April 26, 2024, 7:19 pm

Dưới chân núi Súng nhì

                                     

Tôi cùng nhóm bạn đi phượt bằng xe máy lên thăm Cột cờ Lũng Cú trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Đến chân dãy núi Sủng Nhỉ, một dãy núi trông giống như đền Đền Angkor Wat, chúng tôi dừng lại chụp ảnh.

Đang mải mê chụp hình cho nhau, chúng tôi gặp một người đàn bà đứng tuổi, mặc trang phục người Dao rất đẹp, vừa đi vừa lẩm bẩm câu gì đó. Bà ta chìa trước mặt tôi những viên đá nhỏ, rồi hỏi: “Bạc trắng à? Bằng này đã đủ trả nợ chưa?” Tôi thấy lạ, hỏi lại: “Bà nói gì cơ? Chúng cháu không hiểu!”. Người đàn bà nói lại câu lúc trước, rồi bỏ đi.

Lát sau, một người đàn ông người Dao khá già, đi xe đạp đến chỗ chúng tôi. Ông ta bảo: “Bà Pháy bị điên. Các cậu nói chuyện với bà ấy thì có mà hết ngày.” Chúng tôi hơi bất ngờ, vì xưa nay người điên thường ăn mặc rách rưới, trông rất nhem nhuốc, nhưng bà này mặc rất đẹp và sạch sẽ. Ngoại trừ câu nói “Bạc trắng à? Bằng này đã đủ trả nợ chưa?” có vẻ hơi lạ, còn lại không có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy bà ta là một người điên. Tôi thắc mắc điều này, người đàn ông giải thích: “Thực ra bà Pháy bị loạn thần chứ chưa hẳn là điên. Ngày trước bà ấy đẹp nhất vùng này đấy. Bị ép lấy chồng trẻ con để đổi lấy những đồng bạc trắng, bà ấy khổ quá nên thành ra thế này!”.

 

Minh hoạ của Phạm Minh Hải

Vốn tính tò mò, tôi nói với người đàn ông: “Ông kể cho chúng cháu nghe chuyện bà ấy đi!” Ông ta lắc đầu bảo: “Chuyện buồn, kể làm gì cho buồn thêm!”  Tôi nài nỉ: “Nhưng chúng cháu rất thích nghe. Kể đi ông!” Nể chúng tôi, người đàn ông gật đầu: “Thôi được, tôi sẽ kể cho các cậu nghe chuyện về bà ấy”.

                                                              *

…Ông A Nhờ, cha Pháy, hút liền một lúc năm mồi thuốc lào từ chiếc điếu ục to như bắp chân người lớn, thả khói đầy nhà. Nhìn theo làn khói trắng, ông nói với vợ những lời không phải của mình:

- Mẹ Quấy (*) à. Nhà mình phải bỏ Sủng Khề mà đi thôi! Ở đây không sống nổi nữa! Làm hết sức rồi mà chẳng đủ cái ăn!

Bà Sẩu, mẹ Pháy, nhìn chồng lo lắng hỏi:

- Đi đâu mới được chứ? Đến đâu thì vẫn phải làm mà ăn thôi!

- Vào Sủng Ủ. Ở đấy còn nhiều đất, nhiều nước để làm nương, làm ruộng. Mấy hôm trước tôi đi xem rồi. Ở Sủng Khề này cái gì cũng thiếu. Mà người ta thì suốt ngày sang hỏi về mười hai đồng bạc trắng. Tìm đâu ra bây giờ? Tôi chẳng dám nhìn mặt người ta nữa!

Nghe cha nói thế, A Củng, anh trai của Pháy, nói giọng bất cần:

- Người ta cứ đòi mười hai đồng bạc trắng mãi thì tôi trả lại con gái cho người ta. Người quý hay bạc quý mà cứ đòi mãi thế?

