danh giá. Chả là có 4 văn nhân nổi tiếng, sống cùng thời, mỗi vị cứ như là thứ vưu vật của tạo hóa? Tỷ như Dương Khuê được gọi là Thần tiên chi văn - Văn chương của bậc thần tiên. Thứ nữa, cũng là bậc danh sĩ đất Vân Đình Ứng Hòa như Nguyễn Thượng Hiền với danh xưng Kinh bang tế thế chi văn - Văn chương của bậc kinh bang tế thế. Rồi Vũ Phạm Hàm xứng danh Cử tử chi văn -Văn chương mẫu mực của người đi thi.  Sau nữa là Chu Mạnh Trinh người đời gọi là Tài tử chi văn -Văn chương của khách tài tử…

(Nghe ông vừa nhắc đến Chu Mạnh Trinh, thốt nhiên người đâm nổi gai ốc. Số là cái thời trí nhớ hẵng còn nghiêm ngắn chưa xô lệch lẫn lộn vì những cơn cớ này khác, tôi với một ông bạn viết từng thi nhau nhớ và đọc thông làu Đề vịnh truyện Kiều của tài tử Chu Mạnh Trinh. Bây giờ chỉ còn lõm bõm…)

Hai anh em Dương Khuê, Dương Lâm từng để lại cho hậu thế, cho những trực hệ tiếng thơm này khác. Những cụ Nghè Dương Thiệu Tường, đỗ Tiến sỹ năm 1919, Tiến sỹ Giáo sư, nhà nghiên cứu giáo dục Dương Thiệu Tống, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước... Bây giờ bên tôi đây là người cháu nội cụ nghè Dương Thiệu Tường.

Đang nói dở cái đoạn ông tự dưng nhắc nhớ đến Tào Mạt? Chuyện với ông mãi bây giờ tôi mới biết thêm chi tiết. Nghệ sĩ Tào Mạt có một tuổi thơ một thuở hàn vi tất tả. Nhà nghèo, cậu bé Nguyễn Duy Thục (tên khai sinh của Tào Mạt) từ cậu bé rồi chàng trai Nguyễn Duy Thục đến cái bút danh Tào Mạt đến đại tá NSND Tào Mạt là cả một câu chuyện dài (Tào Mạt là võ sĩ nước Lỗ thời Đông Chu liệt quốc. Võ sĩ nhưng rất trí lự và mưu lược. Cái mưu lược cùng sự thông tuệ đã gây dựng gìn giữ được giang sơn cho nước Lỗ và cả nhà Tề sau này). Chuyện ấy nhiều người đã tường. Nhưng chi tiết ông nhắc về Tào Mạt lần đầu tôi được nghe là thế này.

Nhà nghèo nên cha cậu bé Nguyễn Duy Thục phải đi làm gia nhân cho nhiều gia đình có máu mặt. Vân Đình lại khá gần đất Thạch Thất xứ Đoài quê của Nguyễn Duy Thực. Cậu bé Thục được cha cho theo về làm gia nhân hầu hạ trong một dinh thự của họ Dương Vân Đình. Mà dinh thự ấy chính là của cụ Nghè Dương Thiệu Tường.

Ông chỉ mang máng người lão bộc tận tụy có tên tục là Ngao. Người lão bộc có mang theo cậu con trai gầy còm nhỏ thó khi ấy chỉ nhỉnh hơn cậu bé Bảo vài tuổi. Cậu bé con trai ông Ngao ngó lanh lợi lại sáng dạ. Nhiều năm hai cha con có nhiệm vụ coi sóc ngôi nhà thợ họ Dương tại Vân Đình. Có phải sắc màu, ngữ nghĩa của những bức đại tự câu đối trong ngôi nhà nhà tổ cùng những đêm ca trù hồng hồng tuyết tuyết đã ám vào tuổi thơ Nguyễn Duy Thục để sau này cùng với cái tài tự học, Nguyễn Duy Thục trở thành nhà thư pháp nổi tiếng? Và nữa, nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa Tào Mạt đã rất nhuần nhuyễn khi vận những âm điệu ca trù vào bộ ba tác phẩm chèo Bài ca giữ nước lưu danh hậu thế? Mỗi lần theo cha mẹ về thắp hương và dự hát ở nhà thờ họ là cậu Bảo tình cờ giáp mặt với cậu con trai của người lão bộc tận tụy... Đâu như chỉ một lần duy nhất, đôi bạn thời thơ ấu đã có dịp nhận ra nhau và chuyện cùng nhau trong một cuộc gặp tình cờ khi Tào Mạt đang mắc trọng bệnh