- Con không nói thế được. Mình nợ thì phải trả chứ. Con gái người ta đâu phải là con bò, con ngựa mà đem trả lại được!

Bà Sẩu ngồi đờ đẫn như người mất hồn. Đôi mắt nhìn chăm chăm vào ngọn lửa đang cháy rần rật trên bếp, nói nhỏ như thể chỉ để mình bà nghe:

- Con Quấy nhà mình cũng đẹp, cũng khoẻ mạnh, lại biết làm ăn sao lúc nó đi lấy chồng chỉ được người ta trả cho mười lăm đồng bạc trắng? Vợ thằng A Củng có hơn gì con Quấy mà họ đòi những hai mươi đồng? Việc này phải hỏi lại bà mối mới được!

A Nhờ bỗng nổi nóng:

- Còn hỏi cái gì nữa. Mọi việc đã xong cả rồi. Bò nhà mình đã về chuồng nhà người ta. Bò nhà người ta cũng đã về chuồng nhà mình. Muốn thằng A Củng không xấu hổ với nhà vợ nó thì nhà mình phải tìm cách trả hết số nợ mười hai đồng bạc trắng cho nhà họ.

Pháy ngồi bên bếp lửa cắn móng tay. Cô thấy thương chị Quấy, người chị cả xinh đẹp, giỏi giang mà Pháy thường mơ ước lớn lên sẽ giống chị; thấy thương anh A Củng, người anh trai duy nhất trong nhà, khi lấy vợ không đủ số bạc nhà gái thách cưới, phải mang nợ và bị nhà vợ coi thường; thương cha mẹ làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn cứ nghèo đói; thương bà nội già quá rồi mà chẳng mấy khi được miếng ăn ngon! Pháy nhìn ra các nương đá quanh ngôi nhà sàn siêu vẹo của mình. Cô bỗng ước các hòn đá xám kia biến thành những đồng bạc trắng để đem trả nợ cho anh trai, để mua tấm bánh ngon cho bà nội. Pháy càng nghĩ càng thấy lạ cho người lớn. Bạc trắng có ăn được đâu mà nó làm cho người ta khổ vì nó đến thế? Trong thâm tâm Pháy không muốn rời xa cái thung lũng Sủng Khề bao năm gắn bó với gia đình mình. Nhưng cha nói đúng, ở đây khó sống quá! Mùa đông khô kiệt, nước phải tính bằng bát, dùng để ăn uống chả đủ nói gì đến nước tưới cho cây trồng. Cha mẹ Pháy và người dân nơi đây mất biết bao công sức gùi đất, gùi phân bò khô bỏ vào mỗi hốc đá để trồng ngô mà cây ngô vẫn không thể lên nổi vì thiếu nước. Đói ăn dẫn đến túng quẫn, bệnh tật và muôn nỗi khổ khác!

Sủng Ủ nhiều đất, nhiều nước hơn Sủng Khề. Cha mẹ Pháy dựng tạm ngôi nhà, đêm đêm đốt đuốc khai phá ruộng nương trồng ngô, cấy lúa. Nhìn cha mẹ vui, Pháy thấy vui lây. Nhưng sao mẹ gầy thế kia? Lại hay thở dốc như người hụt hơi nữa chứ. Hỏi mẹ, mẹ bảo làm nhiều thì phải mệt thôi. Cố lên mấy năm nữa khi nhà mình nhiều thóc, nhiều ngô, nhiều lợn, nhiều gà thì sẽ có nhiều cái ăn, mẹ sẽ khoẻ thôi mà!

Mẹ Pháy ngày một gầy yếu thêm. Cha Pháy thương vợ, bóp cổ những chú gà dò đem hầm tam thất, nấm hương, thêm cả cao ngựa nữa để tẩm bổ mà mẹ cô vẫn chẳng khá hơn, thậm chí ngày một tóp teo. Rồi bà nằm liệt hẳn không dậy được.