Trong câu chuyện lúc đứt nối, tôi nhớ mình đã vuột miệng đụng đến cơn cớ vì sao ông không theo tiền nhân lấy lại tên lót cũ có chữ Thiệu? Cái tên lót của dòng họ Dương danh giá ấy hàm nghĩa là tốt đẹp là tiếp nối. Từng có câu “khắc thiệu cơ cừu” nghĩa là nối được nghiệp của ông cha. Nhưng hiện giờ ông là Dương Nghiệp Bảo, có tên Tây là Bernard Donge! Hiện ông mang quốc tịch Pháp nhưng lại định cư ở Hoa Kỳ. Thầm nghĩ cái tên Dương Nghiệp Bảo của ông cũng là đích đáng là phải nhẽ? Giữ gìn cái nghiệp quý báu của tiên tổ của họ Dương lại cũng chẳng đích đáng sao?

Thoáng ánh nhìn bỗng chốc trở nên vời vợi của người ngồi chuyện, tôi chợt giật thột bởi tự dưng vô cớ dền dứ đến cái khúc nhôi không dễ chi mà bộc bạch, nhất là với tôi, người mới quen mới biết? Và chắc là để cho phải phép kiểu lái câu chuyện sang hướng khác ông chỉ thủng thẳng loáng thoáng vài chi tiết…

 Hồi tao loạn những năm đã ngái xa ấy, ông phải rời đất Bắc vào Nam rồi được lựa đi học tại Học Viện Ngân hàng Anh quốc. Lại sang Hoa Kỳ học tiếp ngành ngân hàng lấy tên Tây Bernard Donge. Lần hồi một thời gian, Bernard Donge được chọn sang Phi Luật Tân để trực tiếp làm việc tại trụ sở Ngân hàng Á Châu ADB. Vị chuyên gia tài năng từng là tham vấn của WB có một lúc lại thoắt thành nhà xã hội học khi phân tích cho tôi tường thêm rằng tại sao các cơ quan tài trợ lại chọn chuyên viên Việt Nam làm cho các dự án phát triển của họ ở Phi Châu? Tại sao các nước Phi Châu thích… chuyên viên Việt Nam hơn? 

Khi tới đây, chủ đích của người làm nhật trình là tôi muốn tò mò muốn tìm hiểu, muốn viết về nhân vật Dương Nghiệp Bảo - Bernard Donge, như trong thông cáo báo chí của ngành ngân hàng. Về người đã từng làm việc cho nhiều nước Phi Châu với tư cách tham vấn của Ngân Hàng Thế Giới (2000-2010) như Madagascar, Benin, Morocco, Côte d'Ivoire, Senegal, Togo, Ghana, Burkina Faso… Và nữa, ông từng vinh dự nhận 3 giải thưởng của World Bank: 2 giải thưởng cá nhân (về công tác tại Phi Châu 2000 và 2006), và một giải thưởng đồng đội, vì đã tham dự chương trình cải tổ tài chánh công tại Việt Nam năm 2000-2005. Chương trình này được chọn là Dự án có nhiều ảnh hưởng nhất trong các dự án của World Bank trên toàn thế giới năm 2008.

Nhưng chuyện nối chuyện, tôi có cảm giác như ông chả muốn vân vi muốn cụ thể thêm những việc những chi tiết thành đạt ấy? Mà ông đang say sưa bộc bạch một Dự án của chính mình?

Ông đang nói ngôi nhà thờ họ Dương Vân Đình được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2008 ấy! Thời điểm đó, theo lời thân phụ, cụ đã cao niên tuổi cửu tuần, con trai của cụ Nghe Tiến sĩ Dương Thiệu Tường sống đang ở Paris cho gọi ông con tới. Cụ thân rành rẽ với ông con về một cuốn tộc phả họ Dương còn đang khiếm khuyết nhiều chỗ mà lâu nay chưa có dịp bổ cứu. Lại nữa, cụ thân cũng bộc bạch, khép mở chút tâm sự là giá như có một cuốn riêng hệ thống lại dòng ca trù tài tử họ Dương Vân Đình thì quý quá!

Đã lâu cụ muốn vậy, muốn thế. Nhưng ao ước ấy của người con họ Dương đất Vân Đình với thân phận ly hương không dễ? Nhưng cụ đã đặt kỳ vọng ấy vào người con trai từng thành đạt cái ngạch nhà băng quốc tế. Ơn giời, như có ơn Tổ tiên họ Dương mách bảo, người con cụ lại có chút duyên với tiên tổ cũng như lúc nào cũng sẵn sàng chia xẻ tâm sự nỗi hoài cổ nhớ nước, nhớ tổ họ Dương với người cha già. Cụ hy vọng vào chuyến đi về cố quốc, về Vân Đình sắp tới của ông con trai.

Việc sở làm và cả việc nước quốc gia đại sự ông đã hoàn tất một cách mau chóng trong chuyến trở lại Việt Nam. Lại được phép dôi dư ra ít ngày về Vân Đình và vài nơi khác để tất bật chu tất những việc còn khiếm khuyết trong cuốn tộc phả như cha già căn dặn. Chất giọng hoan hỉ khi ông hé cho tôi một việc sở đắc trong chuyến vấn tổ tầm tông về Vân Đình vừa rồi là đang nhờ vài văn nhân giúp cho cái việc để biên soạn cuốn tạm gọi là Dương gia thi cùng giai thoại. Cuốn ấy tập hợp những sáng tác của thi gia họ Dương vùng Vân Đình cùng những câu chuyện quanh tác giả và những tác sáng tác ấy! Ông nói có lẽ phải nhanh nhanh bởi thời gian gấp ruổi. Phải có những thứ gia bảo ấy cho con cháu hậu duệ họ Dương.

Để xúc tiến việc mà ông nói vui là tiến hành… dự án, ngoài sự sốt mến cụ thể của những soạn giả, tác giả dưới sự điều hành trực tiếp của ông có lẽ còn phải cậy nhờ vào những thứ may mắn khác nữa…

Chả hạn như dự án này lại có cả sự thuận vợ thuận chồng. Có lẽ một câu chuyện dài sẽ được thuật lại vào dịp khác về người vợ của ông. Bà quê ở Bần Yên Nhân. Hai thân phận di cư ấy đã tìm thấy phần nửa còn lại của cuộc đời mình ở đất Đà Lạt trong cái năm xa ấy… Và ngần ấy dằng dặc thời gian họ đã may mắn được ở bên nhau. May nữa bà vẫn còn rành thạo tiếng Việt. Bà sẽ là trợ tá đắc lực cho ông…

Lúc chia tay cái người về cố quốc vấn tổ tầm tông và tiếp thêm linh khí họ Dương, mới biết hóa ra duyên do ông không ở khách sạn lớn mà chỉ khiêm nhường ở một phố cổ Hà Thành. Chẳng phải vì lý do tài chánh nào khác. Cái khách sạn tư nhân ông ở rất gần con phố Hàng Gai, nơi những năm xa có mấy nhà của những người anh em họ Dương. Trong đó có ngôi nhà của nhạc sĩ tài danh Dương Thiệu Tước. Mà ngôi nhà ấy ông có dịp lui tới nhiều lần trong những năm còn yên hàn của Bắc Kỳ đã xa lăng lắc. Thuở yên hàn ấy đã đem lại sự tĩnh tâm để tài năng Dương Thiệu Tước thăng hoa với hai ca khúc để đời Tiếng Xưa và Đêm tàn Bến Ngự.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

 

 

 

Ông Dương Nghiệp Bảo - Bernard Donge (Phải) và tác giả


Có thể bạn quan tâm