Nhìn mẹ nằm thoi thóp trên chiếc phản gỗ, thân hình tóp teo như một bộ xương, Pháy thấy đau như bị cắt từng khúc ruột. Lời thầy mo Phàn Thống như những mũi kim đâm vào da thịt cô: “Ầy dà, cái con ma này ác quá! Nó ăn vào hết xương thịt của bà Sẩu rồi, không đuổi đi được. Phải để nó rước bà ấy đi thôi!”

Ba hôm trước cha Pháy cưỡi ngựa về tận Lủng Lý đón thầy mo Phàn Thống, nổi tiếng cao tay trong vùng, về làm lễ đuổi tà ma cho vợ. Lễ cúng đuổi ma làm trong một ngày, một đêm với biết bao lễ vật, vậy mà cái con ma ác vẫn không chịu rời bỏ thân xác người đàn bà chỉ còn da bọc xương! Thầy mo bó tay, tức là chẳng bao lâu nữa mẹ sẽ phải đi gặp tổ tiên ở trên trời! Pháy thương mẹ lắm mà không biết cách nào giữ được mẹ ở lại trần gian.

Bà Sẩu thều thào gọi:

- Pháy à! Tổ tiên sắp gọi mẹ đi rồi! Mẹ muốn nói với con một việc…

Pháy lau vội giọt nước mắt lăn dài trên má, sán lại gần nơi mẹ nằm. Cô cầm tay mẹ, cất giọng nghẹn ngào:

- Vâng con đây. Có việc gì, mẹ nói đi!

- Việc này mà không xong thì mẹ đi gặp tổ tiên không nhắm được mắt!

Lời bà Sẩu tắc lại. Tấm thân tàn tạ co rúm lại. Những giọt nước trắng đục từ trong hai hố mắt trào ra. Cố sức lắm bà mới cất nổi lời:

- Anh trai con còn thiếu của người ta mười hai đồng bạc trắng nữa!

- Vâng. Con hiểu rồi. Mẹ cứ nằm nghỉ đi, đừng nghĩ ngợi nhiều cho khổ!

- Con đã nghe mẹ nói hết đâu mà bảo hiểu. Mẹ thương con lắm, con có biết không? - Bà Sẩu nấc lên, rồi lịm đi.

- Con biết rồi. Mẹ không phải nói nữa. Mẹ hãy cố lên! Cha con đang đi Mèo Vúng đón thầy lang về chữa bệnh cho mẹ mà!

Pháy ngồi như tượng gỗ. Cô đưa mắt nhìn về dãy núi Sủng Nhỉ đang cuồn cuộn những đụn mây đen. Mắt Pháy tối lại khi nhìn thấy đàn chim di trú chấp chới bay về phương Nam trước những cơn gió bấc mang đầy hơi lạnh đang thổi hun hút trên bầu trời Sủng Ủ. Pháy đã hiểu được ý của mẹ muốn nói gì với mình. Cô cúi xuống ôm lấy tấm thân tàn của mẹ, nói trong nước mắt: “Mẹ ơi! Mẹ hãy yên tâm, con sẽ làm theo ý nguyện của mẹ!”

 Cha đón thầy lang về bốc thuốc cho mẹ. Bắt mạch xong, ông lang lắc đầu. Mấy ngày sau mẹ theo tổ tiên về trời! Khi mẹ qua đời, cha Pháy lại phải đi vay bò, vay lợn, vay bạc trắng về làm ma cho vợ. Mười hai đồng bạc trắng nợ cũ chưa trả được thì lại mang thêm số nợ mới. Nhìn cha phờ phạc, héo hắt sau đám tang mẹ, Pháy chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong bụng. Gương mặt xinh đẹp, tràn đầy sức sống của Pháy bỗng trở nên u uẩn như những đám mây đen suốt ngày vần vũ trên bầu trời Sủng Ủ.

Một buổi tối, ăn cơm xong, bà nội nói với cha Pháy:

- Bố Quấy à! Cái nợ càng để lâu lại càng khó trả. Chừng nào chưa trả được mười hai đồng bạc trắng cho nhà vợ thằng A Củng thì nó còn khổ vì xấu hổ. Phải lo mà trả đi thôi!

Cha Pháy buồn rầu nói:

- Bà nội Quấy nghĩ xem, nhà mình còn gì nữa đâu mà trả?

- Còn mà. Con Pháy đấy. Nó mười sáu tuổi rồi. Lại đẹp nữa. Gả chồng cho nó, lấy bạc sính lễ bên nhà chồng nó để trả cho bố vợ thằng A Củng là được. Nhà Cháng A Diểu ở bên Mèo Vúng đang đánh tiếng hỏi con Pháy cho thằng A Lầu. Bây giờ A Lầu còn bé, nhưng nó sẽ lớn thôi. Nhà A Diểu giầu có, nhiều của cải, con Pháy về đấy sẽ đỡ khổ. Mình có đòi sính lễ nhiều bạc trắng thì nhà A Diểu cũng có mà!...

Pháy ôm mặt chạy. Lời bà nội đuổi theo sau lưng cô như những mũi lao. Pháy vấp phải vật gì đó trên đường, ngã sóng soài bên bờ vực đá. Đôi mắt cô toé lên muôn vàn ánh lửa. Khi những con đom đóm bay khỏi mắt, Pháy nhìn rõ đôi mắt trên gương mặt hốc hác của mẹ đang mở trừng trừng nhìn mình. “Mẹ ơi! Mẹ hãy nhắm mắt lại đi! Con sẽ làm theo ý nguyện của mẹ. Con sẽ nghe theo lời bà nội!” - Pháy nấc lên, rồi lịm đi…                                             

Bà mối của nhà A Diểu đem đến nhà Pháy ba mươi đồng bạc trắng. Việc đầu tiên A Nhờ làm là đem mười hai đồng trả nợ nhà vợ A Củng. Số còn lại ông trả nợ bò, lợn lúc trước vay làm ma bà Sẩu. Xong việc, A Nhờ nằm vật lên chiếc phản gỗ, thở hắt ra như con lợn bị chọc tiết. Mắt ông nhìn trừng trừng lên mái nhà. Qua đám cỏ tranh thủng lỗ chỗ, ông nhìn thấy bầu trời xám xịt những mây đen! Ông ôm mặt khóc. Trong nước mắt nhạt nhoà, A Nhờ nhìn thấy hình ảnh con Pháy xinh đẹp, mặt buồn khổ như hôm đưa ma mẹ, đi theo thằng A Lầu bé tí tẹo, chẳng khác gì hai chị em, thập thững bước chân về nhà chồng. Ông hộc lên như lợn lòi bị thương. Rồi ông vùng dậy chạy thục mạng đến khu ruộng bậc thang, nơi bà Sẩu đang nằm với đất. Ông ôm lấy mộ vợ, hét lên:

- Mẹ Quấy ơi! Hãy về mà xem, tôi và bà nội đã đem đổi con Pháy để lấy bạc trắng rồi. Thằng A Củng không còn phải xấu hổ nữa. Tôi đã trả xong nợ bạc cho nhà vợ nó. Tôi cũng đã trả xong nợ bò, nợ lợn cho người ta rồi. Nhưng tôi đau  xót lắm! Tôi không thiết sống nữa! Tôi đi theo bà đây!

Khi A Nhờ đưa nắm lá ngón lên miệng, ông bỗng nghe thấy tiếng vợ mình:

“Không được chết đâu bố Quấy à. Ông còn nhiều việc phải làm lắm, chưa đi theo tôi được đâu!” - Lời bà Sẩu như từ một cõi xa xăm vọng về.

- Bố Quấy à, về thôi! Ta cũng có muốn đổi con Pháy đâu. Hết cách rồi mà!

Tiếng bà nội Pháy đánh thức A Nhờ. Ông dụi mắt, nhìn quanh. Chẳng thấy ai ngoài người mẹ già tám chục tuổi, lưng còng gập, thân hình khô khỏng như một bộ xương. Giấu vội nắm lá ngón vào búi cỏ, A Nhờ hỏi mẹ trong sự tủi hổ xen lẫn ngạc nhiên:

- Sao bà nội Quấy biết tôi ở đây? Bà đã lên đây bao giờ đâu mà biết đường? Già thế rồi sao leo được dốc?

- Mẹ Quấy dẫn đường đấy. Thôi về đi! Ở đây lâu chỉ khổ thêm cho mẹ Quấy thôi. - Dứt lời, bà cụ bước thật nhanh như thể đang trốn chạy.

A Nhờ uể oải chống tay đứng dậy, nhao theo cái dáng khòng khòng của mẹ già. Đến đoạn đường khó, A Nhờ bảo:

- Để tôi cõng bà nội Quấy! Bà già rồi còn đi tìm tôi làm gì? Tôi khắc đi thì sẽ khắc biết lối về.

Bóng ông A Nhờ cõng mẹ già ngả dài theo vệt nắng cuối chiều…

A Lầu có cô vợ đẹp nhưng nó chẳng biết đến điều đó, vì nó mới có chín tuổi. Để mặc Pháy ở nhà một mình, lụi cụi làm biết bao công việc của một nàng dâu, A Lầu chạy đi chơi với các bạn ở những khe đá xám. Cái trò chơi trốn tìm trong đá cùng lũ trẻ chăn bò làm A Lầu thích hơn mọi thứ.

Đêm về, người lớn bắt A Lầu ngủ cùng Pháy. Nó khóc, đòi ngủ với mẹ. Pháy dỗ dành, nó không nghe, còn đuổi vợ đi, khiến Pháy phải xuống đất nằm. Những giọt nước mắt tủi hờn của cô thấm ướt cả nền gạch đỏ. Nửa đêm A Lầu thôi khóc, ngủ tít. Khi tỉnh dậy nó bắt Pháy cõng đi đái vì sợ ma.

Cuộc sống của Pháy lặng lẽ trôi đi trong đau khổ. Nhiều lúc cô chẳng biết mình là nàng dâu hay kẻ ở đợ. Đến lúc A Lầu được mười ba tuổi mà nó vẫn chưa hết sợ ma. Đã có lần bà nội bảo Pháy, muốn cho thằng A Lầu sớm thành chồng thì cháu phải dạy nó biết làm cái việc mà người chồng nào cũng phải làm. Nhưng Pháy không thể làm được việc đó, vì A Lầu chỉ là một cậu bé con. A Lầu cũng chẳng màng gì đến vợ. Có đêm ngủ mơ nó ôm lấy Pháy, lùa bàn tay vào ngực cô, miệng gọi: "Mẹ ơi! bú". Cái nghịch cảnh ấy khiến Pháy thấy bức bách vô cùng. Đêm nào cô cũng trằn trọc nghĩ cách thoát khỏi người chồng trẻ con, lại đần đần, đang ngủ lăn lóc bên cạnh mình.

Trước khi bị ép lấy A Lầu, Pháy đã hẹn ước với Cón, chàng trai cùng bản. Chuyện Pháy và Cón thích nhau thì cả cái bản Sủng Ủ đều biết. Ông bà A Diểu cũng biết. Nhưng vì họ muốn lấy Pháy về làm con dâu nên cứ coi như không biết. Ngày Pháy về nhà chồng, Cón bỏ vào rừng, ôm lấy cây nghiến già, ngửa mặt kêu trời. Rừng đáp lại tiếng kêu than thở ấy bằng chính tiếng gào thét tuyệt vọng của anh. Đã mấy đêm Cón định liều lẻn vào nhà A Diểu cõng trộm Pháy đi trốn, nhưng không dám, vì nhà A Diểu có một đàn chó rất dữ tợn! Đã bao lần Pháy trông thấy Cón ở ngoài hàng rào nhìn vào, cô vội chạy đi chỗ khác. Nhiều đêm nhớ Cón không ngủ được, Pháy toan trốn đi. Nhưng biết trốn đi đâu cho thoát cái nợ bạc trắng? Theo tục lệ người Dao quê Pháy, nếu cô bỏ trốn khỏi nhà A Lầu thì không những cha cô phải trả lại người ta ba mươi đồng bạc trắng sính lễ mà còn phải nộp thêm mười đồng bạc phạt nữa! Pháy bỗng thấy căm thù những đồng bạc trắng và cái tục lệ thách cưới khốn kiếp kia. Cô cứ tự hỏi, tại sao người ta lại lấy những đồng bạc trắng để định giá con người như thế? Pháy đem chuyện đó hỏi người già. Người già lắc đầu. Người già còn lắc đầu thì biết hỏi ai đây?

Nghe tin Cón bỏ đi biệt tích, Pháy vào rừng hái lá ngón, đem vào hang toan kết liễu đời mình. Khi Pháy đưa nắm lá ngón lên miệng cũng là lúc cô nhìn thấy cha mình. Cha lặng lẽ bước đến gần Pháy, nói nghẹn cứng:

- Theo tục lệ, nếu con chết vì ăn lá ngón thì nhà chồng sẽ trả xác con về cho cha đẻ cúng ma. Lúc ấy cha lại phải đi vay bạc trắng, vay bò, vay lợn. Nợ cũ chưa trả xong lại thêm nợ mới thì cha biết làm sao đây? Con muốn cha lúc chết không nhắm được mắt hay sao?

Pháy hiểu lời cha nói, vứt nắm lá ngón xuống đất, chạy một mạch về nhà. Cô ốm một trận thập tử nhất sinh. Sau đấy Pháy thành người khác hẳn. Cô bỏ nhà đi lang thang từ bấy đến giờ…

 

                                                     *

Chúng tôi ngồi như hóa đá nghe người đàn ông kể chuyện về bà Pháy. Mắt đứa nào cũng rơm rớm nước.

Tôi nén xúc động, hỏi người đàn ông: “Thời nay sao vẫn còn hủ tục thách cưới cao bằng những đồng bạc trắng và ép duyên vậy ông?”. “Chuyện đó xảy ra cách đây mấy chục năm rồi. Bây giờ không còn cái hủ tục ấy nữa, nhưng hệ lụy của nó thì vẫn còn. Bà Pháy là một trong những người đang phải chịu hậu quả của cái tục lệ khắc nghiệt ấy!”

Bà Pháy bước đến chỗ chúng tôi ngồi, xòe tay chìa ra mấy viên đá nhỏ, miệng lẩm bẩm câu quen thuộc: “Bạc trắng à? Bằng này đã đủ trả nợ chưa?”.

Tôi nói với bà Pháy: “Bằng đấy bạc trắng là đủ rồi, không còn nợ nần gì nữa đâu, bà ạ. Thôi bà về nhà đi!”

Người đàn ông đứng dậy, nói với chúng tôi, giọng thân tình: “Câu chuyện là thế các cháu ạ. Giờ thì ông phải đón bà ấy về. Ông chính là Cón ngày xưa của bà Pháy.”

Khi chúng tôi nhìn theo, chỉ còn thấy lờ mờ bóng ông còng lưng đèo bà trên chiếc xe đạp vẹo vọ, đang chìm dần trong sương.

N.T.B.

_____

(*) Phong tục người Dao và một số dân tộc thiểu số thường lấy tên con cả để gọi tên bố mẹ.

Nguồn Văn nghệ số 44/2018

 

 

 


Có thể bạn quan tâm